Tuy nhiên, ông cũng đặt ra nhiều vấn đề với tỉnh này vấn đề với lãnh đạo tỉnh này là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần hay chưa? Vấn đề là văn hóa, người làm văn hóa chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức…
Chiều 29.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 (khóa 11) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Nhờ vị thế của một trung tâm văn hóa, du lịch và giáo dục-đào tạo, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, xứ Huế thực hiện Nghị quyết 33 của tỉnh rất thuận lợi.
Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa Huế, truyền thống của người dân cố đô. Các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, quy mô, chất lượng, góp phần xúc tiến quảng bá du lịch, tiêu biểu là Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, lễ hội cầu ngư…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử được chú trọng với gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ, trong đó có 7 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại, 163 di tích cấp tỉnh và quốc gia.
Thừa Thiên-Huế cũng đã tiến hành phân loại, đánh giá giá trị, phục dựng các thiết chế văn hóa truyền thống, nghề thủ công, lễ hội, hoạt động biểu diễn… của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế - Ảnh: VGP
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một số vấn đề với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đó là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy và chính quyền tỉnh đã thực sự coi văn hoá là nền tảng tinh thần? Nguồn lực dành cho công tác văn hóa được đảm bảo đến đâu? Ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực sự nêu gương trong thực hiện các quy định về văn hóa hay chưa? Qua quá trình thực hiện thì những khó khăn, vướng mắc gặp phải là gì, tỉnh có đề xuất, kiến nghị nào?
Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo các sở ngành của Thừa Thiên-Huế phát biểu thẳng thắn, cụ thể về các vấn đề văn hóa trong lĩnh vực quản lý. “Ví dụ trong ngành giáo dục có đủ trường lớp, giáo viên chưa; vai trò của phong trào xây dựng nông thôn mới được đo đếm đến đâu; hiệu quả của các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa ở nông thôn thế nào…”.
Trả lời việc này, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu cho rằng những vấn đề Phó thủ tướng đặt ra cũng là thực tế mà tỉnh đang gặp phải. Muốn phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa cũng cần phải có tiềm lực kinh tế. Nhưng với vùng đất nhiều di sản như Huế, tỉnh đã từ chối rất nhiều dự án có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, du lịch. Vì vậy, nguồn lực dành cho hoạt động văn hóa của Thừa Thiên-Huế, cả về kinh phí lẫn con người, cũng còn nhiều hạn chế, đặt ra cho tỉnh bài toán phải tìm được hướng phát triển hài hòa.
“Đến giờ phút này nét văn hóa của người Huế, xứ Huế còn rất đậm. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là kết quả rõ nhất của quá trình phát triển văn hóa, con người Huế theo Nghị quyết 33”, Phó thủ tướng nhận định, nhưng cũng cho rằng công tác làm văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, cũng giống như nhiều địa phương, tại Thừa Thiên-Huế ở một số nơi, một số thời điểm, vấn đề văn hóa, người làm văn hóa chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện) chưa đủ, chưa đồng bộ, nhưng vẫn còn tình trạng đầu tư lãng phí, sử dụng kém hiệu quả…
Theo ông Đam, văn hóa là lĩnh vực rất rộng liên quan đến nhiều mặt của con người, rất dài hơi. Những bất cập khi đã nhận diện được thì thường chưa xử lý ngay nên tiếp tục tích tụ dần dần đến khi bộc lộ vấn đề thì mất thời gian và nguồn lực xử lý. Chưa kể, trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức.
“Nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hóa không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng lâu dài thì sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, như du lịch. Công tác sơ kết Nghị quyết 33 phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề này. Mục đích cuối cùng là nâng cao nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền và cả toàn dân về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong điều kiện đặc thù của địa phương”, Phó thủ tướng nói.
Ông Vũ Đức Đam trò chuyện với một người dân đang sống tạm trên Kinh thành Huế - Ảnh: VGP
Sau cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến khảo sát, thăm hỏi, động viên các hộ dân đang sống tạm trên tường thành thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Phó thủ tướng đánh giá cao sự tích cực của người dân và mong muốn bà con tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền để công tác di dời, giải tỏa được an toàn, thuận lợi.
Dự án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2021 với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.
Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Thượng Thành - Eo Bầu, hộ thành hào, tuyến phòng hộ và các di tích khác như hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ… Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư với diện tích 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế) với kinh phí hơn 1.360 tỉ đồng để xây dựng nơi ở mới cho số hộ dân kể trên.
Thạch Châu