Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?

Thanh Long - CFB04/05/2024 11:00
Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?

Người ta nói đùa rằng, trước khi Isaac Newton phát minh ra lực hấp dẫn, những quả táo đã không rơi xuống đất, còn con người thì có thể bay.

Thật ngớ ngẩn! Nhưng có một sự thật: Trước khi "stress" được định nghĩa bởi Hans Selye vào năm 1936, chỉ có những sợi dây thun mới bị căng thẳng.

Plato, triết gia người Hy Lạp cổ đại, một trong ba người đàn ông xuất hiện nhiều nhất trên những bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch từng nói rằng: Cơ thể con người là một tổng hòa giữa hai phần thân và tâm. 

"Nhiều căn bệnh không thể chữa khỏi được, bởi các bác sĩ không hiểu thế nào là cái toàn thể. Họ coi thân và tâm là hai thứ tách rời nhau mà không biết rằng thân không thể khỏe mạnh nếu tâm không khỏe và ngược lại. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong việc chữa trị bệnh tật cho con người", Plato cho biết.

Theo ông, một người muốn có sức khỏe về mặt thể chất thì bản thân tâm lý của họ phải khỏe mạnh. Và ngược lại, sức khỏe thể chất cũng quyết định đến sức khỏe về mặt tâm lý. Điều trị một căn bệnh đồng nghĩa phải điều trị cả bệnh lý và tâm lý của người bệnh.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 1.
 

Thật khó tin khi những điều này đã được Plato nói ra trong những cuộc đối thoại của mình vào khoảng năm 300 Trước Công Nguyên. Bởi hơn 2.000 năm sau, tư tưởng của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày càng có nhiều cơ chế sinh học qua lại giữa tâm lý và bệnh tật được phát hiện. Chẳng hạn như người gặp chấn thương nặng có thể rơi vào một tình trạng gọi là trầm cảm sau sang chấn. Ngược lại, trầm cảm vốn chỉ được coi là một cảm xúc u buồn, bây giờ đã được công nhận là một rối loạn tâm thần gây ra vô số vấn đề về thể chất.

Một ví dụ đơn giản và phổ biến hơn mà nhiều người đang gặp phải, đó là stress. Các bác sĩ cho biết căng thẳng, lo âu có thể làm trầm trọng thêm nhiều bệnh lý về thể chất, bao gồm tình trạng cao huyết áp, viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản và bệnh hen suyễn… 

Ngược lại, stress đã được phân loại như một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch, tương đương với hút thuốc lá, bệnh béo phì và nồng độ mỡ cao trong máu. Các giáo trình trong trường y ngày nay đổ lỗi cho căng thẳng là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra từ 80%-90% tất cả các loại bệnh tật trên đời. 

Ung thư, hóa ra, không nằm ngoài con số đó.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 2.
 

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cancer Cell tuần trước đã lần đầu phát hiện ra một cơ chế sinh học đằng sau mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh ung thư, một bóng ma mà các bác sĩ đã cất công săn lùng trong suốt hàng thập kỷ. 

Theo đó, căng thẳng mạn tính tạo ra một môi trường vi mô cho phép tế bào ung thư tập hợp lại và "làm tổ". Stress có thể thúc đẩy ung thư di căn từ vị trí này sang vị trí khác nhanh gấp 4 lần bình thường. Và các nhà khoa học đang nghi ngờ, nó cũng góp phần vào quá trình khởi phát của căn bệnh.

Vậy thì, làm thế nào để bạn biết mình có đang căng thẳng quá mức, đến nỗi có thể tự làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bản thân hay không? Một bảng hỏi cuối bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời. 

Nhưng trước khi vuốt xuống dưới cùng, hãy tìm hiểu xem: Các nhà khoa học đã tìm thấy gì sau gần 9 thập kỷ nghiên cứu căng thẳng của họ?

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 3.
 

Người ta nói đùa rằng, trước khi Isaac Newton phát minh ra lực hấp dẫn, những quả táo đã không rơi xuống đất, còn con người thì có thể bay. Thật ngớ ngẩn. Nhưng có một sự thật: Trước khi "stress" được định nghĩa bởi một bác sĩ người Hungary tên là Hans Selye, chỉ có những sợi dây chun mới bị căng thẳng.

Đó là bởi căng thẳng (stress), vốn dĩ, chỉ là một khái niệm vật lý. Nó đại diện cho sự biến dạng của một vật gây ra bởi các tác động bên ngoài vào vật đó, hoặc bản thân tác động nội sinh của chính vật thể.

Khi một chiếc lò xo bị vật nặng kéo căng ra, các nhà vật lý nói rằng nó đang bị căng thẳng. Khi có quá nhiều xe cộ đi qua một chiếc cầu khiến nó bị võng xuống, các kỹ sư thiết kế nói rằng chiếc cầu đang "stress" nặng. 

Trụ bê tông của một ngôi nhà cao tầng vừa được đổ xong, khi bê tông ngót lại gây ra lực nén bên trong cấu trúc của nó, những kiến trúc sư nói rằng trụ bê tông đang căng thẳng.

Các nhà vật lý có hẳn một công thức để tính toán căng thẳng: σ = F/A. Trong đó Sigma là stress, F là lực tác dụng lên diện tích mặt cắt A để tạo ra căng thẳng cho vật thể. Đơn vị của stress là N/m2.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 4.
 
Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 5.
 

Đó là tất cả những gì mà loài người biết về căng thẳng cho đến tận thế kỷ 19. Bạn có thể nói một sợi dây, một cây cầu, một ngôi nhà bị căng thẳng. Không ai nói người bị căng thẳng. Không ai làm thí nghiệm kéo giãn, uốn cong hoặc vặn xoắn người, rồi đi tính stress của họ.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 1926, sau khi Hans Selye, một chàng sinh viên trẻ người Hungary đang theo học ngành y khoa tại Đại học Prague phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ. 

Selye khi đó đang thực tập tại một phòng khám và nhiệm vụ của cậu chỉ là ngồi ngoài, hỏi thăm các triệu chứng của bệnh nhân, rồi chép lại tất cả để đưa chúng cho bác sĩ. Hàng chục bệnh nhân đã đến phòng khám của cậu mỗi ngày và hàng trăm bệnh nhân đã tới trong suốt kỳ thực tập đó. 

Selye nhận thấy rằng, dù mắc bất cứ bệnh gì, tất cả các bệnh nhân cũng đều chia sẻ chung một tập hợp các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, họ thích nằm hơn là đứng và không có tâm trạng để làm việc…

Vì các triệu chứng quá chung chung, bác sĩ yêu cầu Selye bỏ những triệu chứng này ra khởi ghi chú để khỏi làm mất thời gian và tốn kém giấy mực.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 6.
 

Đó là thập niên 1920, khi các nguyên tắc chẩn đoán, được nhà nghiên cứu bệnh học người Đức Rudolf Virchow phát biểu vào cuối thế kỷ 19, đã trở thành chuẩn mực. Các sinh viên y khoa được dạy rằng họ chỉ nên tập trung vào tập hợp triệu chứng đặc trưng cho mỗi căn bệnh, thứ mà chỉ một căn bệnh mới có và vì vậy có ý nghĩa chẩn đoán. 

Nhưng khi Selye nhìn vào những triệu chứng mệt mỏi mơ hồ của bệnh nhân, anh đã lập luận rằng: Nếu như Virchow đúng, vậy thì phải có một thứ gì đó không phải bệnh tật đã gây ra tất cả những triệu chứng thường thấy của bệnh nhân. Nó có thể làm nặng thêm căn bệnh mà mọi người đang mắc phải, hoặc thậm chí là nguyên nhân chung gây ra đủ mọi bệnh tật trên đời.

Để đặt tên cho yếu tố mờ ám này, Selye gọi nó là "hội chứng bệnh tật chung". 

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 7.
 

Anh chia sẻ ý tưởng của mình với một số bạn bè và bác sĩ hướng dẫn, nhưng không một ai ủng hộ Selye theo đuổi nghiên cứu nó, những triệu chứng bị gọi là mơ hồ. 

Và suy cho cùng, Selye khi đó mới chỉ là một sinh viên năm hai, chân ướt chân ráo bước vào ngành. Còn Virchow đã xây dựng được hẳn một hệ tư tưởng thống trị nền y học. Người ta thậm chí phong cho ông ấy là "Giáo hoàng trong ngành y", bên cạnh dang xưng "cha đẻ của bệnh lý học hiện đại".

Tuân thủ trường phái Virchow, nghĩa là các bác sĩ chỉ quan tâm đến những triệu chứng đặc hiệu có thể sử dụng để chẩn đoán ra một căn bệnh. Những dấu hiệu này thậm chí cụ thể tới mức bác sĩ sẽ đi tìm những khác biệt trong từng tế bào giữa người bệnh này với người bệnh khác - giống như xét nghiệm sinh thiết mà chúng ta thấy ngày nay. 

Không ai quan tâm đến những triệu chứng chung chung thoáng qua bên ngoài của bất kỳ bệnh tật gì như Selye mô tả. Họ nghĩ thật mất thời gian khi làm điều đó. Chẳng lẽ, một bệnh nhân đến bệnh viện khám và bác sĩ nói rằng: 

- Chúng tôi đã xem xét các triệu chứng của anh. Anh nói rằng mình bị mệt mỏi, chán ăn, thích nằm hơn là đứng và không có tâm trạng làm việc… Chúng tôi đã có đủ bằng chứng kể kết luận anh mắc "hội chứng bệnh tật chung".

- Nhưng hội chứng bệnh tật chung là gì, thưa bác sĩ?

- Nó có nghĩa là anh đang bị bệnh.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 8.
 

Mọi chuyện bẵng đi một thập kỷ, Hans Selye 10 năm sau đã trở thành một phó giáo sư tại Đại học McGill và làm việc trong phòng thí nghiệm cùng với thầy hướng dẫn anh, giáo sư James Bertram Collip. Bộ đôi đang nhắm đến mục tiêu săn lùng một loại hormone giới tính nữ mới mà chưa ai tìm ra trước đó.

Để làm được điều này, giáo sư Collip giao cho Selye một nhiệm vụ. Anh phải liên tục chất xuất các chất hóa học khác nhau ra từ buồng trứng của những con bò cái. Sau đó, định kỳ mỗi ngày, Selye tiêm những chất hóa học này vào cơ thể chuột cái và quan sát những thay đổi có thể xảy ra.

Sau khi lặp đi lặp lại thí nghiệm rất nhiều lần, Selye thấy rằng, dù anh có tiêm bất kỳ chất hóa học nào vào cơ thể những con chuột, chúng cũng đều biểu hiện một loạt các triệu chứng giống hệt nhau như sưng vỏ tuyến thượng thận, teo tuyến ức và loét dạ dày tá tràng.

Ngay cả khi không tiêm hóa chất mà chỉ tiêm nước muối sinh lý, những con chuột cũng trải qua các triệu chứng giống hệt như vậy. Selye lập luận rằng không phải hóa chất, chính quy trình thí nghiệm: Bắt lũ chuột, tiêm, làm đau chúng, rồi thả chúng trở lại lồng, liên tục lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác, đã khiến lũ chuột bị bệnh.

Đó là khoảnh khắc "eureka" mà ký ức của 10 năm trước hiện về, Selye nghi ngờ rằng những con chuột này cũng đang trải qua "hội chứng bệnh tật chung". Thế là anh quay sang tìm cách tái tạo những triệu chứng này, bằng cách thiết kế ra một loạt quy trình gây khó chịu liên tục cho lũ chuột.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 9.
 

Ban đầu, Selye cho lũ chuột chạy mệt ẻ trên vòng đu quay của chúng. Sau đó, anh thả chúng vào chậu nước, ép chúng bơi liên tục. Trong một lần, Selye nảy ra ý tưởng ném lũ chuột của mình lên mái nhà.

Và thế là vào mùa đông khắc nghiệt năm 1936 ở Montreal, người ta đã thấy cả một đàn chuột chết cóng trên nóc phòng thí nghiệm tại Đại học McGill, chỉ để phục vụ thí nghiệm của con người.

Selye phát hiện ra rằng bất kể khi ông làm điều gì khiến lũ chuột thấy khó chịu kéo dài, chuột cũng sẽ lặp lại các triệu chứng mệt mỏi giống như con người. Chúng mệt mỏi, chán ăn và sụt cân. 

Và kỳ diệu thay, giải phẫu tử thi cho thấy tuyến thượng thận của chúng cũng tăng hoạt động, hạch bạch huyết của chúng cũng bị teo và dạ dày tá tràng của chúng cũng bị loét.

Bởi các hình thức tra tấn tác động từ bên ngoài vào chuột rất đa dạng, Selye đã mượn từ "căng thẳng" (stress) của các nhà vật lý để mô tả tình trạng này. 

Ông là người đầu tiên nói động vật có vú bao gồm cả con người có thể bị căng thẳng, một tình trạng mà chúng ta trải qua khi chịu áp lực về mặt thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc. Và đó là năm 1936, kỷ nguyên căng thẳng của loài người chính thức bắt đầu.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 10.
 

Sau mô tả đầu tiên về căng thẳng của Selye, ông bắt đầu tìm hiểu những cơ chế sinh học đằng sau phản ứng căng thẳng ở chuột và cả ở con người. Selye nhận thấy rằng bệnh tật chắc chắn là một yếu tố tạo ra căng thẳng.

Nhưng ở chiều ngược lại, căng thẳng có gây ra bệnh tật hay không? Các thí nghiệm trên chuột và theo dõi phản ứng ở người cho biết câu trả lời, hóa ra là: Có.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 11.
 

Cơ thể người và chuột phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài bằng cách giải phóng một loạt các hormone từ tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận như epinephrine, norepinephrine và cortisone – về sau các hormone này được gọi chung là hormone căng thẳng.

Vì hormone điều hành rất nhiều hoạt động của cơ thể, ngay sau khi được bơm vào máu, chúng sẽ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và tăng lượng đường trong máu. Vì vậy khi bị đặt vào tình huống căng thẳng, bạn sẽ thấy mình thở nhanh hơn, cơ bắp siết chặt hơn, đồng tử giãn ra, bạn sẽ nhìn thấy rõ hơn và thính giác trở nên sắc bén hơn.

Thực ra, các phản ứng này được gọi là "fight-or-flight" (chống trả hay bỏ chạy) vốn được tạo hóa lập trình cho động vật có vú, nhằm đối phó với các tình huống nguy hiểm. Căng thẳng nhất thời, hay còn gọi là căng thẳng cấp tính là một phản ứng có lợi.

Trong quá khứ, nó đã giúp tổ tiên chúng ta chiến đấu và chạy trốn khỏi kẻ thù. Căng thẳng cấp tính giúp con người tập trung hơn, và phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn với các tình huống nguy hiểm, giả dụ khi có một con gấu nhảy bổ vào tổ tiên chúng ta, hoặc có một chiếc xe máy lao vào bạn khi bạn đang đi bộ tắt qua Ngã Tư Sở.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 12.
 

Phản ứng "fight-or-flight" đã giúp tổ tiên của chúng ta chiến thắng trong quá trình chọn lọc tự nhiên để tiến hóa. Thế nhưng, một cơ chế sinh học có ích trong thời tiền sử chưa chắc đã có ích trong xã hội hậu công nghiệp – khi loài người phát triển quá nhanh và tạo ra quá nhiều tác nhân gây căng thẳng cho chính mình.

Ví dụ, việc bị cảnh sát giao thông dừng xe có thể ngay lập tức kích hoạt phản ứng "fight-or-flight", nhưng trong cả hai trường hợp, đánh lại cảnh sát hay bỏ chạy đều sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Con người đã loại trừ phần lớn động vật hoang dã có thể tấn công mình, ít nhất là trong các thành phố hiện đại. Nhưng cuộc sống công nghiệp lại đang phơi ra trước mặt chúng ta nhiều yếu tố gây căng thẳng hơn bao giờ hết, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, không gian sống và làm việc chật chội trong đô thị, tin tức về những kẻ giết người trên mạng xã hội cho đến những áp lực tài chính, áp lực đồng trang lứa…

Các điều kiện căng thẳng này biến chúng ta thành những con chuột trong lồng của Selye, bị nhốt chặt, bị bỏ lạnh hoặc bị bắt phải làm việc liên tục… Tình trạng này được định nghĩa là sự căng thẳng mạn tính.

Nghiên cứu đã chỉ ra việc tích lũy căng thẳng kéo dài khi cơ thể liên tục tiết ra epinephrine, norepinephrine và cortisone sẽ dẫn tới những rối loạn. Nó làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta, gây ra các vấn đề về tiêu hóa, huyết áp và bệnh tim mạch.

Căng thẳng mạn tính đã được chứng minh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, làm chậm quá trình lành lại của vết thương, tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 13.

Infographic:

Những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện bị căng thẳng mạn tính, ví dụ như cha mẹ li hôn, bị lạm dụng, điều kiện kinh tế khó khăn thường sẽ phát triển kém. Vào giai đoạn sau của cuộc đời, những đứa trẻ này sẽ có nguy cơ cao mắc trầm cảm, bệnh tim mạch và cả tiểu đường.

Một vòng luẩn quẩn sau đó sẽ lặp đi lặp lại, căng thẳng gây ra bệnh tật, rồi bệnh tật lại gây ra căng thẳng. Nó khiến các nhà khoa học hậu bối khi nhìn vào mô hình của Selye phải mô tả thứ mà ông phát hiện ra: "Căng thẳng ngoài việc là chính nó, còn là nguyên nhân gây ra chính nó và hệ quả của chính nó".

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 14.
 

Trong khi mối liên hệ giữa căng thẳng và nhiều căn bệnh như tim mạch và huyết áp đã được thiết lập rõ ràng, căng thẳng liên quan như thế nào đến ung thư vẫn là một câu hỏi mà các nhà khoa học đang cố gắng giải thích.

Ngay từ thế kỷ thứ hai, bác sĩ người Hy Lạp Galen đã lưu ý rằng những phụ nữ u sầu có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn những người vui vẻ. Các bác sĩ ở thế kỷ 18 thường lưu ý rằng những gián đoạn nghiêm trọng trong cuộc sống của một người, thứ dẫn đến rối loạn cảm xúc và khiến họ tuyệt vọng, dường như xảy ra trước cả khi bệnh ung thư khởi phát.

Lập luận này một lần nữa được nhắc lại vào năm 1970, bởi một bác sĩ người Anh tên là James Paget. Sau khi khảo cứu hồ sơ của những bệnh nhân ung thư, ông nhận thấy hầu hết họ có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, thất vọng, trầm cảm. "Tôi nghi ngờ rằng chính những cảm xúc này đã thúc đẩy sự phát triển của ung thư", Paget nói.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 15.
 

Hơn một thập kỷ sau đó, Lawrence LeShan, một bác sĩ người Mỹ thực hiện một khảo cứu tương tự để thấy tới 76% bệnh nhân ung thư của ông chia sẻ chung một mô hình áp lực tạo ra những căng thẳng mạn tính trong cuộc đời họ. Cụ thể, bệnh nhân ung thư thường có:

(1) Một tuổi thơ khó khăn, ví dụ như mồ côi cha mẹ, cha mẹ ly hôn, hoặc thường xuyên cãi vã, chung sống không hạnh phúc. Những đứa trẻ này phải chịu áp lực cố gắng làm hài lòng người khác để nhận được sự quan tâm và tình cảm. 

(2) Ở tuổi trưởng thành, những đứa trẻ này tìm thấy cho mình một mối quan hệ hoặc xây dựng được một sự nghiệp mà chúng toàn tâm toàn ý đầu tư tâm sức của mình vào đó. 

(3) Tuy nhiên, mối quan hệ hoặc sự nghiệp này đi đến một giai đoạn đổ vỡ, ví dụ như cái chết của vợ hoặc chồng, ly hôn, phá sản hoặc bị sa thải khỏi công việc. 

(4) Những người này đã vào tuổi trung niên nhưng vì cảm giác mất mát, tuyệt vọng và bất lực, vết thương thời thơ ấu của họ lại tái phát. Họ liên tục bị dồn nén cảm xúc, tự tỏ ra là mình ổn. Người ngoài có thể thấy họ rất thân thiện, hòa đồng, nhưng bên trong những con người này chứa đầy những cảm xúc tiêu cực như giận giữ, chán ghét, thất vọng…

Trong nhóm đối chứng, chỉ có khoảng 10% những người không mắc ung thư trải qua cái được gọi là "mô hình LeShan" này. 

Tuy nhiên, ngay cả vậy, chúng ta cần hiểu đây chỉ là một nghiên cứu quan sát, nghĩa là các nhà khoa học thống kê những điểm chung của bệnh nhân ung thư, chứ chưa thể khẳng định mối quan hệ nhân quả, rằng những người có mô hình LeShan thì sẽ mắc ung thư vào một thời điểm nào đó sau này trong cuộc đời.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 16.
 

Sau LeShan, cũng có nhiều nghiên cứu quan sát được thực hiện chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư nhưng không chỉ ra được quan hệ nhân quả. Chẳng hạn như vào năm 2008, một phân tích tổng hợp của 142 nghiên cứu cho thấy căng thẳng có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Canada năm 2017 tìm thấy mối liên hệ giữa căng thẳng tại nơi làm việc và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tương tự, một phân tích tổng hợp năm 2019 tìm thấy căng thẳng tại nơi làm việc liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi, đại trực tràng và ung thư thực quản.

Các nhà khoa học lập luận rằng căng thẳng thường khiến người phải chịu đựng nó có những hành vi kém lành mạnh, ví dụ như hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá nhiều và lười vận động. Vì vậy, căng thẳng có thể gián tiếp dẫn đến bệnh ung thư chứ không trực tiếp gây ra căn bệnh.

Nhưng liệu căng thẳng có thực sự chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra ung thư hay không? Một số nhà khoa học không nghĩ vậy.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 17.
 

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cancer Cell số tháng 2 vừa rồi, một nhóm các nhà khoa học đến từ Cold Spring Harbor Laboratory, một phòng thí nghiệm tư nhân của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên tìm ra một cơ chế sinh học đằng sau tình trạng căng thẳng, thứ có thể khiến tế bào ung thư di căn nhanh gấp 4 lần và biến tính mô phổi trong một động thái "chuẩn bị cho ung thư khởi phát".

Nghiên cứu được thực hiện trên chuột, trong đó, họ đã sử dụng những con chuột được biến đổi gen nhằm phát triển một dạng ung thư vú tự nhiên. Sau đó, những con chuột này được tiêm một lượng tế bào ung thư sang phổi để mô tả quá trình di căn phổi của bệnh.

Cuối cùng, các nhà khoa học sử dụng mô hình giống như của Selye để đưa một số chuột vào trạng thái căng thẳng. 

Để đưa những con chuột vào trạng thái căng thẳng, một trong số những cách làm là thả chúng vào bể nước

Những con chuột sẽ bị véo đuôi, cứ 5 phút một lần; bị thả vào bể nước, ép chúng bơi liên tục; bị nhốt vào hộp hẹp, để không thể ngọ nguậy; bị bắt phải nghe tiếng ồn liên tục; bị bỏ đói qua đêm; không cho uống nước; bị nhỏ nước vào chuồng khiến cho ổ của chúng ẩm ướt; bị nghiêng lồng trên mặt phẳng 30 độ để luôn phải chạy lên chỗ ở; bị chiếu sáng liên tục để không thể ngủ được…

Kết quả cho thấy trong cùng một khoảng thời gian theo dõi, những con chuột bị căng thẳng có bệnh tiến triển nhanh gấp 2-3 lần. Kích thước khối u vú của chúng tăng gấp đôi so với những con chuột thuộc nhóm đối chứng không bị căng thẳng. Trong khi đó, tốc độ di căn phổi còn tăng gấp bốn lần.

Để tìm hiểu tại sao hiệu ứng này lại xảy ra, các nhà khoa học đã nhìn vào xét nghiệm máu của những con chuột bị căng thẳng. Họ thấy sự gia tăng của một loại hormone tên là glucocorticoids.

Glucocorticoids từ lâu đã được biết đến là một hormone căng thẳng, bởi nó được tuyến thượng thận tiết ra mỗi khi chúng ta bị căng thẳng. Khi glucocorticoids xuất hiện nhiều trong máu, nó tác động lên một loại bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính, khiến các tế bào này tự trục xuất DNA ra ngoài.

Các sợi DNA của hàng trăm bạch cầu trung tính sau đó móc ngoặc vào với nhau, tạo thành một mạng lưới gọi là Bẫy bạch cầu trung tính ngoại bào (Neutrophil extracellular traps-NET). Trong điều kiện bình thường, những chiếc lưới này giăng ra có công dụng bắt những sinh vật ngoại lai trôi nổi trong máu và nội tạng của cơ thể, chẳng hạn như vi khuẩn và virus, để những tế bào bạch cầu khác sau đó tiếp cận và tiêu diệt chúng.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 18.
 

Vì vậy, NET vốn là một cơ chế miễn dịch có ích cho cơ thể, cho đến khi, nó được kích hoạt bởi glucocorticoids từ cơn căng thẳng và trở thành một thứ gì đó quái đản: Một cái lưới bắt các tế bào ung thư trôi nổi trong máu, rồi chính cái lưới đó trở thành một giá thể cho tế bào ung thư đọng lại và phát triển thành khối u.

Giống như một cái lưới đánh cá đặt không đúng chỗ bị tảo và rêu bám vào, NET cũng đang tạo ra một ngôi nhà lý tưởng cho tế bào ung thư di căn phát triển.

Bằng chứng không thể chối cãi về cơ chế gây ung thư từ NET. Khi các nhà khoa học thực hiện 3 thử nghiệm để loại bỏ NET bằng 3 cách khác nhau: Lần một, sử dụng kháng thể để giết chết toàn bộ bạch cầu trung tính. Lần hai phá hủy NET bằng một loại thuốc và lần ba, biến đổi gen những con chuột để chúng không đáp ứng với hormone căng thẳng glucocorticoid để tạo ra NET nữa.

Trong cả ba thí nghiệm mới, những con chuột dù thiếu NET dù bị đặt vào trạng thái căng thẳng triền miên nhưng bệnh ung thư của chúng không còn di căn nữa.

"Dữ liệu của chúng tôi khẳng định glucocorticoids được cơ thể giải phóng khi gặp căng thẳng mạn tính gây ra sự hình thành NET và thiết lập một môi trường vi mô thúc đẩy ung thư di căn", các nhà khoa học viết.

Mọi chuyện thậm chí còn chưa dừng lại ở đó. Sự hình thành của NET trong mô phổi không chỉ đóng vai trò chất dẫn cho ung thư di căn, nó cũng đóng vai trò như một yếu tố tiền ung thư. "Nó gần như đang chuẩn bị cho mô của bạn sẵn sàng bị ung thư", các nhà khoa học cho biết.

Ai đã "phát minh" ra stress: Tác nhân của 80% bệnh tật trên đời, bao gồm cả ung thư?- Ảnh 19.
 

Trước đây, các hormone căng thẳng cũng từng mang tiếng xấu khi sự xuất hiện của chúng là một chỉ dấu cho hiện tượng kháng hóa trị ở bệnh nhân ung thư. Một số hormone như norepinephrine có thể làm tăng khả năng ung thư di căn khi chúng kích thích sự hình thành mạch máu ở khối u.

"Chính bởi vậy, giảm căng thẳng nên là một phần của phác đồ điều trị ung thư và cũng nên là một phần trong chiến lược phòng ngừa ung thư", các nhà khoa học cho biết. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Người vợ trong “Vợ nhặt” có tên thật là gì? Số ít học sinh giỏi Văn mới trả lời được câu hỏi này

Hầu hết mọi người đều không biết tên của nhân vật chính tác phẩm này.
2

Người chơi đầu tiên phá kỷ lục 14 câu của "Ai là triệu phú" nhờ... cãi lời vợ

Anh trả lời đúng 14 câu hỏi và giành 80 triệu đồng.
4

4 kỳ nhân trong truyện Kim Dung: Sở hữu võ công tuyệt đỉnh nhưng vẫn chưa đứng đầu

Trong số các nhân vật sở hữu võ công cái thế, có 4 kỳ nhân dù được ban tặng tuyệt kỹ nhưng lại không thể trở thành thiên hạ đệ nhất.
5

Chữ "You" trong YouTube có nghĩa là gì - Vì sao người ta lại đặt tên nghe buồn cười thế?

Chữ "You" trong YouTube từng là biểu tượng của nền tảng. Nhưng giờ đây, nó đang mất dần ý nghĩa.

Ca sĩ Bùi Anh Tuấn ‘Vẽ lại bức tranh của mẹ’

Sau nhiều năm vắng bóng, ca sĩ Bùi Anh Tuấn đã trở lại với ca khúc “Vẽ lại bức tranh” trong OST “Lật mặt 7” của Lý Hải.

"Vua tiếng Việt" trẻ nhất: 17 tuổi ẵm giải thưởng 320 triệu đồng

Nam thí sinh đã vượt qua 4 vòng thi khó khăn để đạt danh hiệu cao nhất chương trình.

Trước khi qua đời, con người có nghe được lời người thân nói không?

Nghiên cứu của một ĐH tại Canada đã tìm giải mã những phản ứng khi nghe thấy giọng người thân của bệnh nhân sắp qua đời.

Top 5 vũ khí vô địch thiên hạ trong kiếm hiệp Kim Dung: Món thứ 3 là "hóa thân" của số 2

Một trong số những món vũ khí này có quyền hiệu lệnh thiên hạ, người sở hữu là minh chủ võ lâm.

Dung nhan các thí sinh tại cuộc cuộc thi hoa hậu AI chưa từng có trong lịch sử ra sao?

Với khả năng của mình, AI sẽ tạo ra một hoa hậu trong trí tưởng tượng như thế nào?

Mark Zuckerberg nảy ra ý tưởng về tính năng chọc trên Facebook lúc say rượu thời sinh viên

Khi say rượu thời còn là sinh viên, Mark Zuckerberg đã phát minh ra poke (chọc), một trong những tính năng vừa sáng tạo nhất vừa kỳ quặc nhất của mạng xã hội Facebook.

Câu nói "Núi cao có đường chở khách, sông sâu có người lái đò" trong Tây Du Ký nghĩa là gì?

81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng đều đúc kết trong 4 câu nói kinh điển.

Xếp số 1 trong top 10 cao thủ đệ nhất, người này được Kim Dung miêu tả ra sao?

Đối với nhiều fan hâm mộ, cao thủ này có võ công mạnh hơn hẳn Kiều Phong.

Xem ‘Dưới bóng giai nhân’ ngẫm về phụ nữ thời nay

Giải trí - Nguyễn Huy - 24/11/2024 12:00
Vở kịch "Dưới bóng giai nhân" (đạo diễn Quang Thảo, cảm tác từ "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du) là một tác phẩm mượn chuyện xưa liên hệ với bối cảnh xã hội hiện đại.

Bí ẩn truyền nhân của Hư Trúc, bị thương nặng vẫn đấu lại Dương Quá

Thư giãn - Nguyệt - 24/11/2024 11:00
Bài viết này sẽ phân tích một số chi tiết về cuộc đời Hư Trúc sau khi lui về ở ẩn và hé lộ về một truyền nhân của cao thủ này.

“Manifest” từ được nói đến nhiều nhất trong năm 2024, lý do được chọn cực thuyết phục!

Phong cách sống - S.A - 24/11/2024 10:00
Mới đây, nhà xuất bản từ điển Cambridge đã công bố “manifest” là từ của năm 2024. 

Từ chuyện Lâm Đại Ngọc được tặng hoa trong Hồng Lâu Mộng: Bài học cho giới trẻ

Từ sách - Phim - Diệp Anh - 24/11/2024 09:00
Lâm Đại Ngọc, một nhân vật nổi tiếng trong văn học cổ điển Trung Hoa. Từ câu chuyện của nàng, chúng ta có thể rút ra bài học về tầm quan trọng của việc rèn luyện EQ, đặc biệt là cho giới trẻ ngày nay.

Nững nhận xét thú vị về cuốn sách 'Biến tiềm năng thành tài năng'

Từ sách - Phim - Đan Thanh - 24/11/2024 08:00
Cuốn sách 'Biến tiềm năng thành tài năng'của Adam Grant – giáo sư hàng đầu trong bảy năm liền của đại học Wharton và là tác giả cuốn 'Dám nghĩ lại' nổi tiếng – sẽ giúp chúng ta mở khóa tiềm năng của mình, từ đó vươn đến những thành tựu lớn lao.

Facebook Messenger công bố hàng loạt tính năng mới

Kỹ năng - Bình Minh - 23/11/2024 12:00
Người dùng có thể trải nghiệm các tính năng mới này từ ngày hôm nay.

Môn phái có tới 3 cao thủ đệ nhất thiên hạ nhưng đáng tiếc "sớm nở tối tàn"

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 23/11/2024 11:00
Môn phái nào có khả năng vượt mặt Thiếu Lâm?

Những người giỏi kiếm tiền đều có chung bộ 3 quy tắc “bất di bất dịch”

Suy ngẫm - Ngọc Linh - 23/11/2024 10:00
Đâu là thứ làm nên sự khác biệt giữa người giỏi kiếm tiền với người mãi không thể tăng thu nhập?

Hành trình “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đưa văn nghệ sĩ TPHCM đến với người dân vùng biên cương

Giải trí - THU HƯỜNG - 23/11/2024 09:58
Hành trình diễn ra từ ngày 26 đến 30-11-2024, tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái với các hoạt động ý nghĩa, như trao quà hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bão lũ Yagi; tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo...

Biến tiềm năng thành tài năng - Lùi lại không phải là mất đà hay bỏ cuộc, mà là để tiến về phía trước

Từ sách - Phim - TĐ - 23/11/2024 09:00
Kỹ năng không phát triển với tốc độ ổn định nên việc cải thiện nó cũng giống như lái xe lên núi. Càng lên cao, đường càng dốc, sự tiến bộ của chúng ta cũng ngày càng ít đi. Khi hết đà, ta bắt đầu trì trệ.

Lựa chọn đồng đội quan trọng như thế nào? 7 lời khuyên từ sách 'Chiến thắng Con Quỷ bên trong'

Từ sách - Phim - Quìn - 23/11/2024 08:00
“Chiến thắng Con Quỷ bên trong”: 7 nguyên tắc giúp bạn vượt qua chướng ngại và tìm thấy thành công. Đã được dịch sang hơn 10 ngôn ngữ trên thế giới. Luôn nằm trong danh sách khuyến đọc của các doanh nhân, nhà lãnh đạo thành công.

TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024

Kỹ năng - Hoàng Kim - 22/11/2024 15:42
Khảo sát DDCI được tiến hành từ nay đến 15/12/2024, tập trung vào các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư đang triển khai dự án, các hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Lần đầu thấy cảnh người Việt Nam thu hoạch hoa súng, khách Mỹ choáng ngợp

Thư giãn - Huy Hoàng - 22/11/2024 12:00
Có chuyến đi tới đồng bằng sông Cửu Long cách đây không lâu, phóng viên người Mỹ chứng kiến cảnh người địa phương thu hoạch hoa súng nên thấy rất ấn tượng.

Dùng chatbot AI trả đũa kẻ lừa đảo

Kỹ năng - Cẩm Bình - 22/11/2024 11:00
Nhiều người khi phát hiện mình là mục tiêu bị lừa đảo đã cố gắng làm lãng phí càng nhiều thời gian của kẻ lừa đảo càng tốt.

Sau trào lưu xé túi mù, giới trẻ lại lao vào 'cuộc chiến' đập hộp mù

Phong cách sống - Hoàng Hà - 22/11/2024 10:00
Trào lưu xé túi mù chưa kịp hạ nhiệt, giới trẻ lại đua nhau đập hộp mù với những mô hình ngày càng to và đắt tiền hơn, có bạn trẻ tốn 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 24/11/2024