Khi còn công tác ở Đơn vị Chiến lược của Thủ tướng dưới thời cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Gordon Brown, cả Owain Service và Rory Gallagher đều làm việc theo tư duy nghĩ lớn. Từ một trang giấy trắng, họ có thể vạch ra dự án cải thiện bộ mặt của chính quyền địa phương trong vòng mười lăm năm tới. Hai người cũng có thể lập nên đề án cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục nhằm cải thiện thành tích học tập của học sinh.
Đó là những chương trình quy mô lớn, mang tính chiến lược và đem đến nhiều lợi ích. Nhưng khi triển khai thực hiện, có một sự khác biệt rất lớn giữa chiến lược trên giấy và tình hình thực tế. Điều này buộc cả hai phải ngừng nghĩ lớn và bắt đầu nghĩ nhỏ. Đó cũng chính là động lực thôi thúc Service và Gallagher viết nên tác phẩm “Dám nghĩ nhỏ” với sự hỗ trợ đắc lực từ Nhóm Nghiên cứu Hành vi (BIT) - một tổ chức do Chính phủ Anh thành lập vào năm 2010.
Cuốn sách không viết về những người phi thường, mà hướng dẫn cách làm thế nào để tất cả chúng ta có thể đạt được những mục tiêu thường ngày của mình bằng việc thực hiện những thay đổi nhỏ. “Dám nghĩ nhỏ” vận dụng những nghiên cứu mới nhất về khoa học hành vi thông qua hàng trăm công trình nghiên cứu khác nhau về những gì con người thường làm để theo đuổi mục tiêu.
Dưới đây là 3 nguyên tắc đơn giản giúp mọi người dễ dàng hoàn thành các kế hoạch trong cuộc sống.
Đơn giản hóa vấn đề
Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Vanity Fair, cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã giải thích lý do tại sao khi làm việc, ông chỉ mặc những bộ vest màu đen hoặc xanh: “Tôi đang cố giảm bớt số quyết định mà mình phải đưa ra. Tôi không muốn phải quyết định về việc mình sẽ ăn món gì hay mặc đồ màu gì, vì tôi đã có quá nhiều việc cần phải quyết định rồi.”
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp nghĩ nhỏ chính là đơn giản hóa. Nhờ đó, việc thực hiện kế hoạch trở nên dễ dàng hơn, đồng thời bạn cũng không bị các nguyên tắc phức tạp cản trở việc theo đuổi mục tiêu hiệu quả.
Tương tự với ví dụ trên, nếu bạn đang cố giảm cân thì một trong những cách để đơn giản hóa các nguyên tắc ăn kiêng chính là loại bỏ tất cả những món ăn vặt đầy cám dỗ ở nhà và văn phòng của mình, hoặc ít nhất là cất vào chỗ nào đó khuất tầm mắt. Việc phải bỏ công đi tìm đồ ăn vặt thường sẽ khiến bạn không muốn ăn vặt nữa.
Hay nếu đang cố gắng để tập thể dục nhiều hơn thì bạn có thể bắt đầu bằng cách khiến cho việc tập thể dục trở nên dễ tiếp cận và dễ thực hiện hơn, ví dụ như xuống khỏi xe buýt hoặc xe lửa trước một trạm so với thường lệ và đi bộ đến chỗ làm, hoặc chuẩn bị sẵn đồ tập trước khi đi ngủ để khích lệ bản thân chạy bộ vào sáng hôm sau.
Tạo “cú hích” cho bản thân
Một số sinh viên của Học viện Công nghệ Massachusetts MIT được trao quyền lựa chọn: tự đặt cho mình thời hạn nộp tiểu luận, hoặc nộp cùng lúc với tất cả các sinh viên khác vào cuối học kỳ. Nhiều sinh viên đã chọn tự áp đặt thời hạn hoàn thành cho mình, dù điều này có nghĩa là nếu không nộp bài đúng hạn thì họ sẽ bị trừ 1% điểm số mỗi ngày tính từ kỳ hạn đã đặt ra.
Các sinh viên này hiểu rằng thời hạn hoàn thành bắt buộc sẽ tác động tích cực đến khả năng làm bài của mình. Họ đã nhận ra tác dụng của việc tự tạo “cú nảy tới hạn” cho mình. Nhờ vậy, những sinh viên này đã có thành tích vượt trội so với các sinh viên nộp bài theo hạn chót do các giáo sư đặt ra.
Trong cuộc sống hiện tại, chắc hẳn bạn cũng đang sử dụng một số cú hích như thế, chẳng hạn như vặn đồng hồ chạy sớm vài phút để không bị trễ giờ làm, yêu cầu đồng nghiệp phải hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể, cất kỹ hũ bánh quy để nỗ lực giảm cân hoặc sử dụng bánh kẹo để khen thưởng con cái khi chúng cư xử đúng mực.
Chia mục tiêu thành nhiều bước nhỏ
Nghĩ nhỏ không đồng nghĩa với mục tiêu nhỏ. Các tác giả tin rằng nếu muốn đạt được những mục tiêu to lớn thì bạn cần bắt đầu bằng cách nghĩ về những chi tiết nhỏ.
Trên thực tế, khi xác định mục tiêu, đa số chúng ta có khuynh hướng nhắm đến những mục tiêu to lớn nhưng lại không cụ thể. Đó là lý do vì sao bạn cần đề ra những đích đến rõ ràng để xác định bản thân đã đạt được mục tiêu hay chưa, và biết được mình đang ở đâu trên hành trình chinh phục mục tiêu đó.
Những chi tiết “nhỏ” này có vai trò rất quan trọng trong cách tiếp cận. Đó là những gì sẽ giúp bạn thấy được mối liên hệ giữa mục tiêu dài hạn và to lớn với những việc bạn cần thực hiện hằng ngày để theo đuổi mục tiêu đó. Và sự lặp lại trong một bối cảnh nhất định chính là chìa khóa giúp bạn thành công.
Giáo sư Bob Boice - người từng thực hiện nghiên cứu về các học giả trẻ - đã phát hiện ra rằng những người thành công thường là những người chăm chỉ viết “một trang mỗi ngày”. Những người này thường tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình so với những người “viết không ngừng nghỉ” cả ngày lẫn đêm.
Theo lẽ thường, chúng ta hay được khuyến khích nghĩ lớn, vì nghĩ lớn nghĩa là chúng ta muốn đạt được những điều vĩ đại. Tuy nhiên, nếu bạn đã đặt một mục tiêu dài hạn và có tính thử thách nhưng không thể tìm ra cách giải quyết phù hợp đối với những chi tiết nhỏ trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu, thì bạn sẽ không thể nào đạt được mục tiêu đó.
Muốn thành công lớn, hãy dám nghĩ nhỏ.