Cúng kiếng xong, ăn bữa cơm gia đình mà cũng chẳng nghe ai nhắc gì đến chuyện “đưa cay” (ý nói chuyện uống rượu bia). Hỏi ra mới biết, năm nay các cháu đi làm ăn nhưng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nên cũng không còn thiết tha gì chuyện nhậu nhẹt mấy ngày Tết nữa. Có lẽ cũng không riêng gì mấy đứa cháu tôi, mà năm nay không khí đón tết nhiều nơi cũng đìu hiu, nếu không muốn nói là ảm đạm.
Giáp tết, tôi xách xe gắn máy chạy một vòng quanh các tỉnh miền Tây. Mọi năm, đi đến đâu cũng thấy bà con hớn hở mua sắm dịp Tết, dọn dẹp nhà cửa trong niềm phấn khởi, tuy có hơi tất bật một chút nhưng nhiều người nở nụ cười rạng rỡ. Vậy mà năm nay, các xóm làng ở miền Tây mặc dù cũng có cờ hoa và nhạc xuân réo rắt, nhưng bà con dường như không hân hoan như trước.
Nơi đông vui nhất dịp giáp tết thường là chợ hoa xuân, nhưng năm nay cũng khá tiêu điều. Bà con cũng đi chợ hoa nhưng mua sắm rất dè dặt, dường như mọi chi tiêu điều cân nhắc, nhất là những khoản mua sắm không thật sự cần thiết.
30 Tết, tôi ra chợ hoa Long Xuyên, hỏi chuyện một người bán hoa kiểng tên Long quê ở Bến Tre. Anh cho biết năm nay bán không bằng phân nửa năm ngoái. “Chuẩn bị ghe cộ chở hoa từ Bến Tre lên Long Xuyên, rồi thuê chỗ dựng lều trại bán từ rằm tháng chạp đến giáp tết mà chưa lấy lại được vốn chớ nói gì lời lãi. Đã vậy, gần tết trời còn đổ mưa mấy trận, bông kiểng rụng gãy rất nhiều, chuyến này chắc không có tiền ăn tết rồi”, anh Long ngậm ngùi chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ như anh Long, ông Tư Sang ở làng hoa Sa Đéc cũng cho rằng sức mua hoa kiểng của bà con năm nay không bằng năm ngoái. Có lẽ do tình hình dịch COVID-19 nên người dân chỉ ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu. “Người dân đi làng hoa cũng không đông bằng năm ngoái, nhưng có đi thì bà con cũng nhìn ngắm là chủ yếu chớ ít mua lắm”, ông Tư Sang tâm sự.
Ông Út Cho (quê ở Chợ Mới, An Giang) cho tôi biết, cả nhà ông chỉ mua sắm ít nhang đèn và bánh mứt để cúng ông bà, tổng cộng chưa tới 200.000 đồng, còn hoa kiểng thì sân nhà có chi xài đó, không mua gì thêm. Ông bảo, không phải hà tiện, nhưng thấy mua sắm quá nhiều cũng chẳng để làm gì. Nhà ông cũng không ăn uống bánh mứt bao nhiêu, chủ yếu là mua cúng thôi. Hơn nữa, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, không biết công việc của các con ông sắp tới như thế nào, nên tiết kiệm để phòng thân là điều cần thiết.
Để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có văn bản yêu cầu chấm dứt các lễ hội mừng xuân, hạn chế các hoạt động có tụ tập đông người. Thế nên việc vui xuân đón Tết Tân Sửu năm nay cũng không tưng bừng như các năm trước. Bà con chủ yếu sinh hoạt tại gia đình, hoặc đi chúc tết họ hàng xung quanh. Thậm chí, nhiều gia đình ở miền Tây chủ động khuyên con cái đang làm ăn xa không cần phải về quê ăn tết, cứ ở đâu thì ở yên đó, qua đợt dịch sẽ tính sau.
Gia đình ông Út Tùng ở huyện Tri Tôn (An Giang) có đến ba đứa con đang đi làm công nhân ở Bình Dương, nhưng do trước tết có đợt dịch bệnh nên không đứa nào về. Ngày nào con ông Tùng cũng gọi điện về “ăn tết online” với gia đình. Ông Tùng nói buồn thì có buồn nhưng dù sao như vậy cũng an toàn cho con ông và bà con, chứ nếu con ông về mà khai báo y tế xong rồi bị kêu đi cách ly lúc đó còn lu bu hơn. Có lẽ nhiều gia đình cũng nghĩ như ông Tùng nên xóm làng miền Tây mùa xuân này thưa vắng người, cái Tết vì vậy cũng bớt rộn ràng hơn.
Có lẽ chỉ hai thứ không thay đổi trong cái Tết năm nay ở miền Tây, là hoa mai vẫn nở vàng trước mấy hiên nhà và tiếng âm nhạc của thùng loa di động thỉnh thoảng vẫn dội lên đâu đó. Thế nhưng, do mấy cơn mưa bất thường trên diện rộng khắp miền Tây nên cánh mai rụng nhiều. Có nơi, hoa mai rụng thành những thảm vàng xao xác, đẹp nhưng buồn. Còn tiếng nhừa nhựa của mấy giọng ca miệt vườn đẫm hơi men thì chắc gây phiền hà cho bà con nhiều hơn là cảm giác thích thú. Vì vậy, nhiều người cứ mong cho tết qua mau thiệt là mau, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Sáng mùng 5 Tết, trên các ngã đường từ An Giang, Đồng Tháp, đến Vĩnh Long, Tiền Giang, người dân lại lũ lượt kéo về thành phố và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị cho một năm làm việc, sau cái tết quá đỗi nặng nề. Đa số đi bằng xe gắn máy, hai người một xe. Có người chở theo con nhỏ. Có người chở theo mấy con chó, mèo. Đồ đạc chất đầy xe, treo lủng lẳng hai bên, quảy thêm trên lưng. Dường như đó là tất cả những thứ cần cho một gia đình nhỏ của họ.
Những gia đình nhỏ đang trôi dần về thành phố, bỏ lại sau lưng xóm làng, người thân. Những gia đình nhỏ trôi về thành phố vào năm mới, chắc chắn mang theo nhiều khát vọng tươi đẹp cho một khởi đầu rực rỡ, nhưng cũng không tránh khỏi lo âu chẳng biết bất trắc gì đang đón đợi.
Những gia đình nhỏ đó, có con cháu tôi, bà con của tôi, người dân miền Tây quê tôi...