Chỉ cao 0,7m, nặng 25kg, cơ thể vẹo vọ, chân teo tóp, mọi việc ăn uống, sinh hoạt của Huỳnh Thanh Thảo đều trong tư thế nằm trên giường. Chưa kể, với căn bệnh xương thủy tinh, xương cô có thể gãy bất cứ lúc nào.
Thảo được mô tả là cô gái khuyết tật có nghị lực sống, ý chí kiên cường với nhiều hoạt động xã hội, trong đó phải kể đến việc cô gái chưa từng đến trường ấy lại mở lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo, mở thư viện khuyến đọc.
Ở Thảo còn có một điều vô cùng đặc biệt mà người đối diện có thể cảm nhận được là năng lượng, niềm hạnh phúc, lạc quan về cuộc sống không chỉ nằm ở nụ cười, lời nói mà từ khí chất toát ra ở bên trong.
Gặp Thảo, nhiều người phải đặt câu hỏi: "Vì sao một cô gái trong hoàn cảnh như vậy vẫn có thể hạnh phúc, yêu đời đến thế?".
Trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập thư viện mini Cô Ba - thư viện phi lợi nhuận của Huỳnh Thanh Thảo tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) - diễn ra cuối tuần vừa rồi, thắc mắc trên được Thảo giải đáp.
Thảo ở trên sâu khấu cùng bố mẹ - ông Sáu, bà Sáu. Họ, những người đều đã ở tuổi 70, có gần 40 năm "nâng con như nâng trứng", đồng hành cùng cô con gái khuyết tật ốm yếu bằng tình yêu, sự lạc quan, không một lời oán thán, than thân trách phận.
Thảo nói: "Nhiều năm qua, tôi nhận được nhiều lời khen mạnh mẽ, tài giỏi từ mọi người. Nhưng người thật sự mạnh mẽ và tài giỏi hàng chục năm nay không phải tôi mà chính là bố tôi, mẹ tôi. Sự mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời của tôi đến từ bố mẹ, được truyền từ bố mẹ".
Bà Sáu mẹ Thảo đưa tay quẹt nước mắt. Khi được mời chia sẻ, người mẹ lắc đầu: "Đừng bắt tôi nói gì cả, tôi chỉ biết con mình, mình chăm". Còn ông Sáu, cúi người ôm con gái, hạnh phúc nói: "Bố yêu con!".
Phía dưới, cả trăm người tham dự lễ kỷ niệm là những người trong cộng đồng người khuyết tật, các nhà hoạt động xã hội, các tình nguyện viên... cũng nghẹn khóc. Họ vỡ òa về sức mạnh của tình yêu thương trong gia đình, nhất là với người khuyết tật.
Tham dự buổi kỷ niệm, ông Nguyễn Minh Chiêu, nhà hoạt động cộng đồng ở TPHCM trải lòng, nhiều năm đồng hành cùng người khuyết tật, ông nhận ra không chỉ là những khó khăn về thể chất, rất nhiều người khuyết tật bị tổn thương tinh thần bởi gia đình, người thân.
"Nhiều lắm! Tôi đã gặp nhiều gia đình nhà cửa rất to rộng nhưng đứa con khuyết tật phải ăn ở sau xó bếp. Có bố mẹ bỏ rơi con, có bố mẹ không cho con lên nhà trên vì sợ đen đủi, xui rủi. Hoàn cảnh nhiều người khuyết tật rất đau lòng, đáng thương", ông Chiêu bày tỏ.
Khi ông Chiêu nói đến đây, phía dưới có nhiều tiếng sụt sùi, thút thít.
Nhà hoạt động cộng đồng này chia sẻ thêm, khi biết đến câu chuyện của cô gái Huỳnh Thanh Thảo, ông nể phục nhất chính là... bố mẹ của Thảo.
Ông nói: "Ông bà phúc hậu, thương con hết mực, luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho cô con gái khiếm khuyết của mình. Phải nói rất hiếm gặp bố mẹ như ông Sáu, bà Sáu. Thảo là một đứa trẻ may mắn".
Ông Nguyễn Minh Chiêu cũng cho biết, nhiều năm đồng hành cùng cộng đồng người khuyết tật, ông thường xuyên kêu gọi người thân, bạn bè hãy bớt ăn nhậu, bớt tiệc tùng.
Thay vào đó, mỗi người hãy bước ra ngoài kia nhìn xã hội, nhìn cuộc sống của những người thiếu may mắn xem liệu mình có thể làm được điều gì, góp sức được điều gì cho cuộc đời tốt đẹp hơn.