Nhân một ngày xuân thong dong, hãy thử tự tặng quà năm mới cho mình là những quyển sách, dành một vài ngày Tết đọc sách và chụp ảnh, viết cảm nhận, đăng lên Instagram kèm hashtag #bookstagramvn. Một cộng đồng Bookstagram Vietnam đang chờ và chắc chắn sẽ nhiệt tình chào đón bạn.
Tâm Anh luôn thích những ngày nắng đẹp, bởi đó là lúc thích hợp nhất để cô mang những quyển sách đã đọc ra bày biện, chọn góc và chụp hình.
Sản phẩm “thu hoạch” được - những bức ảnh chụp bìa sách có in hoa nắng hay bóng nắng đổ qua kẽ lá hoặc song cửa sổ - sẽ được cô chăm chút thêm, trước khi đăng lên tài khoản @neverblossom của mình, kèm một bài review (cảm nhận, điểm sách) ngắn.
Đọc sách, viết review, chụp hình quyển sách, đăng hình kèm bài viết lên Instagram là “quy trình” của những người trẻ đam mê đọc sách và tận dụng ưu thế của mạng xã hội chia sẻ hình ảnh lớn nhất thế giới.
Có thể gọi họ là bookstagrammer - tức thành viên của bookstagram, cộng đồng những người yêu thích sự đọc trên Instagram.
Họ dường như là những người đang khôi phục uy tín cho Instagram, một sản phẩm cùng nhà với Facebook, vốn vẫn luôn bị cho là nơi “sống ảo”, chuyên kéo người dùng, đặc biệt là người trẻ, ra khỏi những thú vui trong đời sống thật, đưa nó thành sân chơi của những người không chỉ ham đọc mà còn thích chụp hình, viết lách.
Đến và yêu
Tâm Anh kết nối với các bookstagrammer khác bằng nhiều hashtag, nhưng hashtag chính của cộng đồng sẽ là #bookstagramvn. Bấm vào đây cũng là mở ra cánh cửa bước vào thế giới của vô vàn những bức ảnh chụp sách đủ thể loại, cả sách trong nước lẫn nước ngoài, và nhiều phong cách chụp khác nhau.
Khó biết chính xác cộng đồng bookstagram Việt Nam hình thành từ khi nào, nhưng tài khoản Bookstagram Vietnam (@ bookstagram.vietnam) được thành lập tháng 8-2016, thời điểm mà bookstagram thế giới không còn xa lạ gì nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
“Chính vì điều đó, Bookstagram Vietnam được lập ra để tạo sân chơi cho những người yêu sách, yêu chữ hay đơn giản là yêu cái đẹp” - admin của trang cho biết.
Bookstagram Vietnam đăng lại những bức ảnh đẹp, những review hay của các bookstagrammer nổi bật, tạo ra một cộng đồng những người yêu sách thông qua hashtag #bookstagramvn. Đến cuối tháng 11- 2018, hashtag này đã có hơn 6.400 bức ảnh về sách, và hơn 9.000 follower (người theo dõi).
Thế giới bookstagram mê hoặc như thế, nên những ai đã sẵn tình yêu đọc sách và viết lách, nếu lỡ lạc vào chốn này, e khó thoát ra được. Thanh Toàn, hiện đang làm thiết kế đồ họa tại Sài Gòn, là một trường hợp như thế, khi một ngày vô tình lạc vào trang bookstagram của một bạn ở Hà Nội và bị “sét đánh” luôn từ đó.
“Trước đó mình chưa bao giờ biết về cộng đồng này như một nơi chia sẻ những hình ảnh và cảm nhận về những cuốn sách” - Toàn nhớ lại.
Cảm giác đầu tiên của Toàn khi biết trên Instagram lại có một nơi dành cho sách là “tò mò và hứng thú”, cuối cùng là “thật sự muốn thử” được chụp sách và chia sẻ review với mọi người. Toàn có hơn 3.100 người theo dõi. Anh nói việc tham gia bookstagram “hoàn toàn là một sự tình cờ và mình biết ơn về điều đó, như một cái duyên” bằng giọng miền Tây chân chất.
Nhưng bookstagram không chỉ là nơi bày ảnh đẹp và chia sẻ review. Nó còn là nơi thảo luận về sách, nhờ tư vấn sách hay nên đọc. Các thành viên khoe “thu hoạch sách” (#bookhaul - liệt kê toàn bộ sách mua được trong tháng), chia sẻ “sách sắp đọc” (#toberead), hoặc rủ nhau tham gia thử thách đọc sách (#readingchallenge).
Những “đặc sản” khác trong thế giới bookstagram cũng không kém quyến rũ: “đọc sách cùng bạn thân” (#buddyread) với những người bạn cùng đọc chung một quyển sách và “đua” xem ai đọc xong trước; #giveaway (tặng sách) do các reviewer hay đơn vị phát hành tổ chức, như một trò vui nho nhỏ với món quà mà ai cũng thích: sách.
“Những hoạt động đó rất vui và bổ ích - Kim Chi, chủ tài khoản @cuddle.thereader chia sẻ - Nhờ các bạn mà mình bắt đầu đọc rất nhiều tác giả mới”.
Dù gu đọc khác nhau, khi đã vào cộng đồng bookstagram ai cũng có thể làm quen, kết bạn mới dễ dàng và thoải mái. Thế giới đa dạng của người thì thích sách “hàn lâm”, còn tôi chuộng bình dân, hay anh chuyên viết review sâu sắc còn tôi chỉ vài dòng bâng quơ... là nơi của những bình luận lịch lãm và thú vị.
“Nhiều bạn thực sự đầu tư hình ảnh rất chất, review lôi cuốn người đọc, nói chuyện cũng rất thoải mái và thân thiện dù chưa gặp nhau ngoài đời thực bao giờ - Tâm Anh bày tỏ niềm vui khi nhận được những comment ủng hộ, bàn luận hay đóng góp ý kiến dưới bài review của mình - Thậm chí các bạn ấy nói rằng sẽ mua sách nhờ đọc bài review của mình”.
Đấy là nơi đầy ắp những comment thân thiện: “Cảm ơn bạn đã giới thiệu, mình sẽ mua quyển này”, “Mình cân nhắc không biết có nên mua không, đọc review của bạn xong mình đã có câu trả lời”, “Đọc review của anh xong là em lặng lẽ cho quyển này vào giỏ hàng (trên trang bán sách trực tuyến)” dưới các bài viết của bookstagrammer Việt.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Vì “hoạt động” trên Instagram, nên phần hình ảnh của các bài viết trong cộng đồng bookstagram đều được chăm chút đầu tư xứng đáng.
Công cụ chụp ảnh phổ biến nhất là smartphone, nhưng nhiều bạn đầu tư thêm máy ảnh DSLR hay máy không gương lật (mirrorless). Tùy theo chụp trong nhà hay ngoại cảnh mà phải chuẩn bị thêm đạo cụ, ánh sáng và tư duy concept (ý tưởng) như một dự án nghiêm túc.
Với Tố Quyên, chủ tài khoản @winny.win.winny, concept ảnh chụp sách không cố định trong một phong cách nào cả mà thay đổi liên tục. Cô tỉ mỉ sắp xếp từng cuốn, khi thì cùng tông màu với bìa, liên quan đến nội dung hay dùng các món phụ kiện trang trí làm nổi bật quyển sách.
“Với bìa sách màu cam, tôi chụp cùng những chiếc lá màu vàng - cam - nâu, với quyển Gọi em bằng tên anh, tôi chụp cùng những quả đào - một chi tiết cực kỳ ấn tượng trong truyện” - Quyên đưa ví dụ cụ thể.
Bộ lọc màu (filter) của Instagram là lựa chọn cơ bản nhất, nhưng nhiều bookstagrammer sử dụng thêm các ứng dụng trên di động như VSCO, Snapseed và sẵn sàng bỏ tiền mua thêm các filter, hiệu ứng mới sao cho bức ảnh đặc sắc, đúng ý nhất.
Xong phần “nhìn” thì đến phần “đọc”. “Một điểm mạnh của các bookstagrammer Việt Nam là các bạn đầu tư nội dung review rất chất lượng và không ngại viết dài, trong khi review của các bookstagram nước ngoài thường ngắn gọn và sơ lược” - chủ trang Bookstagram Vietnam nhận xét.
Với Thanh Toàn, đọc xong một cuốn sách thật sự hay, “mình sẽ viết liền vì sợ cảm xúc lúc đó sẽ rớt mất”. Còn với Tâm Anh, “review luôn cho nóng” cũng là cách tốt nhất để chuyển tải những cảm xúc dâng trào sau khi đọc xong một quyển sách.
Họ có bị áp lực khi có lượng người theo dõi cao, bị thôi thúc phải có bài đăng mới thường xuyên - chuyện khá quen thuộc với blogger hay Facebooker? “Tôi không tự tạo cho mình áp lực đó, vì review với tôi chỉ là bản ghi lại suy nghĩ cảm xúc về cuốn sách” - Kim Chi nghĩ đơn giản.
Nhưng với Thanh Toàn, áp lực đó là có thực: “Càng review nhiều sách, mọi người càng ủng hộ, áp lực “đọc để review” và “review như thế nào” là không thể tránh khỏi”. Họ cũng đi qua những thăng trầm của hào hứng, xúc cảm, trách nhiệm, áp lực và cũng phải tìm cách cân bằng giữa niềm vui đọc và “trách nhiệm” review.
Tham gia Bookstagram, tại sao không?
Trong làn sóng âm thầm những người từ bỏ Facebook để sang Instagram - nơi mà họ cho là ít “xô bồ và nhiễu nhương” hơn Facebook - những người mê sách tìm thấy những lý do xác đáng.
“Facebook có những nhóm yêu sách đông đảo và sôi nổi hơn Instagram rất nhiều nhưng mình vẫn yêu thích cộng đồng bookstagram hơn cả - Tố Quyên nói - Ở bookstagram, mọi người đề cao tính riêng tư và sáng tạo, tôn trọng lẫn nhau, không có (hoặc rất ít) những thái độ bới móc và cay nghiệt (như trên Facebook)”.
Kim Chi cũng hào hứng cho biết lợi ích lớn nhất khi tham gia bookstagram là gặp được nhiều người bạn thích đọc sách giống mình, đặc biệt là tìm được những người bạn hợp tính, hợp gu đọc và trở thành bạn bên ngoài.
“Nhìn cộng đồng bookstagram ngày càng lớn mạnh, mình hi vọng và tin tưởng vào văn hóa đọc đang ngày càng phát triển ở thế hệ trẻ, họ thích đọc sách và biết chọn đọc những quyển sách chất lượng. Việc đọc sách không còn đơn độc nữa, họ có thể thoải mái chia sẻ với nhau, thỏa thích sáng tạo cùng những bức ảnh, biến việc đọc sách trở thành một cuộc chơi mới mẻ, thú vị và đầy hấp dẫn” - admin của Bookstagram Vietnam lạc quan.
Giới làm sách không đứng ngoài
Giới làm sách đang rất hi vọng khi lứa độc giả thế hệ Internet “tự nguyện” cổ vũ chuyện đọc sách giấy, trong thời mạng xã hội và sách điện tử.
Các đơn vị phát hành, nhà xuất bản Việt Nam đã không bỏ qua cộng đồng Instagram, thậm chí có đơn vị đã khai thác từ rất sớm.
Đại diện Nhã Nam cho biết họ đã tham gia Instagram từ năm 2013 và đánh giá mạng xã hội này là một kênh tương tác với độc giả rất hiệu quả, lượng tương tác và người theo dõi không nhiều như Facebook nhưng lại tập trung hơn.
NXB Trẻ cũng thấy đây là một kênh lý thú để cung cấp thông tin sách cho độc giả thay vì nhồi nhét lên trang chính fanpage Facebook. “Instagram đang phổ biến vì tính riêng tư, mạnh về bố cục hình ảnh, phù hợp để khai thác về mặt hình ảnh (bìa sách đa dạng, đẹp mắt)” - Minh Tú, đại diện truyền thông NXB Trẻ, cho biết.
Tất nhiên, các bookstagrammer là một kênh khả quan để quảng bá sách, “vì mỗi người đều có lượng fan riêng và có sức ảnh hưởng riêng trong cộng đồng của họ”.
TRƯỜNG SƠN