Phong cách lãnh đạo của tên cướp biển 'Râu Đen' Edward Teach và 3 bài học về khả năng quản trị

03/10/2021 10:00
Phong cách lãnh đạo của tên cướp biển 'Râu Đen' Edward Teach và 3 bài học về khả năng quản trị

Nhắc tới thời đại cướp biển vàng trong Caribbean, có lẽ cái tên Edward Teach hay còn được gọi là “Râu Đen” đã trở thành một nỗi ám ảnh cho tất cả mọi người. Vậy chúng ta có thể học được gì về khả năng lãnh đạo từ tên cướp biển này?

Trong cái nóng khủng khiếp của mùa hè thế kỷ thứ 18, một đoàn cướp biển đang đi thuyền ngoài khơi bờ biển Virginia thì phát hiện một chiếc tàu buôn đang đi về phía nam. Không thể bỏ qua miếng mồi ngon, chúng bắt đầu lên kế hoạch hành động. Những tên cướp biển đã tiến hành một cuộc tấn công, làm rung chuyển con tàu buôn bằng một loạt đạn súng hỏa mai và lựu đạn. Người lái tàu buôn ngay sau đó rời bỏ buồng lái và con tàu cũng bắt đầu xoay vòng vòng mất kiểm soát. Không bỏ qua cơ hội, những tên cướp liền nhảy lên tàu, vung rìu chém giết và đập phá đồ đạc trên tàu.

Phía xa xa là thuyền trưởng đang vật vã nhìn con tàu của mình rơi vào tay bọn cướp. Và tất nhiên ngoài của cải chúng cũng không tha cho bất kỳ thủy thủ nào, kể cả thuyền trưởng. Đó chính là hình ảnh của đoàn cướp biển đáng sợ nhất mà kẻ đứng đầu chính là “Râu Đen” và đây cũng chỉ là một phân cảnh tái hiện lại trong vô số những vụ cướp bóc của chúng.

Khi nhắc tới cướp biển, chúng ta vẫn thường nghĩ ngay tới hình ảnh bạo lực, trộm cắp và hỗn loạn. Tất nhiên tất cả những điều này đều đúng sự thật. Nhưng trên thực tế có bao nhiêu người đã từng nghĩ tới việc tại sao một tên như “Râu Đen” lại có thể đứng đầu và điều khiển một đám người thích cướp bóc và bạo lực như vậy một mức tuân theo ý chí và mệnh lệnh của mình? Thật ra tên cướp biển đã này có tư duy tiến bộ theo một cách đáng ngạc nhiên về khả năng lãnh đạo của mình. Dưới đây là ba điều nổi bật nhất về việc lãnh đạo mà ai trong chúng ta cũng nên suy ngẫm và học hỏi.

Mọi người đều có tiếng nói bình đẳng

Đối với nhiều thủy thủ phải dành phần lớn thời gian lênh đênh trên biển khơi, họ phải sống và làm việc trên những chiếc tàu buôn có một sự độc tài nhất định. Nói một cách dễ hiểu hơn, tàu buôn vận hành cũng giống như một bộ máy nhà nước phong kiến thu nhỏ. Chủ tàu hay thuyền trưởng sẽ là những người đứng đầu, mang tiếng nói có trọng lượng hơn. Còn thủy thủ làm việc trên tàu chính là những người dân bình thường, có địa vị thấp kém hơn. Do đó, thuyền trưởng sẽ thường xuyên đối xử với họ “tùy theo tâm trạng” của mình. Các thủy thủ có thể bị đánh đập, làm việc quá sức, trả lương thấp và đôi khi còn bị bỏ đói. Điều này dẫn đến tinh thần xuống thấp, dễ tạo ra bất mãn và các cuộc đình công nổi dậy.

Ngược lại, cướp biển lại giống như một chế độ dân chủ thu nhỏ, một “bộ máy nhà nước” đã được cách mạng hóa. Để giữ cho con tàu hoạt động trơn tru trong thời gian dài và ngăn cản các cuộc nổi dậy, những tên cướp biển đã tự bầu chọn thuyền trưởng, họ sẽ có một giới hạn quyền lực nhất định và đảm bảo cho mọi thành viên trên tàu đều có tiếng nói riêng của mình. Ngoài thuyền trưởng, họ cũng sẽ bầu ra một đội trưởng nữa. Người này sẽ có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp nhỏ và phân phối vật tư cũng như tiền bạc đến cho mọi thành viên trên tàu để đảm bảo công bằng hóa quyền lợi nhất có thể.

Vào thời điểm đó, con tàu của “Râu Đen” được xem là tiến bộ và bình đẳng hơn cả xã hội Mỹ hoặc Anh lúc bấy giờ.

Thuyền trưởng sẽ chỉ nắm quyền chỉ huy mỗi khi tham gia các trận chiến. Còn những lúc bình thường, các thành viên sẽ sống với nhau bình đẳng, không có khái niệm ai cai quản ai. Thuyền trưởng và phi hành đoàn đã thực hiện bỏ phiếu về mọi thứ. Từ việc điều khiển tàu đi đâu, cướp ai, kế hoạch như thế nào, làm gì với tù nhân… đều dựa trên ý kiến số đông của tất cả các thành viên.

Và khi xảy ra các tranh chấp về quy tắc thì cũng sẽ do các thành viên tự quyết định vấn đề chứ không phải hoàn toàn dựa trên ý kiến của thuyền trưởng. Khi đủ số phiếu bầu, thủy thủ đoàn không chỉ có thể cách chức thuyền trưởng mà thậm chí còn có thể đưa hắn ta lên một hòn đảo hoặc ném hắn ta xuống biển.

Phong cách lãnh đạo của tên cướp biển Râu Đen Edward Teach và 3 bài học về khả năng   quản trị đáng suy ngẫm - Ảnh 1.

Tạo cảm giác mỗi thành viên đều có giá trị

Bất kỳ một tên cướp biển nào trên tàu cũng có thể khiếu nại hoặc bày tỏ ý kiến về những điều không hài lòng về các thành viên khác mà không sợ bị trả thù vì các thành viên đều được bảo vệ bởi các “quy tắc”. Nói một cách dễ hiểu, trên tàu của “Râu Đen” có ban hành một bản nội quy áp dụng cho tất cả mọi người. Các điều khoản của nội quy được xây dựng một cách dân chủ và cần có sự thống nhất của mọi thành viên trước khi áp dụng thực hiện.

Họ tự đặt ra các quyền và nhiệm vụ của từng thủy thủ đoàn, các quy tắc xử lý tranh chấp, quy định về khen thưởng, các khoản “bảo hiểm” để thôi thúc lòng dũng cảm của các thành viên khi chiến đấu và có cả những khoản “bồi thường” cho các thành viên bị thương. Các quy định của nội quy khiến cho mọi thành viên trên tàu có cảm giác mình có ý nghĩa quan trọng trên chính con tàu này.

Phong cách lãnh đạo của tên cướp biển Râu Đen Edward Teach và 3 bài học về khả năng   quản trị đáng suy ngẫm - Ảnh 2.

Mọi sự đánh giá đều dựa trên kỹ năng và năng lực, các yếu tố khác không quan trọng

Khi tàu đi trên biển, những tên cướp đã bắt được những người thủy quân lục chiến từ các chủng tộc, tôn giác và sắc tộc khác nhau. Điều này tạo nên một “vùng đất quốc tế” thu nhỏ ngay trên tàu. Mặc dù lúc bấy giờ, trên đất liền đa số đi theo chế độ nô lệ, nhưng trên tàu của “Râu Đen” thì không như vậy. Hải tặc da đen vẫn có quyền bỏ phiếu, thể hiện ý kiến cá nhân, được chia chiến lợi phẩm bằng nhau, có thể mang vũ khí hay thậm chí là được bầu làm thuyền trưởng của các thủy thủ đoàn.

Những tên cướp biển được đánh giá dựa trên năng lực và sự chăm chỉ của mình, màu da hay tôn giáo không hề gây ảnh hưởng đến việc đánh giá. Chính điều này đã làm cho con tàu của “Râu Đen” được xem là tiến bộ và bình đẳng hơn cả xã hội lúc bấy giờ.

Bạn sẽ chọn phong cách lãnh đạo nào?

Bất kể ngành nghề hay vai trò của chúng ta là gì thì cũng đều phải đối mặt với sự lựa chọn về cách lãnh đạo trong công việc, có thể là trong mối quan hệ của chúng ta, trong đội nhóm hay rộng hơn là trong công ty. Chúng ta có thể lựa chọn phong thái lãnh đạo của mình là tập trung vào thành tích bản thân, lớn tiếng ra lệnh cho người khác hay cũng có thể lựa chọn suy nghĩ như một tên cướp biển, bảo đảm rằng mọi người trong đội nhóm của mình đều bình đẳng trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân.

Bạn cũng có thể tìm cách mang lại giá trị cá nhân cho mỗi thành viên để góp phần vào thành công của nhóm. Hoặc nhìn xa hơn có thể là tuyển dụng nhân viên của mình dựa trên năng lực của họ, không màng tới tôn giáo hay màu da.

Phong cách lãnh đạo của tên cướp biển Râu Đen Edward Teach và 3 bài học về khả năng   quản trị đáng suy ngẫm - Ảnh 3.

Theo một nghiên cứu trên 800 nhân viên, khi họ làm việc với một lãnh đạo mà tạo ra sự bình đẳng đối với nhân viên thì sự cam kết, hài lòng và năng suất làm việc cũng sẽ cao hơn. Khi khiến cho nhân viên có quyền sở hữu đối với cả ý tưởng và quan điểm của mình, được tự do trong các vấn đề được chia sẻ thì người lao động và tổ chức của bạn sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Thuyền trưởng cướp biển vì phục vụ niềm vui của thủy thủ đoàn, điều đó có nghĩa là họ hiểu rằng họ phải giành được sự tin tưởng của các đồng đội. Cuộc sống công việc của chúng ta cũng như vậy. Hằng ngày bạn hãy tự hỏi bản thân giống như “Râu Đen” rằng “Liệu tôi có phải là một thuyền trưởng mà thủy thủ đoàn của mình sẽ chọn làm thủ lĩnh ngày hôm nay hay không?”. Câu hỏi mạnh mẽ này có thể tập trung sự chú ý và năng lượng của chúng ta vào chính những điều kiện có thể giúp mọi người trong “phi hành đoàn” của mình phát triển và thực hiện các cuộc chinh phục thắng lợi rực rỡ hơn.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 16/10/2024