Nhà văn Kim Dung, bậc thầy tiểu thuyết kiếm hiệp, không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới, qua đời hôm 30.10, nhằm ngày 22 tháng 9 lịch âm, khi đã 94 tuổi. Với đời người, theo niềm mong mỏi của nhân sinh đạt tới “bách niên, trăm tuổi” thì sống thế đã được coi là chạm ngưỡng.
Truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết kiếm hiệp-võ hiệp, được dân xứ ta gọi nôm na là truyện chưởng. Chưởng là võ, một môn võ, động tác võ đánh bằng tay. Chưởng môn tức là người đứng đầu đầu môn phái võ, lò dạy võ nào đó. Khi ta giận ai, buột mồm “tao cho mày một chưởng bây giờ”. Từ này (chưởng) ở miền Nam trước năm 1975 nghe rất quen, phổ biến, nhưng ở miền Bắc gần như không có trong từ điển và đời sống.
Bây giờ, nhắc tới Kim Dung và truyện chưởng, rất nhiều người biết, bất kể trẻ hay già. Kim Dung và tác phẩm của ông đã thành một phần trong đời sống nên với số đông là cực kỳ gần gũi. Điều rõ thấy nhất, sau khi ông qua đời ngày hôm qua, những thông tin về ông, tác phẩm của ông tràn ngập trên mặt báo và mạng xã hội. Nhiều người được dịp bày tỏ niềm say mê Kim Dung và truyện chưởng Kim Dung, hồi tưởng những kỷ niệm với ông, những ấn tượng về cuốn sách, nhân vật này nọ. Một trời thương tiếc, thương nhớ Kim Dung. Kiếp người, khi ra đi, để lại khoảng trống vắng và tình yêu vô hạn như thế, quả thật trên đời không dễ mấy ai.
Nhưng thú thực, nếu có ai cắc cớ hỏi tôi, rằng kỷ niệm về đại thụ văn chương Kim Dung, về truyện chưởng của ông thế nào, tôi tắc tị. Đó là sự thực. Dường như không chỉ có mình tôi, mà cả một thế hệ, thậm chí vài thế hệ. Tuy nhiên, phải nói rõ, đám ấy sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong suốt mấy thập niên từ 50 tới 80 thế kỷ trước, và ở miền Nam một thời gian dài sau năm 1975. Chúng tôi là thứ sản phẩm lỗi, không hoàn chỉnh của một thời đại, một chặng đường dài khi đất nước bị chia cắt và chiến tranh, chịu một quan niệm văn chương bị chính trị tư tưởng chi phối, ràng buộc vô cùng chặt chẽ, thậm chí vô lý, nghiệt ngã.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Nam Bắc sum họp. Những cách trở chia rẽ về mặt địa lý được xóa bỏ nhưng hố sâu về tư tưởng, tinh thần, văn nghệ… vẫn còn dai dẳng nhiều năm sau. Nơi tôi học (khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) dù chuyên về văn học, văn chương nhưng sách từ miền Nam đưa ra hiếm lắm. Mãi đầu năm 1976, phòng tư liệu của khoa (nơi các thầy Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc bị “hạ phóng” xuống làm việc) mới có ít cuốn thơ Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, Du Tử Lê, Lam Vị Thủy, Bùi Giáng, Đinh Hùng, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ…; truyện của Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Võ Phiến, Phan Nhật Nam; truyện kiếm hiệp của Kim Dung, sách dịch của Hoàng Hải Thủy, v.v..
Mà chẳng phải chỉ những tác giả ấy, ngay sách của những nhà văn nhà thơ dòng “văn học lãng mạn” trước năm 1945, trong đó nhiều người đang “sống, chiến đấu” ở miền Bắc, như của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Huy Cận… cũng bị cấm, không được tái bản, còn những bản đưa từ miền Nam ra đều bị đẩy tuốt vào phòng tư liệu.
Tôi cũng chỉ được nghe có một loại truyện là sách chưởng Kim Dung chứ không được đọc, một phần do mình không đúng đối tượng ưu tiên, phần khác bởi sách ấy quá ít. Nghe nói hay và lạ lắm, nhưng hệ thông tin chính thống lại tuyên truyền rằng sách vở xuất bản ở miền Nam nhìn chung rất đồi trụy, độc hại, tào lao, chả nên tiếp cận làm gì. Nghe vậy thì biết vậy.
Không đọc những sách ấy, không đọc Kim Dung thì đọc gì? Lứa chúng tôi chỉ được biết đến thứ văn học thời đại anh hùng trong ánh sáng chiếu rọi của cách mạng. Đầy những sách “gối đầu giường” hừng hực tinh thần chiến đấu, như Bất khuất, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Gia đình má Bảy, Dấu chân người lính, Vùng trời, Lê Mã Lương và lý tưởng chiến đấu, Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Túp lều bác Tôm, Con đường đói khát, Truyện ngắn Lỗ Tấn, Hầm bí mật bên bờ sông En Bơ… May thay, vẫn rơi lọt qua cửa kiểm định gắt gao những Thần thoại Hy lạp, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ… chứ không thì vốn liếng văn chương hạn hẹp biết bao nhiêu.
Mãi tới đầu năm 1977, khi vào miền Nam nhận việc, tôi mới biết mặt mũi cuốn truyện chưởng của đại thụ Kim Dung. Một đứa học trò theo gia đình đi kinh tế mới tặng tôi tập Lộc đỉnh ký, mà cũng chỉ có mỗn cuốn. Nó bảo, thầy ạ, nhà em xưa nhiều truyện Kim Dung lắm nhưng sau giải phóng phải nộp hết, có nhà còn bị chính quyền cho người tới tịch thu đem đốt. Cán bộ bảo không được dung chứa sách báo văn hóa đồi trụy, độc hại, tàn dư của Mỹ ngụy. Em tiếc mấy bộ sách chưởng Kim Dung lắm, tính giấu lại, ba em trừng mắt, con tính hại cả nhà sao. Nhìn đống sách bị họ chở đi tiêu hủy, như đứt từng khúc ruột. Cuốn Lộc đỉnh ký này do em đang đọc dở, để dưới gối mà còn.
Tôi đọc Kim Dung, cuốn ấy, nhưng không vào lắm, có lẽ nó là cuốn lẻ không đầu không đuôi nên chả hiểu mạch truyện thế nào, vả lại trong lòng vẫn chưa phai những lời đe nẹt, dậm dọa về thứ văn hóa độc hại nên cứ chờn chợn. Giờ nghĩ lại thấy những cách cư xử với văn chương của một thời sao mà ấu trĩ đến vậy.
Đám chúng tôi không biết Kim Dung chứ ở miền Nam, hầu như bạn trẻ nào đi học cũng biết. Lại nhớ một kỷ niệm. Năm 1980 nhóm giáo viên trường tôi được cử xuống tận Rạch Giá dạy một lớp dự bị đại học ở đó. Cả khách sạn nơi chúng tôi ở có nhõn cái tivi đặt dưới phòng ăn, chiếu Olympic Moskva 1980 người coi đông nghẹt, mấy thầy chẳng chen được bèn về phòng tán gẫu.
Một cậu trò độ khoảng 17 - 18 theo các thầy lên phòng chơi. Tôi không nhớ rõ bắt mạch từ điều gì, nó kể vanh vách những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, với Kiều Phong, Đoàn Dự, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo… thuộc như cháo chảy, khiến tôi và mấy thầy dân Bắc phục lăn. Thầy Vy thì thầm, công nhận chúng nó hay thật, thế mà chúng mình chả biết tí quái nào, lạ thế chứ.
Nghe thiên hạ đang nhớ thương một nhà văn tầm thế giới vừa nằm xuống, chợt hình dung ra đống sách trong đó có những truyện kiếm hiệp hấp dẫn của Kim Dung bị cháy nham nhở nghi ngút khói trên đường phố Sài Gòn năm xưa, buồn.
Nguyễn Thông