Thông tin từ gia đình cho biết, nhà văn Lê Hữu Nam đã từ giã cõi đời ở tuổi 36 lúc 4 giờ 30 sáng nay (3.5.2021) tại TP.HCM sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tim.
Lê Hữu Nam là một trường hợp rất đặc biệt, anh xuất hiện trên văn đàn Việt Nam với hàng loạt cuốn sách khiến cho người ta vừa kinh ngạc vừa thán phục vì hầu hết các tác phẩm của anh được ra đời trong tình trạng “vừa viết vừa thở oxy” do anh bị tim bẩm sinh.
Nhà văn Lê Hữu Nam sinh năm 1986 tại Đà Lạt, ngay khi ra đời gia đình phát hiện anh bị bệnh tim bẩm sinh. Với một thân hình nhỏ bé gầy gò Nam có thể ra đi bất cứ lúc nào. Năm 12 tuổi Nam buộc phải rời Đà Lạt đến Sài Gòn để sống làm việc và chữa trị bệnh tim. Cũng từ năm đó Nam không còn được về lại quê hương vì điều kiện thời tiết và khí hậu ở Đà Lạt không phù hợp với người bị bệnh tim và có thể trạng bé nhỏ như anh.
Sống trong tình trạng bệnh tật và có thể ra đi bất cứ lúc nào nhưng bằng nghị lực phi thường anh đã vượt lên trên tất cả để trở thành một nhà báo - nhà văn và tham gia nhiều hoạt động xã hội bảo vệ môi trường.
Từ khi bắt đầu cầm bút cho đến ngày qua đời Lê Hữu Nam đã cho ra đời 10 cuốn sách gồm: Con đến như một phép màu (2014), Mật ngữ rừng xanh (2015), Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Ếch Xanh (2016), Những gam màu hồi sinh (2016), 7 chuyến du hành vào thiên nhiên, Xứ mộng hồn hoa, Sài Gòn cafe ngọt- đắng (viết cùng tác giả trẻ Lưu Quang Minh), Vì ta còn chờ nhau (tiểu thuyết).
Năm 2015, Lê Hữu Nam đoạt giải thưởng nhà văn trẻ dưới 30 tuổi của Hội nhà văn TP.HCM cho tác phẩm Mật ngữ rừng xanh. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, thành viên Ban giám khảo cuộc thi đánh giá đây là một tác phẩm khá đặc biệt, khi tác giả viết về môi trường, thay cho việc chọn đề tài tình yêu hay đời sống đô thị như nhiều cây bút trẻ hiện nay.
Trong loạt tác phẩm của Lê Hữu Nam ngoài Mật ngữ rừng xanh chính thức giành giải thưởng còn có một cuốn sách khác đáng chú ý là tập tản văn Xứ mộng hồn hoa. Cuốn sách như một bước khám phá mới trên vùng đất văn học đầy phù sa màu mỡ như Sài Gòn, nơi nuôi dưỡng anh và Đà Lạt, nơi anh ra đời.
Xứ mộng hồn hoa của Lê Hữu Nam chia đều cảm xúc cho hai thành phố, một nơi anh sinh ra lớn lên, và một dành cho nơi đang cưu mang che chở anh trong những năm tháng rời quê vào lập nghiệp và chữa trị bệnh. Đó là Đà Lạt và Sài Gòn. Hình ảnh hai thành phố yêu thương được tái hiện sinh động và đầy cảm xúc qua từng trang viết.
Tác phẩm Xứ mộng hồn hoa của Lê Hữu Nam mang dáng dấp một cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm của anh về Sài Gòn thân thương và Đà Lạt đầy nhung nhớ.
Trong những trang viết dành riêng cho Đà Lạt, người đọc như được đặt chân đến vùng đất thiên nhiên hoa cỏ đầy mộng mơ, những ngôi nhà cổ kính lưu lại một thời quá khứ thăng hoa gắn liền với những kỷ niệm của người Đà Lạt, mà Lê Hữu Nam là một trong số đó. Những hình ảnh nối tiếp nhau hiện về trong ký ức của tác giả khi mơn trớn, khi chậm rãi, khi lẳng lặng trong thâm tâm chưa bao giờ thôi nhớ, tạo cảm giác thi vị lẫn mênh mang chờ đợi.
Có thể thấy Lê Hữu Nam trải lòng mình cả trên những phiến lá, hạt sỏi, hay dõi theo đường chạy của chú sóc láu lỉnh một cách vô tư giữa thiên nhiên an bình. Trong ký ức của tuổi mới lớn, tác giả nhớ lại buổi tối giá lạnh, một mình đút tay vào túi áo, cổ áo kéo cao, chiếc mũ trùm đầu và độc bước dưới rặng thông già bãng lãng khói sương; bất ngờ đứng lại lưng chừng con dốc, chạm tay vào từng thân cây mimosa bên vỉa đường, cảm nhận một sức sống âm thầm nơi đó, mà hồ như chỉ còn lại một mình ở thành phố vốn thơ mộng và huyền diệu ấy.
Viết văn đối với Lê Hữu Nam là một lẽ sống và có lẽ chuyến ra đi này của anh là một lẽ thường vì mọi thứ đã được Nam định liệu trước và sẵn sàng đón nhận. Xin từ biệt anh.