“Mỗi lần con tôi khóc thét vòi vĩnh thứ gì, cuối cùng tôi phải chiều theo”, một bà mẹ rầu rĩ tâm sự với bạn, mà không biết giải quyết thế nào. Tuy nhiên, đó là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh. Dưới đây là một số giải pháp hữu ích.
Để trẻ chấp nhận lời từ chối
Hầu hết trẻ đều thích được chiều chuộng, đáp ứng mọi nguyện vọng của chúng. Để đạt được điều trẻ muốn, mỗi trẻ có cách khác nhau, nhưng phần lớn là năn nỉ, ỉ ôi, khóc lóc cho đến khi nào được đáp ứng thì thôi. Ở tình huống này, cha mẹ thường khó kiềm lòng, sằn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của trẻ. Từ đó, trong ý thức trẻ hình thành suy nghĩ rằng, trẻ có thể có tất cả những gì chúng muốn, nếu ra sức kì kèo, khóc lóc với cha mẹ của chúng. Kết quả là, trẻ rất khó chấp nhận lời từ chối của những người xung quanh, nhất là cha mẹ.
Nếu tình trạng này kéo dài, vô tình cha mẹ tạo cho trẻ một thói quen xấu. Hãy cho con bạn biết rằng trẻ phải chấp nhận lời từ chối trong trường hợp đòi hỏi của chúng là sai trái, bất hợp lý. Đồng thời, để trẻ nhận thức được khóc lóc không đem lại kết quả như chúng muốn. Cách này không chỉ tạo cho trẻ thói quen tốt, còn tránh được tình huống khó xử khi trẻ đứng trước những thứ cám dỗ chúng, khi đi chơi, mua sắm cùng cha mẹ.
Có lập trường vững chắc
Có không ít phụ huynh sau khi nói “không” với con, sau đó nhanh chóng thay đổi lập trường bởi không chịu được sự van nài, mè nheo của trẻ. “Mẹ ơi, cho con coi phim thêm chút nữa”, “Mẹ ơi, con muốn ăn kẹo”. Trước những đòi hỏi không chính đáng của trẻ, dù rất thương trẻ, nhưng cha mẹ cần có thái độ dứt khoát. Nếu thiếu dứt khoát ngay từ đầu, cha mẹ sẽ khó kiểm soát thái độ của trẻ vào những lần sau. Hãy giải thích với trẻ quyết định của bạn, thẳng thắn từ chối trẻ, dù chúng có bất cứ biểu hiện gì. Nếu nhượng bộ trẻ một lần, tức cha mẹ gián tiếp cho trẻ thấy nếu chúng nài nỉ, sẽ được toại nguyện.
Chuyển hướng đề tài
Quyết định trả lời “không” trước yêu cầu của trẻ đồng nghĩa với việc cha mẹ sẵn sàng đối diện với những kì kèo, hờn dỗi của trẻ. Cha mẹ cần kiên định, tìm cách chuyển hướng đề tài đang bàn luận sang đề tài khác để đánh lạc hướng của trẻ. Trước phản ứng của cha mẹ, trẻ sẽ nhận thấy mọi nỗ lực, khóc lóc thảm thiết của chúng không có kết quả, hoặc nhanh chóng bị cuốn vào đề tài mới mà quên đi thứ chúng đang “trả giá” với cha mẹ.
Nhiều phụ huynh đã từng một lần như thế
Có nhiều tình huống trẻ cố tình vòi vĩnh, nài nỉ cha mẹ ngay giữa chốn đông người như ở siêu thị, công viên, ngay ở tiệc, khiến không ít người cảm thấy xấu hổ. Tuy vậy, cha mẹ thay vì cảm thấy áp lực, mất bình tĩnh mà nhượng bộ trẻ hoặc làm ầm ĩ với trẻ. Hãy bình tĩnh, sáng suốt để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Bởi nếu thiếu kiềm chế bản thân, trừng phạt hoặc la mắng trẻ, chắc chắn cha mẹ sẽ là người thua cuộc.
Giúp trẻ nhận thức ý nghĩa việc làm của trẻ
Trẻ chưa đủ lớn để hiểu hết những việc làm, đòi hỏi của chúng, nếu không có sự chỉ dạy của cha mẹ. Bởi trẻ chỉ quan tâm làm sao có được mọi thứ chúng thích. Khi bị cha mẹ từ chối, trẻ nghĩ rằng cha mẹ khó khăn, quá khắt khe, thiếu quan tâm đến sở thích, nhu cầu của chúng. Hãy dành thời gian nói với trẻ về những việc trẻ nên và không nên làm. Cha mẹ có thể dẫn chứng cho trẻ thấy những gương tốt của trẻ đồng trang lứa xung quanh trẻ.
Thủy Tiên