Nói đến các điểm nhấn thu hút người đọc trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung thì không thể bỏ qua các môn võ công tuyệt đỉnh. Nhiều fan nguyên tác cho biết mỗi một chiêu thức võ học trong truyện của Kim Dung đều ẩn chứa sức mạnh và có triết lý riêng của nó. Hãy cùng điểm qua 5 tuyệt kỹ võ công mạnh nhất nhé!
Dịch cân kinh là tên gọi rút gọn của Dịch cân tẩy tủy kinh hay có nơi gọi là Đạt Ma dịch cân kinh, là một cuốn sách võ thuật dạy cách thổ nạp chân khí, nhằm cường thân kiện thể, trường sinh. Môn võ này xuất hiện trong Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký. Ngoài ra Dịch cân kinh là một trong 2 môn công pháp trấn phái của Thiếu Lâm.
Dịch cân kinh do Đạt Ma Sư Tổ sáng tạo, chỉ truyền cho các cao tăng đắc đạo. Dịch Cân Kinh tương truyền được chia thành 2 bộ, bộ đầu gồm 12 thức bao gồm những bí quyết nhập môn luyện khí và lực đi đôi với nhau thoát thai hoán cốt làm bước đệm để luyện nội công thượng đẳng tiếp theo. Bộ sau cũng gồm 12 thức dẫn dắt con người đến cảnh giới nội công thượng thừa, tùy ý dẫn khí trong cơ thể từ đó mà vô bệnh, trường thọ.
Bắc minh thần công là một môn nội công tâm pháp thượng thừa có nguồn gốc từ Tiêu Dao Phái được Tiêu Dao Tử sáng chế ra. Môn võ này xuất hiện trong tác phẩm Thiên long bát bộ. Bắc minh thần công có tác dụng hút nội lực của người khác để cho bản thân sử dụng.
Bắc minh thần công có đặc tính nội lực càng mạnh thì lực hút càng lớn, nếu nội lực của địch hơn ta thì rất nguy hiểm khi hấp thụ, mục đích thực sự của thần công này là tích luỹ nội lực mà không phải chuyên đi hấp thụ nội lực của người khác, càng tích luỹ nội lực sẽ càng dày đặc, dùng làm căn cơ cho võ học. "Bắc Minh Chân Khí" có thể dễ dàng chuyển hoá dung hợp với các loại võ công khắp thiên hạ, dễ dàng học được nhiều loại võ công có thuộc tính xung đột với nhau.
Càn khôn đại na di là bộ võ công tâm pháp thất truyền của Minh Giáo nơi Tây Vực. Môn võ này có thể chuyển đổi đòn tấn công của địch thủ vào người khác hay vào chính địch thủ. Càn khôn đại na di cực kỳ khó luyện nếu luyện sai sẽ dễ dàng dẫn đến bị tẩu hỏa nhập nha, đứt kinh mạch mà chết.
Tuyệt kĩ này có bảy tầng, người thông minh cũng phải mất đến 7 năm mới luyện được tầng 1, người bình thường phải đến 14 năm. Trương Vô Kỵ trong một lần tình cờ đang đuổi theo Thành Côn đã tìm ra bí kíp võ học này. Nhờ tinh thông y thuật và nội công thâm hậu của Cửu dương thần công hỗ trợ nên đã tu luyện đến tầng thứ 7 chỉ trong 1 đêm. Chính 2 tuyệt kỹ này ng đã giúp Trương Vô Kỵ uy trấn giang hồ, người người tôn kính.
Cửu âm chân kinh là tên gọi của một tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu. Người viết nên bí kíp này là Hoàng Thường, người thời Bắc Tống. Bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm đạo lý thâm ảo của Đạo gia từ đó đúc kết thành bí kíp rèn luyện nội công căn bản. Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể.
Bộ chân kinh này chứa đựng tất cả các môn võ học huyền bí thâm sâu và ảo diệu như kiếm pháp, quyền pháp, chưởng pháp, trảo pháp, khinh công, nội công tâm pháp… Nếu luyện thành một chiêu đã trở thành cao thủ hạng nhất, nếu luyện hết cả bộ có thể vô địch thiên hạ.
Cửu dương thần công là võ công chí dương do Vương Trùng Dương sáng tạo. Cửu dương thần công dùng sức mạnh mặt trời làm cơ bản. Hấp thụ nhiệt lượng mặt trời mà luyện công. Cần tìm nơi có ánh sáng mặt trời mà luyện. Càng tiếp xúc với nhiệt lượng mặt trời càng mạnh.
Khí trong người lưu chuyển cuồn cuộn, sảng khoái, công hiệu bồi nguyên trị thương, luyện lâu ngày có thể cường thân dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Nhiệt xuất ra ngoài nóng bỏng như lửa, tụ nhiệt xuất kích, bộc phát ra sức mạnh kinh người.
Nếu như Cửu âm chân kinh võ công để đánh địch thì Cửu dương thần công lại là bí kiếp tu luyện nội công và bảo vệ thân thể. Nếu như Cửu âm chân kinh mang tính chất lạnh (hàn) thì Cửu dương chân kinh mang tính chất nóng (nhiệt), vậy nên Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long ký mới dùng chân kinh này khắc chế được hàn độc của Huyền Minh thần chưởng.