Trong những dòng thông báo ngắn gọn trên Twitter ngày 4.5.2021 về quyết định ly hôn của mình, cặp vợ chồng Melinda Gates - Bill Gates dành dòng chót mong muốn: “Chúng tôi mong có không gian cùng sự riêng tư cho gia đình chúng tôi và bắt đầu thăm dò cuộc sống mới”.
Rất tôn trọng quyết định cùng sự riêng tư, chúng tôi không đề cập tới việc riêng của ông bà Gates, mà chỉ có vài suy nghĩ về những bình luận-còm (comment) trên các trang phây (Facebook) tiếng Việt…
Cặp đôi Melinda Gates - Bill Gates là những người nổi tiếng, việc quan tâm của "cộng đồng mạng" là điều đương nhiên, nhưng không ít còm đi sâu vào cuộc sống riêng tư, vào các lý do dẫn tới sự ly hôn. Những người này làm như họ chứng kiến hoặc hiểu biết cặn kẽ về hai con người lừng danh thế giới kia. Cảm nhận khi đọc các còm là họ khá hời hợt. Mà giả sử có biết sự thật gì đi nữa thì đó là chuyện riêng của ông bà Gates, người ngoài không nên bàn luận. Cho dù có biết hay không biết mong muốn của ông bà Gates như trích dẫn nói trên, người ngoài không nên "xía" vào những chuyện có tính chất riêng tư của cá nhân và gia đình họ.
Một số còm cho rằng đây là thất bại của ông bà Gates cho dù ông bà có đủ mọi thứ trên đời. Vì có quá đủ nên thất bại này càng được coi là điều bất hạnh... Sao mà võ đoán vậy. Sao biết đó là một thất bại, biết đâu chẳng phải một sắp xếp phù hợp với ý muốn và điều kiện sống hiện tại của ông bà Gates? Sao dám nói là bất hạnh, biết đâu đây là sắp xếp cho cuộc sống của hai ông bà được như ý của từng người hơn?
Biết rằng có những người mong muốn đời sống lứa đôi vững bền tới cuối đời, xem đó là hạnh phúc lớn nhất. Đó là quan điểm của từng cá nhân, quan điểm nằm trong suy nghĩ truyền thống của người Việt Nam. Ông bà Gates là người phương Tây, nơi môi trường sống từ nhỏ tới lớn rất khác với môi trường Việt Nam. Hơn nữa, hai ông bà sống và hoạt động trong môi trường nghề nghiệp và tầng lớp xã hội rất khác với đa số. Dùng lăng kính tập tục, truyền thống của xã hội này để xét người xã hội khác là thói áp đặt. Đó là một trong những nguồn gốc của tệ phân biệt, dù là phân biệt vì lý do chủng tộc hay tôn giáo, tư tưởng chính trị…
Ngoài những còm cho cảm nhận về thói quen "hay chuyện", sự ganh tức, tính hẹp hòi, có những còm cho thấy sự hụt hẫng, tiếc nuối…
Họ tiếc về tấm gương quá đẹp của một cặp đôi rất đầy đủ về tài năng, của cải, lòng nhân ái… Họ tiếc cho tấm gương đó không đẹp hoàn toàn mà có một chi tiết bị hỏng. Xin mở ngoặc, người viết không đánh giá chi tiết đó là hỏng.
Trong quan điểm này, tôi thấy phảng phất quan điểm của số đông. Tại sao cứ muốn người khác hoàn hảo, phải hoàn hảo?
Ý muốn đó có đặt nhiều áp lực quá lên người khác không? Mỗi con người là một cá thể tự do. Trong khuôn khổ không gây hại cho ai, mỗi người có quyền sống cho mình. Lựa chọn cách sống, cách làm việc, cách giải trí cho mình. Chọn niềm vui, chọn bạn đời cho mình. Dòm ngó, bình phẩm cách sống của người khác là không nên vì đem lại sự bực bội, rắc rối cho người khác. Huống chi bình phẩm trong sự so sánh với mẫu người hoàn hảo mình chủ quan mong muốn. Những việc đó không nên, đem lại áp lực và sự khó chịu tới người khác.
Ý muốn người khác hoàn hảo có liên quan gì tới tâm lý tôn sùng cá nhân? Nếu một cá nhân lập được công tích lớn cho cộng đồng, thì cộng đồng tưởng thưởng cho cá nhân đó theo quy định, theo truyền thống là đủ. Việc tôn cá nhân đó như một con người hoàn hảo gương mẫu có nên không?
Tâm lý tôn sùng nồng nhiệt của xã hội đóng một cái khung cứng nhắc mà người được tôn sùng phải sống trong đó, khó thể cựa quậy thoát ra. Thật khó cho người đó trong việc tự do mưu cầu cuộc sống hạnh phúc mình muốn cho riêng mình. Quả thực ta nên cảm thương đối với người được tôn sùng như thế.
Ngoài ra, tâm lý sùng bái cá nhân còn khiến đám đông tự nguyện đứng dưới cái bóng của người được tôn sùng. Cái bóng bao trùm quá rộng kìm hãm sáng kiến, tinh thần phê bình, phản biện của đám đông. Cứ thế lâu ngày, xã hội sẽ trì trệ về tri thức.