Cũng như “Nấu cháo 3 phần gạo 7 phần nước, uống rượu 3 phần say 7 phần tỉnh”, cái gì nhiều quá cũng không tốt, trạng thái tuyệt vời nhất của nhân sinh chính là “mọi thứ vừa đủ”. Thế nên, nếu dùng một phép tính để bao quát lại cuộc đời mỗi người, thì “3+7=0” là chuẩn xác nhất.
01. 3 phần cho đi, 7 phần nhận lại
Dám cho đi nhiều, nhận lại cũng nhiều. Cho đi ít, nhận lại cũng ít. Không chịu cho đi, thì chắc chắn không nhận lại được gì cả. Phàm là chuyện trên đời, có mất thì sẽ có được. Mất mát, cho đi... không hẳn là chuyện xấu. “Mất” chính là nhân, “được” chính là quả. Cái gì cũng không muốn mất, thì làm sao thu được “quả ngọt”.
Vào đời Tống Nhân Tông năm thứ 5, Phạm Trọng Yêm bị đày đi Đặng Châu vì chủ trương cải cách. Sau khi chịu những trận đòn không thương tiếc về mặt chính trị, ông không trở nên tiêu cực, không cuốn theo chiều gió, càng không kết bè phái với những thế lực xấu xa. Thay vào đó, ông lại ngân vang câu hát: “Thiên hạ sầu, ta cũng sầu. Thiên hạ vui, ta vui lây”.
Cũng như câu nói “Mất mặt này, được mặt kia”. Đôi khi nếu biết từ bỏ đúng lúc, bạn sẽ nhận được những điều bất ngờ mà cuộc sống ban tặng. Cho đi và nhận lại luôn song hành với nhau, không bao giờ có chuyện chỉ có cho đi mà không nhận lại, cũng không có chuyện chỉ có nhận mà không biết cho. “Cho đi” đúng lúc, bạn sẽ “nhận lại” được niềm vui trong tâm hồn.
Cho đi và nhận lại luôn song hành cùng nhau, có được ắt sẽ có mất. Ảnh: Aboluowang
02. 3 phần ngốc nghếch, 7 phần tỉnh táo
Trong “Đông Phương Sóc truyện” có câu “Nước trong quá thì không có cá, người suy xét quá thì không có tri âm”. Trong cuộc sống, chúng ta nên có 7 phần tỉnh táo nhưng cũng nên để 3 phần hồ đồ. 7 phần tỉnh táo để sinh tồn, 3 phần hồ đồ để bảo vệ chính mình khỏi rắc rối.
Có một câu chuyện như thế này: Có một vị khách đi thuyền qua sông. Vị khách này dùng một chiếc cốc màu vàng để uống rượu, thế nhưng người chèo thuyền tưởng đó là chiếc cốc bằng vàng, nên nảy sinh ý đồ xấu, muốn lấy cắp chiếc cốc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một chiếc cốc làm bằng đồng thau, không đáng bao nhiêu tiền. Ánh mắt người chèo thuyền đã lộ rõ ý đồ xấu xa, vị khách cũng đã hiểu rõ ham muốn của người chèo thuyền thông qua ánh mắt của hắn. Thuyền lắc lư, vị khách cố tình làm rơi chiếc cốc xuống nước, người chèo thuyền thấy thế liền tiếc hùi hụi.
Lúc này, vị khách chậm rãi nói: “Chỉ là chiếc cốc đồng, không có gì phải lấy làm tiếc.”
Nghe vậy, người chèo thuyền cũng chạnh lòng, hắn tiễn khách sang bờ bên kia an toàn.
Vị khách biết rõ ý đồ của người chèo thuyền, nhưng ngài không để lộ tâm tư. Nếu vị khách vạch trần người chèo thuyền, hắn ta có thể xấu hổ và tức giận. Thế nhưng vị khách lại chọn cách giả vờ ngốc nghếch và nói ra sự thật một cách vô ý, điều này không chỉ dẹp tan lòng tham của người chèo thuyền, mà còn giữ được mạng sống của ngài.
Sự khôn ngoan của một con người nằm ở sự minh bạch trong trái tim, nhưng họ hiểu được lúc nào nên giả khờ để giấu trái tim minh mẫn đó của mình.
Hãy nhớ: Đôi khi bạn nhìn thấu hết sự việc, nhưng đừng nói ra hết, có một số chuyện, giữ cho mình 3 phần hồ đồ vẫn hơn.
Làm người ngốc nghếch 3 phần để nhìn thấu nhiều việc, và tỉnh táo 7 phần để biết rõ những thứ quan trọng trong cuộc sống.
Có một số chuyện dù đã rõ mười mươi, nhưng đừng nói ra hết làm chi. Ảnh: Aboluowang
03. 3 phần kỳ vọng, 7 phần buông xuôi
Nhà văn Mã Đức Tăng, Trung Quốc từng viết thế này: "Tôi dần hiểu tại sao mình không vui, vì tôi luôn kỳ vọng vào kết quả.
Khi đọc một cuốn sách, tôi mong đó sẽ là một cuốn sách khiến tôi cảm động; mới chạy bộ được một lúc, tôi đã kỳ vọng rằng bản thân sẽ giảm cân thành công; khi gửi tin nhắn, tôi luôn mong đợi đối phương sẽ trả lời; khi tôi đối xử tốt với người khác, tôi kỳ vọng rằng họ cũng sẽ đối xử tốt với tôi.
Nếu những kỳ vọng này trở thành sự thật, tôi thường thở phào nhẹ nhõm; nhưng nếu chúng không như những gì tôi mong đời, tôi sẽ tự oán trách bản thân".
Trong cuộc sống, chúng ta thường đặt kỳ vọng rất lớn vào một việc nào đó, nếu việc đó mang lại kết quả không như những gì ta mong đợi, thì ta sẽ trở nên chán nản, phiền muộn.
Sokrates từng nói: “Chúng ta chỉ nên kỳ vọng một phần để chạm đến ngưỡng cửa hạnh phúc.” Nếu chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào mọi thứ, điếu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng của mình. Nếu chúng ta hạ thấp kỳ vọng xuống và học cách buông xuôi, chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay cả khi kết quả mang lại không như những gì ta muốn.
Chúng ta chỉ nên kỳ vọng một phần để chạm đến ngưỡng cửa hạnh phúc. Ảnh: Internet
3 phần cho đi, 7 phần nhận lại: ta sẽ có được niềm vui và tình yêu trong tâm hồn.
3 phần ngốc nghếch, 7 phần tỉnh táo: ta mới có thể nhìn thấu hồng trần, tu dưỡng bản thân.
3 phần kỳ vọng, 7 phần buông xuôi: ta sẽ tìm được chốn bình yên trong tâm hồn.
Nếu có thể dùng thước để đo lấy nhân sinh, thì tỷ lệ “3 + 7” là thích hợp hơn cả: Không thừa, không thiếu, tất cả đều “vừa đủ”.
Mọi thứ đều trở về con số 0, số 0 cũng là sự trọn vẹn của cuộc sống. Đời người chính là một vòng tròn, dù bạn sống như thế nào, tất cả đều sẽ trở về vạch xuất phát. Thế nên, thiên cơ cả đời người chỉ gói gọn trong phép tính 3 + 7= 0. Đó chính là triết lý về sự tuần hoàn của nhân sinh.
Theo Aboluowang
Nhịp sống kinh tế