Xương thủy tinh - 'Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ'

16/10/2019 17:02
Xương thủy tinh - 'Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ'

Anh chàng 'xương thủy tinh' luôn cố gắng hơn 200%, 300% sức lực, phượt khắp mọi miền Tổ quốc, leo 600 bậc đá để lên tới 'nóc nhà Đông Dương' Fansipan.

Vũ Ngọc Anh - chàng trai xương thủy tinh - Video: NAM TRẦN

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 2.

Vũ Ngọc Anh, chàng trai “xương thủy tinh” trở thành người vận chuyển - Ảnh: NAM TRẦN

"Không thể vỡ", anh tự nhủ. Nhưng hơn 150 lần anh tự nhủ, xương vẫn vỡ rồi lại lành.

- Tại sao con sinh ra không giống mọi người?

- Vì con đặc biệt!

32 năm trôi qua, Vũ Ngọc Anh (quê Hải Phòng) vẫn nhớ như in lần đối thoại với mẹ, rằng anh "đặc biệt" chứ không phải "khác biệt".

10.000 giờ làm, bạn sẽ thạo việc. Còn tôi: không sợ vỡ

Từ ngày đặt chân đến thủ đô, anh lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, bởi luôn có người tốt sẵn sàng giúp đỡ. Đến nơi, anh "khoe" vị trí xương tay phải mới lành được vài ngày, nay anh di chuyển xe lăn bằng tay trái.

"Đếm cũng hơn 150 lần gãy. Mình có trách ai không? Thật ra cũng có những lần trách sao số phận mình thế. Nhưng gãy xương với mình quen rồi, không đau lắm nữa. Người ta nói cần trên 10.000 giờ sẽ thành công một việc nào đó. Còn mình thành công trong việc... không sợ gãy xương", Ngọc Anh cười vui.

Ngược dòng thời gian, hồi tám tháng tuổi, Ngọc Anh bị gãy một tay và một chân. Vết gãy lành, lại tiếp tục gãy ở chỗ cũ. Bố mẹ ôm con đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán con bị giòn xương, thiếu canxi. Vài năm sau, Việt Nam mới gọi tên được căn bệnh này là "xương thủy tinh". Cậu nhớ, cậu gãy một chân một tay, gãy hết hai tay hai chân, cứ xương nào dài trên cơ thể va chạm mạnh đều gãy.

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 3.

Dù xuất phát điểm không bằng người khác, Ngọc Anh luôn nghĩ, người bình thường cố gắng 100%, anh sẽ cố gắng 200%, 300% - Ảnh: NAM TRẦN

Năm lớp 9 được một tổ chức từ thiện tặng xe lăn nhưng Ngọc Anh không chấp nhận vì ngại ánh mắt tò mò. Cậu tập tễnh bước đi, bám vào bàn, nương mình theo mép tường, mỏi thì dừng. Gắng tập đi bằng đầu gối, hai bên đầu gối chai cứng hết, cậu chắc mẩm chỗ xương đó cứng rồi không vỡ nữa. Một lần trong tiết học, cả lớp đứng lên chào cô giáo, lúc ngồi xuống Ngọc Anh gãy luôn hai chân... Năm lớp 11, Ngọc Anh mới chấp nhận nhờ chiếc xe lăn.

"Con xin lỗi, lần sau con không như thế nữa" là câu cửa miệng chàng trai "xương thủy tinh" mỗi lần xương vỡ. Xin lỗi vì không nghe lời bố mẹ dặn dò, không chịu ngồi yên, cậu liên tiếp té ngã. Có thể người bình thường áp dụng quy tắc 10.000 giờ để thành công, còn Ngọc Anh mất hơn 11.000 ngày và hơn 280.000 giờ mới quen với nỗi sợ xương vỡ.

"Nay lâu lâu không gãy xương lại... nhớ", chàng trai "xương thủy tinh" Ngọc Anh tếu táo.

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 4.

Ngọc Anh bảo, khi di chuyển, anh gặp nhiều người tốt, luôn được giúp đỡ - Ảnh: NAM TRẦN

Người ta đi bằng hai chân thì mình có thể đi bằng chân, đầu gối, tay... đi từ từ từng chút một. Mình đã làm được những gì mình mong muốn, chiến thắng được bản thân

VŨ NGỌC ANH

Cố gắng 200%, 300% sức lực

Đỗ đại học, Ngọc Anh gấp lại giấy báo, xin bố mẹ cho đi học nghề. Học xong, anh "bén duyên" với sửa điện thoại, máy tính và quyết mở cửa hàng tại nhà. 21 tuổi, anh không chịu ngồi yên, xin bố mẹ cho lên Hà Nội kiếm việc.

"Bố mẹ không cho thì ăn vạ, tôi đưa kế hoạch chi tiết nhất cho bố mẹ yên tâm. Một ngày báo cáo về nhà hai lần. Giờ cả tuần không gọi về nhà, mẹ cũng an tâm", Ngọc Anh chia sẻ. Mãi về sau, anh mới được bố kể hồi con đi học nghề, bố luôn đi theo phía sau để xem con trai có làm được một mình không.

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 6.

“Không thể vỡ”, Vũ Ngọc Anh tự nhủ. Hơn 150 tự nhủ như vậy, xương vẫn vỡ rồi lại lành - Ảnh: NAM TRẦN

Tính ra, Ngọc Anh cũng trải qua 7-8 nghề: sửa điện thoại, sửa máy tính, thiết kế đồ họa, dựng phim, quay phim chụp ảnh, thiết kế website, marketing online, mở quán cà phê. Bươn chải đủ nghề, thú vị nhất có lẽ phải kể đến quay phim, chụp hình. Trong mắt Ngọc Anh, Hà Nội đẹp lắm, lang thang vài ba góc phố quen thôi cũng cho ra những bức hình tuyệt đẹp.

Anh làm quen với nhóm chụp ảnh, có việc họ gọi đi cùng. Với tay máy khác có thể lăn - lê - bò - trườn để chụp, còn Ngọc Anh không làm vậy được. Anh chọn góc đặc biệt hơn - góc nhìn ở chiều cao 1m của mình để cho ra những bức hình cũng đặc biệt không kém...

Ba năm trước, anh chuyển hướng, thành lập công ty vận chuyển ở Hà Nội chuyên nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh hai chiều từ Hà Nội - TP.HCM và đến một số quốc gia khác. Công ty hiện đang tạo công ăn việc làm cho 11 thành viên.

"Tại sao mình chọn nghề vận chuyển? Trước mắt, mình thấy việc này nhiều người cần, như bạn cần gửi một món đồ, lúc đó mình là người trung gian giúp bạn. Tại sao mình ngồi xe lăn mà làm vận chuyển? Để mọi người thấy người điếc có thể viết nhạc, người mù có thể vẽ tranh, thì ngồi xe lăn có thể làm người vận chuyển thôi", Ngọc Anh tâm niệm.

Xuất phát điểm không bằng người khác, Ngọc Anh luôn nghĩ người bình thường cố gắng 100%, phần anh sẽ cố gắng 200%, 300%. Anh luôn đặt bản thân vào thử thách mới để có động lực cố gắng hơn. "Chưa bao giờ mình ngồi im một chỗ", anh quả quyết.

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 7.

Người bình thường cố gắng 100%, Ngọc Anh sẽ cố gắng 200%, 300% - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Xương thủy tinh" phượt khắp Tổ quốc

32 năm làm bạn với bệnh "xương thủy tinh", cố gắng hơn 200%, 300% sức lực, chàng trai trẻ Ngọc Anh còn khiến nhiều người thán phục với đam mê "xê dịch".

Tháng 2-2016, hình ảnh chàng trai bệnh tật leo 600 bậc đá để lên tới "nóc nhà Đông Dương" Fansipan khiến nhiều người cảm phục. Ngày bé không đi lại được, Ngọc Anh chỉ biết lủi thủi ở nhà đọc sách báo, xem tivi với chương trình yêu thích nhất là du lịch, thế giới động vật. "Tôi ước sau này sẽ đặt chân đến những nơi như thế", Ngọc Anh kể.

Hà Nội là nơi đầu tiên anh đặt chân đến. Thường lựa chọn du lịch một mình, anh thừa nhận việc này rất khó khăn nhưng qua mỗi chuyến đi anh đều rút ra kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân. Khó khăn nhất phải kể chuyến đến cột mốc cực đông Tổ quốc. Nắng gay gắt, anh băng qua cồn cát, đi bộ xuyên 3km. Từ ngọn hải đăng, anh tiếp tục đi bằng đầu gối chừng 1km nữa mới chinh phục được cột mốc đặc biệt của Tổ quốc.

Cực bắc Hà Giang, cực đông Khánh Hòa, cực nam Cà Mau, đỉnh Fansipan - 3 cực, 1 đỉnh anh đã đặt chân đến, chỉ còn điểm cực tây ở A Pa Chải, H.Mường Nhé, Điện Biên là anh chưa chinh phục được, nhưng anh tin một ngày nào đó sẽ chinh phục được cột mốc cuối cùng này...

Lâu lâu không gãy xương, lại thấy nhớ - Ảnh 8.

Ước muốn của Vũ Ngọc Anh là chinh phục đủ 4 cực của Tổ quốc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ra mắt Vết nứt

Năm 2014, Vũ Ngọc Anh ra mắt cuốn tự truyện Không thể vỡ về hành trình không đầu hàng số phận, "xương thủy tinh" không chịu ngồi yên mà đi lại khám phá nhiều nơi. Sắp tới, anh tiếp tục cho ra mắt cuốn sách có tên Vết nứt như "chất keo" hàn gắn vết nứt về mặt tinh thần. Anh cũng lên dự án cá nhân tặng 1.000 xe lăn cho người mắc căn bệnh "xương thủy tinh", người không đi lại được.

Nhìn lại hành trình dài nỗ lực, chàng trai "xương thủy tinh" tâm niệm: "Đôi lần cũng nghĩ hay là mình bỏ mặc, mình về đi. Nhưng khi bạn đi quá xa, trở về nơi bắt đầu rất khó, chúng ta vẫn phải tiếp tục đi tới đích. Người ta đi nhanh được thì tôi đi chậm thôi, cố gắng cẩn thận từng chút một với sức khỏe của mình".

HÀ THANH


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024