Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help đã 'móc túi' hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?

08/05/2021 08:00
Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help đã 'móc túi' hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?

Với chúng ta- những kẻ còn đang lông bông và tay trắng, thì việc đọc câu chuyện và bí quyết khởi nghiệp làm giàu của những nhân vật đã thành công quả là một nguồn động lực tuyệt vời. Nhưng như thế đã đủ chưa?

Không thể phủ nhận rằng, ngành kinh doanh sách self-help là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, chí ít là Việt Nam. Bước vào bất cứ hiệu sách nào bạn cũng có thể tìm thấy cho mình cuốn sách self-help ưa thích một cách dễ dàng bởi những loại sách này luôn được để ở vị trí "đẹp" nhất.

Các đầu sách self-help hot ở Việt Nam có thể kể đến như: Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi bạn cũng thế, hay hai trong Tủ sách đổi đời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Đắc nhân tâm và Nghĩ giàu làm giàu.

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help với vài ba câu khuyên nhủ để đó đã móc túi hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?  - Ảnh 1.

Ngành kinh doanh sách self-help là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la

Với thói quen đọc sách của người Việt Nam hiện nay: Trung bình một người Việt Nam đọc 4 quyển sách/ năm trong khi con số này ở Nhật là 20, Singapore là 14 và Malaysia là 10, thì việc những đầu sách self-help luôn được ưa chuộng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi điều này ít nhiều cũng thể hiện và khuyến khích văn hóa đọc sách của người Việt Nam. Hơn nữa, trong bối cảnh truyện ngôn tình mộng mơ, phi thực tế đang ngập tràn trên thị trường sách thì những cuốn self-help thực sự là một điểm sáng.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là: Đọc sách self-help rồi sao nữa? Bố mẹ đọc Dạy con làm giàu, mấy ai trong số họ áp dụng một cách hiệu quả những con chữ trên lý thuyết ấy vào thực tế hàng ngày để rèn luyện con cái, lưu ý là phải áp dụng hàng ngày hàng giờ bởi kỹ năng là thứ phải được rèn luyện cả đời, đâu phải là chuyện ngày một ngày hai khi những ông bố bà mẹ còn đang "nóng hôi hổi" vì những triết lý tuyệt vời kia rồi lại nhanh chóng lãng quên mất. 

Bao nhiêu bạn trẻ đọc Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân và thực sự đấu tranh để dậy đi học trong buổi sáng mùa đông mưa rét căm căm và tiếng gọi của chăn ấm đệm êm cứ vang vọng hoài trong tâm hồn. Bao nhiêu người đã "làm việc ít đi 20 lần, nhưng thu nhập tăng lên 10 lần" theo như cuốn Tuần làm việc 4 giờ?

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help với vài ba câu khuyên nhủ để đó đã móc túi hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?  - Ảnh 2.

Đọc sách self-help rồi sao nữa?

Muốn trả lời được câu hỏi trên thì trước hết phải tìm hiểu xem vì sao sách self-help được yêu thích đến vậy. Có thể kể đến một vài nguyên do như sau.

Self-help đánh trúng vào niềm tin của người đọc. Self-help giúp chúng ta tin vào những câu chuyện cổ tích có cái kết đẹp giữa hiện thực cuộc sống quá đỗi khắc nghiệt. Nếu như lúc bé, trẻ còn thường say sưa với những câu chuyện thần tiên như Cô bé Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng và có một niềm tin bất diệt rằng: "Mình chính là công chúa và một ngày đẹp trời nào đó sẽ có một chàng hoàng tử oai phong lẫm liệt đến và yêu mình ngay từ cái nhìn đầu tiên". Thì khi lớn, Cô bé Lọ Lem được thay bằng Nghĩ giàu làm giàu, Công chúa ngủ trong rừng được thay bằng Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, hay đại loại vậy. Bởi xét cho đến cùng thì hai loại truyện này đều giúp ta có thêm niềm tin vào cuộc sống để cố gắng và cố gắng hơn nữa. 

Bên cạnh đó, sách self-help thường là tự truyện truyền kinh nghiệm của các tấm gương đã thành công và khẳng định được vị thế riêng của bản thân. Cùng với một cái tít thật bắt tai và chiến lược promotion hoàn hảo của nhà xuất bản thì dĩ nhiên những cuốn sách này không thể nào không bán chạy bởi với chúng ta- những kẻ còn đang lông bông và tay trắng, thì việc đọc câu chuyện và bí quyết khởi nghiệp làm giàu quả là một nguồn động lực tuyệt vời. Những nhân vật trong sách cũng giống như bản thân ta, cũng đầy sai sót và lỗi lầm, họ thành công được thì cớ gì ta lại là một ngoại lệ chứ.

Thêm một nguyên do nữa, không phổ biến nhưng cũng không hẳn là không tồn tại, đó là một số người thường mua những cuốn sách có tiêu đề rất học thức như Đắc nhân tâm về, rồi để đấy, đơn giản bởi suy nghĩ "Áo khoác làm nên thầy tu". Đi hội sách, cứ mua thật nhiều vào, mua cuốn nào nghe càng tri thức càng tốt, về để đẹp giá sách, còn chuyện đọc hay không là vấn đề thứ yếu bởi mỗi lần lên Facebook là đã có hàng nghìn bài viết hay ho để đọc rồi.

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help với vài ba câu khuyên nhủ để đó đã móc túi hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?  - Ảnh 3.

Hỡi những độc giả trẻ thân mến, giống như tiến sỹ Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn Bức xúc không làm ta vô can đã nói rất hay rằng: Tôn thờ sách là mê tín dị đoan. Sách, xét cho đến cùng cũng chỉ là tập giấy có chữ in được đóng gáy cẩn thận, có tên tác giả và được phép xuất bản. Cái chúng ta quý trọng ở một quyển sách không phải là hình hài vật chất, tiêu đề bắt tai hay những review "trên mây" về nó mà điều quan trọng hơn cả là cuốn sách đó có ý nghĩa như thế nào đối với độc giả và người đọc đã học được gì, đã thay đổi như thế nào sau khi đọc cuốn sách đó. Sẽ thật vô nghĩa nếu bạn đọc ngấu nghiến từng câu từng chữ như lời vàng ngọc trong một cuốn sách nào đó, tự nhủ lòng mình rằng sẽ áp dụng vào thực tế nhưng rồi những suy nghĩ đó nhanh chóng phai mờ bởi sức hút của biết bao cám dỗ khác trong cuộc sống.

Điều này không chỉ đúng với riêng thể loại sách self-help mà còn đúng với mọi đầu sách khác. Bởi con chữ sẽ vẫn chỉ là những suy nghĩ của riêng tác giả cho tới chừng nào chúng được độc giả tiếp nhận và biến thành những suy nghĩ và trải nghiệm của riêng bản thân họ. Sức sống của một tác phẩm phụ thuộc vào khả năng tác động đến người đọc chứ không sống nhờ doanh số bán hàng mà các nhà xuất bản vẫn tự hào khoe trong các chiến dịch quảng cáo sách.

Làm thế nào để sách self-help thực sự phát huy công dụng?

Trước hết, với người đọc, bạn cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng và quyết tâm cao nhất để F5 bản thân. Đọc sách không phải việc thư giản trong đôi ba phút rồi những gì vừa đọc lại nhanh chóng bị lãng quên theo thời gian, đặc biệt là đối với những thể loại sách phát triển kỹ năng và nhân cách như thế này, bởi kỹ năng và nhân cách cần phải được rèn luyện hàng ngày hàng giờ. Những điều được truyền đạt trong sách chỉ là lý thuyết suông, là những kinh nghiệm của riêng tác giả. Để biến nó thành của mình thì bạn cần chủ động luyện tập nó mọi lúc mọi nơi.

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help với vài ba câu khuyên nhủ để đó đã móc túi hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?  - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải hiểu rất rõ rằng trên bầu trời mùa hè có bao nhiêu vì sao thì trong cuộc sống sẽ có bấy nhiêu cách để thành công. Bạn áp dụng những lý thuyết của Nghĩ giàu làm giàu nhưng vẫn không thấy sự thay đổi, rồi bạn lại sử dụng những kỹ năng của Tôi tài giỏi bạn cũng thế nhưng vẫn chẳng thấy chuyển biến gì. Nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng và mất niềm tin vào bản thân nhé. Bởi mỗi người là một cá tính độc nhất và không thể thay thế. Bạn có những tài năng riêng. Và bạn phải chọn cho mình một cách thức riêng để chèo lái cuộc sống. Bạn phải chọn cho mình một cách thức riêng để chèo lái cuộc sống. Sách self-help chỉ có thế là những gợi ý.

Những câu chuyện trong sách self-help chỉ là những tấm gương đi trước, bày cho bạn các trường hợp có thể gặp trong cuộc sống, và nhờ đọc trước mà bạn có kinh nghiệm xử lý hơn. Không ai bắt bạn phải làm giàu như trong cuốn Nghĩ giàu làm giàu, cũng không ai bắt bạn phải đối nhân xử thế như trong cuốn Đắc nhân tâm. Đó chỉ là lời khuyên để giúp bạn trở thành chính bạn chứ không phải là một ông tác giả khác của Đắc nhân tâm hay Nghĩ giàu làm giàu.

Để thay đổi diện mạo của sách self-help thì không thể không kể đến tác giả và các nhà xuất bản. Như trong Đắc nhân tâm, tác giả Dale Carnegie đã rất thông minh khi sắp xếp phần Để quyển sách này mang đến cho bạn một kết quả tốt nhất ở đầu. Trong đó nhấn mạnh vào việc người đọc chủ động và thường xuyên ứng dụng những lý thuyết trong sách vào thực tiễn đời sống và theo dõi những thay đổi của ban thân khi áp dụng những lý thuyết này. Ngay chính bản thân tác giả cũng cần giúp độc giả hiểu rõ từ đầu rằng: "Những con chữ này chỉ đơn giản là vài dòng gõ máy nếu như các bạn không ứng dụng nó vào cuộc sống thật. Tôi chỉ có thể giúp bạn đến mức truyền đạt một cách dễ hiểu và thấu đáo nhất những trải nghiệm của bản thân tôi, phần còn lại, ứng dụng hay không ứng dụng là phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn."

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan: Ngành kinh doanh sách self - help với vài ba câu khuyên nhủ để đó đã móc túi hàng tỷ đô la của người trẻ như thế nào?  - Ảnh 5.

Như vậy thì câu trả lời cho tiêu đề: Đọc sách self-help rồi sao nữa? rất đơn giản. Đó là: Hành động và hành động. Hành động ngay lập tức ở mọi lúc mọi nơi. Sách self-help ra đời để giúp giải quyết những vấn đề cá nhân chứ không để ru vỗ bạn trong mộng ước không tưởng rằng cứ đọc 10 lần cuốn Nghĩ giàu làm giàu thì sẽ sung túc phân nửa như Bill Gates và đọc thêm 10 lần cuốn Đắc nhân tâm thì sẽ trở thành bậc thầy cao thủ trong giao tiếp và có thể thao túng mọi đối tác.

Nên nhớ rằng mọi cuốn sách self-help đều chỉ dừng ở mức hướng dẫn và định hướng, cuốn nào xuất sắc thì quý ở chỗ là nó rất truyền cảm hứng cho độc giả. Còn đi từ trang sách đến thực tế cuộc sống là cả một chặng đường dài cần sự đầu tư nghiêm túc và cẩn thận của chính bạn. Bạn không thể đặt câu hỏi cho Napoleon Hill để hỏi sao mình cũng nghĩ giàu làm giàu như ông mà lại vẫn ba cọc ba đồng lương. Bạn phải đặt câu hỏi cho bản thân rằng: Mình đã cố gắng đủ nhiều chưa? Mình đã phạm phải những sai lầm gì? Mình cần cố gắng hơn ở điểm nào? Có như vậy thì bạn mới thực sự thành công, cho dù bạn đã đọc những cuốn self-help best seller hay chưa.

(Ybox)

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025