Giữa thế kỉ 20, tại Nhật Bản, kết hôn không đồng nghĩa phải dành trọn thời gian bên người bạn đời. Đó cũng là lối sống của đôi vợ chồng trung niên Mokichi (Shin Saburi) và Taeko (Michiyo Kogure) - nhân vật chính trong ‘The Flavor of Green Tea Over Rice’. Dẫu vậy, ở đây, sự ngăn cách bề ngoài không đơn thuần do mong muốn thuận theo xu hướng xã hội đương thời. Trên hết, cả hai người đều bướng bỉnh, từ chối giải tỏa khác biệt tầng lớp, thứ đã sớm ‘cắm rễ’ trong cuộc hôn nhân tưởng như lâu bền giữa họ.
Trải nghiệm hôn nhân giữa Mokichi và Taeko, thực tế, ‘lấp đầy’ bởi những lần cãi vã vặt vãnh cùng bao lời nói dối vô hại. Trong khi Taeko sắc sảo đủ để dựng nên một câu chuyện phức tạp nhưng thuyết phục, giúp cô có cớ đến spa hay đi xem bóng chày giải khuây với nhóm bạn, Mokichi thường xuyên lẻn khỏi nhà sau giờ làm để uống rượu cùng đồng nghiệp Noburo (Kôji Tsuruta), người sau đấy còn kéo anh tới phòng đánh bạc và trường đua xe đạp.
Người chồng lẫn vợ đều viện đủ lý do để không phải về nhà. Và một số dịp hiếm hoi Mokichi ở nhà, Taeko lại than phiền trước lối cư xử cục mịch trên bàn ăn của chồng. Chồng cô, dù lịch thiệp ghi nhận lời quở trách, vẫn không tỏ chút dấu hiệu nào trong việc thay đổi hành xử.
Căng thẳng chính yếu giữa họ, tuy nhiên, phát sinh từ xuất thân gần như khác xa của cả hai. Taeko lớn lên trong một gia đình truyền thống giàu có tại Tokyo. Ngược lại, Mokichi sinh trưởng ở vùng quê, dưới mái nhà nghèo khó hơn.
Ozu bắt đầu ‘đi sâu’ khai thác ý niệm tách biệt giàu nghèo khi đưa thêm Setsuko (Keiko Tsushima) - nhân vật cô cháu gái của đôi vợ chồng, vào câu chuyện. Sự xuất hiện của Setsuko nhắc nhở người xem về dấu ấn lịch sử quan trọng ở tác phẩm: nước Nhật, bấy giờ vừa đi qua chiến tranh, đang phải đối diện sức ép từ hiện trạng xâm lấn tư tưởng văn hóa Tây phương, kéo theo làn sóng bình đẳng giới.
Chính cô gái trẻ Setsuko, người thẳng thừng từ chối một cuộc hôn nhân được dòng họ sắp đặt, đã khiến Mokichi và Taeko tranh cãi dữ dội. Thế nhưng, nếu cuộc tranh luận nảy lửa tạm thời khiến đôi vợ chồng gia tăng sự bất hòa, nét kiên định - tư duy độc lập ở Setsuko sau cùng lại trở thành ‘chất xúc tác’ buộc Mokichi và Taeko nhìn nhận những vấn đề sâu xa bên trong mái ấm của riêng họ.
Trong nhiều bộ phim kinh điển lấy đề tài hậu chiến của Ozu, những giá trị truyền thống suy tàn, liên kết gia đình đứt đoạn, hiện trạng ‘vùng lên’ tìm kiếm tự do của thế hệ trẻ, thường được lột tả với đôi chút cảm nhận u buồn pha lẫn bấp bênh. Dẫu vậy, ở tác phẩm này, hình tượng Setsuko - dù ‘khoác lên’ dấu ấn tuổi trẻ khao khát đổi mới tư duy (minh chứng thú vị khi cô thừa nhận mong muốn được cưới người mình yêu, mặt khác, hoàn toàn thờ ơ trước định kiến tầng lớp) - lại mang màu sắc tích cực khác lạ.
Mối tình đẹp dần nảy nở giữa Setsuko và Noburo - một thanh niên thuộc tầng lớp lao động bình dân, bên cạnh đó, tạo ra nét tương phản nổi bật với đôi vợ chồng Mokichi và Taeko. Những gì cặp đôi nhân vật phản ánh trên màn ảnh dễ khiến người xem liên tưởng đến giá trị chân thật của hôn nhân, hay, giá trị vốn dĩ nên có của sự liên kết tình cảm.
Cách ‘The Flavor of Green Tea Over Rice’ phác họa thế hệ trẻ và quan điểm tình yêu của họ cho thấy niềm tin Ozu đặt vào hình mẫu hôn nhân hiện đại. Thế nhưng, vị đạo diễn bậc thầy cũng xây dựng ‘mối dây’ xúc cảm sâu sắc, nhạy bén đáng kinh ngạc ở Mokichi và Taeko.
Khi Taeko trở về nhà sau trận cãi vã kịch liệt với chồng vài ngày trước đó, Ozu dành hẳn 4 phút tập trung ghi lại từng cử chỉ của cô khi người phụ nữ lặng lẽ di chuyển quanh nhà trong trạng thái trầm tư, cùng nét mặt mong ngóng càng rõ rệt hơn qua từng phút. Taeko chờ mong Mokichi trở về, giữa lúc âm thầm quan sát tất cả mọi thứ vốn nhắc cô về sự diện diện của chồng trong tổ ấm gia đình.
Suốt trường đoạn khó quên này, Ozu cắt và nối cảnh vài lần, cho thấy từng không gian im ắng bên trong căn nhà. Mỗi cảnh phim như để ‘nhấn mạnh’ vị trí Mokichi chiếm giữ, lẫn cảm nhận trống trải đến quay quắt ở Taeko khi ‘một nửa’ của cô không còn bên cạnh.
Bàn ăn nhỏ đặt giữa phòng, nơi đã diễn ra vô số cảnh phim, theo đó có không ít là những phút giây tranh cãi của đôi vợ chồng, rốt cuộc lại trở thành nơi giúp cả hai ‘giảng hòa’ khi Mokichi đột ngột quay về.
Nhận ra cách cô nhớ cả thói quen ăn uống kì lạ của Mokichi, Taeko gọi chồng cùng dùng bữa khuya. Không muốn làm phiền người hầu gái đang ngủ, họ tự mò mẫm vào bếp trong một phân cảnh nhẹ nhàng, dí dỏm - khoảnh khắc đầu tiên đôi vợ chồng hiện diện thân mật, bình đẳng cạnh nhau.
Đoạn cuối tác phẩm, vốn truyền tải hoàn chỉnh dấu ấn kể chuyện mộc mạc mà nên thơ ở Ozu, Mokichi và Taeko ngồi đối diện nhau, tận hưởng hạnh phúc giản đơn từ một bữa ăn khuya. Món ưa thích của Mokichi là bát cơm trắng ăn kèm nước trà xanh.
Sau cùng, họ đã có thể cạnh đối phương, trong lòng không còn vương lại bất kì sự xét đoán hay cách biệt nào.
*’The Flavor of Green Tea Over Rice’, công chiếu năm 1952, được hãng Criterion (Mỹ) tái phát hành dưới dạng DVD từ ngày 27.8.2019.
Như Ý (theo SlantMagazine)