Cách đây chừng 10 năm, người đồng tính Việt không có bất kỳ hình thức giải trí nào dành riêng cho họ ngoại trừ những mẩu truyện ngắn được đăng tải trên các diễn đàn trực tuyến. Chúng thu hút rất đông lượt xem dù sở hữu cốt truyện khá đơn giản. Bộ phim Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng giống như những mẩu truyện ngắn năm ấy: nhẹ nhàng, bình dị nhưng khắc hoạ sống động cuộc sống và tâm tư của những người trong cuộc.
Một chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở
Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Gia Huy) quen nhau tại Mỹ từ nhiều năm trước. Nhân chuyến đi về Việt Nam để lo chuyện ruộng đất, Văn quyết định dẫn bạn trai về ra mắt người thân. Thế nhưng, cậu vẫn chưa thật sự sẵn sàng. Sự chần chừ là dễ hiểu. Văn là con trai đích tôn của một gia đình gồm nhiều thành viên và được hứa hẹn sẽ “thừa hưởng hết gia sản” nếu chịu kết hôn. Chưa hết, cha mất đã lâu, còn mẹ thì thuộc típ phụ nữ Việt điển hình với mong mỏi mau có cháu ẵm bồng.
Đây là một trường hợp khá phổ biến ngoài đời thực khi trách nhiệm gia đình đồng nghĩa với hiện thân của định kiến xã hội đặt lên vai những người đồng tính nam.
Nửa đầu phim chủ yếu xoay quanh Văn và Ian. Mặc dù đang yêu nhau say đắm thế nhưng cả hai đã phải “gồng mình” nhằm phù hợp với hoàn cảnh xung quanh. Họ chỉ có thể trao đổi tình cảm với nhau bằng ánh mắt và những cái chạm khẽ qua.
Một lần nữa, đạo diễn cho thấy anh đã tham khảo rất kỹ đời sống của những người đồng tính sinh sống tại miền quê. Do lo ngại ánh mắt của người đời, họ thường phải lén lút và thể hiện xúc cảm tình dục của mình trong bóng tối – hay ở đây là nhà tắm, hình ảnh đại diện cho “cái tủ kín” mà cộng đồng LGBT luôn tìm cách để thoát ra.
Hồng Đào – linh hồn của cả bộ phim
Với thân phận con dâu trưởng, nhân vật do Hồng Đào thủ vai là một người phụ nữ điềm đạm, thông minh, nhạy cảm và cư xử đúng mực. Chỉ với vài hành động tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” giữa Văn và Ian, bà đã nhận ra ngay có điều gì đó không ổn nhưng cố tình phớt lờ và hi vọng bằng cách ép con trai lấy vợ, sự ngờ vực sẽ tan biến. Thú vị đây cũng là trải nghiệm của nhiều bậc phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT. Là cha mẹ, họ luôn nhìn thấu tất cả nhưng từ chối chấp nhận, cho đến khi đích thân đứa con nói với mình.
Hồng Đào diễn bằng mắt. Khán giả có thể cảm nhận rõ mọi cung bậc cảm xúc của người mẹ thông qua ánh mắt của bà dành cho con trai, từ lo lắng, ngờ vực cho đến bị tổn thương. Có thể nói, đây là một bước tiến dài trong khả năng khắc hoạ tâm lý nhân vật của nữ diễn viên sinh năm 1962 này.
Chi tiết Văn “phủ phục” dưới chân mẹ khi công khai đồng tính rất đời, chân thật, tinh tế và mang tính tượng trưng. Nó thể hiện cho sự ngổn ngang về mặt xảm xúc của cả hai.
Nội dung phim Thưa mẹ con đi diễn ra trong vài ngày ngắn ngủi, sẽ rất vô lý nếu đạo diễn cho nhân vật người mẹ chấp nhận hoàn toàn việc con trai đồng tính. Bởi vì quá trình này đòi hỏi phải có thời gian để thẩm thấu, vài tháng hoặc đôi khi là tận vài năm. Ngay từ đầu, đây chính là câu hỏi khó nhất dành cho nhà biên kịch.
May mắn thay, Thưa mẹ con đi đã mang đến một cái kết nhân văn và thuyết phục – đặc biệt là cảnh cuối khi Hồng Đào học lái xe. Khán giả có thể thở phào nhẹ nhõm, và tin rằng một tương lai tươi sáng đang chờ đợi Văn, Ian và mẹ Văn ở phía trước.
Một bộ phim đầy khuyết điểm nhưng tử tế
Rất dễ để chỉ ra các khuyết điểm của Thưa mẹ con đi.
Bên cạnh thể hiện khá tốt của dàn diễn viên phụ, hai nam chính vẫn còn “đơ”, gượng ép và không thể hiện được nội tâm nhân vật. Có lẽ do đây là lần đầu chạm ngõ điện ảnh của Gia Huy và Lãnh Thanh. Mặc dù vậy, nhân vật Ian có phần nhỉnh hơn một chút trong những cảnh thể hiện tình yêu khiến cho xúc tác giữa cả hai trở nên thật hơn dù kỹ thuật diễn bị hạn chế.
Kịch bản có nhiều chi tiết vô lý. Lối kể chuyện chậm rãi và tham chi tiết cũng dễ khiến cho khán giả mất kiên nhẫn và làm hỏng mạch cảm xúc.
Chung quy, Thưa mẹ con đi có thể không phải một phim xuất sắc nhưng chắc chắn là một phim tử tế, được thực hiện bởi những người có tâm và chân thành. Đối với dòng phim LGBT hiện nay tại Việt Nam, điều này có lẽ quan trọng hơn rất nhiều yếu tố khác.
Thưa mẹ con đi được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 16.8.
Mai Thảo