Quá tải đơn hàng
Nhiều hôm làm việc đến khuya để "độ" cho xong lượng đơn hàng "khủng", đến nay, chị Phạm Thu Thủy (SN 2000, ngụ tại TP Đà Nẵng) không tránh khỏi bị cảm lạnh, đau đầu. Thu Thủy là chủ một tiệm nail (dịch vụ làm đẹp cho móng tay) tại Đà Nẵng. Kể từ khi mở dịch vụ làm đẹp cho búp bê Baby Three, Labubu… chị Thủy không có hôm nào được ngủ sớm.
Đây là dòng thú nhồi bông được bán với hình thức "blind box", nghĩa là người mua không biết trước được mẫu mã của búp bê mà mình sở hữu. Vì thế, thay vì tốn nhiều chi phí sưu tầm cho đến khi đạt đúng ý muốn, không ít người đã bỏ thêm tiền để "độ" búp bê theo sở thích.
"Vài tháng trước, từ khi có trào lưu sưu tầm Baby Three, Labubu, càng có nhiều người săn lùng những con búp bê có mẫu mã độc lạ, khác biệt so với đại trà. Khách hàng sẵn sàng bỏ thêm tiền để thợ vẽ lại mắt, mũi, tai… theo sở thích riêng. Vốn yêu thích hội họa, từng có thời gian "độ" mô hình nhân vật hoạt hình nên tôi quyết định mở thêm dịch vụ này", chị Thủy nói.
Chỉ trong thời gian ngắn, tay nghề của chị được nhiều người biết đến. Lượng đơn hàng kéo đến ngày càng đông nhờ chị Thủy đăng tải video quảng bá trên mạng xã hội. Tháng trước, chị Thủy phải thông báo ngưng nhận đơn vì quá tải.
Dù có hàng trăm tin nhắn trong hộp thư, nữ thợ nail chia sẻ rằng chị chỉ có thể nhận 3-5 đơn/ngày. Khách hàng thường yêu cầu chị lên ý tưởng, thiết kế sao cho thật khác biệt, thể hiện cá tính của chủ nhân. Thông thường, thợ thường mất 4-5 giờ để "độ" xong 1 con búp bê.
Dịch vụ "độ" búp bê thường có mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/con. Trung bình, chị Thủy có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày nhờ công việc mới lạ này.
Chị Ngọc Chi (SN 2002, ngụ tại TPHCM), chủ tiệm nail cung cấp dịch vụ "độ" búp bê, cho hay không ít hôm, nhân viên tại tiệm phải thức đến 3h mới kịp đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập.
Dịch vụ này chia làm 2 loại, gồm thay thế, "độ" mắt hoặc trang điểm cho búp bê. Nguyên liệu để thực hiện thường là các loại màu không trôi như acrylic, màu gel hoặc một số loại sơn đặc biệt trong ngành nail.
Công việc này đòi hỏi người thợ phải có gu thẩm mỹ, kỹ năng tay nghề cao và sự tỉ mỉ, kiên nhẫn.
"Dù hoạt động hết công suất nhưng chúng tôi chỉ có thể hoàn thành 3-4 con/ngày, không thể làm nhanh hơn được vì đòi hỏi sự đầu tư, tính cẩn thận cao", chị Chi cho hay.
Nghề đòi hỏi sự sáng tạo
Chị Thủy chia sẻ rằng thỉnh thoảng, chị còn nhận một số yêu cầu kỳ lạ từ khách hàng như chữa mắt lé cho búp bê Baby Three hoặc cam kết mẫu vẽ cho khách phải là độc quyền, không được tham khảo lại cho những sản phẩm khác.
"Nhận búp bê từ khách hàng, tôi sẽ quay video hình dáng trước khi "độ" rồi bắt đầu vệ sinh bằng cồn alcohol. Sau đó, tôi sẽ lên ý tưởng, phác thảo trên máy sao cho đúng sở thích của chủ nhân búp bê. Đây là bước khó nhất vì đòi hỏi sự sáng tạo cao. Thợ phải là người yêu thích và am hiểu về hội họa, các nhân vật hoạt hình thì mới có gu thẩm mỹ phù hợp", chị Thủy cho biết.
Đối với một công việc đòi hỏi sức sáng tạo cao, chị bộc bạch người thợ phải thật sự đam mê thì mới đủ năng lực và kiên nhẫn để làm.
5 năm trước, vì đặc biệt yêu thích những bộ phim manga, anime Nhật Bản, chị Thủy bắt đầu nhận "độ" mô hình của các nhân vật hoạt hình. Vì thế, khi trào lưu sưu tầm, làm đẹp cho Baby Three, Labubu xuất hiện, nữ thợ nail dễ dàng được khách hàng biết đến nhờ kinh nghiệm lâu năm.
"Khi đã có đam mê, bản thân tôi lại muốn đầu tư nhiều hơn cho mỗi tác phẩm mà mình làm ra. Dù đơn hàng dồn dập, tôi vẫn không thuê thêm thợ bởi như vậy sẽ rất "công nghiệp", sản phẩm làm ra chỉ chạy đua theo số lượng mà quên mất chất lượng và giá trị thật sự", chị Thủy nói.
Nữ thợ nail bộc bạch mỗi khi ngắm những sản phẩm hoàn thiện và nhận lời khen từ khách hàng, chị lại càng yêu nghề hơn. Đối với nhiều người, búp bê không chỉ là đồ chơi giải trí mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện cá tính của bản thân.