"Khi người chặt lấy những cành củi từ một thân cây, những mầm cây mới sẽ lại mọc lên từ chính thân cây ấy. Van Gogh muốn nhắn gửi rằng sự nghiệp nghệ thuật của ông ấy đã viên mãn. Cùng ngày hôm ấy, trên một cánh đồng ngô gần đó, Van Gogh đã tự kết liễu đời mình bằng một phát súng trên lồng ngực của mình và ra đi mãi mãi." – theo Der Veen.
Tối ngày 9/12 vừa qua, triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan Van Gogh đã được khai mạc tại TP Thủ Đức, TP.HCM, thu hút sự tham gia đông đảo của du khách. Ngay trong ngày đầu tiên, triển lãm đón khoảng 1.500-1.600 lượt khách, nhiều bạn trẻ chấp nhận xếp hàng chờ tới 22h tối để được vào xem nhưng cuối cùng vẫn "cháy vé", phải ra về trong tiếc nuối. Thậm chí, có người bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM để thưởng thức tranh nhưng chủ quan không đặt vé trước nên không thể vào tham quan.
Thế mới thấy, dù trải qua 133 năm, Van Gogh vẫn là cái tên giàu sức hút đối với công chúng. Vậy đâu là lý do?
Vincent Van Gogh sinh năm 1853 ở miền Nam Hà Lan, là con trai của một mục sư. Năm 1869, ông làm nhân viên của một công ty kinh doanh nghệ thuật quốc tế. Công việc đưa ông đến nhiều thành phố khác ở châu Âu như London, Paris, nhưng Van Gogh bị sa thải năm 1876. Ông từng làm giáo viên, nhà truyền giáo trước khi bắt đầu theo đuổi hội họa năm 27 tuổi.
Van Gogh là tấm gương chăm chỉ, kiên trì với việc tự học, chỉ trong 10 năm, họa sĩ để lại hơn 900 bức tranh. Phong cách của ông chịu ảnh từ trường phái Ấn tượng, với các nghệ sĩ như Degas, Toulouse-Lautrec, Pissarro và Gauguin.
.....
Vào cuối mùa hè năm 1880, Van Gogh tuyên bố mình trở thành một nghệ sĩ.
Trong những bức thư mà Vincent gửi cho em trai - Theodorus (Theo) Van Gogh, một người buôn nghệ thuật và cũng là nhà bảo trợ cho ông, vị danh họa đã kể về việc bắt đầu khám phá mọi khả năng của cây bút chì, thể hiện mình đang cống hiến hết lòng cho nghệ thuật.
Nhưng lúc sinh thời, tác phẩm của ông không hề được đánh giá cao. Vị danh họa sống trong cảnh nghèo khó, phải "đổi" những bức tranh của mình cho em trai để lấy thức ăn và màu vẽ.
Theo trang Vangoghmuseum, mỗi tháng, ông nhận được khoảng 100 đến 150 franc từ người nhà, cao hơn mức sống trung bình rất nhiều. Tuy nhiên, ông gặp khó khăn vì thường xuyên nhịn ăn để mua đồ vẽ đắt tiền. Tác phẩm duy nhất ông bán được lúc sinh thời là Vườn nho đỏ ở Arles, được bà Anna Boch, một họa sĩ kiêm nhà sưu tập, mua với giá 400 franc Bỉ. Bà Anna Boch bán bức họa năm 1906 với giá 10.000 franc Bỉ. Ngay trong năm đó, tranh được bán cho doanh nhân ngành dệt người Nga - ông Sergei Shchukin. Tác phẩm sau cùng được tặng lại cho Bảo tàng Pushkin năm 1948.
Ngoài ra, họa sĩ từng nhiều lần đổi tranh cho một số người họ hàng xa để lấy nhu yếu phẩm, họa cụ, nhưng những giao dịch này không được ghi lại thông tin.
Sau khi Vincent qua đời vào tháng 7/1890, Theo nuôi khát vọng muốn cả thế giới biết đến tài năng của anh và những bức tranh sẽ được lưu truyền hậu thế. Đáng tiếc, chỉ 6 tháng sau, Theo cũng qua đời vì bệnh tật.
Bà Jo Van Gogh-Bonger- vợ của Theo đã tiếp nối di nguyện của chồng. Bà đã bán 1 số tác phẩm của Vincent và gửi chúng đi các triển lãm khác nhau, góp công lớn để chúng được biết đến rộng rãi như ngày nay.
Trong một bài báo khoảng năm 1962-1963, đăng trên Bản tin của Viện Nghệ thuật Detroit, Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Chicago Joshua C Taylor đánh giá rằng "tác phẩm của Van Gogh dựa trên cảm xúc của ông, do đó gây được tiếng vang với người xem nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời", theo Daily Beast.
Taylor nhấn mạnh Van Gogh có "sự nghiệp họa sĩ ngắn ngủi nhưng mãnh liệt".
Theo DailyArt Magazine, Van Gogh thường phải lòng những phụ nữ hơn tuổi nhưng không được đáp lại.
Đầu tiên là khi ông mới 19 tuổi, Vincent cầu hôn em họ Caroline Haanebeek nhưng bị từ chối. Sau này, một người em họ khác là Kee cũng khước từ Van Gogh.
Khi sống ở London năm 1873, ông phải lòng Eugénie Loyer - con gái hiệu trưởng một trường nam sinh, người đã cho Vincent thuê phòng. Cả hai thân thiết như ruột thịt, nhưng Eugénie đã bí mật đính hôn với người thuê trọ trước ông. Sau khi mối tình bất thành, họa sĩ bắt đầu thu mình, có nhiều hành động lạ.
Năm 1882, ông chung sống với cô gái mại dâm ở Hà Lan - là người truyền cảm hứng để danh họa vẽ loạt tranh Sien. Cô đã có con, đang mang bầu và lớn hơn ông 5 tuổi. Tình yêu của cả hai bị gia đình hai bên ngăn cấm. Sien cuối cùng trở lại con đường buôn phấn bán hương để kiếm sống, trong khi Van Gogh cũng không thể thực hiện lời hứa cưới cô làm vợ.
Năm 1884, Vincent chuyển về sống với bố mẹ ở Nuenen (Hà Lan), phải lòng cô hàng xóm Margaretha hơn ông 10 tuổi, nhưng ý định kết hôn của họ bị gia đình cô phản đối. Thời sống ở Neunen, ông cũng có tình cảm với Gordina de Groot, một phụ nữ nông dân, có mặt trong bức Potato Eaters. Người cuối cùng ông yêu là Agostina Segatori - người mẫu nổi tiếng ở Paris. Sau nhiều mối quan hệ thất bại, hai năm cuối đời, ông chỉ qua lại với các cô gái điếm ở vùng Arles (Pháp).
Ngoài chuỗi dài thất bại trong tình yêu, ông gặp cú sốc lớn khi bất hòa người bạn Gauguin.
Năm 1888. Gauguin đến nước Pháp để dự định lập trại sáng tác tập thể bởi ông cho rằng đó là cách thức nhanh nhất đem đến cuộc cách mạng cho nền hội họa đang gặp bế tắc lúc bấy giờ. Tại đây, hai tư tưởng lớn Van Gogh - Gauguin đã gặp nhau, hình thành Xưởng vẽ Arles. Ban đầu, hai người làm việc rất ăn ý nhưng dần dà mâu thuẫn đã nảy sinh. Van Gogh tỏ ra dị ứng với chủ nghĩa biểu tượng trong khi Gauguin rất trung thành với lối vẽ của mình.
Sau gần 10 tuần cộng tác, họ cãi nhau rồi chia tay. Các nhà sử học suy đoán Van Gogh cắt bỏ tai trong cơn thịnh nộ sau khi mâu thuẫn với đồng nghiệp ngày 23/12/1888.
Những ngày cuối đời, ông tự nguyện điều trị tại nhà thương điên ở vùng Saint-Rémy-de-Provence (Pháp). Thời gian này, ông vẽ nhiều kiệt tác, trong đó có bức Đêm đầy sao.
Ngày 20/5/1890, sau khi rời trại tâm thần Saint Paul ở Saint-Rémy, Vincent Van Gogh chuyển đến xã Auvers-sur-Oise, ngoại ô Paris, theo sắp xếp của em trai Theo Van Gogh, vừa để tránh xa phố thị ồn ào căng thẳng, vừa để tiện lui tới nhà bác sĩ Paul-Ferdinand Gachet, theo dõi bệnh tình.
Ngày 29/07/1890, như mọi ngày, Van Gogh rời nhà trọ, xách bên mình giá vẽ và dụng cụ để đi vẽ tranh. Tối hôm ấy, Van Gogh trở về với viên đạn trong người và qua đời 2 ngày sau đó. Trong ngày cuối cùng này, Van Gogh đã làm gì và đi những đâu? Sự thật duy nhất mà mọi người đều biết chính là bức tranh "Những rễ cây" (Tree Roots) được vẽ vào ngày hôm ấy.
Chia sẻ với Reuters vào năm 2020, Wouter van der Veen, Giám đốc khoa học của Viện Van Gogh, đã tìm thấy tấm bưu thiếp về làng Auvers-sur-Oise (Paris, Pháp) khi đang nghiên cứu một kho bưu thiếp thuộc đầu thế kỷ 20.
Trong lúc nghiên cứu, Veen nhìn vào tấm thiệp chụp năm 1905 và cảm thấy rằng mình đã nhìn thấy những gốc cây này ở đâu đó trước đây. "Cũng giống như bất kì ai khác đang ở Pháp, tôi đang ở nhà tự cách ly và đành dùng thời gian rảnh của mình để nghiên cứu những tấm bưu thiếp. Rồi tôi nhận ra vẻ quen quen của những rễ cây trên tấm thiệp. Tuy tấm bưu thiếp chỉ được in đen trắng, tôi có cảm giác rằng những rễ cây trong tấm bưu thiếp và trong tranh của Van Gogh là một".
Sau khi Deer Veen cảm nhận được những điểm tương đồng trên, ông đã thông báo tới Bảo tàng Van Gogh và Viện Van Gogh để tới tận nơi chứng thực.
Trong tấm bưu thiếp cổ, một người đàn ông với chiếc xe đạp, đứng cạnh một ngọn đồi dốc phủ đầy rễ cây dày chằng chịt. Sau khi nghiên cứu kĩ càng về các rễ cây, tính xác thực của tấm bưu thiếp, Bảo tàng Van Gogh đã khẳng định đây chính là nơi Van Gogh vẽ bức tranh cuối cùng.
"Những gốc cây" có thể đã được thực hiện ở thời điểm vài tiếng trước khi danh họa Van Gogh qua đời. Địa điểm này chỉ cách 150 mét từ nhà trọ Auberge Ravoux, nơi mà Van Gogh cư trú trong những ngày tháng cuối đời.
Bảo tàng Van Gogh viết trong một thông báo: "Từ ngày hôm nay, những người đến ghé thăm làng Auvers-sur-Oise để theo bước chân của Van Gogh sẽ có thêm một trải nghiệm mới trong cuộc hành trình. Đó chính là mọi người có thể đứng ở vị trí chính xác nơi nét cọ của Van Gogh lần cuối cùng chạm vào khung vẽ".
Der Veen chia sẻ với Reuters: "Bức Những rễ cây (Tree Roots) như một lời nhắn gửi trước khi từ giã cõi đời của Van Gogh. Bức tranh khắc họa cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Đó là một lời chia tay đầy sắc màu về cái chết và sự tái sinh".
"Khi người chặt lấy những cành củi từ một thân cây, những mầm cây mới sẽ lại mọc lên từ chính thân cây ấy. Van Gogh muốn nhắn gửi rằng sự nghiệp nghệ thuật của ông ấy đã viên mãn. Cùng ngày hôm ấy, trên một cánh đồng ngô gần đó, Van Gogh đã tự kết liễu đời mình bằng một phát súng trên lồng ngực của mình và ra đi mãi mãi." – theo Der Veen.
Tổng hợp