“Đi tìm lẽ sống” luôn luôn là nỗi trăn trở của bất cứ ai sống trên cuộc đời này, đi tìm lý do để mình tồn tại, để tìm ra giá trị của bản thân. Nhưng, có mấy ai sinh ra đã biết mình phải làm gì, đã biết mình phải bước đi như thế nào trong cuộc sống đầy khó khăn. Cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của Viktor E. Frankl là một tác phẩm kinh điển mở ra một cách nhìn mới giúp bạn giải đáp những thắc mắc, từ đó tìm ra ý nghĩa cuộc sống của bản thân.
Mặc dù có nhiều tranh cãi xoay quanh liệu pháp ý nghĩa trong cuốn sách, nhưng tác phẩm luôn nằm trong những cuốn sách hàng đầu cho những ai đang loay hoay trên đường đời của mình.
Cuốn sách khắc ghi lại những cảm nhận của Frankl về 3 năm bị giam cầm ở các trại tập trung Auschwitz và Dachau. Tuy không đi sâu mô tả về những đau đớn, những khắc nghiệt mà tác giả đã phải trải qua, nhưng Frankl đã tập trung vào những cảm xúc của mình cũng như của những tù nhân và viết về những bài học, những triết lý tạo nên sức mạnh để ông tồn tại. Khiến người đọc cũng như bản thân tôi hiểu được giá trị của lẽ sống trên cuộc đời quý giá đến nhường nào.
Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi đến ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi. Giờ đây, họ không còn cảm giác thương xót cho những người bị đánh đập dã man, bởi họ biết rằng, vào một lúc nào đó, họ sẽ phải chịu cảnh tương tự như vậy, tất cả những cảm xúc đã trở nên chai sạn. Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.
Trong “Đi tìm lẽ sống”, Frankl kể lại rằng có những tù nhân đã lựa chọn từ bỏ, họ không chết vì đói hay vì bệnh tật, mà họ chết vì cảm thấy không còn hy vọng trong cuộc sống. Họ chọn cách đâm đầu mình vào hàng rào điện, để chấm dứt chuỗi đau khổ mà họ đang trải qua. Nhưng cũng có những tù nhân đã chọn cách đương đầu với thực tại.
Frankl đã phủ định những câu nói trong những cuốn sách y khoa và khẳng định rằng con người có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ có thể tỉnh táo trong nhiều giờ liền mà không ngủ, họ có thể ngủ trong trời đông lạnh giá trên những tấm ván, họ có thể không tắm nhiều ngày nhưng vết thương không bị nhiễm trùng. Hơn nữa, họ còn phải cho những tên lính SS thấy được họ vẫn khỏe mạnh để không bị đưa vào phòng hơi ngạt và kết thúc cuộc đời một cách đau đớn.
Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào. Trong những hoàn cảnh đau khổ nhất, họ vẫn tìm ra cho mình một lý do để sống tiếp, qua những giấc mơ, bằng khát khao được hạnh phúc với gia đình, bằng tình yêu mà họ luôn hướng về. Tình yêu đối với họ không phải là sự hiện thân về thể xác, mà bằng ý chí mạnh mẽ, những người tù đã tự tách biệt tâm hồn mình ra khỏi mọi nỗi đau và hoàn cảnh thực tế, để sống trong nội tâm phong phú và tinh thần họ được tự do.
Sau khi bắt gặp và đọc được quyển sách tôi nhận ra khi tôi đang ở độ tuổi khi đang căng tràn nhựa sống, căng tràn sức sống và cảm giác về sức sống để nuôi dưỡng, phấn đấu và tin tưởng rằng mình có thể làm nên tất cả. Là tuổi có tất cả những điều kiện để những người trẻ tuổi trở nên có nhiều khát vọng để rồi đầy hồ hởi dấn thân trên con đường sự nghiệp của cả đời người. Nhưng có khát vọng, hoài bão thôi chưa đủ. Vấn đề là ở tính hiện thực, tính khả thi của những khát vọng đó. Khát vọng và hoài bão cần bắt đầu từ những khả năng có thực.
Mỗi người đều có quyền mơ ước, nhưng cũng không bao giờ nên vì thế mà mơ ước viển vông, mơ ước những điều không có thực, không bao giờ thành hiện thực. Làm như thế là chúng ta đang phí phạm thời gian, công sức và phí phạm những khát vọng của chính mình.
Mọi khát vọng đều rất đẹp nhưng không phải ai cũng có thể biến những khát vọng của mình thành hiện thực. Nó đòi hỏi một sự cố gắng, nỗ lực lớn của bản thân mỗi người. Nếu bạn đang có một khát vọng, hãy nâng niu và nuôi dưỡng nó để nó có thể thành sự thật. Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu.
“Đi tìm lẽ sống” khẳng định lại nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra được ý nghĩa của bản thân. Có những người đi cả đời cũng không tìm ra được mục đích mà họ được sinh ra, có những người đã tìm thấy ý nghĩa và tạo ra giá trị của bản thân họ mỗi ngày.
Ý nghĩa của cuộc đời không phải dễ để tìm ra, mong rằng, qua những gợi ý của “Đi tìm lẽ sống”, bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ và cách sống, đừng trở thành kẻ vật vờ trên thế gian này.
Bài dự Cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2022