Văn chương của nhà văn người Colombia - Gabriel García Márquez (1927 - 2014) có một vài đặc điểm nổi trội, chẳng hạn như sự hài hước, sự cô độc, chất huyền ảo... Nhưng đối với chính nhà văn, ông không chủ ý gắn mình vào bất cứ một phong cách hay chất liệu cụ thể nào.
Márquez từng nói: "Qua mỗi tác phẩm, tôi cố gắng đi theo một con đường khác, không thể áp đặt ý chí trong việc lựa chọn phong cách và chất liệu".
Márquez thường bỏ ra ngoài tác phẩm một số chi tiết mà người đọc chờ đợi và cho là quan trọng trong diễn tiến mạch truyện, bởi ông muốn người đọc phải phát huy trí tưởng tượng, cùng suy nghĩ, suy luận, tham gia vào việc phát triển mạch truyện. Độc giả phải tự mình tưởng tượng và lý giải thêm.
Chủ nghĩa hiện thực từng là một yếu tố quan trọng trong những tác phẩm của Márquez. Những tác phẩm đầu tay của Márquez thường phản ánh chân thực cuộc sống ở quê nhà Colombia. Nhưng khi phản ánh chân thực thực tế, Márquez nhận thấy ông có thể dự tính trước quá nhiều điều trong quá trình sáng tác, nên sau này ông chuyển sang chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Márquez được giới văn chương khu vực Mỹ Latinh tôn sùng. Márquez đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền văn học Mỹ Latinh phát triển.
Sinh thời, khi nhận giải Nobel Văn học hồi năm 1982, ông đã khiêm tốn nói rằng: "Khi trao giải thưởng này cho tôi, người ta muốn thể hiện sự ghi nhận đối với nền văn học của một tiểu lục địa, trao giải thưởng cho tôi chỉ là một cách để trao giải thưởng cho một nền văn học".
Sự cô độc thường xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Márquez khai thác sự cô độc trong mỗi cá nhân và trong cả loài người. Ngay cả trong tình yêu, khi yêu và được yêu, sự cô độc vẫn tồn tại bởi theo Márquez, mỗi chúng ta là một hành tinh cô đơn trong sự tồn tại của riêng mình.
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách lý giải sự cô độc quen thuộc trong văn chương Márquez, họ cho rằng ông từng bị tổn thương tâm lý, nhưng theo Márquez, "cô độc là vấn đề mà tất cả con người đều phải đối mặt. Mỗi người lại có những cách khác nhau trong việc thể hiện sự cô độc đó".
Márquez khẳng định cô độc là cảm xúc xuất hiện trong tác phẩm của rất nhiều nhà văn, thậm chí, có những người còn không ý thức được mình đang thể hiện sự cô độc trong các tác phẩm của mình.
Thị trấn Macondo cũng thường xuất hiện trong tác phẩm của Márquez. Ông lấy quê nhà - khu đô thị Aracataca ở Colombia - làm hình mẫu văn hóa, lịch sử và địa lý để xây dựng nên thị trấn giả tưởng Macondo.
Khi còn nhỏ, có lần cậu bé Márquez đi chơi xa cùng với người ông của mình, khi đi qua một trang trại trồng chuối, Márquez thấy chữ "Macondo" được viết trước sân. Từ này đã đi theo Márquez bởi ông đặc biệt thích cách phát âm của nó. Về sau, ông đã đưa cái tên "Macondo" vào tác phẩm của mình.
Trăm năm cô đơn (1967) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Márquez. Trăm năm cô đơn được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất thập niên 1960.
Tác phẩm có nhiều bình diện, phản ánh một cách độc đáo cuộc sống của các dân tộc Mỹ Latinh, cả những sự kiện quan trọng trong lịch sử khu vực này. Sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường trong tiểu thuyết đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt, mà khái quát lên, người ta gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Về mặt ý nghĩa, cái đuôi lợn của đứa bé trong dòng họ Buendia là sự vật chất hóa tính ích kỷ của loài người, đến mức đánh mất bản chất người. Những con người trong dòng họ Buendia có đầy đủ trí lực và thể lực, nhưng thiếu trái tim yêu thương sôi nổi, trong khi đó, tình yêu mới là yếu tố cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn.
Tác phẩm mang thông điệp kêu gọi con người hãy sống đúng bản chất của mình, vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân để sống hòa đồng với gia đình và xã hội.
Tình yêu thời thổ tả (1985) là một bản cáo trạng đối với xã hội, đánh giá con người không bằng phẩm giá mà bằng số của cải anh ta sở hữu. Nó bóp chết những tình cảm trong sáng, tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc, con người phải thoát ra khỏi lối tư duy vật chất.
Tình yêu thời thổ tả chứa đựng những suy ngẫm về tình yêu ở mọi lứa tuổi, cả ở tuổi trẻ lẫn tuổi già. Tuổi tác, năm tháng thậm chí có thể khiến con người yêu nhau chân thành, da diết, si mê hơn. Tình yêu đích thực mới là chiếc chìa khóa giúp con người mở cửa tâm hồn mình, để chống lại nỗi cô đơn muôn thuở.
Ngài đại tá chờ thư (1961) hoàn toàn mang màu sắc huyền ảo. Ngay cả tên nhân vật chính cũng không được gọi lên, tác phẩm đem lại cho người đọc cảm nhận về sự vô danh của những số phận con người. Tác phẩm gửi gắm một lời nhắn nhủ rằng đời người có những lúc phải sống bằng hy vọng, dẫu sự hy vọng đó gần như… vô vọng.
Sống để kể lại (2002) là cuốn tự truyện khá chân thực kể về cuộc đời Márquez. Ông khởi nghiệp văn chương từ khi còn là một sinh viên luật. Một thời gian, vì chán ngán các môn học khô khan, ông quyết bỏ học để chuyển hẳn sang lĩnh vực văn chương.
Qua cuốn hồi ký, Márquez đề cập rõ hơn về sự cô đơn; những ký ức, trải nghiệm đọng lại của một con người cô đơn với nhiều nỗi đau, ước mơ và khát vọng; những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống ẩn chứa sau những sự kiện, những suy tư hoài niệm của một cuộc đời bôn ba, thăng trầm. Cuối cùng, cuộc đời không chỉ là tồn tại, hãy sống để sau này có thể kể lại.
Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (2004) được trình bày ở dạng hồi ức, lối kể tự sự đơn giản, nhịp kể đều đều nhưng hấp dẫn bởi những luận điểm mang tính triết lý giản dị mà sâu sắc.
Người đàn ông già trong tác phẩm đã tìm thấy một tình cảm đẹp khi đang cố gắng trong tuyệt vọng, mong tìm lại cảm hứng tuổi trẻ. Tác phẩm là một niềm thương xót dành cho con người, đặc biệt là số phận phụ nữ éo le.
Sau khi Márquez ra đời, cha mẹ của ông sớm chuyển tới sống ở thành phố khác, Márquez được để lại nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng. Khi Márquez lên 9 tuổi, cha mẹ mới quay trở về đón con đi theo.
Khi cha mẹ Márquez yêu nhau, mối quan hệ giữa họ bị ông ngoại của Márquez phản đối dữ dội. Ông ngoại của nhà văn vốn là một quân nhân. Cha của Márquez không phải là hình mẫu đàn ông khiến ông ngoại của Márquez cảm thấy bị thuyết phục hay có thể đặt lòng tin.
Khi ấy, cha của Márquez đã chinh phục mẹ ông bằng những bài thơ, những lá thư tình và những bản nhạc không lời chơi bằng violin. Sau khi ông ngoại đưa mẹ Márquez đi xa, những mong chia rẽ được tình cảm của đôi trẻ, cha của Márquez đã tìm cách có được địa chỉ nơi ở mới của người yêu và thường xuyên gửi điện báo tới nhằm duy trì mối quan hệ tình cảm.
Mọi nỗ lực chia rẽ đều bất thành, cuối cùng, gia đình cô gái đành chấp nhận để hai người lấy nhau. Chuyện tình của cha mẹ đã truyền cảm hứng cho Márquez viết nên tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả.
Vì có 9 năm sống xa cha mẹ nên đối với Márquez, ông bà ngoại là hai con người có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của nhà văn.
Ông ngoại của nhà văn là một quân nhân được nhiều người kính trọng. Trong mắt cậu bé Márquez, ông ngoại là người kể chuyện đại tài. Ông ngoại đã dạy cậu bé Márquez những bài học đầu tiên, đưa cậu đi xem xiếc, đi ăn kem… Ông ngoại từng kể cho cậu cháu trai bé bỏng những câu chuyện ngoài chiến trường: "Cháu không thể hình dung được một người chết có sức nặng thế nào đâu".
Câu nói này hàm ý nói về sự ám ảnh tâm lý mà một quân nhân như ông phải gánh chịu. Những câu chuyện và trải nghiệm của ông ngoại về sau đã được nhà văn đưa vào các tác phẩm của mình.
Những lý tưởng trong các sáng tác của Márquez một phần được hình thành nên chính nhờ những câu chuyện của ông ngoại. Bằng những trải nghiệm chân thực, ông ngoại đã kể cho Márquez nghe những câu chuyện chân thực về chiến tranh. Chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc tới cách nhìn nhận, quan sát của nhà văn về sau.
Bà ngoại của Márquez lại đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Márquez học được ở bà lối sống tự nhiên, chân thành. Không giống như ông ngoại, bà ngoại thường kể cho Márquez những câu chuyện dân gian nhẹ nhàng.
Bà đã mang lại cho Márquez cả một kho tàng kỳ thú. Dù những câu chuyện của bà ngoại có nhiều yếu tố hoang đường nhưng bà luôn có cách kể khiến cậu bé Márquez "tin sái cổ". Phong cách kể chuyện này của bà ngoại về sau được Márquez thể hiện trong cuốn Trăm năm cô đơn - một tác phẩm được sáng tác dựa trên chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Chuyện tình yêu của Márquez rất giản dị, cả đời mình, ông chỉ gắn bó với một người phụ nữ, họ cùng nhau đi qua một cuộc hôn nhân kéo dài 56 năm, cho tới khi nhà văn qua đời.
Márquez bên vợ lúc sinh thời (Ảnh: The Guardian).
Márquez làm quen với vợ mình - bà Mercedes Barcha (kém ông 5 tuổi) khi bà còn đang là sinh viên Đại học, hai người quyết định chờ tới khi bà tốt nghiệp sẽ kết hôn. Nhưng rồi kế hoạch này phải tạm hoãn bởi ngay sau khi bà tốt nghiệp, ông được cử tới Châu Âu công tác vài năm. Ở nhà, bà Mercedes một lòng chờ đợi người yêu.
Sau cùng, họ kết hôn năm 1958, khi bà Mercedes 26 tuổi. Cuộc hôn nhân đưa lại cho họ 2 người con trai. Đời sống riêng của nhà văn Márquez khá bình lặng, ông là một nhà văn được độc giả biết tới chủ yếu qua các tác phẩm, còn về đời tư, Márquez luôn sống rất kín đáo.
Theo New York Times