Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, ngoài các tuyệt kỹ võ công nổi tiếng thiên hạ, những trận pháp biến ảo khôn lường cũng khiến cho độc giả hâm mộ. Vì vậy, trang tin Sohu đã lập ra một bảng xếp hạng 10 trận pháp lợi hại nhất. Đó là những võ trận nào?
Đây là trận pháp gia truyền của nhà Công Tôn. Trận pháp này xuất hiện trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ do Công Tôn Chỉ sử dụng khi đối phó với nhóm Dương Quá, Hoàng Dung, Trình Anh, Quách Phù, Gia Luật Tề…
Ngư võng trận gồm 8 người thành trận, 2 người thành 1 lực, phân 4 nhóm đứng 4 phương, phối hợp với bộ pháp tinh diệu, biến đổi thế trận khiến cho quân địch như cá mắc lưới, bước đi khó khăn, vật lộn để thoát trận.
Lục mạch thần kiếm là một võ công tuyệt kỹ bí truyền của hoàng gia Đại Lý và cũng bảo vật trấn tự của ngôi chùa trấn quốc Thiên Long Tự. Môn võ này xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ.
Lục mạch thần kiếm còn có thể dùng như một trận pháp gọi là Lục mạch kiếm trận, sáu người chia nhau học sáu mạch kiếm như sáu vị cao tăng của Thiên Long Tự. Tuy nhiên Lục mạch kiếm trận uy lực không cao bằng Lục mạch thần kiếm.
Trong Bích huyết kiếm, Ngũ hành bát quái trận là trấn sơn chi bảo của phái Thạch Lương. Ngũ hành bát quái trận là một trận đồ hợp lực gồm 16 người giàn trận bát quái bên ngoài để phò tá Ngũ hành trận bên trong.
Mười sáu người chạy vòng quanh càng chạy càng phải nhanh hơn. Mọi chỗ hổng đều bị họ bịt kín hết cả thế này, đến con ruồi con muỗi cũng không thể bay lọt. Ngũ hành trận cần dùng một người hấp dẫn đối phương tấn công, bốn người kia thì nhằm chỗ hở của địch mà tập kích.
Điểm cốt yếu của trận thế này là phải nhanh nhưng nếu như địch thủ không động đậy và phòng bị chu đáo thì Ngũ hành bát quái trận không phát huy được sức mạnh.
Trận pháp này do Đông Tà Hoàng Dược Sư lập ra để chống lại quân Mông Cổ. Đây là sự kết hợp giữa Thiên cang bắc đẩu trận của Toàn Chân phái và cổ trận Cửu cung bát quái trận. Trận này dựa vào âm dương ngũ hành, nhờ vậy có thể đem lại hiệu quả mười người trong trận chống lại được hàng trăm quân.
Đây là trận pháp võ công từng xuất hiện trong Ỷ Thiên Đồ Long ký do ba vị cao tăng Thiếu Lâm là Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn đã cùng nhau sáng tạo. Trương Vô Kỵ đã từng 3 lần bó tay trước trận pháp này.
Lần thứ nhất, Trương Vô Kỵ một mình xông trận nhưng không thể phá trận mà còn suýt chết, cho đến lúc nói ra ân oán giữa Tạ Tốn và Thành Côn khiến cho Độ Ách nghi ngờ nên mới thoát.
Lần thứ hai, Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu, Ân Thiên Chính ba người hợp lực phá trận, kết quả cũng không phá được, Ân Thiên Chính còn bị hao tổn hết tinh lực.
Lần thứ ba, Trương Vô Kỵ cùng Chu Chỉ Nhược hợp lực phá giải Kim Cương Phục Ma Khuyên nhưng Chu Chỉ Nhược công lực quá kém nên không giúp gì được, sau đó Trương Vô Kỵ phải dùng mưu đánh gãy những cây tùng khiến cho Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn mất chỗ ẩn thân, từ đó Kim Cương Phục Ma Khuyên không thể tiếp tục sử dụng được, 3 cao tăng phải chuyển sang đấu nội lực cùng Trương Vô Kỵ. Sau đó, Hoàng San Nữ Tử xuất hiện, hóa giải nguy cơ, sau đó tam vị cao tăng nói Trương Vô Kỵ không thể phá trận, mà ba tăng cũng không đánh bại được Trương Vô Kỵ.
Thập bát La Hán trận là bảo pháp trấn sơn của Thiếu Lâm, trận pháp của 18 đại cao thủ. Sử sách mô tả: Khi di chuyển linh hoạt như nước chảy, khi đứng im vững vàng như núi, đầu cuối tương ứng, không chút sơ hở...
Có ghi chép khẳng định rằng 18 người đồng chính là Thập bát La Hán, 18 cao thủ của Đạt Ma viện. Được xếp vào hàng ngũ này đều là thượng thừa công phu cá nhân, còn Thập bát La Hán trận là sự phát huy sức mạnh cá nhân rồi bổ trợ cho nhau, tạo thành trận pháp với uy lực lừng danh.
Bên cạnh cấp độ về trận pháp thì Thập bát La Hán còn ghi dấu ấn ở công phu cá nhân, gồm Thập bát La Hán thủ, La Hán quyền và La Hán công.
Bí ẩn những con số trong Hà đồ, Lạc thư nằm ở chỗ số lý và phương vị có thể diễn hóa lẫn nhau, âm dương tương hợp, thiên địa tương phối, là ngụ ý thiên đạo tuần hoàn sinh sôi biến hóa không ngừng.
Trong "Ỷ thiên đồ long ký", hai phái Hoa Sơn, Côn Lôn nghiên cứu thuật số đao kiếm lưỡng nghi, suy diễn từ "Hà đồ", "Lạc thư kết hợp với phương vị bát quái tạo ra trận pháp hết sức ảo diệu tinh vi, dịch lý sâu sắc.
Thiên Cương Bắc Đẩu Trận là trận pháp được Vương Trùng Dương (Tổ sư sáng lập Toàn Chân Giáo) sáng tạo dựa trên chòm sao Bắc Đẩu, cần có bảy người để lập trận, nhưng khi đối đầu đại địch có thể huy động 49 người để lập thành Bắc Đẩu Đại Trận.
Để giữ vị thế cho Toàn Chân Giáo không bị các cao thủ khác uy hiếp sau khi ông qua đời, Vương Trùng Dương đã sáng tạo ra Thiên cang bắc đẩu trận.
Đặc điểm của Thiên cang bắc đẩu trận là lúc nghênh địch chỉ đánh một tay, một tay đặt lên vai người bên cạnh. Công lực của bảy người hợp lại làm một. Mấy người xông vào tấn công thì người bị tấn công trước mặt không cần ra sức đỡ gạt, mà do đồng đạo hai bên phản công, như một người gồm được cả võ công của mấy người, quả thật oai lực không sao chống được.
Nhờ vào Thiên cang bắc đẩu trận, Toàn chân thất tử trong một khoảng thời gian đấu ngang sức với Đông Tà Hoàng Dược Sư, sau cùng bị phá nhưng do Hoàng Dược Sư là người tinh thông ngũ hành bát quái nên mới có thể tìm ra yếu điểm đổi lại người khác khó lòng mà phá.
Chân Võ Thất Tiệt kiếm trận là trận pháp do Trương Tam Phong sáng tạo ra cho đệ tử của mình. Trong trận pháp này, 7 người luyện công pháp khác nhau.
Nếu hai người liên hợp thì công thủ đầy đủ, uy lực tăng nhiều. Nếu ba người cùng liên hợp thì lợi hại hơn cả hai người, bốn người thì tương đương với tám cao thủ, năm người thì bằng mười sáu cao thủ, sáu người tương đương ba mươi hai cao thủ, bảy người tương đương sáu mươi bốn cao thủ liên hợp tấn công, đúng là vô cùng ảo diệu.
Bát trận đồ xuất hiện trên đảo Đào Hoa, nơi ẩn cư của Đông Tà Hoàng Dược Sư. Ông ta là người am hiểu Kinh Dịch nên đã biến đảo Đào Hoa thành một Bát trận đồ khiến cho ai lạc vào không thể tìm lối ra. trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy, được án theo 8 cửa. Trong đó cửa Sinh, Cảnh, Khai là cửa sinh, còn Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh là cửa tử. Nếu không hiểu trận pháp mà đi lầm vào cửa tử thì không thể nào ra được.