Sáng ngày 26.10, nhạc sĩ Văn Ký đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện do tuổi cao sức yếu. Gia đình đã chuyển ông sang Bệnh viện 108, tang lễ dự kiến sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng.
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1.8.1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thời trẻ ông đã tham gia các hoạt động âm nhạc ở vùng Khu IV cũ, với những sáng tác đầu tay như Trăng xưa (1946), Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng Hòa Bình (Giải nhất Chi hội Văn nghệ Liên khu IV), nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô…. Sau đó, ông chuyển sang công tác văn nghệ ở Đoàn Văn công Khu IV.
Ông làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu 4 từ năm 1950 - 1954 và tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1955 – 1957. Năm 1957, ông là hội viên sáng lập và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963.
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã viết hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ngay đợt đầu tiên cho chùm năm bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về. Bên cạnh đó ông cũng được trao Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1961), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
Các ca khúc của ông mang đậm chất trữ tình, ca từ trong sáng được đông đảo công chúng yêu mến. Đặc biệt là ca khúc Bài ca hy vọng được ông sáng tác vào năm 1958, được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công và trở thành ca khúc ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc. Ông đã xuất bản 3 đĩa nhạc Gửi về đất mẹ, Bầu trời tuổi thơ và Tiếng đàn người thiếu phụ gồm các ca khúc phổ thơ. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là COVID- 19 phải lùi xa viết hồi tháng 6 năm nay.