Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, ruộng đồng khô nước, cá bắt đầu tìm đến những nơi nước sâu để sinh sống. Nắm bắt được đặc tính này, bà con nông dân ở miền Tây nghĩ ra cách đào ao sâu tích nước để dẫn dụ cá đồng, chờ đến thời điểm thích hợp sẽ tát cạn nước trong ao bắt cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình và kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Văn Hoàng (ngụ TP.Cà Mau) cho biết, ngày xưa nguồn lợi cá đồng nhiều, khi mùa mưa xuống là thời điểm chúng bắt đầu sinh sản. “Để thu hút cá đồng, nhiều nông dân đã chọn vị trí đất trũng thấp, không sạ lúa được để đào ao tích nước. Đến mùa khô, cá bắt đầu xuống ao sâu tìm nơi sinh sống. Khi gần đến Tết Nguyên đán, người dân dùng máy bơm tát cạn nước trong ao để bắt cá đem bán. Tát đìa rất vui, vui nhất là được trải nghiệm bắt được cá lớn đem nướng rơm ở ngoài đồng rồi nhâm nhi vài ly rượu đế”, ông Hoàng nói.
Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến, xuân về là người dân quê miền Tây lại háo hức trông chờ ai đó trong vùng tát đìa để đi “bắt cá hôi”. Bắt cá hôi, theo cách gọi của người miền Tây, có nghĩa là sau khi chủ đìa bắt cá xong thì họ sẽ cho người dân xuống ao mò tìm những con cá còn sót lại dưới lớp bùn đất.
“Hồi đó, tui khoái nhất là đi bắt cá hôi. Mỗi khi ao cạn nước thì tui cùng mấy đứa trong xóm đi bắt cá giúp cho chủ đìa. Người miền Tây rất hào sảng, nên khi được giúp đỡ thì thế nào chủ đìa cũng biếu cho những người phụ việc vài con cá mập ú. Bên cạnh đó, chủ đìa còn cho tụi tui xuống ao tìm bắt những con cá còn sót lại. Đám trẻ tụi tui cũng chẳng phải dạng vừa, trong lúc bắt cá mà chủ đìa không chú ý là tụi tui “bẻ cổ” cá bự rồi giấu đi để lúc bắt cá hôi thì sẽ lấy một cách đàng hoàng mà chủ đìa cũng không giành lại”, ông Trương Văn Trạng (ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhớ lại.
Những ngày cận Tết Giáp Thìn, gia đình anh Đào Việt Triều (ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thức dậy từ sớm để chuẩn bị máy bơm tát cạn nước trong ao gần nhà. Lúc này, ông Tư Chiến (cha ruột anh Triều) cũng tất bật chuẩn bị dụng cụ như xô, thau, rổ… để khi đìa cạn là xuống ao bắt cá.
Trong lúc ngồi chờ đìa cạn nước, ông Tư Chiến kể lại hồi ức tát đìa ăn Tết thuở trước. Theo ông Chiến, ngày xưa nguồn lợi cá đồng nhiều, mỗi lần nhà nào tát đìa là cả xóm có cá ăn. “Hồi đó cá nhiều, chủ đìa bắt qua một lượt hết cá lớn rồi sẽ cho hàng xóm bắt cá hôi, nên một nhà tát đìa là cả xóm cùng ăn. Nghe tát đìa là bà con đến đông vui lắm”, ông Tư Chiến kể.
Nói đoạn, ông Tư Chiến bật lửa đốt thuốc hút rồi kể tiếp: “Hồi xưa tát đìa đông vui lắm chứ không phải như bây giờ. Trong xóm có nhà nào tát đìa là mình đến phụ, tới phiên mình thì hàng xóm giúp lại. Bây giờ cá ít nên của nhà nào thì nhà đó tự bắt, không còn kiểu giúp nhau như trước. Giờ nghĩ lại thấy tiếc, đáng ra tát đìa mình chỉ nên bắt cá lớn, còn cá bé thả lại nuôi để mùa sau còn có cá mà bắt”.
Nhắc tới tát đìa ăn Tết, anh Ngô Minh Chiểu (ngụ TP.Cà Mau, bạn anh Triều) cho hay, tát đìa vui nhất là lúc bắt cá. Lúc đó, khoảng 4 - 5 người trong nhà kéo xô, rổ... dàn hàng ngang để bắt cá, kể nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để quên đi mệt nhọc. “Bắt cá xong, mặt mũi ai nấy cũng lấm lem bùn đất. Tuy mệt nhưng vui vì được sống gần gũi với thiên nhiên. Về quê tôi thấy không khí trong lành, thoải mái. Mình cũng xuất phát từ nông dân nên mỗi lần nhìn thấy cảnh tát đìa là mê lắm”, anh Chiểu nói.
Sau hơn 2 giờ đặt máy bơm, nước trong ao cũng dần cạn, lúc này những con cá lóc, cá rô bắt đầu vùng vẫy trên lớp bùn đất. Khi đó, mọi người trong gia đình anh Triều nhanh chân xuống đìa hì hục bắt cá. Bắt cá xong, ông Tư Chiến bắt đầu phân loại cá đem bán, số còn lại để dành ăn Tết.
Sau khi cá đã được phân loại xong, anh Triều chọn ra vài con cá lóc lớn đem nướng trui bằng rơm để đãi nhóm bạn. Khi rơm cháy hết cũng là lúc cá vừa chín tới, chỉ cần cạo lớp vảy cháy khét là có thể ăn. Ở miền Tây, cá nướng trui được xem là đặc sản bởi thịt cá tươi ngọt, dai và thơm, chấm kèm với muối ớt chanh rồi nhâm nhi vài ly rượu đế sẽ khiến những ai được thưởng thức cũng nhớ mãi.