Một trong những lĩnh vực quan trọng của việc nuôi dạy con cái thường bị bỏ quên là hiểu biết về tài chính, cũng như cách tiết kiệm và đầu tư khi còn trẻ. Theo thống kê, chỉ có 16,4% học sinh trung học Mỹ phải tham gia khoá học về tài chính cá nhân. Chỉ khoảng 30% thanh thiếu niên coi cha mẹ là hình mẫu lý tưởng về tài chính.
Vì sao nên giáo dục con cái về tiền bạc?
"Việc thảo luận về tiền và cách tiền được tạo ra thực sự rất quan trọng. Khái niệm tiết kiệm tiền và cách thế giới vận hành là điều mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nắm bắt được ngay từ khi còn nhỏ", triệu phú Kevin O'Leary chia sẻ với CNBC Make It.
Cha mẹ không cần đi sâu vào vấn đề tài chính cá nhân với con cái. Nhưng chí ít họ nên giải thích tiền là gì và vì sao phải làm việc để có tiền.
Theo triệu phú sinh năm 1954, mục tiêu của việc giáo dục tài chính là giúp trẻ có mối liên hệ tích cực với tiền bạc, hiểu tiền có thể hữu ích như thế nào đối với chúng khi chúng trưởng thành và muốn lập gia đình. Bằng cách này, "cha mẹ đang dành cho con những đặc ân lớn nhất chưa từng có trong cuộc đời", triệu phú Kevin O'Leary lưu ý.
Tất nhiên, trẻ có thể khó nắm bắt một số khái niệm nhất định, chẳng hạn đầu tư tiền vào cổ phiếu hoặc tính lãi trên số dư thẻ tín dụng. Nhưng có một số khía cạnh tài chính mà cha mẹ có thể chia sẻ với con nhỏ, chẳng hạn khoản tiết kiệm, sự khác biệt giữa 10 triệu đồng và 20 triệu đồng là gì.
Theo Kevin O'Leary, cha mẹ không nên chờ đợi con lớn rồi mới nói chuyện tiền bạc hay mong rằng giáo viên sẽ giáo dục cho con mình những thông tin cần thiết để thành công. "Với tư cách là cha mẹ, trách nhiệm giáo dục này nằm trên vai họ và họ phải dạy con mình".
Thời điểm thích hợp để giáo dục tài chính cho con cái
Đối với nhiều bậc cha mẹ, tiền bạc là vấn đề nhạy cảm và không được đề cập đến. Song trái với những phụ huynh này, triệu phú Kevin O'Leary cho rằng việc giáo dục về tiền là thứ mà tất cả bậc cha mẹ nên dạy con mình, càng sớm càng tốt. Nhà đầu tư "cá mập" tin rằng việc cha mẹ không dạy con về tiền bạc có thể trở thành bất lợi lớn cho con cái khi chúng lớn lên.
Ngay những đứa con của ông đã quen thuộc với các khái niệm liên quan đến tiền bạc ngay khi chúng còn nhỏ. "Khi con trai và con gái của tôi lên 6, chúng đã hiểu nợ nần là như thế nào. Những khái niệm thực sự đơn giản này rất quan trọng vì chúng giúp trẻ chống lại những thiệt hại mà thẻ tín dụng gây ra cho người trẻ - những người không hiểu điều gì sẽ xảy đến nếu không trả được nợ", ông nói.
Nhiều thanh niên gặp rắc rối với nợ thẻ tín dụng. Điều này đơn giản là vì họ chưa bao giờ được dạy về cách quản lý tiền và tránh nợ nần. Nếu cha mẹ muốn con cái tránh xa việc tiêu xài hoang phí hay lâm vào cảnh nợ chồng chất, họ nên bắt đầu những bài học này khi trẻ còn nhỏ.
Lời khuyên của "cá mập" Kevin O'Leary cũng là điều mà tỷ phú Warren Buffett từng chia sẻ. Ông cho rằng sao lầm lớn nhất mà cha mẹ mắc phải khi dạy con cái về tiền bạc là chờ đợi quá lâu. Nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy trẻ có thể nắm bắt các khái niệm cơ bản về tiền bạc trong độ tuổi 3-4. Khi 7 tuổi, các khái niệm cơ bản liên quan đến hành vi tài chính trong tương lai thường sẽ phát triển.
Điều quan trọng là cha mẹ nên dạy con về tiền bạc trước khi chúng đủ lớn để kiếm và tiêu tiền. Bằng cách này, họ có thể định hướng cho con những lối đi vững chắc và lý tưởng, giúp con hạn chế sai lầm tài chính.
Có khối tài sản 400 triệu USD nhưng không cho con thừa kế 1 đồng
Trong cuộc phỏng vấn với Moms năm 2021, triệu phú Kevin O'Leary cho biết mẹ là người có ảnh hưởng lớn đến ông. Đồng thời bà là người đóng vai trò then chốt trong cách Kevin O'Leary tư duy về tiền bạc. Ngay khi Kevin O'Leary tốt nghiệp đại học, mẹ ông nói: "Mẹ đã trả tiền cho con từ bé đến lớn và giờ là lúc con phải tự lập. Con chim chết trong tổ vì không bao giờ học cách bay". "Điều đó có nghĩa là gì thế mẹ", Kevin O'Leary đáp. "Nghĩa là giờ con phải tự túc".
Ông đã áp dụng nguyên tắc dạy con này với 2 đứa con Trevor (kỹ sư tại Tesla) và Savannah (nhà sản xuất đa phương tiện và nhà làm phim tại thành phố New York của Mỹ).
Triệu phú Kevin O'Leary từng thu hút quan tâm khi đưa ra quyết định đi ngược với phần lớn gia đình giàu có: Không để con thừa kế khối tài sản kếch xù của mình. Ông đưa ra quyết định này vì không muốn "nguyền rủa" con cái bằng cách lấy đi nhu cầu làm việc chăm chỉ và tìm kiếm thành công trong sự nghiệp của chúng.
"Chúng biết rằng khi học xong, tôi sẽ đẩy chúng ra khỏi tổ. Con chim chết trong tổ là con không nghĩ đến tương lai: Đến một lúc nào đó cha mẹ sẽ ngừng cho ăn. Đó là phép so sánh nhưng là sự thật".