Thất bại có thể khiến bạn cảm thấy thực sự tàn khốc nhưng một số người thành công nhất thế giới đã chứng minh, thất bại thường là điều đương nhiên.
Sự can đảm, kiên trì, kiên cường - bất kể bạn gọi nó là gì, nhiều người có ảnh hưởng cho thấy rằng chìa khóa thành công là khả năng đón nhận thất bại và tự tin thích ứng với sự thay đổi.
Để tạo nên cảm hứng, trang Business insider đã tập hợp một danh sách những thành công, từ các ngôi sao điện ảnh đến các nhà khoa học, những người đã phải đứng dậy sau thất bại nặng nề trước khi tìm được danh tiếng và tiền tài.
Hãy xem những kẻ yếu thế đã thay đổi thế giới ra sao.
Thomas Edison được biết đến nhiều nhất nhờ phát minh ra bóng đèn điện và sau này được vinh danh "Người mang lại mặt trời thứ hai cho nhân loại". Bóng đèn điện của Edison được phát minh sau hàng ngàn thí nghiệm và thành công bằng cách tạo chân không bên trong, tìm dây tóc phù hợp để sử dụng và chạy điện áp thấp hơn.
Chia sẻ về phát minh vĩ đại này, Edison từng nói: "Tôi chưa thất bại, tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách mà sản phẩm chưa hoạt động" hay "Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi".
Edison sau đó cũng đã phát minh ra rất nhiều đồ vật khác như máy chiếu phim, ô tô điện, công tơ điện,...
Song ít ai biết rằng, các giáo viên của Thomas Edison từng nói ông 'quá ngu ngốc để học bất cứ điều gì'.
Trong lớp học của những năm 1800, Thomas Edison gặp nhiều khó khăn trong học tập bởi mắc chứng khó đọc. Rất ít người biết về chứng bệnh này vào thời điểm đó. Phải đến đầu những năm 1900, tức hàng chục năm sau khi Edison rời trường, những nghiên cứu đầu tiên về chứng khó đọc mới được thực hiện.
Theo ghi chép của Quỹ Giáo dục Kinh tế, năm 1854, thầy Reverend G. B. Engle đã miệt thị học sinh 7 tuổi Thomas Alva Edison là kẻ đần độn, tâm thần. Edison đã rời trường Port Huron, Michigan, ngôi trường chính thức đầu tiên cậu bé theo học.
Một giai thoại được kể lại từ khoảnh khắc giáo viên tiểu học của Thomas Edison viết thư cho mẹ cậu bé. Sau khi đưa thư cho mẹ, Edison hỏi bà về nội dung, mắt bà nhòe lệ khi đọc cho con từng chữ một: "Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình".
Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa".
Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: "Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ".
Churchill từng bị đúp năm lớp 6. Ông cũng bị đánh bại ở tất cả các vị trí trong những cơ quan chính phủ mà ông xin vào. Tuy nhiên, tới năm 62 tuổi, Churchill đã trở thành Thủ tướng Anh. Ông tự nhận mình là "một người bi quan luôn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội" và "một người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn".
Trước khi bộ truyện Harry Potter của cô bán được hơn 450 triệu bản, giành được vô số giải thưởng, được chuyển thể thành loạt phim ăn khách và thay đổi cuộc đời Rowling, cô sống trong một căn hộ chật chội với con gái, thất nghiệp và không một xu dính túi.
Rowling cho biết bà đã nhận được "rất nhiều" lời từ chối từ các nhà xuất bản sách khi lần đầu tiên gửi bản thảo "Harry Potter và Hòn đá Phù thủy".
Sau đó, bà đã ghim lá thư từ chối đầu tiên của mình lên tường bếp như một lời nhắc nhở bản thân không được dừng lại. "Tôi sẽ không từ bỏ cho đến khi mọi nhà xuất bản đều từ chối tôi", Rowling kiên cường khẳng định.
Một năm sau, Nhà xuất bản Bloomsbury chấp nhận bản thảo của Rowling vì cô con gái 9 tuổi của Giám đốc nhà xuất bản yêu thích tác phẩm. Song, không ai tin rằng Rowling sẽ trở thành tác giả nổi tiếng hay Harry Potter là cuốn sách bán chạy toàn cầu. Đại diện hãng Christopher Little khuyên bà nên tìm một công việc khác và đừng mộng mơ về việc viết lách.
Năm 1997, Nhà xuất bản Bloomsbury in 1.000 bản Harry Potter và Hòn đá Phù thủy. 5 tháng sau, quyển sách được trao giải thưởng đầu tiên - The Nestle Smarties Book Prize. Tháng 2/1998, quyển sách được trao thêm giải The Book of the year (Cuốn sách của năm).
Tháng 7/1998, cuốn Harry Potter và căn phòng Bí mật được xuất bản. Cuốn sách này đã đem về cho Rowling giải Smarties Prize lần hai. Tháng 12/1999, cuốn Harry Potter và tên tù ngục Azkaban ra mắt và khiến Rowling trở thành tác giả đầu tiên nhận giải Smarties Prize 3 lần liên tiếp.
Tập 4 của Harry Potter - Harry Potter và Chiếc cốc lửa ra mắt đồng thời ở Anh và Mỹ vào năm 2000 và lập nhiều kỷ lục về lượt tiêu thụ. Năm 2003, tập 5 của Harry Potter - Harry Potter và Hội Phượng hoàng được xuất bản. Hai năm sau, tập 6 của Harry Potter - Harry Potter và Hoàng tử lai được trình làng và bán được 9 triệu bản chỉ sau 24 giờ phát hành. Năm 2007, tập cuối của bộ truyện Harry Potter - Harry Potter và Bảo bối Tử thần ra mắt và chỉ trong ngày đầu tiên, cuốn sách đã bán được 11 triệu bản.
Từ một cuốn sách bị 12 nhà xuất bản từ chối, Harry Potter trở thành cuốn sách gây sốt toàn cầu và trị giá ước tính 15 tỷ USD. Bộ sách được dịch ra 84 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt và được dựng thành phim. Bộ sách cũng thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một người mẹ đơn thân từng sống trong trầm cảm và chán nản.
Năm 1919, Disney bị sa thải khỏi một trong những công việc hoạt hình đầu tiên của mình tại tờ báo Kansas City Star vì biên tập viên của ông cảm thấy ông "thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay", theo " The Wisdom of Oz ".
Thậm chí, đó không phải là thất bại cuối cùng của ông ấy. Disney sau đó mua lại Laugh-O-Gram, một xưởng phim hoạt hình mà sau đó ông đã phá sản. Cuối cùng, ông quyết định đặt mục tiêu vào một lĩnh vực có lợi hơn: Hollywood.
Walt Disney và anh trai chuyển đến California, thành lập Disney Brothers' Studio, cuối cùng tạo ra Chuột Mickey và Disneyland, giành được 22 giải Oscar.
Theo KFC, Đại tá Harland Sanders bán lốp xe vào đầu những năm 1920 và trở thành nhân viên bán hàng hàng đầu ở Kentucky, nhưng ông đã bị sa thải vì nóng nảy.
Times đưa tin ông đã bị sa thải hàng chục công việc khác trước khi đóng cửa nhà hàng đầu tiên của mình và phá sản ở tuổi 65. Ông được cho là đã bị sa thải khỏi hai công việc đường sắt riêng biệt, một lần vì không phối hợp và lần còn lại vì đánh nhau với đồng nghiệp.
Sau khi mất nhà hàng, Sanders đi khắp nước Mỹ để tìm người bán món gà rán của mình. Theo Bio, mãi đến năm 1964, khi Sanders 74 tuổi, ông mới có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền kinh doanh gà của mình. Sau đó, ông quyết định bán doanh nghiệp với mức giá 2 triệu USD vì nó phát triển quá lớn, ông không đủ sức để điều hành.
Tuy nhiên, đại tá vẫn là đại sứ thương hiệu cho KFC với mức lương 75.000 đô mỗi năm. Hình ảnh đặc trưng là bộ suit trắng, chùm râu muối tiêu và thắt một chiếc nơ đen.
Ở tuổi 88, Harland Sanders trở thành triệu phú của chuỗi thương hiệu gà rán nổi tiếng nhất thế giới sau bao thăng trầm cuộc đời. Ông mất vào tháng 12 năm 1980 (90 tuổi). Dù đã hơn 30 năm trôi qua kể từ thời điểm đó, KFC vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của ông để quảng cáo cho món gà rán huyền thoại với hơn 25.000 cửa hàng trên khắp thế giới.
Trước khi trở thành "người đàn ông hấp dẫn nhất trong làng giải trí thể thao", Johnson từng là tiền vệ phòng ngự dự bị cho đội bóng đá Đại học Miami.
Anh ấy đã cố gắng trở nên chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp vào năm 1995, nhưng anh ấy đã bị loại khỏi Calgary Stampeders của Liên đoàn bóng đá Canada hai tháng sau mùa giải. "Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất của tôi," sau này anh nói với The Hollywood Reporter .
Johnson đáp lại bằng cách thuyết phục cha huấn luyện anh trong công việc kinh doanh đấu vật chuyên nghiệp của gia đình. Chỉ một năm sau đó, anh ra mắt Liên đoàn đấu vật thế giới (WWF) với tên Rocky Maivia. Sự xoay trục này đã đưa anh ấy trở thành ngôi sao và cho phép Johnson lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh vào đầu những năm 2000.
Theo cuốn sách "Những lá thư từ chối của người khác", Anderson không hề cảm thấy chán nản sau khi nhận được 15 lá thư từ chối từ NASA. Anh ấy nói rằng, bản thân luôn tràn đầy "hy vọng" bất cứ khi nào nhận được một lá thư: "Hầu hết những người nộp đơn đều nhận được bưu thiếp, vì vậy một lá thư được gửi qua đường bưu điện có ý nghĩa gì đó."
Sau khi được NASA chọn đào tạo thành chuyên gia sứ mệnh vào năm 1998, cuối cùng anh đã được phóng vào vũ trụ vào năm 2007 để dành 5 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Bill Gates ngày nay được biết đến như một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, chặng đường thành công của ông không hề trải hoa hồng.
Bill Gates nổi tiếng với việc bỏ ngang chương trình học tại trường đại học hàng đầu thế giới – Harvard để khởi nghiệp với công ty Microsoft hồi năm 1970. Ông từng chia sẻ, nếu được sinh ra một lần nữa, ông sẽ cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hay năng lượng sinh học.
Trước khi thành lập Microsoft, Bill Gates khởi nghiệp với công ty Traf-O-Data, cung cấp dịch vụ đọc dữ liệu thô từ các máy đếm lưu lượng giao thông, tạo báo cáo để các kỹ sư giao thông xử lý và phân tích để thiết kế đường sá, cải thiện tình hình giao thông, giảm ách tắc.
Bill Gates và người cộng sự Paull Allen đã cố gắng sản phẩm Traf-O-Data 8008 cho chính quyền địa phương nhưng thất bại do máy móc không hoạt động được. Mặc dù vậy, đó là tiền đề đầu tiên để họ chuẩn bị cho sản phẩm của Microsoft ra đời vài năm sau đó.
Thất bại đầu tiên không khiến nhà sáng lập Microsoft nản lòng. Ông và cộng sự liên tục nỗ lực và cố gắng tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới. Thực tế đã minh chứng, Microsoft đã trở thành công ty phần mềm dành cho máy tính lớn nhất thế giới.
Bill Gates là một nhà lãnh đạo luôn hướng về phía trước. Thất bại không bao giờ khiến ông nản chí. Kể cả khi thành công, ông cũng không bao giờ cho phép bản thân hài lòng. "Ăn mừng thành công là tốt nhưng rút ra bài học từ thất bại còn quan trọng hơn", nhà tỷ phú chia sẻ.
Elon Musk sinh ra tại Nam Phi, cha làm kỹ sư, mẹ làm người mẫu. Mọi người thường gọi ông là "mọt sách" bởi ông dành phần lớn thời gian "vùi đầu" trong sách vở và không thích giao du bạn bè bên ngoài. Elon Musk yếu hơn các bạn cùng trang lứa khác nên ông dễ dàng trở thành mục tiêu bắt nạt của các bạn cùng trường. Trong một cuốn sách của mình, Elon từng kể ông đã phải nhập viện vì bị đẩy ngã cầu thang và đánh cho tới ngất.
Sau khi tốt nghiệp trường Wharton với tấm bằng kinh tế và vật lý, ông đến tận văn phòng của Netscape để xin việc, nhưng sau đó ông lại quay về vì ông quá nhút nhát để nói chuyện với quản lý công ty.
Một lần ông chia sẻ, "Khi tôi đến Netscape để phỏng vấn, tôi không dám bắt chuyện với bất cứ ai. Tôi là một kẻ nhút nhát nên chỉ đứng đó và nhìn người ta nói chuyện. Cuối cùng, tôi đã bị Netspace từ chối".
Sau đó, ông quyết định tự thân thực hiện ý tưởng của mình bằng việc lập công ty Zip2, một công ty chuyên về phần mềm dạng Yellow Pages chuyên cung cấp các bản đồ cũng như địa chỉ doanh nghiệp, cũng như các trang báo điện tử.
Công ty Zip2 được CEO Elon Musk và anh trai của mình thành lập vào năm 1995. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của công ty lại muốn phế chức vụ CEO của Elon Musk do họ cho rằng ông không có đủ trách nhiệm cũng như kinh nghiệm điều hành công ty. Sau đó Zip2 được bán cho công ty Compaq.
Musk sau đó thành lập X.com- công ty thống thanh toán điện tử sau này được đổi tên thành Paypal. Năm 2000, Musk được bổ nhiệm làm CEO của công ty. Tuy nhiên, trong một lần mâu thuẫn với ban quản trị của công ty về việc nên sử dụng nền tảng Windows hay Unix, Musk bị sa thải và phải rời vị trí CEO khi đang hưởng tuần trăng mật tại Australia.
Sau đó Elon Musk rút ra kinh nghiệm, "Tôi đã rút ra bài học là không nên rời khỏi văn phòng làm việc khi công ty đang gặp vấn đề, bởi nó sẽ khiến cho những người khác gặp nhiều căng thẳng hơn".
Trong cuốn sách "Bệnh trong đầu - Những cuộc trò chuyện về cuộc sống và hài kịch" của Judd Apatow, Seinfeld nhớ lại rằng ngay lần đầu tiên biểu diễn, anh ấy đã bị khán giả ném đá.
Dù đã luyện tập kỹ lưỡng từ tối hôm trước nhưng khi bước ra sân khấu, Jerry Seinfeld không thể nhớ được một lời nào về tiết mục của mình. "Tôi đứng đó khoảng ba mươi giây... hoàn toàn không nói gì, chỉ đứng đó, hoảng sợ. Tôi không thể tin được."
Sau khi cải thiện khả năng diễn xuất của mình, nam diễn viên hài đã giành được một vai nhỏ trong bộ phim sitcom "Benson". Tuy nhiên, theo New York Times, Seinfeld và các nhà sản xuất chương trình đã xung đột về hướng đi của nhân vật nên anh bị sa thải chỉ sau bốn tập.
Thật không may, không ai nói với Seinfeld rằng anh ấy đã bị cắt vai. Một ngày nọ, Seinfeld đến đọc kịch bản và nhận thấy không có vai diễn nào đang chờ anh ấy. Trợ lý đạo diễn kéo anh sang một bên và nói với anh rằng, họ đã sơ ý không thông báo anh không còn tham gia chương trình nữa.
Seinfeld bị bẽ mặt nhưng anh ấy đã quay lại biểu diễn ngay tại các câu lạc bộ hài kịch. Sau một buổi biểu diễn, một tuyển trạch viên tài năng cho chương trình "Tonight Show" đã có mặt trên khán đài đề nghị ký hợp đồng biểu diễn với Seinfeld. Đây chính là bước đột phá trong sự nghiệp của nam diễn viên hài.
Anh viết trên Reddit AMA: "Hãy ngẩng cao đầu khi thất bại và cúi đầu khi thành công" .