Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ngay từ bé, ông đã bộc lộ niềm say mê với văn học và đọc sách. Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Kim Dung đã cùng thầy cô chung tay lập nên những tờ báo dành cho lớp, cho trường.
Những năm tháng cấp 3, Kim Dung cùng bạn bè soạn ra bộ sách "Hướng dẫn thi tuyển cao trung", được in ấn rộng rãi trên toàn Trung Quốc và trở thành cẩm nang bán chạy nhất các hiệu sách. Những tác phẩm xuất sắc của ông thậm chí còn được đăng lên các tờ báo lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, tính cách khảng khái, không ngại ngần chỉ ra những thói hư tật xấu trong trường lớp, Kim Dung bị đuổi học 2 lần.
Trong suốt cuộc đời mình, Kim Dung được nhắc đến với rất nhiều tác phẩm kiếm hiệp, sau này được chuyển thể thành các bộ phim truyền hình ăn khách. Những tác phẩm tiêu biểu như "Thần Điêu Đại Hiệp", "Anh Hùng Xạ Điêu", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Bích Huyết Kiếm", "Tuyết Sơn Phi Hồ",... có thể nói, Kim Dung có một sức ảnh hưởng sâu sắc đến giới tiểu thuyết và cuộc sống của người dân Trung Quốc.
Thậm chí, từng có một câu nói: "Chỉ cần nơi nào có người Trung Quốc thì ở đó sẽ có độc giả của Kim Dung. Không chỉ gói gọn trong Trung Quốc, tên tuổi của Kim Dung được hâm mộ trên toàn châu Á và cả thế giới.
Được biết đến với nhiều tác phẩm truyện kiếm hiệp, song ít ai biết rằng, Kim Dung từng nhận nhiều giải thưởng với truyện lịch sử Trung Quốc. Các giải thưởng mà ông từng nhận được là huân chương huân chương OBE của Vương Quốc Anh, giải thưởng từ Bộ trưởng Bộ Văn học và Nghệ thuật Pháp,... Năm 2009, ông còn nhận cúp Thành tự Trọn Đời dành cho những Hoa kiều có ảnh hưởng tới thế giới.
Kim Dung còn là người đồng sáng lập ra tờ báo Minh Báo Hồng Kông tập trung vào mảng đề tài xã luận, gây tiếng vang lớn và nhận được nhiều sự chú ý đương thời.
Kim Dung xây dựng nhiều nhân vật đào hoa, nghĩa khí trong truyện của mình, và ngoài đời ông cũng là một người có tình sử phức tạp, gây nhiều tiếc nuối. Ông kết hôn 3 lần, có 4 người con và chịu nhiều mất mát, tổn thương từ đây.
Đỗ Trị Phân: Người phụ nữ phản bội khiến Kim Dung cay đắng
Chuyện tình của cả hai nảy nở và nên duyên vào năm 1947, tại Hàng Châu. Khi đó, Kim Dung đang công tác tại toà soạn "Nhật Báo Tây Nam". Khi đó, Đỗ Trị Phân mới chỉ 17 tuổi, là tiểu thư khuê các. Tháng 3 năm 1948, Kim Dung có việc phải tới Hong Kong công tác, Đỗ Trị Phân cũng theo chàng tới xứ Cảng Thơm. Tháng 10 năm đó, cặp đôi tổ chức hôn lễ tại Thượng Hải. Sau đó, vì chí lập nghiệp tại Hong Kong, cả hai vợ chồng cùng tới đây để xây dựng gia đình, ổn định sự nghiệp viết lách cho Kim Dung.
Tuy nhiên, nuối tiếc nhất cũng từ đó mà xảy đến. Vì quá bận rộn với công việc, Kim Dung lơ là chuyện gia đình, bỏ bê Đỗ Trị Phân. Trong thời gian này, bà Đỗ nảy sinh tình cảm với người đàn ông khác. Sau đó, cặp đôi trở về đại lục để làm thủ tục ly hôn. Kim Dung từng chia sẻ với đồng nghiệp của mình về người vợ đầu tiên của mình như sau: "Đỗ Trị Phân là người Hàng Châu, không hiểu tiếng Quảng Đông, cuộc sống của cô ấy ở Hong Kong vì thế mà vô cùng chán nản và nhạt nhẽo, cộng thêm với thu nhập còm cõi của tôi, cô ấy chịu không nổi cảnh khổ sở, nên rời bỏ Tra Lương Dung này đi rồi". Sau này, ở tuổi 74, hồi tưởng lại chuyện quá khứ, Kim Dung nghẹn ngào nước mắt và nói: "Là cô ấy phản bội tôi".
Chu Mân: Nữ phóng viên xinh đẹp đồng cam cộng khổ với Kim Dung
Người vợ thứ 2 của Kim Dung là Chu Mân (còn có tên khác là Lộ Tây). Cô là một nữ phóng viên xinh đẹp, giỏi Anh ngữ, nhỏ hơn Kim Dung 11 tuổi. Thời điểm cả hai yêu nhau, Kim Dùng còn làm ở tờ báo "Đại Công Báo". Tới ngày 1/5/1956, cả hai tổ chức đám cưới tại khách sạn Mỹ Lệ Hoa Hong Kong.
Hai vợ chồng thuê nhà tại căn hộ số 2 đường Kennedy bây giờ. Sau đó, Chu Mân hạ sinh quý tử đầu lòng cho Kim Dung và đặt tên con là Tra Truyền Hiệp. Lúc này, Kim Dung đang xây dựng tờ "Minh Báo Hong Kong", còn nhiều khó khăn và gian khổ. Chính Chu Mân là người cùng gánh vác mọi việc với Kim Dung, cũng là nữ phóng viên duy nhất và sớm nhất của tờ báo này. Hai vợ chồng cùng nhau nỗ lực, "một tách cafe bàn chuyện công việc". Cặp đôi có với nhau 2 trai 2 gái, Chu Mân ngoài việc chăm sóc con cái ra thì ngày nào cũng tới tận nơi làm việc của chồng để đưa cơm.
Vậy nhưng, sau này, cặp đôi nảy sinh những bất đồng và không thể hoà giải nổi. Chu Mân là một người phụ nữ vô cùng tháo vát, tuy nhiên lại khá cố chấp. Cả hai vì công việc mà dẫn tới cãi nhau, khiến Kim Dung cảm thấy bị tổn thương, dẫn tới việc nảy sinh tình cảm với người khác. Theo nguồn tin, Kim Dung thường xuyên lui tới "tổ ấm" của ông và nhân tình tại thung lũng Happy Valley. Sau đó ông bị Chu Mân phát hiện ra bí mật này. Tới năm 1976, cả hai quyết định "đường ai nấy đi" trong sự nuối tiếc của nhiều người.
Tháng 11 năm 1998, Chu Mân qua đời vì căn bệnh lao phổi, hưởng thọ 63 tuổi. Nhiều năm sau, Kim Dung chia sẻ, nếu có thể thay đổi chuyện trong quá khứ, ông hy vọng mình sẽ chăm sóc người thân, bạn bè tốt hơn. Trong bài phỏng vấn ấy, Kim Dung nghẹn ngào nói: "Là tôi đã sai với Chu Mân".
Lâm Lạc Di (A May): "Tiếng sét ái tình" đi đến cuối cuộc đời
Lâm Lạc Di là người phụ nữ cuối cùng ở bên Kim Dung sau 2 cuộc hôn nhân tan vỡ. Lạc Di quen biết Kim Dung khi mới 16 tuổi, cô nhỏ hơn chồng mình hơn 20 tuổi. Thời điểm đó, Lạc Di làm phục vụ cho 1 khách sạn. Nguồn tin tiết lộ, cả hai gặp nhau khi Kim Dung và người vợ thứ 2 xảy ra cãi nhau, nhà văn có tới khách sạn kia và chú ý tới người đẹp họ Lâm, có thể nói là "tiếng sét ái tình". Lạc Di đã mời Kim Dung - khi đó là một kẻ ủ dột và chán chường, một bát mì. Và rồi, chuyện tình cảm nảy nở. Sau khi ly hôn với Chu Mân, Kim Dung kết hôn với Lâm Lạc Di.
Nhiều người nhận xét, Lâm Lạc Di sở hữu nhan sắc thanh tú, nhã nhặn, tuy nhiên lại khá nhút nhát. Đối với những người con riêng của chồng với người vợ cũ, Lâm Lạc Di cư xử hài hoà. Kim Dung từng nói: "Bà xã hiện giờ của tôi không phải mẹ ruột của các con, tuy nhiên cuộc sống của gia đình chúng tôi rất tốt đẹp". Đồng nghiệp của Kim Dung kể lại rằng, Lạc Di tuổi sàn sàn với hai cô con gái riêng của Kim Dung. Dù rằng là mẹ kế và con chồng, nhưng 3 người họ giống như chị em, thường xuyên trêu đùa cười nói rôm rả.
Kim Dung có 4 người con với người vợ thứ 2 Chu Mân. Tuy nhiên, ngã rẽ cuộc đời của 4 anh chị em lại không hề giống nhau.
Người con đầu của Kim Dung là Tra Truyền Hiệp. Anh sang Mỹ theo học đại học Columbia và là niềm hy vọng của bố mẹ bởi anh là người duy nhất đi theo con đường văn chương của bố. Tuy nhiên, bi kịch xảy đến vào tháng 10 năm 1976 khi người ta phát hiện Tra Truyền Hiệp treo cổ tự vẫn. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này chính là vì buồn lòng trước việc cha mẹ cãi nhau, cộng thêm với cuộc điện thoại cãi nhau nảy lửa với người bạn gái khiến cho Tra Truyền Hiệp quyên sinh tự sát.
Người con thứ 2 của Kim Dung là Tra Truyền Thích - là người giống với bố nhất với gương mặt tròn tròn, vóc dáng đậm người. Anh được bố gửi sang Anh du học kế toán, tuy nhiên về sau Truyền Thích lại không có hứng thú với ngành nghề này. Sau khi về nước, Tra Truyền Thích bắt đầu đi học nấu ăn, từ món Âu Mỹ tới các món Pháp, Ấn, đạt được rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp của mình. Dù rằng Kim Dung đã chọn nhầm con đường học hành cho con, nhưng ông vẫn thể hiện sự quan tâm và ủng hộ lớn nhất cho con mình khi anh rẽ ngang sự nghiệp.
Cô con gái thứ 3 của Kim Dung tên là Tra Truyền Thi, được ông gọi bằng cái tên "Tiểu Lung Nữ" bởi cô trở nên khiếm thính sau 1 trận sốt cao bị tiêm thuốc quá liều khi mới 5 tuổi ("Lung" có nghĩa là điếc, nghễnh ngãng). Từ nhỏ, Truyền Thi đã vô cùng xinh đẹp. Dù rằng bị khiếm thính nhưng Truyền Thi lại có sự nghiệp vô cùng rạng rỡ. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc trường đại học New York, từng làm ở tập đoàn Minh Báo Hong Kong, năm 1988 kết hôn với giám đốc đài phát thanh tài chính Trung Quốc tên Triệu Quốc An.
Người con út của Kim Dung là Tra Truyền Nột, là cô con gái mà Kim Dung thương yêu nhất. Đã có thông tin cho rằng, Truyền Nột chính là hình mẫu lý tưởng để Kim Dung xây dựng nên hình ảnh Tiểu Long Nữ. So với anh chị em trong gia đình, cô có cuộc sống cá nhân hạnh phúc và viên mãi khi kết hôn với 1 vị bác sĩ và có 3 người con. Gia đình của cô ấm êm, hoà thuận và không có điều tiếng gì.