Nhà văn Kim Dung nói:
"Ảnh hưởng xã hội của "Tam Quốc diễn nghĩa" vượt qua cả giá trị văn học, nó đem tới cho người đọc các loại món ăn tinh thần đáng để suy ngẫm."
Là một "món ăn tinh thần", các đạo đối nhân xử thế trong "Tam Quốc diễn nghĩa" đem lại cho người đọc rất nhiều gợi mở.
Dù xuất thân hèn kém, thất bại hết lần này tới lần khác hay đối mặt với tương lai không thể đoán trước, các anh hùng Tam Quốc vẫn luôn có thể đối mặt với hoạn nạn bằng một thái độ tích cực.
Họ dùng trải nghiệm của chính mình để nói với chúng ta rằng: phàm là người thông minh, có ba thứ không cần quan tâm.
01
Không màng xuất thân
Thời kì Tam Quốc, trong ba thế lực lớn nhất là Ngụy Thục Ngô, Tào Tháo chắc chắn là người có thực lực nhất.
Nhưng trước đó, Tào Tháo chẳng qua cũng chỉ là một quan thần, không quá có tiếng tăm.
Thậm chí cả một trong "Kiên An thất tử", Trần Lâm khi ấy cũng dám mắng thẳng Tào Tháo.
Khi ấy, xuất thân cao quý giống như một tờ giấy thông hành trong xã hội, có thể đưa con người ta lên tận chín tầng mây.
Nhưng Tào Tháo mặc kệ, ông chỉ dùng hành động của mình để thách thức lại tất cả những rèm pha hay chỉ trích, sau cùng đánh bại Viên Thiệu, thống nhất phương Bắc, dùng thực lực để chứng mình cái gọi là "anh hùng không màng xuất thân."
Cũng chính vì những gì đã trải qua, Tào Tháo hiểu rõ hơn hơn ai hết tài năng của một người không do xuất thân của họ quyết định.
Vì vậy, khi đã ở chức cao vọng trọng, Tào Tháo luôn chủ trương lựa chọn và dùng người tài không theo bất cứ một quy cách nào, chỉ cần là người có tài năng, ắt sẽ được trọng dụng.
Ông từng nói: "Trị bình thượng đức hành, hữu sự thưởng công năng."
Ý muốn nói, thời bình sẽ trọng người có đức hạnh, thời chiến tranh loạn lạc sẽ xem trọng người có công lao và tài năng.
Với Tào Tháo mà nói, nhân tài không cần là con ông cháu cha hay có thân phận đặc biệt, thực tài mới là tiêu chuẩn để lựa chọn nhân tài.
Tư tưởng trọng nhân tài dựa vào tài năng, không màng xuất thân này của Tào Tháo đã lật ngược lại quan niệm truyền thống xem trọng xuất thân thời bấy giờ, và cũng là một nhân tố quan trọng giúp Tào Tháo nên được bá nghiệp.
Sống ở đời, có rất nhiều thứ sớm đã được ông Trời an bài. Một người, dù có nỗ lực tới đâu, cũng không thể thay đổi được những chuyện đã rồi, việc chúng ta có thể làm chính là: buông bỏ những lo âu không cần thiết, dùng một tâm thái tích cực nghênh đón tương lai.
Cần phải biết, giá trị một người, không nằm ở xuất thân của người đó, mà nằm ở tư duy và hành động của anh ta với con đường tương lai của mình sau này.
Nhân vật Tào Tháo trên màn ảnh nhỏ
02
Không màng thành bại
Trong cuộc sống, chúng ta có thói quen luận anh hùng thông qua thành bại nhất thời, nhưng người xưa lại không như vậy.
Trong thời loạn thế Tam Quốc, có một số lượng lớn người vì khởi nghiệp mà luôn không ngừng cố gắng, không ngừng chạy.
Trong đó, có một hoàng tộc thất thế lặng lẽ nhất, đó là Lưu Bị.
Hoàn cảnh của Lưu Bị khi ấy có thể dùng cụm "nghèo tới nỗi chỉ còn lại ước mơ" để miêu tả. So với Tào Tháo và Tôn Quyền, ông có thể nói là người không có chỗ dựa, tay trắng làm nên.
24 tuổi, lần đầu khởi nghiệp. Cùng Quan Vũ, Trương Phi đem hết gia sản đi dẹp loạn Khăn Vàng, vì thành tích không tồi nên được phong một chức huyện lệnh. Nhưng không lâu sau, vì sự kiện "Biên tá Đốc bưu" mà phải rời đi.
Năm 35 tuổi, khởi nghiệp lần hai. Đào Khiêm bệnh nguy, trao lại Từ Châu cho Lưu Bị. Khó khăn lắm mới có được một địa bàn cho mình, nhưng chưa được bao lâu đã lại bị Viên Thuật và Lữ Bố cướp mất.
Năm 39 tuổi, khởi nghiệp lần ba. Vừa mới phất lên đã bị Tào Tháo đích thân đem quân đánh tới lưu lạc cả vợ con.
Năm 40 tuổi, khởi nghiệp lần bốn. Lúc này vẫn hai bàn tay trắng, vì sinh tồn, không thể không nương nhờ Lưu Biểu, trông thì có vẻ như rất được lòng, nhưng thực ra vẫn luôn bị người ta nghi ngờ.
Ở trong hoàn cảnh như vậy, Lưu Bị chỉ có thể lặng lẽ suốt 8 năm trời. Đổi lại là người khác, có lẽ sớm đã từ bỏ tất cả, nhưng đó là Lưu Bị, trong từ điển của Lưu hoàng thúc, không bao giờ có hai chữ "bỏ cuộc".
Lưu Bị cũng có lúc mệt mỏi, nhìn đôi chân nhàn rỗi, chưa thể hoàn thánh bá nghiệp, ông khóc như một đứa trẻ.
Lưu Bị cũng có lúc chùn lòng, nhìn Tôn phu nhân dung mạo như hoa, ông vui tới mức không muốn về nhà.
Nhưng Lưu Bị khóc xong rồi lại lau sạch nước mắt, chí hướng không đổi; Lưu Bị chùn lòng rồi cũng tự thôi thúc lại bản thân, tiếp tục khởi nghiệp.
Năm 48 tuổi, khởi nghiệp lần thứ năm. Suốt 8 năm qua, ông luôn âm thầm không ngừng rèn luyện quân đội, mượn trận Xích Bích, bắt đầu con đường ước mơ.
Tuy rằng mất cả một đời, sau cùng vẫn không thể nên được bá nghiệp, nhưng bất kể có gặp phải khó khăn gì, ở trong hoàn cảnh khổ sở tới đâu, ông cũng không bao giờ bị trói chặt trong cái gọi là thành bại nhất thời.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thái độ coi nhẹ tất cả đó, cũng đủ để an ủi cả một đời bôn ba.
Mỗi một lần thất bại đều sẽ tạo thêm cho chúng ta gánh nặng cho tâm lý, cứ như vậy, khi gánh nặng ấy ngày càng tăng, bạn sẽ không thể thở nổi trên con đường bước tới tương lai.
Nếu quá chấp niệm với thành bại, với được mất, bạn sẽ không thể nào thoát ra khỏi cái bẫy của nó, cuối cùng, sẽ chẳng thể với tới được cánh cửa của thành công.
Thay vì ngẩng lên ngưỡng mộ ánh hào quang của người khác, chi bằng tự tay thắp sáng lên ngọn đèn trong tim mình. Thành công, thản nhiên, thất bại, điềm tĩnh, bất kể xuân ấm hoa nở, hay đông buốt tuyết rơi, cũng đều phải học cách đối mặt với mọi thứ.
Nhân vật Lưu Bị trên màn ảnh nhỏ
03
Không màng được mất
Nếu nói đâu là lựa chọn khó khăn nhất trong đời mỗi người, đó có lẽ là sự được mất.
Lỗ Túc chính là tấm gương điển hình cho những anh hùng không màng được mất cá nhân.
Lỗ Túc xuất thân thế gia, là một người rất tử tế, bình thường cũng hay qua lại với danh sỹ, ngay tới cả một người kiêu ngạo như Chu Du cũng rất phục và kính nể Lỗ Túc.
Chu Du từng vay lương thực của Lỗ Túc, khi ấy trong nhà Lỗ Túc chỉ còn hai đụn gạo, nhưng ông vẫn lấy một đụn tặng cho Chu Du.
Ở vào cái thời binh đao loạn lạc, lương thực là thứ vô cùng quan trọng, nhưng Lỗ Túc vẫn hào phóng như vậy, có thể thấy ông hoàn toàn không để tâm tới chuyện được mất, giúp người mới là điều quan trọng nhất.
Sàu này, Chu Du giới thiệu Lỗ Túc cho Tôn Quyền. Trước trận Xích Bích, trong khi rất nhiều quần thần nghiêng về phương án đầu hàng, Lỗ Túc vẫn rất kiên quyết không đi theo số đông, khuyên Tôn Quyền:
"Ai cũng có thể hàng Tào, chỉ Công chủ (Tôn Quyền) không thể hàng Tào. Nếu Lỗ (Lỗ Túc) hàng Tào, vẫn có thể làm quan làm tước, nhưng Công chủ hàng Tào, liệu có thể có được kết cục tốt đẹp không?"
Những lời nói đó của Lỗ Túc khiến Tôn Quyền vô cùng cảm động, sau cùng quyết định lập nên "Liên minh Tôn Lưu", cuối cùng giành chiến thắng trong trận Xích Bích.
Bất kể là trong đối nhân xử thế hay mưu đại sự, Lỗ Túc cũng đều xuất phát từ cục diện, từ đối phương mà suy nghĩ, không màng lợi ích cá nhân, đây cũng là một trong những lý do khiến ông được Tôn Quyền vô cùng trọng dụng, được người đời ngợi ca là "Bậc tài trí đích thực vùng Giang Đông".
Làm người, phải biết tự giác kỉ luật; làm việc phải biết nhìn cục diện chung.
Con người chúng ta thường vướng mắc giữa được và mất, nhưng đời người, được mất luôn cùng tồn tại, rất nhiều khi, muốn có được trăng thanh, bạn phải đối lấy bằng gió mát.
Không màng được mất, chỉ hết mình nỗ lực, tự nhiên sẽ có được cuộc đời tiêu diêu hạnh phúc.
Nhân vật Lỗ Túc trên màn ảnh nhỏ
Thị phi thành bại, công qua được mất, tất cả đều sẽ qua đi.
Cuộc sống vốn là sự tổng hòa của vô số những điều nhỏ nhặt, không vướng mắc, không trói mình vào những phiền não, con người tự nhiên sẽ vui vẻ hẳn lên.
Một tác gia từng nói: "Cao độ đời người, không phải là bạn nhìn rõ được bao nhiêu chuyện, mà là bạn xem nhẹ được bao nhiêu chuyện."
Xuất thân, thành bại, được mất, tất cả đó không phải là những chuyện mà chúng ta nên xem nhẹ ư?
Xem nhẹ xuất thân, sẽ kiên trì được với đạo đức với ước mơ; xem nhẹ thành bại, sẽ có thể không ngừng tiến về phía trước; xem nhẹ được mất, sẽ có thể hào sảng, không hối tiếc.
Sống ở đời, có xem nhẹ được những chuyện không cần thiết thì mới nhẹ nhõm, tự tại!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị