Lúc nhỏ, con gái của cặp vợ chồng nọ rất liến thoắng. Mỗi lần nhà có khách, con bé cứ lăng xăng để tìm cách nói chuyện với tất cả mọi người. Nhưng có lúc, con bé cứ im thin thít, ít nói ít cười khiến cha mẹ của nó không khỏi băn khoăn, thắc mắc.
Không ít phụ huynh vẫn nghĩ, cùng với sự lớn lên theo tuổi tác và việc không ngừng tiếp xúc với xã hội, con trẻ sẽ bớt trầm tính và trở lại với bản chất vui tươi, năng động vốn có của trẻ nhỏ. Nhưng nếu trẻ thiếu sự dẫn dắt, điều chỉnh kịp thời của người lớn, vô tình làm ảnh hưởng không tốt đến tính cách và năng lực giao tiếp xã hội của trẻ.
Vậy khi con trẻ có tính cách đối lập, cha mẹ cần làm gì?
Hiểu tính của con
Trí năng giao tiếp xã hội của trẻ có biểu hiện khác nhau theo sự phát triển tâm lý. Dưới một tuổi là thời kỳ sơ khai của trí lực lẫn hành vi, trẻ có khuynh hướng khao khát tìm tòi mọi sự vật xung quanh. Lớn hơn chút nữa, năng lực giao tiếp sẽ có sự thoái trào. Trẻ gần như trầm lắng, không muốn tiếp xúc nhiều với người lạ, im lặng và khó thích nghi trong môi trường mới. Sự thay đổi này cho thấy trẻ đã trưởng thành, mức độ nhận thức cũng thành thục hơn.
Khi không muốn giao lưu với người khác, trẻ còn có những biểu hiện khác nhau như không muốn đến lớp, tự ý thức quá mạnh dẫn đến tâm lý tự ti, bướng bỉnh. Tính cách đối lập ở trẻ chủ yếu có liên quan đến môi trường gia đình.
Đặc biệt nếu là con một trong gia đình, do trẻ thường được cha mẹ chiều chuộng và bao bọc, ít có cơ hội chơi đùa với những bạn nhỏ khác. Vì vậy, hoạt động và tự do của trẻ bị hạn chế, làm cho những kỹ năng tự phục vụ không phát triển tốt. Bên cạnh đó, vì được nuông chiều và đáp ứng mọi yêu cầu khiến trẻ ngày càng xem mình là nhân vật trung tâm, không thích chơi và luôn gây gổ với bạn bè. Đó đều là những biểu hiện của năng lực giao tiếp kém cỏi.
Tìm giải pháp khắc phục
Giai đoạn tốt nhất để nuôi dưỡng tính cách cho trẻ là từ ba đến sáu tuổi. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý và dẫn dắt trẻ đúng cách. Đầu tiên, cần cho trẻ một môi trường giao tiếp, chẳng hạn như đưa trẻ đến những nơi có nhiều bạn nhỏ (công viên, vườn hoa…), khích lệ và hướng dẫn trẻ giao lưu, chơi hòa thuận với bạn bè cùng trang lứa. Nhà có khách, hãy ý thức cho trẻ tham gia tiếp đón. Cho trẻ tới dự những buổi họp mặt hay tiệc tùng để học cách tiếp xúc với người lớn. Có như vậy, trẻ sẽ được củng cố sự tự tin và trở nên mạnh dạn, cởi mở hơn.
Quan trọng là cho trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể, để có được sự hòa hợp. Cha mẹ đừng sợ trẻ thiếu an toàn hay phiền phức mà nhốt trẻ quanh quẩn trong nhà. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cơ bản như hỏi đường, đón xe buýt, mua vé…
Cuối cùng, nên thường xuyên dạy cho trẻ cách chia sẻ, thảo luận, hợp tác với người khác. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ kể chuyện ở lớp, bạn bè, cùng trẻ thảo luận về câu chuyện vừa kể và cho trẻ cơ hội tham gia những công việc đơn giản như rửa chén, dọn bàn ăn…Những thói quen này hoàn toàn có thể hữu ích trong việc cải thiện tâm lý nhút nhát, tự ti ở trẻ.
Tú Uyên