Thái Tiếu Vãn là một bác sỹ địa phương tại Triết Giang, Trung Quốc, ông chỉ là một người cha bình thường trong vô số những người cha bình thường, nhưng lại được nhiều người gọi bằng cái tên một "ảo thuật gia" tài năng. Trong số 6 người con của ông, 5 người có bằng tiến sĩ và 1 người có bằng thạc sĩ, tất cả đều đạt được thành tích xuất sắc trong sự nghiệp.
Khi được hỏi về cách giáo dục con cái, ông đề cập rằng "giáo dục sớm" đặc biệt quan trọng và việc đọc sách nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Trong khi hoạt động buổi tối của các gia đình khác cơ bản là cùng nhau xem TV, thì gia đình của ông Thái Tiếu Vãn lại khác, cả nhà ông thường xuyên cùng nhau đọc sách.
Từ những câu chuyện kinh điển xa xưa, hiện đại cho đến các thể loại văn học thiếu nhi, Thái Tiếu Vãn luôn đồng hành cùng các con đọc và giải thích cho các con. Theo ông: "Đọc những câu chuyện, bài thơ này cho trẻ từ khi còn nhỏ có thể tạo nền tảng vững chắc cho tâm hồn văn chương của trẻ, củng cố khả năng học tập và giúp trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn trong tương lai".
Khả năng của cha mẹ là có hạn, chúng ta không thể đưa con mình tiến xa hơn nhưng sách thì có thể. Cha mẹ thực sự có tầm nhìn xa là những bậc phụ huynh biết cách rèn luyện thói quen đọc sách cho con ngay từ khi con còn nhỏ, để con có thể chiến thắng ngay ở "vạch xuất phát" trong việc đọc.
Đọc sách dạy một đứa trẻ suy nghĩ, và suy nghĩ kích thích trí tuệ. Sách và những suy nghĩ mới mẻ lấy cảm hứng từ sách giúp trẻ được mở mang. Sự khác biệt về thói quen đọc và số lượng đọc được hình thành từ khi còn nhỏ, dẫn đến sự khác biệt trong thói quen học tập và cách suy nghĩ, dần dần sẽ hình thành nhiều sự khác biệt hơn ở trẻ.
Cha mẹ phải hiểu rằng giáo dục không phải là một quá trình ngắn hạn, chỉ tập trung vào giai đoạn trước mắt là chưa đủ, giáo dục đòi hỏi tính lâu dài và suy nghĩ về các vấn đề dựa trên cuộc sống của trẻ. Việc đọc sách không chỉ mang lại cho trẻ sự cải thiện về kết quả học tập mà về lâu dài, nó còn có tác động rất lớn đến việc hình thành quan điểm sống và thái độ của trẻ đối với thế giới, giúp trẻ hình thành nhân cách lành mạnh hơn.
Nếu muốn rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ, vậy thì vai trò của cha mẹ đặc biệt quan trọng.
Tôi từng xem được một đoạn video trên Internet, một cậu bé 5 tuổi khóc và nói với bố: "Bố ngày nào cũng bắt con học, nhưng cả nhà mình, có mình bố không chịu học, suốt ngày chỉ biết chơi điện thoại. Bố đã tự mình học chưa? Cách học nhanh các phép nhân chia cộng trừ bố còn không biết, vậy mà bố cứ luôn bắt con học mấy phép tính khó như vậy. Cả nhà chỉ có mình bố đi ngủ sớm nhưng vẫn dậy muộn, lại còn suốt ngày chơi game trên điện thoại di động, điện thoại bố bị tịch thu, bố không được chơi nữa."
Lời nói của một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng có lẽ lại là chân dung chân thực của nhiều gia đình ngày nay. Biết bao phụ huynh dùng điện thoại di động để xem video nhưng lại muốn con kiên nhẫn đọc sách. Biết bao người tối ngày ngồi chơi mạt chược rồi lại trách con làm bài không tốt. Bản thân không muốn tiến bộ nhưng lại luôn mong ngóng các con đạt được những thành tựu to lớn…
Có lẽ tất cả chúng ta đều biết, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, và những vấn đề xảy ra ở trẻ đều là sự phản ánh những vấn đề ở cha mẹ. Những bậc phụ huynh chỉ biết kêu ca với xã hội, nhà trường thực chất là đang trốn tránh trách nhiệm. Trên chặng đường trưởng thành của trẻ, người cuối cùng không nên lười biếng chính là cha mẹ.
Một nhà giáo dục đã nói: "Những yêu cầu của cha mẹ đối với bản thân, sự tôn trọng của cha mẹ đối với gia đình và sự quan tâm của cha mẹ đến mọi hành vi của con là những phương pháp giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất".
Có một câu chuyện như sau: Chồng mất sớm, người mẹ một mình nuôi một cặp anh em sinh đôi vừa mới vào tiểu học. Mỗi tối, khi các con làm bài tập về nhà, cô đều cầm một cuốn sách và ngồi đọc bên cạnh chúng, ngày này qua ngày khác cho đến khi cả hai anh em đều được nhận vào các trường đại học danh tiếng.
Có lần, người mẹ hỏi các con: "Các con có biết mẹ vất vả thế nào không?"
Cậu con trai đáp: "Chúng con biết, mẹ phải làm việc chăm chỉ nuôi lớn chúng con…"
Người mẹ cười nói: "Việc đó mẹ không cảm thấy vất vả, chỉ là việc đọc sách cùng các con mỗi ngày khó quá. Thực ra, mẹ không biết một chữ nào cả."
Có người nói: "Mọi đứa trẻ khi mới sinh ra đều bình đẳng, không ai trong số chúng có thể nói, đếm, đọc, viết, nhưng khi vào mẫu giáo, chúng trở nên không bình đẳng. Sự khác biệt nằm ở việc cha mẹ có cố gắng hết sức để nuôi dưỡng chúng hay chỉ đơn thuần nhìn chúng lớn lên."
Cha mẹ luôn là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái, sự giáo dục tốt nhất chính là lời nói và việc làm của cha mẹ.
Trước khi nuôi dạy con cái, hãy giáo dục chính mình.
Nắm vững 4 phương pháp này, nuôi dưỡng khả năng đọc suốt đời của trẻ
Cuốn "Hoàng tử bé" có nói: "Muốn đóng một con tàu, điều bạn phải làm không phải là hối thúc người ta lấy gỗ, cũng không phải là vội vã phân công công việc và ra lệnh, mà là khơi dậy niềm khao khát của mọi người đối với biển cả bao la".
Cách giáo dục tốt nhất không bao giờ là đổ đầy nước vào xô mà là nhóm lên một ngọn lửa. Đối với các bậc cha mẹ, nếu muốn con say mê đọc sách, điều quan trọng nhất không phải là ép buộc hay ra lệnh mà là tìm cách đánh thức động lực bên trong của con.
1. Thiết lập thời gian đọc cố định
Tạp chí Time có viết: "Trẻ em thích những điều bất ngờ, nhưng chúng lại nhớ những hoạt động gia đình dễ đoán hơn".
Đọc sách không chỉ là học tập mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ có thể phối hợp thời gian với con, tìm khoảng thời gian phù hợp và thực hiện hoạt động đọc sách giữa cha mẹ và con cái. Chẳng hạn: một giờ trước khi đi ngủ hoặc những khoảng thời gian khác cho phép có nhiều thời gian hơn.
Khi trẻ quen với việc đọc sách hàng ngày, trẻ sẽ tự nhiên yêu thích việc đọc sách. Mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng sẽ trở nên thân thiết hơn qua mỗi lần cùng nhau đọc sách và trao đổi.
2. Xây dựng môi trường đọc phù hợp và tạo không khí đọc sách
Ảnh hưởng của môi trường lên con người là rất đáng kể. Đối với trẻ, việc đọc sách không chỉ đơn giản là đưa cho trẻ một cuốn sách, môi trường đọc cũng là một yếu tố quyết định. Trước hết, phụ huynh có thể bố trí không gian đọc sách tùy theo hoàn cảnh ở nhà, có thể là phòng học hoặc góc đọc sách nhỏ với nhiều loại sách.
Trước mỗi lần đọc, hãy mở một bản nhạc nhẹ nhàng êm dịu để xoa dịu nỗi lo lắng, thiếu kiên nhẫn và những cảm xúc tiêu cực khác bên trong trẻ.
Thứ hai, bạn cũng có thể đưa con đến những nơi như thư viện, hiệu sách, ở đó không chỉ có số lượng sách lớn mà còn có nhiều người đọc, không khí đọc sách càng mạnh mẽ, dễ tạo động lực cho trẻ.
3. Tôn trọng sở thích đọc sách của trẻ và để trẻ có quyền lựa chọn cuốn sách mình muốn đọc
Nếu chúng ta luôn bị buộc phải đọc những cuốn sách mà mình không hứng thú, vậy thì làm sao có thể hình thành thói quen đọc vì thích thú? Đọc sách nên là một hoạt động vui vẻ, tự do, không ràng buộc và áp lực, nếu không nó sẽ chỉ giết chết hứng thú đọc sách của trẻ.
Trong giai đoạn đọc đầu tiên, trước tiên bạn nên tập trung vào ý tưởng của trẻ, tìm một số cuốn sách mà trẻ có thể đọc, đồng thời rèn luyện tính kiên nhẫn và tập trung của trẻ khi đọc toàn bộ cuốn sách. Sau khi trẻ kiên trì, hãy từ từ hướng dẫn trẻ đọc một số tác phẩm kinh điển khó và sâu sắc hơn. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ có thể hoàn toàn buông bỏ và trao mọi quyền lựa chọn cho con mình.
Suy cho cùng, trẻ em vẫn còn non nớt và sự lựa chọn của chúng còn có những hạn chế rất lớn. Điều này đòi hỏi phụ huynh đầu tư nhiều hơn, có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn hoặc tự mình đọc trước để lựa chọn những cuốn sách thực sự phù hợp với lứa tuổi của con mình.
4. Phát triển thói quen đọc tốt và tránh đọc mà không ghi chú
Bản chất của giáo dục là rèn luyện thói quen. Nếu bạn chỉ đọc ngắn gọn và vội vàng, vậy thì hiệu quả có thể giảm đi rất nhiều.
Cha mẹ có thể dạy con trích những từ, câu hay khi đọc, viết ghi chú đọc,… Đây không chỉ là một hình thức phản hồi lại hành động đọc ngay lập tức mà còn có thể mang lại những cảm xúc khác khi trẻ đọc lại sau đó. Nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý, không nên ép buộc hành vi này, ví dụ như có cha mẹ ép con sau khi đọc phải trích lại cả trăm câu chữ hay, đây là hành vi không nên.
Yêu cầu đọc theo nhiệm vụ này không những không giúp trẻ hòa nhập vào không khí đọc sách mà còn khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng.
Cha mẹ có thể khéo léo nói với con rằng việc ghi lại những điều này là để con có thể chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi đọc với người khác tốt hơn, cũng như khơi dậy tính chủ động của con.
***
Có người từng nói: "Một số người cho rằng thành công của một người phụ thuộc vào kết nối xã hội, cơ hội, sự lựa chọn hướng đi đúng đắn, v.v., nhưng tôi nghĩ tất cả đều chỉ là thứ yếu. Rất nhiều khi, sức mạnh của chúng ta lại tới từ một vài cuốn sách mà mình vô tình đọc được."
Đọc sách là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái trong cuộc sống. Sách chắp cánh cho trẻ em và đưa chúng đến những bầu trời rộng lớn hơn.
Tôi mong các bậc cha mẹ có thể sớm học được 4 phương pháp này và nuôi dạy nên một đứa trẻ yêu thích đọc sách.