Ngày 24.6.2015 là ngày cuối cùng GS Trần Văn Khê sống tại ngôi nhà quen thuộc ở địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ra đi ở tuổi 93, GS Trần Văn Khê đã để lại cho hậu thế một di sản âm nhạc dân tộc đồ sộ. Cho đến nay di sản văn hóa, âm nhạc và những nghiên cứu của ông đang được thế hệ nối tiếp bảo tồn và phát huy trong đời sống âm nhạc của đất nước. Thế nhưng di sản hữu hình là căn nhà - nơi những bước chân quen thuộc của ông đi về trong suối 9 năm cuối đời tại TP.HCM thì dường như đã rơi vào lãng quên.
GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Tư liệu
Vào năm 2006, từ Pháp, GS-TS Trần Văn Khê đã chính thức trở về Việt Nam sinh sống và làm việc. Chính quyền TP.HCM cũng đón nhận ông bằng một thái độ hết sức trang trọng. Để tạo điều kiện tốt nhất cho ông làm việc, nhiều đề xuất đã được đưa ra. Thông qua đề xuất của Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao), cụ thể là bà Trương Ngọc Thủy và bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở), TP đã ra quyết định cấp cho GS Trần Văn Khê ngôi nhà tại 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để ông làm nơi ở và làm việc, cũng như để bảo quản, trưng bày hiện vật.
Căn nhà của GS Trần Văn Khê nhìn từ mặt tiền - Ảnh: Quỳnh Trân
Cùng thời điểm, Sở VH-TT TP.HCM cũng đã tiếp nhận 435 kiện sách, trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới và nhiều hiện vật liên quan đến GS Trần Văn Khê. Từ đó căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc đối với giới âm nhạc và công chúng trong, ngoài nước.
Vào những năm cuối đời, GS Trần Văn Khê viết trong di nguyện: “Về ngôi nhà và các vật dụng trong nhà: Theo hợp đồng được ký kết giữa tôi và cháu Trương Ngọc Thủy, cháu Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM), khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê...".
Một góc nhỏ căn phòng nơi GS Trần Văn Khê đã sống và làm việc - Ảnh: Phan Giang
GS Trần Văn Khê cũng đưa ra nguyện vọng vào di nguyện: “Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ... Riêng trang blogspot, Facebook trước đây do cháu Khánh Vân tạo và quản lý cho tôi trên 10 năm, khi tôi qua đời, cháu sẽ tiếp tục được quản lý và phổ biến tư tưởng của tôi. Tôi ước ao những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý: những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại”...
Sau khi GS Trần Văn Khê qua đời được 49 ngày, vì một số lý do riêng, ông Trần Quang Hải, con trai của GS Khê - đại diện gia đình đã giao lại căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai cho Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (vào ngày 14.8.2015).
Từ trái qua: NSND Kim Cương, bà Nguyễn Thế Thanh, ông Bá Thùy và danh ca Bạch Yến tại buổi bàn giao nhà cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM chiều 14.8.2015 - Ảnh:Thoại Hà
Hai tháng sau, căn nhà của GS Trần Văn Khê tại TP.HCM cũng đã được giao lại cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM quản lý. Theo kế hoạch, nơi đây vẫn được sử dụng vào việc bảo tồn lưu giữ những di sản văn hóa của GS Trần Văn Khê. Theo đó, vào những năm chẵn, Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, chuyên đề vào dịp kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh của GS-TS Trần Văn Khê, nhưng 4 năm qua chưa có hoạt động liên quan nào diễn ra. Trong khi đó toàn bộ hiện vật, tài liệu, sách… cũng được chuyển sang cho Thư viện Khoa học tổng hợp quản lý.
Kho tư liệu quý giá của GS Trần Văn Khê tại căn nhà của ông - Ảnh: Phan Giang
Vào thời điểm tiếp nhận căn nhà của GS Trần Văn Khê, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, nói với báo chí “Theo quyết định của UBND TP.HCM thì Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý phần nhà để làm văn phòng trung tâm. Phần kho tư liệu phía sau sẽ do Bảo tàng TP.HCM quản lý. Và phương án được đưa ra là kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê vào những năm chẵn, phía bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề chứ không có một nhà trưng bày cuộc đời GS Khê”. Tuy nhiên cho đến nay (tháng 5.2019) không hiểu vì lý do gì, những kế hoạch thiết thực như vậy chưa được thực hiện?
Chiều ngày 11.5 phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã liên lạc với ông Trương Kim Quân - GĐ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di tích văn hóa lịch sử TP.HCM (đơn vị đang quản lý căn nhà của GS Trần Văn Khê) để tìm hiểu thêm về các hoạt động nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất (24.6) của GS Trần Văn Khê tại TP.HCM (năm chẵn) ông Quân cho biết trung tâm chỉ có nhiệm vụ quản lý bảo tồn khu di tích này, các hoạt động liên quan đến GS-TS Trần Văn Khê do phía Bảo tàng TP.HCM đảm nhận và tổ chức.
Liên lạc với bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, để hỏi về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê trong năm 2019 bà Huyền cho biết, năm 2019, Bảo tàng TP.HCM không có hoạt động nào, hiện tại bảo tàng đang chuẩn bị kế hoạch để tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân 99 năm ngày sinh của giáo sư (1921 - 2020) vào năm sau.
Tiểu Vũ