Sinh ra và lớn lên tại một gia đình không mấy khá giả ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, Hồ Hữu Hạnh (23 tuổi) là người con thứ hai trong số 4 anh chị em. Tháng 7/2000, ngày Hạnh cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc gia đình "chết lặng" khi bác sĩ thông báo, bé trai sơ sinh thiếu khuyết cả hai tay.
Để mẹ Hạnh không sốc, cha cậu bé là ông Hồ Hữu Thân và gia đình thống nhất dùng khăn quấn Hạnh lại, rồi mới đưa Hạnh để mẹ bế, cho bú. Khi mẹ vừa cho con bú xong, ba và bà ngoại lại bế Hạnh ra ngoài, thay phiên nhau chăm sóc cả mẹ lẫn con.
Nhưng một ngày, tình cờ thấy tay áo con lấp ló sau chiếc khăn, bà Bùi Thị Hợp sửa áo cho con thì phát hiện sự thật bàng hoàng. Không kịp phản ứng, bà Hợp ngất ngay lúc đó.
Khi tỉnh lại, bà Hợp chỉ mong đó là giấc mơ. Những tháng ngày sau đó gia đình luôn trong cảnh lạnh nhạt, tiếng cười nói rôm rả ngày xưa nay đổi lại là những giọt nước mắt. Không phải riêng bà Hợp, mà ông Thân cũng cố nuốt nỗi đau vào trong. Thương con vừa mới sinh ra đã khiếm khuyết, vợ chồng bà Hợp lại đau lòng khi nghĩ đến tương lai của con.
Lớn thêm vài tuổi, Hạnh bắt đầu học bò. Dường như cuộc đời không lấy đi của ai tất cả. Hạnh có một nghị lực phi thường khi chỉ mới bập bẹ hai tiếng "mẹ ba" đã cố trườn về phía trước để bò được những bước đầu tiên.
Năm lên 3 tuổi, Hạnh dần biết đi, biết chạy. Khi ý thức được mình không có tay, Hạnh học cách làm mọi thứ bằng đôi chân. Kể cả khi được mẹ đút cơm, Hạnh cũng từ chối và ngỏ ý muốn tự làm.
"Lúc nhỏ tôi thường tập làm những việc như đánh răng, rửa mặt, dọn dẹp nhà cửa,... với mong muốn phụ giúp ba mẹ. Chỉ có việc nào khó quá tôi mới nhờ người khác. Bản thân tôi chỉ thích tự sống như người bình thường", Hạnh bộc bạch.
Thiếu may mắn, Hạnh tự tạo cơ hội cho cuộc đời mình. Từ bơi lội, trèo cây, leo mái nhà, chạy xe đạp, nấu ăn... không có trò nào là thiếu mặt cậu nhóc nghịch ngợm. Có lần Hạnh tự tập bơi, liều mình nhảy xuống nước rồi suýt chết đuối; hay nhớ nhất là lúc tự rửa chén khiến đũng quần ướt hết; tự đi xe đạp té rách mặt, phải khâu mấy mũi,...
Vợ chồng bà Hợp chưa từng nghĩ đến chuyện cho con đến trường. Thế nhưng, Hạnh rất ham học. Ngoài lúc đùa nghịch với những đứa trẻ trong xóm, Hạnh lén đi theo chúng đến trường mẫu giáo.
Về nhà, Hạnh bắt đầu tập viết, tập vẽ. Ban đầu, Hạnh nhờ ba cầm chân hướng dẫn nhưng cố cách mấy cũng chịu thua. Vậy nên, Hạnh quyết định tự tập bằng chính sức mình, đến nỗi hai đầu bàn chân sưng húp, tê cứng.
Lấp ló trước cửa lớp đã lâu, Hạnh được cô giáo chủ động gợi ý để gia đình đưa đến trường học cùng các bạn. Những bài múa, bài hát Hạnh học được ở lớp, cậu nhóc cũng về "biểu diễn" cho ba mẹ xem. Lần nào cũng như lần ấy, Hạnh cố biểu diễn thật chuyên nghiệp, nhưng vẫn té lăn ra đất. Mẹ Hạnh thấy vậy cười lớn, cười đến chảy nước mắt.
Còn nhỏ nhưng Hạnh viết chữ bằng chân rất đẹp, khiến cả nhà, thầy cô và bạn bè ngưỡng mộ. Ba mẹ Hạnh trồng rau quanh năm, số tiền kiếm được không nhiều nhưng hai ông bà vẫn hy vọng lo cho con thành đạt.
Dắt con đến trường xin nhập học, bà Hợp và Hạnh hụt hẫng vì nhận được lời từ chối.
"Trường không nhận tôi vì chưa có tiền lệ dạy trẻ khuyết tật. Họ nhắn tôi đến học ở trường dành riêng cho người khuyết tật. Lúc đó tôi thất vọng, bật khóc trước mặt thầy. Về sau, hai mẹ con đến năn nỉ lần thứ hai thì mới nhận được cái gật đầu", Hạnh kể.
Sau một năm học thử, Hạnh khiến cả trường bất ngờ về năng lực của mình. Không có tay, Hạnh vẫn chép đủ bài vở bằng chân. Cuối năm, cậu nhận được bằng khen học sinh giỏi. Thấy Hạnh ham học, có người tặng cho cậu chiếc máy tính. Hạnh tự mày mò tìm hiểu, rồi đem lòng mơ ước trở thành kỹ sư tin học.
Trên chặng đường cố gắng, đôi lúc Hạnh bị tổn thương, muốn bỏ cuộc vì nghe thấy nhiều lời chê bai, sỉ nhục.
"Người ta chỉ trỏ, kêu là "cụt tay mà cũng đi học nữa hả?". Tôi buồn lắm, quyết định bỏ học, đi theo bạn xấu rồi đánh nhau. May mắn là ước mơ đã thôi thúc tôi quay về với chính mình, trở lại học tập một lần nữa để hiện thực hóa ước mơ ấy", Hạnh quyết tâm.
Hoàn thành chương trình cấp ba với học lực giỏi, Hạnh bắt đầu một năm đi làm tại Hà Nội. Sau đó, chàng trai vào lại TPHCM, xin việc tại một công ty quảng cáo.
Trải qua khoảng thời gian dài bôn ba, Hạnh đúc kết, chỉ có học tập mới giúp cậu đường đường chính chính đến với ước mơ của bản thân.
Năm 2019, Hạnh một mình bắt xe lên TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để ứng tuyển ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Lạc Hồng. Trong suốt quá trình theo học, Hạnh rất hòa đồng với các bạn. Hễ có chương trình liên quan đến công nghệ thông tin, Hạnh đều hào hứng tham gia.
Thấy rõ nghị lực của Hạnh, hiệu trưởng trường chủ động chu cấp chi phí ăn uống hàng tháng cho cậu. Nhà trường cũng miễn toàn bộ học phí. Không những vậy, ông Lâm Kim Hùng (chủ một quán bún bò ở tỉnh Đồng Nai) biết đến Hạnh, liền liên hệ, nhận cậu làm con nuôi, cho ăn ở miễn phí.
Khiếm khuyết về cơ thể, Hạnh làm nhiều người bất ngờ vì những thành tích đạt được. Cậu từng được đi thi vở sạch chữ đẹp; từng đạt giải khi thi bơi lội;...
Hạnh còn có cơ hội đặt chân đến Châu Phi. Tại đây, cậu cùng cha nuôi tặng quà hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chàng trai nhận ra bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người. Chàng trai không tay "mê" làm thiện nguyện từ đó.
Ngoài ra, chàng trai 23 tuổi từng ghé thăm văn phòng của Google ở Singapore. Hạnh được ông Nitin Gajria - Giám đốc phụ trách vùng Việt Nam, Lào, Campuchia của Google ngỏ lời mời đến làm việc với điều kiện tốt nghiệp đại học, giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Những ngày gần đây, chàng trai "chim cánh cụt" còn khiến dân mạng ngưỡng mộ vì chuyện tình đẹp như mơ của mình.
Hồ Hữu Hạnh và chị Sỳ Chiện Múi (23 tuổi) gặp nhau năm lớp 11. Thời điểm đó, Hạnh và Múi là bạn học chung lớp. Có cảm tình với Múi ngay lần gặp đầu tiên, Hạnh đấu tranh nhiều mới đủ can đảm xin số điện thoại của cô bạn cùng lớp.
Thoạt đầu có hơi ngại ngần, nhưng Múi đã đồng ý. Trải qua nhiều tháng trò chuyện, tìm hiểu, cả hai dường như tìm được điểm chung nên nhanh chóng tiến đến với nhau. Trong suốt giai đoạn đó, Múi và Hạnh giấu gia đình hai bên. Cho đến khi Múi mang thai, sinh con, cả hai mới đem em bé về thưa với ba mẹ.
"Bản thân tôi không muốn giấu nhưng cũng hiểu rõ là sẽ hơi khó khăn. Vừa đưa vợ con về, gia đình cô ấy rất bất ngờ, tuy nhiên về sau cũng đã chấp nhận chuyện của chúng tôi", Hạnh tâm sự.
Ngày qua ngày, em bé càng cứng cáp và khỏe mạnh hơn. Đám cưới của "chàng trai chim cánh cụt" và "cô vợ trong mơ" dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/1/2023.
Ảnh nhân vật cung cấp