Dinh Thương thơ - ngôi biệt thự 130 năm tuổi, hiện là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông tọa lạc tại số 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM - có thể bị đập bỏ bất cứ lúc nào để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Đây là một quyết định được đưa ra tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM đầu tháng 5.2018.
Tòa nhà Dinh Thượng thơ hiện nay - Ảnh: Ngọc Dương
Lý do tòa nhà có lịch sử thuộc loại lâu đời nhất ở Sài Gòn không được di tu bảo tồn đã được cơ quan chức năng của thành phố giải thích rất đơn giản là "Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn”.
Ý kiến này đã tạo nên sự “ngỡ ngàng” cho giới kiến trúc lẫn người dân TP.HCM. Về chủ trương chung mở rộng và nâng cấp trụ sở UBND thành phố được đa số người dân đồng thuận, nhưng việc phải phá bỏ Dinh Thương thơ cho dự án này thì đang nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều tổ chức cá nhân lo ngại di sản lịch sử và ký ức đô thị thành phố bị mai một phá hủy. Đặc biệt, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng Hội văn nghệ sĩ thành phố cũng đã có đơn kiến nghị bảo tồn tòa nhà cổ này gửi đến chính quyền thành phố.
Cổng dinh Thượng Thơ, 59 - 61 Lý Tự Trọng, (tên cũ là đường Gia Long) - Ảnh: Tư liệu
Dưới góc nhìn quản lý và bảo tồn, nhiều chuyên gia về kiến trúc cho rằng cách quản lý di sản ở TP.HCM đang “có vấn đề nghiêm trọng” và đưa ra nhận định việc Dinh Thượng thơ không nằm trong danh sách di tích được bảo tồn không phải là lý do phá bỏ.
Dưới góc độ quy hoạch bảo tồn, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng kiến trúc UBND TP.HCM và Dinh Thượng thơ rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á, nếu bị Gensler gắn cho phương án giống tòa nhà Unilever Headquarters ở Jakarta, Indonesia thì mất đi giá trị lịch sử và đặc thù.
Theo các chuyên gia, thì giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ thành phố: trụ sở UBND dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc, nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới do Gensler thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP.HCM và cả khu phố Lý Tự Trong, Đồng Khởi và Pasteur. Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.
Dù đón nhận rất nhiều ý kiến phản biện từ giới chuyên môn, tuy nhiên kể từ tháng 5.2018 cho đến nay, chủ trương phá bỏ tòa nhà Dinh thượng thơ gần như vẫn được thành phố giữ nguyên.
Dinh Thượng thơ hồi đầu thế kỷ 20 - Ảnh: Tư liệu
Trước nhiều ý kiến phản ứng của chuyên gia quy hoạch và người dân về chủ trương đập bỏ tòa nhà Dinh Thượng thơ, đầu tháng 8.2018 Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã có văn bản kiến nghị thành phố bổ sung tòa nhà 130 tuổi vào danh mục bảo tồn.
Văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM kiến nghị UBND thành phố nên cho khảo sát, đánh giá để bổ sung Dinh Thượng Thơ, gồm khối nhà ở số 59 - 61 đường Lý Tự Trọng hiện đang là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông vào danh mục các công trình cần được nghiên cứu để bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Ngoài ra, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thành phố cần chỉ đạo thu thập tài liệu, đánh giá để có giải pháp quản lý đối với tòa nhà cổ này.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng tòa nhà này tuy đã trải qua nhiều thời kỳ nhưng còn tương đối đầy đủ, có thể chứng minh được ý nghĩa công trình trong suốt quá trình tồn tại nên tòa nhà cần được thành phố xem xét đưa vào diện được bảo tồn.
Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở Sài Gòn được người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1864. Kiến trúc tòa nhà hiện tại được tu sửa vào năm 1882. Trước đó từ năm 1865, nơi đây là khu hành chính quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ.
Về mặt chính quyền đương thời, tòa nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).
Trải qua hơn 130 năm kể từ thời điểm xây dựng, tòa nhà vẫn khá chắc chắn với họa tiết tường hoa văn thiết kế đẹp mắt
Đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (213 Đồng Khởi). Vào đầu thế kỷ 20, tòa nhà còn có tên là Văn phòng Chính phủ.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một giai đoạn ngắn nơi này được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tòa nhà từng xuất hiện trong phim Người Mỹ trầm lặng (bản năm 1958).
Từ sau 1975 đến nay, tòa nhà được bố trí làm trụ sở của Sở Công thương và hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối vào năm 1890 đến thời điểm hiện tại, Dinh Thương thơ đã gần 130 năm tuổi. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình đã gần 160 tuổi.
Tiểu Vũ