Trong thế giới hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe dường như đã được nâng lên theo một chuẩn mực mới. Trên khắp các phương tiện truyền thông, chúng ta liên tục được "bơm" những thông điệp về cách ăn uống "chuẩn", bài tập thể dục "đúng cách" và một cơ thể "đẹp chuẩn, khỏe chuẩn". Từ những bài báo về thực phẩm lành mạnh, các loại nước ép detox, đến những lớp yoga đắt tiền, hay những KOLs với làn da căng bóng trong ánh nắng sớm đã khiến khái niệm self-care trở thành biểu tượng cho một lối sống hoàn hảo. Tất cả đều như ngầm khẳng định rằng chỉ cần làm theo, bạn sẽ có được hạnh phúc và sự hoàn mỹ.
Nhưng chính sự nhấn mạnh quá mức này lại khiến nhiều người hoài nghi về giá trị của bản thân. Họ tự hỏi: "Liệu mình đã đủ tốt chưa? Mình có đang làm sai điều gì không?" Trong khi nỗ lực chạy theo những hình mẫu “đẹp chuẩn, khỏe chuẩn” mà xã hội áp đặt, không ít người cảm thấy kiệt quệ hơn là được chăm sóc.
Đặc biệt có không ít phụ nữ được nuôi dưỡng với quan niệm sai lầm rằng chăm sóc bản thân là hành động ích kỷ, rằng họ nên dồn năng lượng để chăm sóc người khác (với tư cách là con cái, người vợ, người mẹ…).
Tiến sĩ Pooja Lakshmin - một chuyên gia tâm lý hàng đầu về sức khỏe tâm thần và giới tính đã mang đến một tiếng nói hoàn toàn khác biệt thông qua cuốn sách "Chăm sóc bản thân thật sự", bà đã vạch trần những cách “chăm sóc bản thân giả tạo” mà ngành công nghiệp sức khỏe đang quảng bá, chỉ ra vấn đề không nằm ở việc chúng ta không cố gắng đủ, mà ở cách chúng ta hiểu và tiếp cận khái niệm chăm sóc bản thân. Đồng thời giới thiệu một chương trình đầy tính chuyển hóa để định nghĩa lại cách chăm sóc sức khỏe toàn diện theo hướng thực chất và bền vững hơn.
Chưa bao giờ việc chăm sóc sức khỏe bản thân lại trở thành chủ đề nóng như hiện nay. Truyền thông liên tục nhắc đến những cách ăn uống lành mạnh, tập luyện đúng cách, và hình mẫu cơ thể lý tưởng. Tuy nhiên, những hình ảnh đẹp đẽ ấy chưa chắc đã giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn, mà đôi khi còn khiến họ tăng thêm cảm giác bất an và nghĩ rằng bản thân không đủ tốt.
Trong "Chăm sóc bản thân thật sự", Tiến sĩ Pooja Lakshmin gọi hiện tượng này là “chăm sóc bản thân giả tạo” (faux self-care). Theo bà, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đã biến self-care thành một chiếc bẫy ngọt ngào, nơi những sản phẩm và dịch vụ xa xỉ như các ứng dụng thiền, những chai tinh dầu đắt tiền… được hứa hẹn là giải pháp cho mọi vấn đề. Từ những buổi spa đắt đỏ đến thực phẩm organic và các khóa học cải thiện bản thân, tất cả đều nhấn mạnh rằng chỉ cần mua hoặc làm theo chúng, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc. Nhưng thực tế, những giải pháp này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, trong khi vấn đề cốt lõi bên trong chúng ta như sự bất an, nỗi sợ hãi và mệt mỏi vẫn còn nguyên đó.
Faux self-care không chỉ không chữa lành được tâm hồn, mà còn tạo thêm áp lực khi chúng ta không thể đạt được những tiêu chuẩn mà nó đặt ra. Ta có thể cảm thấy bản thân kém cỏi khi không thể tập yoga mỗi ngày, không có thời gian cho những bữa ăn “chuẩn healthy” hay không theo kịp trào lưu “sống xanh”. Lakshmin chỉ ra rằng, đây không phải là chăm sóc bản thân, mà là một vòng luẩn quẩn khiến chúng ta kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo bà, những hình thức chăm sóc sức khỏe giả tạo này chỉ là cách chúng ta cố gắng bám víu bề mặt của một cuộc sống đang mất cân bằng, thay vì thực sự đối mặt với những vấn đề sâu sắc bên trong.
Việc liên tục nhìn thấy cuộc sống nổi bật và hoàn hảo của người khác qua mạng xã hội khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Nó khiến họ cảm thấy thêm áp lực khi không thể duy trì được lối sống “hoàn hảo” mà xã hội định nghĩa. Khi không thể làm theo hay duy trì cách chăm sóc như thế, ta lại thấy mình không đủ giỏi, không đủ đẹp, không đủ xứng đáng.
Vậy chăm sóc bản thân thật sự là gì?
Đối với Lakshmin, chăm sóc bản thân thực sự không phải là một hành động mang tính thương mại hay nhất thời, mà là một cam kết lâu dài để sống đúng với chính mình. Nó không đến từ những thứ chúng ta có thể mua được như xà bông thư giãn, tinh dầu giảm căng thẳng hay những khóa học thiền, học kết nối với thiên nhiên, mà từ cách chúng ta đối diện, thấu hiểu và kết nối với cảm xúc thật của chính mình.
Lakshmin cho rằng, chăm sóc bản thân thật sự đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh không hoàn hảo của bản thân, thay vì cố gắng chạy trốn hoặc che giấu chúng. Điều này có nghĩa là học cách đối diện với sự bất an, nỗi buồn, và thậm chí là cả sự giận dữ… những cảm xúc thường bị gạt bỏ trong cuộc sống bận rộn. Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo, chăm sóc bản thân thật sự là tập trung vào việc xây dựng một mối quan hệ trung thực và yêu thương với chính mình.
Một trong những công cụ mà Lakshmin nhấn mạnh để thực hành chăm sóc bản thân là việc đặt ra ranh giới. Trong một xã hội luôn khuyến khích phải làm nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn, và đáp ứng kỳ vọng của người khác, việc nói “không” thường bị xem là ích kỷ. Nhưng Lakshmin lập luận rằng, đặt ra ranh giới không chỉ là một hành động bảo vệ bản thân, mà còn là cách bạn khẳng định giá trị của mình. Khi biết cách đặt giới hạn, bạn không chỉ bảo vệ được năng lượng và tâm trí của chính mình, mà còn tạo không gian để tập trung vào những điều thực sự ý nghĩa.
Ngoài việc đặt ranh giới, Lakshmin còn khuyến khích người đọc xây dựng các mối quan hệ thực sự, những kết nối chân thành và sâu sắc với những người xung quanh và chính mình. Trong thời đại của mạng xã hội, nơi mà mọi thứ đều trở nên hời hợt và mang tính trình diễn, việc tìm kiếm những mối quan hệ chân thật càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Lakshmin tin rằng, chỉ khi chúng ta kết nối được với những người thực sự quan tâm và hiểu mình, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự hỗ trợ và sự thuộc về, một yếu tố không thể thiếu của chăm sóc bản thân thật sự.
Cũng trong cuốn sách này, bà chia sẻ khái niệm hạnh phúc an lạc (eudaimonic well-being) - tập trung vào việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống, đảm bảo mọi việc chúng ta làm đều phù hợp với các giá trị của chúng ta.
Thông qua cuốn sách “Chăm sóc bản thân thật sự”, từ những câu chuyện của các bệnh nhân cũng như từ chính kinh nghiệm của một người phụ nữ đã từng vật lộn để tìm ra cách chăm sóc bản thân, Lakshmin đưa ra rất nhiều lời khuyên, phân tích hữu ích để mỗi cá nhân nhìn sâu vào chính mình, từ đó tìm được cách chăm sóc bản thân phù hợp và tránh xa khỏi cạm bẫy chăm sóc đang bị thương mại hóa.
Cuốn sách của Lakshmin không chỉ là một tài liệu hướng dẫn, mà còn là một lời nhắc nhở rằng, chăm sóc bản thân không phải là một đặc quyền xa xỉ, mà là một nhu cầu thiết yếu. Bà khuyến khích chúng ta ngừng chạy theo những hình mẫu lý tưởng bên ngoài, để quay trở về bên trong và tự hỏi bản thân: “Điều gì thực sự làm ta hạnh phúc?”
Điều làm cho cuốn sách này đặc biệt chính là sự chân thành của Lakshmin. Bà không chỉ nói từ góc độ của một chuyên gia, mà còn từ vai trò của một người mẹ, một người phụ nữ từng trải qua những áp lực và bất an giống như bất kỳ ai. Sự kết hợp giữa các nghiên cứu khoa học và câu chuyện cá nhân của bà tạo nên một giọng điệu vừa thuyết phục, vừa dễ đồng cảm. Lakshmin không hứa hẹn những giải pháp nhanh chóng hay kỳ diệu. Thay vào đó, bà khuyến khích người đọc bước đi từng bước nhỏ, nhưng vững chắc, trên con đường xây dựng một cuộc sống cân bằng và bền vững.
Cuốn sách này không chỉ dành riêng cho phụ nữ - những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực xã hội về hình mẫu lý tưởng, mà còn dành cho bất kỳ ai đang tìm kiếm sự cân bằng và hạnh phúc thật sự từ bên trong. Cuốn sách này không chỉ đưa ra một hành trình chăm sóc bản thân, mà còn giúp bạn khám phá bản thân, giúp bạn học cách yêu thương và chấp nhận chính mình một cách chân thật nhất.
Trong một thế giới đầy áp lực và hỗn loạn, “Chăm sóc bản thân thật sự” chính là lời mời gọi mỗi chúng ta ngừng chạy theo những tiêu chuẩn bên ngoài, để quay về với giá trị thực sự bên trong. Đây là một cuốn sách cần thiết, không chỉ để đọc một lần, mà để giữ bên mình như một lời nhắc nhở rằng, rằng chăm sóc bản thân bắt đầu từ việc yêu thương chính mình một cách không điều kiện, không phán xét.
Nếu bạn đang cảm thấy lạc lõng, mệt mỏi hoặc hoài nghi về giá trị của chính mình, hãy để "Chăm sóc bản thân thật sự" trở thành kim chỉ nam giúp bạn tìm lại con đường đúng đắn, giúp bản thân khỏe mạnh và hạnh phúc từ trong ra ngoài.
“Chăm sóc bản thân thực thụ có nghĩa là trân trọng cả niềm hy vọng lẫn nỗi đau. Là phụ nữ, chúng ta luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng và lo lắng, phải đấu tranh giữ lấy chính mình giữa cơn bão đang dồn ép chúng ta từ bỏ và đầu hàng. Chăm sóc bản thân giả tạo khiến chúng ta như đang vùng vẫy giữa biển - kiệt sức, mệt mỏi và tuyệt vọng. Ngược lại, chăm sóc bản thân thực thụ chính là chiếc phao cứu sinh của chúng ta. Khi có nhiều người tiếp thu và thực hành chăm sóc bản thân thực thụ, tình thế sẽ thay đổi và chúng ta sẽ nhận ra sức mạnh tiềm ẩn của mình.” - Pooja Lakshmin