Sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê cách đây 6 năm (ngày 24/6/2015) là một mất mát to lớn đối với nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
Ông có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Trần Văn Khê (24/7/1921 - 24/7/2021), các con, cháu và những thế hệ học trò, truyền nhân… một lần nữa có dịp bày tỏ những tình cảm tốt đẹp với ông.
"Hình ảnh ba luôn trong trái tim tôi"
GS.TS Trần Quang Hải chia sẻ luôn biết ơn ba đã truyền cho ông sự đam mê trong nghiên cứu để được thành công như ngày hôm nay.
Trong cuộc đời của mình, GS Trần Quang Hải đã 2 lần hội ngộ và chia ly với ba mình, tất cả đều gắn liền với sự nghiệp âm nhạc dân tộc của ba ông.
Ông kể năm 1949 ba mình rời Việt Nam đi du học, khi ông chỉ 5 tuổi. 13 năm sau hai cha con mới gặp lại nhau.
Đến năm 2006, sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, GS.TS Trần Văn Khê về nước và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông Hải khi đó ở lại Pháp nên một lần nữa hai cha con xa nhau.
Ông Hải nhớ lại một kỷ niệm cách đây 15 năm, trước ngày cha về nước. Khi đó, đài truyền hình Bỉ có trình chiếu một bộ phim tài liệu về hành trình âm nhạc có tên: "Hải, hành trình của một nhạc sĩ người Việt" - nội dung bộ phim nhắc tới cha ông, GS Trần Văn Khê. Kỷ niệm về 2 cha con, trong bộ phim đó, khiến ông Hải còn nhớ mãi.
"Đáng ghi nhớ nhất là khi ba nhìn nhận tài gõ muỗng của tôi và bằng lòng đưa muỗng - một nhạc cụ mới lạ vào sáng tạo mới trong nhạc cổ truyền Việt Nam".
Ông và ba mình đã thể nghiệm màn song tấu kìm - muỗng tại lễ hội Shiraz của Iran (Ba Tư). Vào năm 1976, hãng đĩa của Pháp thu âm loại nhạc tùy hứng này với tên gọi Nhạc cổ truyền mới.
Chân thành và giản dị trong cách sống
Nhà thơ Hồng Ngọc - cháu gái gọi cố GS Trần Văn Khê, lần đầu tiết lộ câu chuyện bản thân từng không dám đến gặp và chào khi GS Khê về thăm quê nhà.
Biết chuyện, chính GS đã viết thư cho chị để "nhận bà con". Trong thư, giáo sư Khê khẳng định, dù chú đi xa, nhiều việc nhưng quý trọng và không quên bà con.
"Lúc ấy, tôi không sao kể hết niềm vui sướng của mình khi nhận được thư chú, một người dù nổi tiếng vẫn không quên tình cậu ruột quê nhà".
Những lúc ở quê lên Sài Gòn thăm chú, chị Hồng thường mang vú sữa Vĩnh Kim trồng trên mảnh đất nhà biếu. Bởi chị biết "Chú tôi, dù đi đâu, làm gì, nổi tiếng thế nào, vẫn cứ là người con của đất quê!"
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - truyền nhân của cố GS.TS Trần Văn Khê cũng không bao giờ quên được sự giản dị trong cách sống của thầy mình lúc sinh thời.
"Thầy sinh năm Tân Dậu, nên sinh nhật Thầy chúng tôi luôn tìm bài hát nào vui vui có liên quan con gà. Tôi nhớ có dịp Trung Thu người ta bán lồng đèn hình con gà, chúng tôi mua làm quà sinh nhật, thầy vui lắm".
Băng Châu