Ông Nguyễn Hữu Hạnh trao đổi với nhà báo Bùi Thanh (Báo Tuổi Trẻ) - Ảnh: LAM ĐIỀN
Đó là dòng chữ trên vòng hoa của Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định như tổng kết lại những câu chuyện mà mọi người kể trong lễ tang ông hôm nay.
Hai ngày làm nên lịch sử
"Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh là cơ sở nội tuyến chiến lược của khối binh vận. Nhiều năm xây dựng, dự tính thời cuộc, tổ chức đã kiên nhẫn chờ đợi ngày mà ông Hạnh sẽ nắm được thời cơ. Cuối cùng, ngày ấy cũng đến và ông đã hoàn thành nhiệm vụ trên cả mong đợi. Có rất nhiều yếu tố đưa đến cho chúng ta một ngày 30-4 với Sài Gòn nguyên vẹn, chấm dứt đổ máu lập tức, và trong ấy phần của ông Hạnh không hề nhỏ" - ông Phạm Văn Thắng, phó chủ nhiệm CLB truyền thống khối binh vận, trầm ngâm nói.
Ông Kiều Xuân Long, đại diện Ban Trí vận, sôi nổi: "Trong chiến tranh, có những chiến công lẫy lừng mà ai ai cũng nhìn thấy, thậm chí cầm nắm được, có những anh hùng sáng chói trong một khoảnh khắc, không ai phải bàn cãi. Ngược lại, cũng có những chiến công không thể đo lường, người anh hùng thầm lặng không ai biết mặt biết tên, thậm chí lại còn phải chịu đựng những sự hiểu lầm. Việc ông Hạnh đã làm là một chiến công như vậy. Là người đi qua chiến tranh, may mắn lành lặn vào đến Sài Gòn đúng trưa 30-4, chúng tôi mang ơn ông ở trong tim, và cho rằng mọi người cũng vậy".
Những người cán bộ bạc đầu đang ngồi bên nhau hôm nay, ngày 30-4-1975 họ còn trẻ lắm. Họ đã vượt Trường Sơn, đã chiến đấu trong rừng, dưới ruộng, đã chứng kiến những cái chết trong tích tắc và phải tự tay chôn cất đồng đội dưới những khối đá. Ai cũng gật đầu đồng ý rằng ngày 30-4 ấy đã có thể nhuộm máu, Sài Gòn và những đô thị khác ở miền Nam đã có thể tan nát, chiến tranh đã có thể kéo dài thêm, nếu không có những mệnh lệnh trên Đài phát thanh Sài Gòn lúc 9h30 sáng.
"Tôi, tổng thống Dương Văn Minh... Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó...".
"Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng vắng mặt, yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của tổng thống Việt Nam cộng hòa về ngưng bắn. Các cấp chỉ huy của Quân lực Việt Nam cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ lâm thời miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu...".
Đồng tâm trong tư tưởng và hành động là vậy nhưng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh mới chỉ gặp lại đại tướng Dương Văn Minh vào sáng 29-4 sau gần một năm bị buộc phải về hưu sớm ở quê nhà.
Ông viết: "Với tướng Dương Văn Minh, tôi không chỉ là người đồng hương, đồng ngũ mà còn có tình thầy trò, bạn bè, đồng chí hướng vượt lên tất cả...". Vậy nên, khi ông Dương Văn Minh gật đầu nhận chức tổng thống vào những ngày không ai còn muốn ngồi ghế tổng thống để mong tìm một giải pháp hòa giải chấm dứt chiến tranh thì Nguyễn Hữu Hạnh cũng lập tức lên đường, vượt qua dòng người xe hỗn loạn về Sài Gòn để tìm cơ hội thực hiện tâm nguyện và nhiệm vụ đóng góp cho hòa bình đã ấp ủ từ bao năm. Hai ông tướng không còn cầm súng mà xông xáo, quay quắt tìm cách ngăn máu đổ.
Được giao một chức vụ mơ hồ "phụ tá tổng tham mưu trưởng" nhưng ông Hạnh vẫn xăng xái nắm lấy thời cơ để làm tất cả những việc có thể: yêu cầu các sư đoàn không được phá cầu Sài Gòn, thu thập tin tức và báo cáo với tướng Dương Văn Minh tình hình quân sự là không thể cứu vãn... Cùng với những người đồng sự có cùng mục đích và nhiệm vụ như luật sư Triệu Quốc Mạnh, thời khắc lịch sử đã có những quyết định, tuyên bố lịch sử như vậy.
"Nghiên cứu câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Hạnh, tôi thật cảm động với tình dân tộc đã giúp ông vượt lên những khác biệt, và lại càng cảm phục với cách dùng người của những người đi trước" - bà Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, xúc động khi được nghe nhắc lại những câu chuyện.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng tang ông Nguyễn Hữu Hạnh ngày 30-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
"Thống nhất là thật"
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết vào sổ tang: "Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quan trọng của Anh trong những ngày tháng sục sôi của cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất Tổ quốc".
Hơn 44 năm qua, đã bao lần những sự kiện ngày 30-4 được tường thuật, soi chiếu, phân tích, đánh giá mọi góc cạnh, bàn thảo từ mọi góc nhìn. Chỉ Nguyễn Hữu Hạnh rất ít khi nói đến những việc mình đã làm.
Ông chỉ tường thuật chi tiết lại một lần cho Ban tổng kết chiến tranh, và mỗi lần gặp nhà báo thì thường cười rất hiền và nói nhiều hơn về những "đạo làm người", "nhân - nghĩa - lễ - trí - tín" mà ông đã thấm thía từ nhỏ qua những bài học từ ông nội.
Ông bảo: "Tôi theo binh nghiệp trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất nhưng thật sự thấy bom đạn, chết chóc tôi không chịu nổi. Tôi đã bác bỏ những đề xuất rải thảm B-52 xuống mật khu Tháp Mười của cố vấn Mỹ, đã kéo dài những cuộc hành quân để không biến thành những trận càn... Lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến hòa bình, đến thống nhất hai miền bằng hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế để độc lập. Cũng vì vậy mà qua tranh luận, tìm hiểu, đấu tranh, tôi từ từ đã nhích đến gần với cách mạng".
Đã có viên thiếu tướng nghi ngờ nói với ông Hạnh: "Thật không dám nói chuẩn tướng là Việt cộng, nhưng chuẩn tướng đạo đức quá...".
Nhích gần đến cách mạng giữa cuộc leo thang chiến tranh, ra nhật lệnh ngưng bắn trong giờ khắc Sài Gòn hỗn loạn cũng đồng nghĩa hút những họng súng về phía mình, nhưng ông Hạnh chưa bao giờ kể về những chuyện đó. Chỉ có những người đồng đội trong công tác binh vận, trí vận thường xuyên hoạt động bí mật trong nội thành mới hiểu.
Ông Đoàn Mạnh Hùng, Ban Trí vận, kể: "Sau lễ mừng thống nhất 15-5-1975, ông Nguyễn Hữu Hạnh được Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất. Ông xúc động lắm, nói với chúng tôi: "Tôi là tướng Việt Nam cộng hòa, đóng góp một phần nhỏ trong công tác mà lại được huân chương của Mặt trận, vậy là đất nước thống nhất thật rồi". Ông mang huân chương ra khoe với tất cả anh em chúng tôi. Chúng tôi cũng cười: Ông đóng góp mà nhỏ thì chúng tôi sá chi".
Bốn mươi mấy năm sống trong niềm vui hòa bình, ông Nguyễn Hữu Hạnh vẫn cười thanh thản như thế. Và nay, tuổi 95, ông cũng ra đi thanh thản như thế.
Ban trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định viếng tang ông Nguyễn Hữu Hạnh - Ảnh: TỰ TRUNG
PHẠM VŨ