Sau 10 ngày đăng tải, bài viết "Top 10 cao thủ kiếm hiệp Kim Dung: Dương Quá không có tên, số 1 gây nhiều tranh cãi" đã ghi nhận rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra một bảng thăm dò ý kiến với nội dung là: Theo bạn, ai là người mạnh nhất trong số 10 đại cao thủ này của Kim Dung? Bảng thăm dò này có 10 phương án để độc giả lựa chọn bao gồm tên của các đại cao thủ trong các tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn.
Theo kết quả trên thì Đạt Ma sư tổ với 239/937 lượt bình chọn đã áp đảo người đứng thứ 2 là Kiều Phong. Kết quả này đã cho thấy, một lượng độc giả tin rằng Đạt Ma sư tổ là cao thủ có thực lực đứng đầu thiên hạ. Vì sao họ lại quyết định như vậy? Hãy cùng xem tác giả Kim Dung đã miêu tả như thế nào về Đạt Ma sư tổ ttrong tác phẩm của mình.
Trong Anh hùng xạ điêu truyện viết năm 1957, Kim Dung nhắc tới Đạt Ma sư tổ của phái Thiếu Lâm lúc mới từ Tây Trúc sang Trung Quốc đã giao chiến với nhiều võ sĩ trung thổ và có thắng, có bại. Sau đó, ông lui về ở ẩn, quay mặt vào tường suốt 9 năm, thấu triệt được các tinh hoa võ học rồi viết thành bộ Cửu âm chân kinh.
Tuy nhiên, trong bản mới đã được sửa chữa, Kim Dung mượn lời Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông, sư đệ Vương Trùng Dương – giáo chủ Toàn Chân giáo, cho rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do Hoàng Thường viết.
Ngoài ra, Kim Dung cũng nhắc tới Đạt Ma sư tổ trong một số tiểu thuyết như Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký với tư cách là người sáng tạo ra môn võ Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh.
Trong Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký, Dịch cân kinh được đề cập tới nhiều lần là một loại "thần công" với uy lực vô song. Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ) bị trọng thương chờ chết mà vẫn hồi phục nhờ Dịch cân kinh. Du Thản Chi (Thiên long bát bộ) thì vô tình tập theo Dịch cân kinh mà từ nhân vật hạng bét trong võ lâm trở thành cao thủ. Kim Dung còn cho nhân vật dùng Dịch cân kinh đẩy kịch độc băng hàn ra khỏi cơ thể, tự chữa vết thương.
Ngoài ra Đạt Ma sư tổ còn là tác giả của 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm bao quát toàn diện những hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời điểm hoàng kim nhất của võ học.
Với những tuyệt chiêu võ thuật được ông sáng lập, nhiều người cho rằng Đạt Ma sư tổ là đại cao thủ mạnh nhất của giới võ lâm.
Theo Bách trượng thanh quy do Tổ Bách Trượng – Hoài Hải (720 – 784) biên soạn vào trung diệp đời Đường, Đạt Ma sư tổ tên là Bồ Đề Đa La, con trai thứ ba của vua Hương Chí, dòng Sát Đế Lợi, Nam Thiên Trúc, về sau đổi tên là Bồ Đề Đạt Ma. Ngài được Tổ Bát Nhã Đa La (PrajñÅtÅra), đời thứ 27 của Phật giáo Thiên Trúc truyền Y Bát làm Tổ đời 28.
Sau thời gian ẩn thân tu tập để đập tan những định kiến, cơ duyên chín mùi, Ngài lên thuyền vượt biển sang Trung Hoa vào ngày 21 tháng 7 năm Mậu Tuất. Vua Lương Võ Đế hay tin liền mời về Kim Lăng hội kiến. Sau vài lần tiếp chuyện, Bồ Đề Đạt Ma biểu lộ chất nghệ sỹ ngang nhiên của người siêu thoát, trong khi Lương Võ Đế là vị vua thuần thành, nhưng chưa thoát ra khỏi trí óc tầm thường của thế tục, nên không thể lãnh hội những huyền nghĩa cao siêu của bậc đại nhân.
Do đó Đạt Ma Tổ Sư bỏ về Hồ Nam. Tương truyền, Ngài bứt cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang để đến Thiếu Lâm Tự, vào năm Hiếu Xương thứ ba, đời Bắc Ngụy (527).
Tại đây, Ngài thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối, hay ngủ gật lúc nghe giảng và không chịu nổi khí lạnh núi rừng. Đồng thời, thấy cuộc đời chưa tiếp nhận được tông chỉ cứu cánh của Pháp như thật nên ngồi quay mặt vào vách trong, trở về với nỗi niềm cô đơn tuyệt đối của kẻ thiết tha cứu đời. Kết quả sau chín năm diện bích, Ngài đã đúc kết hết thảy tinh yếu vào trong cuốn Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh, trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa với dòng truyền rực rỡ, như bài kệ Ngài dạy: "Ngô bản lai tư thổ, truyền Pháp cứu mê tình, nhất hoa khai ngũ diệp, kết qủa tự nhiên thành". Ta vâng lời Thầy, mang Pháp tạng được trao truyền từ Tây Vức sang đến cõi này để truyền pháp cứu người mê. Một đóa hiện linh thoại, có năm cánh tỏa hương thơm kỳ diệu, là kết quả thành tựu tự nhiên.
Sau khi Ngài viên tịch, các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương pháp do Ngài truyền lại. Với Dịch Cân Kinh thì rèn luyện nội công, còn Tẩy Tủy Kinh thì rèn luyện khí công. Chẳng bao lâu, các Đại sư nhận ra việc luyện tập hai quyển này, không những làm sức khỏe tăng tiến, cơ thể mạnh mẽ mà tinh thần càng phấn chấn, trầm tĩnh, có thể chống lại khí lạnh núi rừng, bịnh tật, mệt mỏi sau khi ngồi thiền và can đảm vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong lúc hành đạo.
*Nguồn: Sohu, Sina