"Vẽ" đam mê từ… nút áo
Là một người trẻ, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Nguyễn Phước Quý Thành (sinh năm 1993, sống tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM) thường xuyên tổ chức những buổi tụ họp, gặp gỡ cùng bạn bè. Suốt hơn hai tháng qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM liên tục áp dụng các chế độ giãn cách, chàng trai 28 tuổi đôi khi không tránh khỏi cảm giác buồn chán, tẻ nhạt khi phải ở nhà.
Song, sau một khoảng thời gian ngắn, anh Thành đã "xốc" lại tinh thần và tìm cách để thích nghi với nhịp sống trong mùa dịch.
Yêu thích và bắt đầu mày mò làm tranh bằng các vật liệu tái chế như cúc áo, hạt cườm nhựa, bìa giấy… từ 3 năm về trước, những bức tranh mà chàng trai này làm thường hướng tới nội dung phản ánh về sự ô nhiễm, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, với mong muốn cổ vũ, động viên mọi người cùng nhau chống dịch, anh Thành đã "chuyển hướng" nội dung hình thành ý tưởng độc đáo về những bức tranh làm bằng cúc áo, truyền tải thông điệp "chung tay phòng ngừa dịch Covid-19" đến cộng đồng.
Hiện tại, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, những ngày giãn cách chính là cơ hội giúp chàng trai này "vẽ" tiếp đam mê.
"Mùa giãn cách, ít việc, ít vi vu và chỉ ở nhà, tôi đã có nhiều thời gian hơn để tập trung và phát triển dự án làm tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19, lan tỏa những điều tốt đẹp tới cộng đồng.
Những bức tranh này cũng giống như tình hình hiện tại của chúng ta. Vô số hạt nút và hạt nhựa nhỏ mới tạo nên tổng thể một bức tranh tuyên truyền chống dịch Covid-19. Bởi vậy, mỗi người dân hãy cùng nhau đoàn kết, tuân thủ thật tốt quy tắc 5K, cùng sát vai nhau đi trong thời kỳ tăm tối này sẽ tạo nên sức mạnh, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh" - anh Thành chia sẻ.
"Dù không được ra ngoài, phải liên tục ở trong nhà nhưng chính khoảng thời gian giãn cách này lại giúp tôi có cơ hội để nhìn lại chính mình, đồng thời suy nghĩ thấu đáo về những việc làm thiết thực cũng như đem đến các sản phẩm có ích cho cộng đồng" - Nguyễn Phước Quý Thành trải lòng.
Giãn cách giữa vùng quê: Không đi chợ vẫn có… cái ăn!
Hơn 4 tháng trước, Phạm Thị Phước Vân (25 tuổi) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định trên thành phố, trở về quê nhà tại xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) để khởi nghiệp với ý tưởng trồng nấm sạch. Thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Để những ngày giãn cách xã hội không trở nên lãng phí, mỗi ngày, Phước Vân đều dành phần lớn thời gian cho công việc trồng nấm của mình. Chị Vân cho biết, trước kia, chị chủ yếu bán phôi giống cho khách hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, gửi các sản phẩm liên quan đến nấm bị tạm ngưng. Thích ứng với hoàn cảnh, chị Vân đã chuyển sang trồng hoàn toàn nấm tươi sạch, vừa để thuận tiện cho việc buôn bán cho khách hàng, đồng thời "tự cung tự cấp" lương thực cho gia đình trong mùa dịch.
Bên cạnh đó, cô gái này còn biến mình trở thành một người nông dân thực thụ khi tận dụng khoảng vườn trống để trồng rau; nhân giống, chăm sóc nhiều loại lan rừng…
"Dịch bệnh, mà tôi vẫn vui vì làm suốt ngày, luôn tay luôn chân đó thôi. Tôi không bị "nhốt" trong bốn bức tường, có cỏ cây làm bạn.
Qua mùa dịch, tôi mới thấy rõ được lợi ích của việc về quê. Không chỉ được ở gần gia đình, người thân; sức khỏe an toàn hơn khi dân cư thưa thớt; sống tại vùng quê trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, mọi thứ còn diễn ra đơn giản, nhẹ nhàng hơn khi thực phẩm ở quê không quá khan hiếm như trên thành phố.
Chưa hết, ở quê, gắn bó với việc làm nông cũng giúp tôi kiếm được đồng ra, đồng vào; tuy không nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào" - chị Vân tâm sự.
Tìm lại đam mê trong mùa dịch
Với Đào Thị Kiều Mỹ (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), mùa dịch chính là cơ hội để Mỹ tìm lại đam mê. Yêu thích công việc thiết kế, song đã hơn một năm nay, Kiều Mỹ phải gác lại thú vui của mình vì việc học và việc làm thêm quá bận rộn.
Nhân những ngày nghỉ dịch, nhằm giúp bản thân tránh sa vào cảm giác "buồn tay buồn chân", Mỹ đã lên mạng tìm những bài giảng và phần mềm thiết kế cơ bản để tập tành, mày mò làm theo.
Ngoài thời gian học trực tuyến và tìm hiểu những kỹ năng mềm, Kiều Mỹ còn tranh thủ phụ giúp bố mẹ những công việc nhà như nấu cơm, tưới cây…
"Sống chậm" thời Covid: Người trẻ nhận lại nhiều thứ...
Thừa nhận bản thân là người đam mê "bay nhảy", Đào Thị Kiều Mỹ chia sẻ: "Đôi khi, trong những ngày nghỉ dịch tại quê nhà, tôi cũng cảm thấy bí bách, nhớ bạn bè, nhớ lớp học và nhớ nhịp sống tất bật nơi Thủ đô. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dịch bệnh là điều không ai mong muốn.
Sau hơn một tháng về quê "tránh dịch", tôi nhận ra, đây chính là khoảng thời gian để "sống chậm" hơn, để ý đến những thứ mà thường ngày bỏ quên, hay là có thời gian đầu tư cho sức khỏe, chăm sóc và làm những điều bản thân mình yêu thích.
Dịch bệnh cũng cho tôi khoảng thời gian gần gũi hơn với gia đình. Tôi được ở nhà ăn cơm cùng bố mẹ, chẳng phải một mình như trước đây. Tôi còn được vui chơi, dạy các em học - những điều mà từ ngày đi đại học tôi đã bỏ lỡ".
Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Phước Vân cho hay, mùa dịch đem lại cho chị nhiều bài học quý giá.
"Dịch bệnh ập tới giúp tôi thấy được tầm quan trọng của thực phẩm. Trước đây, tôi hay chọn thực phẩm theo sở thích, thậm chí có nhiều thực phẩm sẵn có nhưng chỉ vì không thích, tôi sẵn sàng "vứt xó" cho đến khi hỏng. Tuy nhiên, hiện tại, một người trẻ như tôi đã trân trọng hơn, biết sắp xếp thực phẩm nào cần dùng trước, không lãng phí nữa".
Bên cạnh đó, chị Vân cho biết, những ngày giãn cách đã giúp chị học thêm nhiều kiến thức chuyên môn; để qua dịch có thể tăng gia, sản xuất và hoàn thiện quy trình làm nấm.
Sống giữa tâm dịch Sài Gòn, rất nhớ những buổi cà phê tụ họp, song anh Nguyễn Phước Quý Thành bày tỏ, thời điểm dịch bệnh này chính là cơ hội giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn với cuộc sống.
"Ngoài kia, còn nhiều người khổ hơn mình. Chúng ta vẫn còn hạnh phúc khi có đầy đủ nước và thực phẩm để ăn uống. Bởi vậy, quan điểm cá nhân, bản thân tôi nói riêng và các bạn trẻ nói chung nên ngừng than vãn. Thay vào đó, hãy làm những điều có ích để có thể lan tỏa những điều tốt đẹp, tích cực tới cộng đồng".
Kiều Phương