Năm 1991, Stéphanie Đỗ, một bé gái Việt Nam 11 tuổi, cùng gia đình sang Pháp định cư theo diện đoàn tụ với ông bà.
Thời điểm đó, Stéphanie và ba mẹ hoàn toàn không biết một từ tiếng Pháp. Cả gia đình đến đất nước xa xôi bằng hai bàn tay trắng nên cô bé đã phải ra ngoài phụ bố mẹ làm việc kiếm sống từ khi còn nhỏ.
Hàng chục năm sau, người phụ nữ gương mặt đậm chất Á Đông đứng trên bục phát biểu và dõng dạc giới thiệu: "Tôi là người phụ nữ châu Á đầu tiên trở thành nghị sỹ Quốc hội của 68 triệu công dân Pháp".
Nữ nghị sĩ "hai bàn tay trắng"
Cô gái nhớ lại thời điểm vừa đặt chân đến đất nước xa lạ. Những đêm len lỏi từng góc phố, phụ bố mẹ kiếm vài ba đồng bạc, Stéphanie Đỗ không ngừng nghĩ đến chuyện thay đổi số phận. Không lâu sau, gia đình cũng tích cóp đủ tiền để cho Stéphanie Đỗ theo học ngôn ngữ ở nước này.
Giai đoạn đầu, cô bé người Việt được xếp vào lớp các học sinh không nói được tiếng Pháp. Sau một năm dành thời gian ôn luyện, Stéphanie Đỗ được chuyển sang lớp học chung với người Pháp. Ở đó, cô nhận ra có sự phân biệt đối xử bởi một phần cô là người gốc châu Á.
Stéphanie Đỗ, sinh năm 1979 tại TPHCM. Ông cố nội Đỗ Quang Đẩu của cô đã góp phần phát triển chữ viết tiếng Việt hiện đại "chữ quốc ngữ", bắt nguồn từ bảng chữ cái Latin. Để ghi nhận công lao, ông đã được tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ngày nay có con đường mang tên ông ở quận 1, TPHCM.
Trong cuốn sách "Đường tới quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" của Stéphanie Đỗ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết lời giới thiệu: "Nước Pháp đã mang tới nhiều cơ hội cho chị nhưng chị đã đền đáp cho nước Pháp gấp trăm lần".
Từ đó, Stéphanie Đỗ nhận thức phải cố gắng nhiều hơn để đứng lên xóa bỏ mọi định kiến và khẳng định chắc nịch, "sâu thẳm trong tâm hồn luôn tự hào mình là người Việt Nam", "sao để người Pháp nhìn vào phải cảm thán". Để đạt được điều đó, một ngày cô bé chỉ ngủ vỏn vẹn 4 tiếng.
Sau bao năm miệt mài, Stéphanie tốt nghiệp đại học Quản lý Quốc Gia (École Nationale d'Administration) - ngôi trường đã đào tạo nhiều Tổng thống và Thủ tướng Pháp.
Từ năm 2004 đến năm 2017, Stéphanie Đỗ có cơ hội làm việc tại các công ty tư vấn quốc tế, rồi trở thành quản lý dự án tại Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp.
Dần dà, cô tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động liên quan đến chính trị, đời sống an sinh xã hội của người dân Pháp và còn có cơ hội làm việc cùng Tổng thống Emmanuel Macron.
Với đề cử của ông Macron, Quốc hội Pháp kêu gọi gia tăng số lượng đại biểu nữ và Stéphanie Đỗ được động viên tranh cử. Cô đắc cử, trở thành nghị sĩ Quốc hội đại diện cho vùng Seine-et-Marne ngày 18/6/2017.
Trong những năm tháng làm nghị sĩ, Stéphanie Đỗ luôn đau đáu tình yêu đối với cố hương. Cô đã nỗ lực thúc đẩy phát triển ngoại giao giữa Pháp - Việt. Ở cơ quan lập pháp, cô nắm vị trí Chủ tịch Đoàn Hữu nghị Pháp - Việt.
Giai đoạn Covid-19, Stéphanie Đỗ đã ra sức vận động để phía Pháp tặng 600.000 liều vaccine cho Việt Nam.
Vượt qua định kiến
Những ngày cuối tháng 1/2024, cô gái gốc Việt quay trở về thăm quê hương. Lần trở về này, Stéphanie tổ chức sự kiện ra mắt sách tại TP Hà Nội và TPHCM. Nữ nghị sĩ Pháp xuất hiện tại sự kiện trong bộ áo dài Việt mà cô yêu thích, chia sẻ về hành trình của mình, từ con số không đến khi trở thành nữ nghị sĩ Pháp.
Sứ mệnh làm chính trị của Stéphanie Đỗ là vì dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nữ nghị sĩ gốc Việt bộc bạch rằng: "Kỉ niệm đẹp rất nhiều, đặc biệt là những lúc được giúp đỡ người khác. Hai lần/tuần, tôi luôn có buổi tiếp đón người dân để lắng nghe những khó khăn mà họ đang trải qua. Không phải việc gì nào tôi cũng giúp được, nhưng quan trọng là tinh thần sẵn sàng cho đi".
Trên chính trường, không ít lần Stéphanie Đỗ phải đối mặt với những định kiến. Nhưng sau tất cả, cô đã dũng cảm đối mặt và bước tiếp.
Tại buổi tọa đàm, TS Bùi Trân Phượng, nhà giáo dục Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen chia sẻ: "Khi đọc sách của Stéphanie, tôi nhận ra rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam bao gồm nhiều thế hệ khác trong hoàn cảnh nào cũng không buông tay, luôn quyết liệt làm cho bằng được việc mình muốn làm. Điều đó đã được thấy từ thời Hai Bà Trưng và rất nhiều thế hệ phụ nữ, đặc biệt thế hệ phụ nữ hiện nay".