Vào ngày 25.5.1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (JFK) tuyên bố rằng nước Mỹ đã lên kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng và đưa họ trở lại Trái Đất an toàn trước khi kết thúc thập kỷ này. Điều này đã tạo cảm hứng cho loạt chương trình truyền hình và phim như The Jetsons và Star Trek , tất cả đều nhằm phục vụ cho mối quan tâm của nước Mỹ về vũ trụ.
Sự thành công của sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969 lại càng được thể hiện rõ trong đời sống văn hóa. Đối với các nhà thiết kế thời trang như Paco Rabanne, Pierre Cardin và Thierry Mugler, sự kiện này được ví như một tên lửa phóng đến những tầm nhìn mới khi họ tập trung vào những bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ các dải thiên hà, không gian vũ trụ.
Ngay cả khi ở nhiều thập kỷ, sau khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, vũ trụ vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều hãng thời trang danh tiếng.
Pierre Cardin
Những năm 1960, Cardin tạo ra cuộc cách mạng với dòng sản phẩm mang phong cách không gian gồm quần áo làm từ giấy bạc và nhựa vinyl. Những bộ đồ bằng da, nhựa sáng bóng bó sát cơ thể, lấp lánh ánh kim loại, mũ len PVC, váy kiểu kimono với tay áo hình học cách điệu... được giới yêu thời trang tán thưởng.
Tình yêu không gian, vũ trụ của nhà thiết kế tạo tiền đề cho nhiều bộ sưu tập để đời mang tinh thần tương lai của Cardin trong suốt thập niên 1960 - 1970. Trong giai đoạn này, Pierre Cardin cho ra mắt nhiều trang phục lấy cảm hứng từ cuộc đua chinh phục vũ trụ giữa Mỹ và Nga. Trong đó, bộ sưu tập Cosmocorps ra mắt năm 1964 đã trở thành tiền đề cho trang phục trong phim khoa học viễn tưởng Star Trek năm 1966. Các thiết kế ấn tượng của ông đã được mặc bởi những biểu tượng thời trang thập niên 1960 như Mia Farrow hay The Beatles.
André Courrèges
Trong bộ sưu tập Moon Girl, với chủ đề Không gian và tương lai, nhà thiết kế André Courrèges đã giới thiệu những mẫu váy ngắn trên đầu gối, những chiếc bốt màu trắng cá tính cùng mũ cao hình quả cầu. Ông đã sử dụng chất liệu nhựa PVC để tạo ra những chiếc váy chữ A cứng cáp, nổi bật. Mối quan tâm của nhà thiết kế dành cho vũ trụ được phát triển từ đó. Ba thập kỷ sau, Courrèges vẫn đưa những cảm hứng từ không gian vào những thiết kế tại một buổi trình diễn tháng 4 năm 1993 ở Kyoto, Nhật Bản.
Đối với nhiều nhà thiết kế, cuộc chạy đua không gian mang tính chất thử nghiệm. Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Paco Rabanne cũng không kém cạnh khi tạo ra những chiếc váy mini và mũ đội đầu mang chất liệu khác thường như dây xích. Những mẫu thiết kế lạ mắt này của ông trông giống như những chiến binh ngoài trái đất.
Reed Crawford
Mũ bảo hiểm là đặc điểm chính của phong cách thời trang không gian những năm 60. Tại một buổi thời trang mũ tại London năm 1966, nhà thiết kế quá cố người Anh Reed Crawford đã ra mắt Dollar Princess, một chiếc mũ bảo hiểm che nửa mặt được trang trí bằng những mảng miếng bằng bạc nổi bật.
Thierry Mugler
Tại Tuần lễ thời trang Paris 1986, bộ sưu tập Thu Đông của nhãn hiệu Pháp Thierry Mugler tràn ngập các họa tiết ngôi sao được tô điểm trên chiếc váy cầu kì với phần đệm vai lớn được dát bằng vàng và bạc.
Givenchy
Bộ sưu tập Thu Đông 1999-2000 của Alexander McQueen dành cho Givenchy chứa đầy “sự tò mò về tương lai”. Các mẫu thiết kế được dính bằng các phích cắm kim loại nhô ra và đèn neon được trang trí xung quanh khiến tổng thể mẫu thiết kế nhìn trông như một bản mạch.
Dior
Sau buổi trình diễn thời trang Thu Đông năm 2006 - 2007 của Dior tại Tuần lễ thời trang Paris, giám đốc sáng tạo lúc bấy giờ, nhà thiết kế người Anh John Galliano đã mặc một bộ đồ phi hành gia khi ông thực hiện một vòng catwalk trên sân khấu.
Moschino
Tại Tuần lễ thời trang Milan năm 2018, bộ sưu tập Thu Đông của Moschino đã đưa người xem trở lại thời trang không gian những năm 60 theo một cách rất khác. Người mẫu mặc những bộ váy ngắn màu sắc sặc sỡ với đường viền cổ cao và đội mũ hộp thuốc lá. Ấn tượng đặc biệt là da của những cô người mẫu được phủ một màu xanh lục, xanh lam, vàng trông giống người ngoài hành tinh.
Channel
Khi giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2017 – 2018 tại Paris, Channel dựng hẳn sân khấu trên một phi thuyền vũ trụ với thông điệp đưa những gì cơ bản, là nền tảng cốt lõi làm nên Chanel xưa nay để đến tương lai tươi sáng. Sân khấu hoành tráng và những bộ độ gây choáng ngợp với người xem.
Commes des Garçons
Cũng trong năm 2017, bộ sưu tập của Rei Kawakubo cho hãng Commes des Garçons mang tính điêu khắc trong từng thiết kế. Những thiết kế mà người mẫu mặc được làm từ vật liệu cách nhiệt bằng bạc trông giống những mảnh vụ trôi nổi ngoài không gian.
Iris van Herpen
Bộ sưu tập Thôi miên (Hypnosis) mê hoặc người xem bằng những thiết kế kết hợp hài hòa yếu tố hình học, kỹ thuật công nghệ cao vào thiết kế thời trang. Hiệu ứng thị giác tuyệt vời của những chiếc đầm xếp lớp và hàng nghìn gợn sóng được cắt bằng laser chính là những gì người xem có thể hình dung về cấp độ sáng tạo trong các bộ sưu tập này.
Lấy cảm hứng từ tác phẩm ngoài trời tạo bằng sức gió của nghệ sĩ người Mỹ Anthony Howe – người đứng sau cánh cổng Ominverse trên sàn diễn, Iris Van Herpen vẽ ra một thế giới ảo ảnh bằng thời trang. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ được tôn lên một cách tinh tế bên với chiếc váy được may từ vải tuyn trong suốt. Được biết nhà thiết kế người Hà Lan đã lấy cảm hứng từ các chủ đề vũ trụ về “sự mở rộng vô hạn” và “một vòng đời vũ trụ”.
Balmain
Bộ sưu tập Thu Đông 2021- 2022 của Balmain với tên gọi Above & Beyond đã đưa tầm nhìn sáng tạo của Olivier Rousteing lên một tầm cao mới. Ngoài những sự thay đổi rõ rệt so với những bộ sưu tập trước đó của nhà mốt này, chủ đề thời trang lần này được lấy cảm hứng từ sự trẻ trung, bên cạnh các họa tiết thời trang mang tính biểu tượng văn hóa Pháp được lồng ghép xuyên suốt… Tất cả giúp Rousteing lột tả thể sự tò mò và hứng thú của mình đối với khái niệm “bay lượn trên bầu trời”, từ máy bay đến máy bay phản lực thậm chí cả tên lửa.