Người mẫu ảo là những nhân vật không có thật, được tạo ra dưới dạng mô phỏng thiết kế 3D nhờ các nhà lập trình viên bằng công nghệ CGI (computer generated imagery). Ban đầu, người mẫu ảo ra đời chỉ để giúp hỗ trợ các nhà mốt phác thảo ý tưởng trước khi áp dụng lên người thật.
Sau đó, một vài cá nhân đã cho ra đời những cô mẫu ảo dưới hình thức KOLs (Key Opinion Leader - những người có tầm ảnh hưởng đến lựa chọn và quyết định của khách hàng) với những bức ảnh, bài đăng mang tính đời sống và có cá tính riêng không khác gì người thật. Các KOLs ảo này sở hữu lượng người theo dõi cao chóng mặt, tham gia vào cuộc đua mạng xã hội cùng các IT girls hàng đầu như Gigi Hadid, Bella Hadid... Nhờ sự nổi tiếng cùng ngoại hình hoàn hảo, các nhà mốt và nhãn hàng bắt đầu để mắt đến và sử dụng họ như những cô người mẫu ảo trong các chiến dịch của mình.
Điển hình phải nhắc đến nữ nhân vật Miquela Sousa, một sản phẩm được một công ty công nghệ có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) sáng tạo ra hồi năm 2016. Cô sở hữu 2,8 triệu lượt theo dõi trên tài khoản Instagram. Cho dù không có thật, nhưng các thương hiệu đình đám hàng đầu thế giới vẫn “đua nhau” tìm tới đặt hàng quảng cáo với cô. Hiện Miquela Sousa có giá trị hình ảnh lên đến 100 triệu bảng (tương đương với gần 3.000 tỷ đồng). Thậm chí cô nổi tiếng đến mức còn được tạp chí Time (Mỹ) đưa vào danh sách nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên mạng Internet.
Miquele được xây dựng với diện mạo trẻ trung, xinh xắn với phong cách tinh nghịch, nổi bật. Cô cũng là một nhân vật có sự quan tâm tới những câu chuyện nóng hổi về đời sống xã hội, sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ những điều đúng đắn. Mỗi bài đăng tải của Miquele trên mạng xã hội đều thu hút được nhiều người trẻ quan tâm và sự chú ý của nhiều nhà mốt trên thế giới.
Đầu năm 2018, Miquele nhận lời mời hợp tác từ thương hiệu Prada và tham dự show thời trang mùa thu 2018 tại Milan Fashion Week. Thành công tiếp nối thành công, Miquela liên tiếp được xuất hiện trên nhiều tạp chí như V Magazine, Paper, Novembre Magazine… tham gia các chiến dịch thời trang của Balenciaga, Proenza Schouler, Prada, Diesel, Supreme, Vetements và Vans. Thậm chí cô nàng còn được lên bìa tạp chí Vogue số tháng 9, số kỳ công và quan trọng nhất năm, đủ để thấy sự ưu ái mà ngành thời trang đang dành cho người mẫu ảo này. Đến nay, công ty sáng tạo ra nhân vật này đã thu về hàng triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu.
Tại đất nước Nhật Bản, cũng xuất hiện một người mẫu ảo có sức hút không kém mang tên Imma. Hãng IKEA Nhật Bản đã thực hiện cách quảng cáo độc đáo cho việc khai trương cửa hàng mới của họ bằng cách giới thiệu cuộc sống đời thường của Imma, mô hình người mẫu ảo đầu tiên tại xứ sở hoa anh đào.
Imma thu hút hơn 250.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, IKEA đã đưa người mẫu ảo này vào thế giới thực bằng cách tạo ra một căn hộ cho cô ở cửa hàng Harajuku với những thói quen sinh hoạt hằng ngày y như người thật. Imma có phong cách thời trang cá tính, năng động với mái tóc ngắn màu hồng nổi bật.
Theo thống kê, cô có thể kiếm được hơn 1.150 USD cho mỗi bài đăng quảng cáo. “Những phân tích cho thấy thu nhập hàng năm của Imma đạt gần 700.000 USD. Con số này chẳng tệ chút nào đối với người mẫu ảo”, phóng viên Sophie Jane Evans bình luận.
Lý do khiến người mẫu ảo lại trở nên nổi tiếng như vậy là bởi thế hệ trẻ ngày nay đang rất ưa chuộng công nghệ, họ thich những nét đẹp hoàn hảo và cuộc sống lý tưởng, độc đáo. Còn với ngành công nghiệp thời trang, sự xuất hiện của người mẫu ảo đã tạo nên những đột phá mới mẻ. Khi mà thời trang đang muốn rũ bỏ sự cổ lỗ lạc hậu, tiến lên nắm bắt cái mới thì việc sử dụng mẫu ảo thay thế người thật là trào lưu thể hiện sự tiếp cận cái hiện đại của ngành thời trang.
Người mẫu ảo cũng có nhiều lợi thế mà người thật không có. Họ có thể có thân hình siêu chuẩn cho đến làn da đầy sức sống. Ngành thời trang vốn đầy rẫy sự cạnh tranh này lại càng khốc liệt hơn khi các người ảo bắt đầu giành giật chỗ đứng của những người mẫu thật.
Tuy nhiên, việc để người mẫu ảo có thể thay thế hoàn toàn người mẫu thuật trên các sàn catwalk là một kế hoạch dài hơn bởi các chi phí để thiết kế ra một phiên bản người mẫu ảo không hề nhỏ, chưa kể tới không gian, trang phục cùng với những chuyển động thực tế và trải nghiệm mang lại cho khán giả tại show diễn.