Ông tổ nghề
Nhiếp ảnh là quá trình tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng. Ngày 19.8.1839, phát minh về nhiếp ảnh được Chính phủ Pháp công nhận, rất nhanh chóng, trong vòng chưa đầy 30 năm, nghề chụp ảnh đã được du nhập về Việt Nam bởi những nhân vật có tinh thần canh tân sâu sắc.
Theo lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, thời vua Tự Đức, cụ Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) người Điện Bàn, Quảng Nam là người Việt Nam đầu tiên đề cập đến nhiếp ảnh sau một chuyến đi sứ ở Pháp (1863). Một năm sau chuyến đi sứ, trong tác phẩm Tây hành nhật ký do chính cụ biên soạn dâng lên vua Tự Đức có đoạn mô tả việc chụp ảnh và phương pháp chụp ảnh thời đó “… Thần đẳng vận triều phục chỉnh tề rồi lên trên lầu chụp ảnh… Phương pháp chụp ảnh thì trước hết lấy nước thuốc xoa xoa vào miếng kính rồi đặt vào ống, người đứng phía trước nhìn thẳng vào miệng ống, hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may…” (Văn đàn bộ mới số 2 - 1961).
Khi cụ Phạm Phú Thứ được thăng chức Thượng thư Bộ Hộ (1865), cụ đã tâu vua Tự Đức tiến cử cụ Đặng Huy Trứ, lúc này đang là Bố chánh Quảng Nam đi Hương Cảng để dò xét tình hình các nước phương Tây và học hỏi. Trong hai chuyến đi 1865 và 1867, cụ Đặng Huy Trứ đã học hỏi và mang được nghề ảnh về Việt Nam, đến nay cụ được tôn vinh là ông tổ nghề ảnh Việt Nam.
Ông tổ nghề ảnh Việt Nam Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), người khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội) năm 1869, đã từng đến và sinh sống ở Hội An từ năm 1849, dạy học ở trường tư thục Thanh Hương do ông Lý Mậu Thụy, một bang trưởng người Hoa Quảng Đông khai lập.
Từ đầu năm 1864 đến 1865, ông giữ chức Bố chánh Quảng Nam. Chuyến công vụ đầu tiên để tiếp cận và mang nghề ảnh về Việt Nam của ông được xuất phát từ Hội An, trên thương thuyền Quân Thái của một thương nhân người Hoa tên Lã Hiền Tá, thuyền rời cửa biển Đại Chiêm lúc 2 giờ sáng ngày 22.6 âm lịch năm 1865. Những bài thơ của cụ Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng trung thi sao mô tả chi tiết hành trình này (dẫn theo Trần Đức Anh Sơn - nhóm Trà Lĩnh).
Những tư liệu ấy cùng với nhiều di tích ở Hội An còn lưu những bài văn, bài thơ của cụ, đặc biệt, ngôi nhà thờ Đặng Huy Trứ (ở 28/12 Trần Hưng Đạo) hiện nay đang được các thế hệ con cháu sinh sống, chăm sóc đã chứng tỏ ông tổ nghề ảnh Việt Nam từng gắn bó với mảnh đất, con người Hội An, chắc hẳn đã có những ảnh hưởng đến việc mở nghề, dạy nghề, cải tiến nghề cho dân làng làm theo.
Nghề của giới thượng lưu và những bí kíp gia truyền
Theo lời kể của ông Thái Tế Thông (chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân), những năm đầu thế kỷ XX, nghề chụp ảnh được coi là đặc biệt ở Hội An bởi dường như nghề này chỉ dành cho giới thượng lưu. Những người xuất thân từ các nhà buôn có điều kiện mua máy ảnh và các vật tư nghề ảnh theo đuổi nghề này vì họ đam mê kỹ thuật mới và ham thú vui nghệ thuật sáng tạo chứ không phải theo nghề để kiếm tiền nuôi gia đình. Thời gian đầu, nghề này chỉ hướng đến nhóm khách hàng là người giàu có, và gần như không có chuyện dạy nghề, truyền nghề cho người ngoài gia đình.
Ở Hội An, ông La Doãn Ninh, cháu nội ông La Thiên Thái - chủ một hiệu buôn nổi tiếng của người Hoa Quảng Đông chuyên buôn bán nông lâm thổ sản xuất nhập khẩu với các hiệu buôn ở Hương Cảng, được xem là người tiên phong với nghề chụp ảnh bằng việc ra mắt hiệu ảnh Thiên Chơn Cát vào năm 1912. Người dân Hội An quen gọi là hiệu ảnh ông Ba Nừng. Hiệu ảnh ông Ba Nừng được lắp đặt cửa kính xung quanh để tận dụng ánh sáng trời trong việc chụp ảnh. Môn sinh của hiệu ảnh chủ yếu là người thân, có điều kiện kinh tế khá giả, coi việc học nghề ảnh như một thú vui tiếp cận công nghệ mới.
Năm 1920, ông Thái Thiệt Cổ khai trương hiệu ảnh Tiêu Nhiên. Lúc này, hầu như các thợ chụp ảnh ở Hội An chỉ chụp dịch vụ thể loại ảnh chân dung, lưu niệm, riêng ông Thái Thiệt Cổ có hai loại máy ảnh (loại máy cầm tay và loại máy ảnh đứng để chụp chân dung) nên chụp được nhiều ảnh phong cảnh thiên nhiên, ảnh sinh hoạt đời sống, ảnh các ngành nghề xưa. Bộ ảnh này là nguồn tư liệu quý giá về lịch sử Hội An được nhà nhiếp ảnh Thái Tế Thông - hiệu ảnh Vĩnh Tân, con trai của ông Thái Thiệt Cổ lưu giữ và từng trao tặng Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khá nhiều bức để làm tư liệu.
Năm 1928, hiệu ảnh Huỳnh Sau ra đời, lúc này nhu cầu chụp ảnh trong xã hội tăng cao, các giấy tờ tùy thân của người dân đều phải có ảnh, nhờ đó thị trường mở rộng. Ông Thái Tế Thông nhớ lại, vào thập niên 30 của thế kỷ XX, người dân khi làm thẻ căn cước phải có ảnh, sáng sớm, những tiệm ảnh cho người ra đứng chờ ở đường bờ sông, hỏi ai muốn chụp ảnh thì rước về nhà. Chụp một “pô” ảnh làm thẻ thế thân như vậy có thể tiêu cả tháng. Nghề ảnh thịnh hành dần. Nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của những gia đình cũng tăng lên. Những gia đình hay những cô thiếu nữ muốn chụp ảnh phải coi ngày rồi đến nói với nhà ảnh, hẹn ngày chụp.
Tuy có sự phát triển, nhưng vào thời điểm này, nghề nhiếp ảnh ở Hội An vẫn chủ yếu “cha truyền con nối”. Hiệu Lệ Ảnh của ông Trương Trừng được kế nghiệp bởi những người con: Trương Thiệp, Trương Nguyên, Trương Thọ, Trương Chữ, Trương Phúc Loan. Hiệu ảnh Huỳnh Sau có ba đời kế nghiệp gồm những người con: Huỳnh Sỏ, Huỳnh Đồng, Huỳnh Phụng, Huỳnh Bá, Huỳnh Liên, Huỳnh Cầm. Trong gia đình chỉ có người con gái là bà An (cô mụ An) làm nghề đỡ đẻ, còn lại, tất cả đều theo nghề ảnh. Người dân Hội An sắp xếp tên của từng người để tạo thành một câu vè về gia đình nhà ảnh:
Huỳnh Liên, Huỳnh Bá, Huỳnh Cầm
Huỳnh Phụng, Huỳnh Sỏ, Huỳnh Đồng, Huỳnh Sau
Đến đời thứ ba, ông Huỳnh Phước (con của ông Huỳnh Liên) và ông Huỳnh Nam Sinh (con của ông Huỳnh Sỏ) cũng nối nghiệp cha ông theo nghề ảnh.
Nếu không phải là con cháu trong gia đình, những người phụ việc ở các hiệu ảnh chỉ được sai làm những việc vặt như rửa khay thuốc hay sấy khô ảnh, họ không được pha thuốc hay vào buồng tối để làm những công việc kỹ thuật như tráng phim, rửa phim, sang ảnh... Tuy nhiên, những người phụ việc có thời gian gắn bó lâu, sẵn sàng làm không công nhiều năm, đôi khi sẽ được chủ hiệu ảnh cho tham gia vào một số công đoạn.
Nghề nhiếp ảnh đặc biệt ở chỗ từ máy ảnh cho đến các vật tư về ảnh như phim, giấy in ảnh, thuốc… đều phải nhập từ Pháp hoặc Hồng Kông. Có nhiều loại phim, thời kỳ đầu là phim bằng gương (kính), sau này có phim nhựa, loại miếng lớn, khi chụp ảnh phải cắt phim ra. Phim được đựng trong hộp kín, một bề láng, một bề thuốc, những người làm nghề chỉ cần nhìn vào chiều của răng cưa ở viền phim là biết đâu là bề mặt phim có thuốc. Với miếng phim lớn, khi chụp, người thợ phải dỡ ra lấy cái phim ngăn lại, chỉ ngắm chụp ở một phần phim, chụp xong phải đảo lại miếng phim để chụp ở phần phim còn lại.
Điều quan trọng là phải đặt toàn bộ tâm trí vào lúc ngắm, bấm máy và trở phim vì chỉ cần lơ đãng là sẽ chụp chồng lên phim và hỏng luôn tấm phim. Với phim cuộn, người chụp phải lên phim, xem số phim qua một cái lỗ nhỏ màu đỏ ở trên máy ảnh, chụp ảnh xong phải ngưng lại, muốn chụp ảnh tiếp theo thì lặp lại quá trình lên phim. Khi chụp ảnh xong, phải vào buồng tối để lấy phim khỏi máy ảnh, chuẩn bị rửa phim thủ công.
Công đoạn này gồm ba bước: Trước hết, phải rửa phim bằng một loại dung dịch để cho phim hiện hình, bước thứ hai rửa phim bằng một dung dịch khác để phim định hình, cuối cùng phải rửa phim và hong khô phim. Vì công đoạn rửa phim hoàn toàn làm trong môi trường buồng tối nên nhiều khi do điều kiện nhiệt độ môi trường, thời tiết hoặc do hóa chất mất dần hoạt tính… tấm phim rửa xong bị lợt quá hoặc đậm quá.
Hồi đó, nhà ông Thái Thiệt Cổ mua được ở bên Pháp một bóng đèn màu lục, đèn này có ánh sáng nhẹ, cho phép xem được phim rửa bị lợt hay đậm trong buồng tối. Kết thúc các công đoạn này, phim mới có thể tiếp xúc với ánh sáng mà không bị hỏng, sau đó nhà ảnh tiến hành chọn phim, sang qua giấy ảnh.
Với ảnh chân dung, trước khi sang qua giấy ảnh còn phải có thêm công đoạn sửa phim. Việc sửa phim được thực hiện trên cái bàn chuyên dụng có khoét lỗ hứng sáng, mặt phim có bôi một loại thuốc để phim có thể ăn nét chì. Con mắt người sửa phim phải tinh tường mới làm công đoạn này được. Người sửa phim có thể xóa những nếp nhăn, vết mụn vết sẹo, sửa má tóp thành má đầy… Theo nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông, ngày ấy có thành ngữ “trắng mặt ăn tiền” là để nói về công đoạn sửa phim này. Những hiệu ảnh có thợ sửa phim giỏi là những hiệu có nhiều khách hơn.
Giấy để in ảnh có nhiều loại do các hãng lớn cung cấp như Lumière, Agfa, Kodax được phân loại theo số 1, 2, 3, 4 để hiệu ảnh theo số mà dùng cho đúng. Ví dụ, giấy loại số 1 được sử dụng cho loại phim bị đậm, giấy loại số 4 dùng cho miếng phim bị thiếu sáng.
Để sang, phóng ảnh, người ta dùng máy phóng ảnh (rọi ảnh) với kỹ thuật ánh sáng: Phim được gắn lên phía trên máy rọi ảnh để nguồn sáng xuyên qua phim và ống thấu kính trước khi in lên giấy ảnh đã được căn chỉnh bằng phẳng. Nguồn sáng có thể được lấy tự nhiên qua một lỗ hổng được thiết kế trên buồng rửa ảnh, cũng có thể được dùng bằng ánh sáng đèn điện nếu làm vào ban đêm. Bóng đèn điện phải là loại màu đục để không thấy dây tóc của sợi bóng. Quá trình rọi ảnh diễn ra chừng 30 - 40 giây với mỗi tấm phim.
Nếu thực hiện công đoạn này vào ban đêm với số lượng lớn ảnh cần rọi, người thợ nhiều khi bị ngủ gục và tấm ảnh cũng bị hỏng luôn. Kết thúc quá trình rọi ảnh, tấm giấy ảnh trông bằng mắt thường vẫn không nhận ra vì khi này, hình ảnh vẫn chưa được hiện lên trên giấy. Người thợ phải pha một loại dung dịch để ngâm giấy ảnh đã phóng trong vòng vài giây để ảnh hiện hình, sau đó tiếp tục ngâm giấy ảnh trong một dung dịch khác để định hình và cuối cùng là ngâm ảnh trong nước, vừa ngâm vừa xả có khi xuyên đêm hoặc y một buổi để hóa chất trôi đi. Bí quyết để tạo độ bóng và bền của bức ảnh là ở công đoạn này và gắn chặt với lương tâm của người làm nghề. Bởi vì công đoạn này làm ẩu thì bức ảnh chỉ được vài năm sẽ ố vàng, bong, tróc nhưng nếu làm cẩn thận, kỹ thì bức ảnh sẽ bóng, đẹp trong cả trăm năm sau.
Sau khi hình ảnh đã hiện lên trên giấy, công đoạn làm khô ảnh vừa tốn nhiều thời gian, vừa đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, kiên nhẫn. Để làm khô ảnh, đầu tiên người thợ dùng một cái cán lăn nhẹ trên mặt giấy ảnh để bớt nước, sau đó ép lên mặt máy sấy (được làm bằng inox loại đặc biệt) sau đó tăng nhiệt độ của máy lên. Khi đã khô, tấm ảnh tự động bong ra. Công đoạn này càng làm chậm và càng kỹ thì bức ảnh càng láng, bóng. Đây là công đoạn cực nhất do người thợ chỉ cần sơ ý là bị sức nóng của dây may so khi bị chập, đứt làm phỏng tay.
Muốn theo được nghề ảnh, người thợ cần phải am hiểu về hóa học để tạo ra dung dịch rửa phim, rửa ảnh; hiểu về vật lý với những kiến thức cơ học, quang học để thực hiện các công đoạn liên quan đến máy rọi phim. Và đặc biệt, cần phải biết tiếng Pháp bởi vì các bộ phận của máy ảnh và rất nhiều công đoạn liên quan đến quy trình của nghề đều được dùng tiếng Pháp, hiếm khi có từ Việt hóa để thống nhất. Gắn với sự phát triển của nghề ảnh, ngôn ngữ và cách nói của người Hội An ngày ấy cũng trở nên phong phú khi họ đan xen những từ tiếng Pháp để nói nghề này. Như khi nói về một người chụp ảnh phong cách tài tử, họ sẽ nói “Tay ấy chụp theo kiểu amatơ (amateur)”; họ không nói “ánh sáng” mà nói “lumière”, film chụp thừa sáng hay thiếu sáng thì gọi là “trop, mince” , hay khi thấy một bức ảnh bị nhòe do nhân vật cử động, nhúc nhích khi chụp, họ nói “bức này bị burê (bouger) rồi”… và toàn bộ các kích cỡ ảnh cũng dùng tiếng Pháp.
Nghề của đam mê sáng tạo và vươn ra thế giới
Nếu như thời kỳ đầu, nghề nhiếp ảnh gần như chỉ phát triển trong gia đình với nhiều bí kíp gia truyền thì càng về sau, những người đam mê nhiếp ảnh đã lan tỏa những kiến thức và sẵn sàng chia sẻ để giá trị nghệ thuật được vươn ra thế giới.
Tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nghề chụp ảnh ở Hội An là khi cụ Trương Trừng, chủ hiệu Lệ Ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh toàn Đông Dương với tác phẩm Tát nước gàu ba (1940). Sau đó bức ảnh được in trên tờ giấy bạc Đông Dương mệnh giá 500 đồng. Từ đây, những người chụp ảnh ở Hội An bắt đầu có ý thức về tính nghệ thuật cho mỗi bức hình, họ cẩn thận về bố cục, đường nét, ánh sáng, thể nghiệm những kỹ xảo chồng ghép để tạo tính nghệ thuật cho bức ảnh. Các hiệu ảnh bắt đầu đầu tư phòng chụp ảnh có nhiều cửa kính, nhiều hướng sáng hoặc nhiều đèn chụp được lắp đặt theo chức năng để tạo hiệu ứng ánh sáng đẹp thay vì chỉ dùng một nguồn sáng mạnh, trực diện như trước. Năm 1953, tác phẩm Cấy lúa của cụ Huỳnh Sỏ đạt giải ở Paris, sau đó 5 năm là sự có mặt đồng thời của ba tác giả Trương Trừng, Trương Thiệp, Huỳnh Sỏ ở một cuộc triển lãm ảnh tại Nhật Bản. Cùng với sự đam mê của các nghệ sĩ, nhiếp ảnh Hội An bắt đầu vươn ra thế giới.
Nổi bật vào những năm 1960 là danh tiếng của nhiếp ảnh gia Hứa Văn Bân. Xuất thân từ một người đam mê hội họa, ban đầu ông chỉ tự tìm tòi chơi ảnh với một máy ảnh hộp khá lớn và đọc những tạp chí chuyên ngành của Mỹ, Pháp, sau ông đầu tư sắm mới một máy ảnh Rolleiflex và lập phòng tối để tự tráng phim, phóng ảnh. Từ năm 1961, ông bắt đầu gửi ảnh nghệ thuật dự thi các cuộc trong nước và quốc tế. Từ 1962 - 1974, năm nào ông cũng đoạt các giải thưởng và huy chương quốc tế danh giá. Ông được Hội ảnh I.F.K.P của Đức mời làm hội viên năm 1969, năm 1970 ông nhận tước hiệu A.TVPA (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tinh Võ, Nam Việt Nam); năm 1971, nhận tước hiệu A.FIAP (nghệ sĩ Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế), ông gia nhập Hội Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 1971 và được phong nhiều tước hiệu khác.
Theo lời kể của nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông, ông Hứa Văn Bân là một bậc thầy đáng kính trong việc truyền bá kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn đến với những người yêu nhiếp ảnh, ông không giấu nghề là vì tư tưởng cấp tiến thoáng đạt của văn hóa nhiếp ảnh đã ăn sâu vào tâm hồn người nghệ sĩ chân chính. Trong khoảng những năm 1960 - 1970, ông thường xuyên có những giao lưu, chia sẻ, trau dồi kiến thức với những nhà nhiếp ảnh của Hội An và với những người từ nơi khác đến tác nghiệp như ông La Gia Ấm, bác sĩ Vĩnh Toàn, ông Lê Văn Khoa… “Con tằm rút ruột vẫn còn nhả tơ”, cho đến những năm 1985, khi ông đã định cư ở nước ngoài, trong những năm tháng cuối đời, ông vẫn không ngừng chụp ảnh và liên tục viết bài về nhiếp ảnh được chọn đăng trong các tạp chí chuyên ngành như Photo Pictorial Hongkong…
Những năm khó khăn thời bao cấp sau khi đất nước được thống nhất, giữa vô vàn khó khăn, thị trường vật tư, thiết bị, hóa chất ngành ảnh đều là ngoại nhập, vậy mà, kỳ lạ thay, nghề nhiếp ảnh ở Hội An khi đó vẫn rất xôm tụ - dù chụp ảnh không nằm trong danh mục những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Cùng lúc có đến hơn 10 hiệu ảnh cùng hoạt động trong thời bao cấp ở thị xã nhỏ Hội An: Vĩnh Tân, Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Mê Linh, Nhật Quang, Hoàng Nam, Dũng, Kim Đồng, Vũ Hùng, Hồng Ngọc… Ngoài ra, còn có hiệu ảnh quốc doanh (ở số 16 Phan Châu Trinh) do Công ty Mỹ thuật - Nhiếp ảnh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đầu tư.
Trong quá trình làm ảnh dịch vụ để mưu sinh, những đam mê sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ vẫn không ngừng vươn lên. Năm 1984, trong cuộc thi ảnh nghệ thuật nội bộ của Công ty Mỹ thuật nhiếp ảnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức, tác giả Đặng Kế Đông với bức chân dung Tuổi già đã nhận được giải B. Đến năm 1990, trong cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp tỉnh lần đầu tiên ở Quảng Đà, hai tác giả người Hội An là Phạm Kim với tác phẩm Gắng sức và Sử Chấn Khương với tác phẩm Buôn gánh được chọn trưng bày triển lãm.
Từ năm 1996, Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An đều tổ chức các cuộc thi ảnh nghệ thuật và đầu tư triển lãm ảnh xuân hàng năm để quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hội An với du khách. Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, thúc đẩy những đam mê sáng tạo nghệ thuật của những nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội An. Năm 1997, hai tác giả Nguyễn Lượng với tác phẩm Đôi tay kỳ diệu và Đặng Kế Đông với Hòa sắc được chọn trưng bày trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật danh giá cấp toàn quốc. Cũng vào năm 1997, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội An được Trung tâm Văn hóa Thể thao bảo trợ và thành lập, tạo sân chơi tập hợp các thợ ảnh dịch vụ và nhiều người yêu thích bộ môn ảnh nghệ thuật của Hội An để chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, kích thích những đam mê sáng tạo, vươn xa ra thế giới.
Từ năm 2001, hai tác giả Đặng Kế Đông ở Hội An và Trần Tấn Vịnh ở Tam Kỳ đủ tiêu chuẩn và được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đến nay Hội An đã có 10 nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tổng số 14 nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam của toàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Đặng Kế Đông, Mai Thành Chương đã được phong tặng tước hiệu E.VAPA (nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phú Tâm được nhận tước hiệu A.FIAP (Nghệ sĩ Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế).
Chất lượng tác phẩm ảnh nghệ thuật và bảng vàng thành tích qua các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước không ngừng nâng cao qua từng năm. Kể từ năm 2000, lần đầu tiên 2 tác giả tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Bồ Đào Nha và đoạt giải, huy chương đồng FIAP được trao cho tác phẩm Hội An trong ký ức (Dương Phú Tâm), Đặng Kế Đông được nhận Huy chương Vida quotidiana của nước chủ nhà trao tặng cho tác phẩm Hoa văn trên cát, liên tục cho đến nay, các nhà nhiếp ảnh Hội An đã tích lũy hàng trăm huy chương và cúp vàng, cúp bạc, cúp đồng, các bằng danh dự… từ các cuộc thi ảnh danh giá trong và ngoài nước. Tài năng của những nghệ sĩ nhiếp ảnh còn được thể hiện ở những bức ảnh được đăng trên các báo, tạp chí nước ngoài.
Ngày nay, nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh ở Hội An nói riêng dường như không còn là một nghề đặc biệt với những công đoạn thủ công và “bí kíp gia truyền” bởi sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật hiện đại. Nhưng điều đặc biệt, niềm đam mê nghệ thuật ánh sáng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh ở thành phố di sản Hội An vẫn không ngừng được nuôi dưỡng trong mỗi buổi sáng khi mọi người vừa uống cà phê vừa cùng nhau trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm tại trụ sở Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hội An tọa lạc ở ngay trong lòng phố cổ (số 17 Nguyễn Thái Học); trong những chuyến họ cùng nhau đi sáng tác ở ngay trong từng góc phố hay đến những miền đất xa để săn khoảnh khắc đẹp, và đặc biệt, sự ra đời của nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ bên cạnh một câu lạc bộ nhiếp ảnh đã từng tồn tại hơn 20 năm.
Có lẽ, tất cả những điều ấy đều là những minh chứng vừa âm thầm, lặng lẽ vừa sâu sắc, mạnh mẽ quyết liệt để góp phần khiến cho nghề nhiếp ảnh ở Hội An vẫn là một nghề đặc biệt so với các nghề khác hoặc so với chính nghề này ở những nơi khác chăng?
Kế Đông - Khiếu Hoài