Trong kháng chiến chống Minh thì cái chết "giá trị nhất" trong hàng ngũ tướng giặc phải kể đến Liễu Thăng. Khi chỉ huy của bộ máy cai trị nhà Minh trên nước ta là Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây đánh ở thành Đông Quan (nay là Hà Nội), triều đình nhà Minh sai Liễu Thăng làm Tổng binh cùng Bảo Định bá Lương Minh làm Phó tổng binh, Đô đốc Thôi Tụ làm Tham tướng, Thượng thư Lý Khánh làm Tán quân vụ đem 5 vạn quân và 2 vạn ngựa từ Quảng Tây (Minh sử chép là 7 vạn quân), cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem quân từ Vân Nam sang cứu viện.
Nếu Liễu Thăng mà tiến được đến Đông Quan giải vây cho Vương Thông, giúp quân Minh trong ngoài ứng cứu được với nhau thì sẽ rất bất lợi cho nghĩa quân Lam Sơn. Khi đó, cuộc kháng chiến của quân dân ta không biết sẽ đổ bao nhiêu máu. Nhưng rốt cuộc Liễu Thăng bị diệt khiến đạo quân y chỉ huy như rắn mất đầu nên thảm bại. Cánh quân Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng thua cũng vội rút bỏ. Vương Thông thấy các cánh viện binh đều thua thì chỉ còn cách mở cửa thành xin hòa. Ý đồ chiếm đóng đô hộ nước ta của nhà Minh chấm dứt bắt đầu từ việc Liễu Thăng bỏ mạng.
Từng có câu đố mẹo về Liễu Thăng mà trẻ con nước Nam hầu như đều biết là "Liễu Thăng bị chém ở đâu?". Đáp án mẹo là ở cổ và phù hợp với Sử nước ta đều ghi là Liễu Thăng bị chém.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Ngày 18, nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy. Chinh nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng an bá Từ Hanh, Tân ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa. Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta.
Vua họp các tướng bàn rằng:
"Giặc vốn khinh ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng".
Bèn sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi giặc. Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa ải. Giặc tiến đánh, Lựu lại bỏ cửa (ải) lui về đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân đánh phá uy hiếp Chi Lăng. Bọn Sát và Nhân Chú mật sai Lựu ra đánh rồi giả cách thua chạy. Giặc quả nhiên rất mừng.
Ngày 20, Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặr đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:
"Bấy giờ Trần Lựu phòng thủ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu. Giặc tràn đến, giành lấy Ải Lưu, Trần Lựu lại lui giữ cửa ải Chi Lăng. Phía trước cửa ải này cứ cách từng quãng lại có rào lũy để chống giữ. Liễu Thăng thừa thắng đánh gấp, phá luôn được: tiến đến đâu cũng không còn ai dám chống cự nữa. Thăng rất đắc ý.
Vương sai người đem thư đến cửa quân của Thăng, cầu xin nhà Minh làm theo cái ý "tiếp nối cho dòng vua một họ đã bị tuyệt diệt" do Minh Thành Tổ (1403-1424) đề xướng trước và cho lập Trần Cao làm chủ trong nước, bãi việc binh đao, khiến dân được yên nghỉ. Thăng nhận thư, không mở xem, liền cho chạy trạm đem về tâu với vua Minh, còn mình thì cứ kéo quân ruổi dài thẳng tiến. Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy: đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã và hơn vạn thủ cấp quân Minh.
Lam Sơn thực lục cũng chép:
"Nước Minh cậy mình mạnh lớn, không trông gương bánh xe đổ trước, lại cho đem hơn hai mươi vạn quân, ba vạn con ngựa, sai bọn Tổng quản là An Viễn hầu Liễu Thăng, cùng Kiềm quốc công là Mộc Thạnh, Bảo Định bá là Lương Minh, Đô đốc là Thôi Tụ, Thượng thư là Lý Khánh, Hoàng Phúc, đi chia làm hai đường. Bọn Liễu Thăng từ Ôn Khâu tiến sang, bọn Mộc Thạnh từ Vân Nam đi lại. Ngày mười tám tháng chín, đều đến cả đầu biên giới.
Nhà vua triệu các tướng bàn rằng:
Giặc vốn khinh ta, cho người nước ta tính nhút nhát, lâu nay vẫn sợ oai giặc. Nghe tin đại quân đến, tất là khiếp sợ. Huống chi lấy mạnh lấn yếu, lấy nhiều thắng ít, là sự chi thường. Giặc nào phải không biết luận đến; thế thua được của đấy, đây; cơ tuần hoàn của thời vận. Vả chăng quân đi cứu cấp, cần nhất phải cho mau chóng. Quân giặc tất nhiên cố sức đi gấp đường. Tức như lời binh pháp đã dạy:
"Xô tới chỗ lợi mà ngày đi năm mươi dặm, tất quệ bậc thượng tướng". Nay Liễu Thăng sang đây đường sá xa xôi. Đem ba nghìn gái đẹp (?), khua chiêng, gióng trống, hẹn cùng đi bằng ngày; long quân khổ vì mệt nhọc. Ta lấy thong thả mà đợi quân mệt nhọc, không có lẽ nào là không thắng!
Bèn sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Liệt đem một vạn tinh binh, năm thớt voi, ngầm phục ở ải Chi Lăng để đợi. Nguyên trước Lê Lựu giữ ải Pha Lũy, thấy giặc đến lui giữ ải Truy. Giặc lại tiến đánh ải Truy. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú giữ Chi Lăng, giặc lại tiến bức Chi Lăng. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú sai Lựu ra đánh, rồi giả vờ thua mà chạy. Quả nhiên quân giặc mừng rỡ, Liễu Thăng thân đem đại quân tiến vào chỗ phục.
Bọn Chú, Sát tung hết quân phục ra, bốn mặt đều vây, xông đánh quân giặc, cả phá được chúng, chém bọn Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân giặc. Chiến cụ của giặc, nhất thời bị đốt hết".
Như vậy, các bộ sử của ta đều thống nhất là Liễu Thăng bị chém chết. Còn sử nhà Minh thì lại mô tả khác. Minh sử quyển 154 chép: "Chí đảo mã pha, dữ bách dư kỵ tiên trì độ kiều, kiều cự hoại, hậu đội bất đắc tiến. Tặc phục tứ khởi, thăng hãm nê náo trung, trung tiêu tử" ý nói: Liễu Thăng dẫn khinh kỵ hơn trăm người vượt qua cầu. Cầu bị phá khiến hậu quân phía sau không thể tiến. Quân giặc bao vây 4 mặt, Thăng bị hãm giữa đất bụi và trúng tên (tiêu) chết.
Minh thực lục trong quyển 31 cũng ghi Thăng chết vì trúng tiêu. Sự kiện ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 (1.10.1427) được chép:
"Thị nhật tổng binh quan an viễn hầu liễu thăng đẳng sư chí giao chỉ ải lưu quan; lê lợi cập chư đại tiểu đầu mục cụ thư khiển nhân nghệ quân môn khất bãi binh tức dân lập Trần thị chi hậu chủ kỳ địa. Thăng đẳng thụ thư bất khải phong khiển nhân tấu văn thời tặc ô quan quân sở kinh chi xử. Tất liệt sách cự thủ quan quân liên phá chi trực để trấn di quan như nhập vô nhân chi cảnh. Thăng ý dịch chi thăng tuy dũng nhi quả mưu. Thời tả phó tổng binh Bảo Định bá Lương Minh tham tán quân sự thượng thư Lý Khánh giai bệnh, lễ bộ lang trung sử an chủ sự Trần Dung ngôn ô Khánh viết: Quan chủ tướng từ sắc giai kiêu kiêu giả binh gia sở kị huynh nghịch tặc quyệt trá hoặc thị nhược dĩ dụ ngã thả tỉ thư truân truân giới dụ đương phòng tặc thiết phục thử an nguy chi cơ dã công tu lực tật ngôn chi. Khánh cường khởi dư Thăng lực ngôn Thăng nặc chi nhiên do bất nghiêm giới bị tiền. Chí đảo mã pha độc dữ bách sổ thập kỵ tiên trì độ kiều ký độ nhi kiều cự hoại hậu đội trở bất đắc tiến thăng sở lữ giai náo nê địa. Tặc phục binh tứ khởi, Thăng trung tiêu tử, tòng Thăng giả giai hãm một ô thị...".
Tạm dịch là: "Hôm nay quân của quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chỗ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di như vào chỗ không người. Ý Thăng xem thường, Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng: “Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc nguỵ trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, ngài nên nói gấp”. Khánh ráng ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến eo núi Đảo Mã, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nổi lên bốn phía, Thăng bị trúng tiêu chết. Những người đi theo Thăng đều bị giết sạch".
Một số tài liệu dịch lại Minh thực lục cho rằng Liễu Thăng bị đâm chết bằng giáo thì không tả được rõ bối cảnh theo tinh thần của người viết sử nhà Minh. Bối cảnh lúc đó được nhà Minh mô tả là bụi đất mịt mờ thì trúng tiêu mới là hợp cảnh. Tiêu (鏢) có thể coi là một mũi giáo được phóng vào người Thăng hay là mũi tên, mũi tiêu hay bất kỳ mũi nhọn nào. Do vậy, chúng tôi cho rằng nên dịch là trúng tiêu chứ không phải giáo đâm.
Liễu Thăng thì đằng nào cũng chết nhưng chết được diễn giải theo cách nào thì đúng? Trong trường hợp này thì sử của nước ta chép chính xác hơn. Lý do là thời điểm Liễu Thăng chết thì làm gì có người nào bên phía Minh chứng kiến vụ đó còn sống đâu vì chính Minh thực lục cũng nói "đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch". Như vậy thì tại sao sử nhà Minh lại phải chép là trúng tiêu chứ không phải bị chém chết. Có thể tin rằng nhà Minh chọn cho Liễu Thăng cái chết như vậy vì thể diện của y và cũng vì thể diện nhà Minh. Đường đường viên tướng chỉ huy nhà Minh mà lại bị chém chết thì ê mặt quá, ghi là trúng tiêu thì đỡ "quê" hơn. Dù sao thì trúng hòn tên mũi đạn giữa trận tiền mù mịt cũng dễ viết vào sách sử nhà Minh.
Phần sau: Về người chém chết Liễu Thăng
Anh Tú