Nhiều thứ chỉ chợ mới có. Từ không gian, màu sắc, mùi vị, âm thanh và nhiều thứ không tên khác. Không ít người sợ siêu thị sẽ xóa sổ chợ. Tôi không tin chyện đó có thể xảy ra ở Việt Nam, nơi mà văn hóa chợ đã đi vào máu thịt cư dân, như một phần tất yếu của cuộc sống. Siêu thị và chợ cũng như cơm tiệm và cơm tự nấu, chỉ bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn.
Tuần rồi có bạn đến chơi. Tôi rủ hắn cùng đi chợ và gặp ngay một cô xinh đẹp hơn bình thường, trang phục lịch lãm và nói năng nhỏ nhẹ. Hình như không phải dân Sài Gòn mà ở nước ngoài về. Tôi đoán vậy. Đến các quầy thực phẩm cô đều hỏi mua thực phẩm an toàn tuyệt đối. Câu cửa miệng là: “Loại này có đảm bảo không, có chất bảo quản hay hóa chất gì không? Nghe nói Việt Nam vệ sinh và an toàn thực phẩm kém lắm”. Sàng qua, sàng lại, chẳng mua được gì. Có chị bán thịt nói trỏng: “Muốn an toàn tuyệt đối thì cứ nhịn ăn là đảm bảo. Giàu như nước Mỹ còn không có chuyện tuyệt đối nữa là nghèo như Việt Nam”.
Cô không nói lại, chỉ ngúng nguẩy bước đi. Mấy chị tiểu thương cười khó hiểu, nửa thương hại, nửa cảm thông. Tự dưng râm ran chuyện chất bảo quản. Chị bán rau khẳng định: “Trên đời này có gì mà không cần chất bảo quản, trừ đá. Còn lại bảo quản tất. Đất không bảo quản thì bạc màu. Gỗ không bảo quản thì mục nát. Tất cả mọi thứ được sử dụng phục vụ cuộc sống đều phải bảo quản và có chất bảo quản, kể cả vật nuôi. Tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn liền với đủ thứ hóa chất. Từ tạo mùi, chế biến, sử dụng cho đến bảo quản. Chính con người là loài động vật dùng chất bảo quản nhiều nhất”.
Thế là tranh luận nổ ra, quên cả bán hàng. Người này tố người kia dùng hóa chất bảo quản nhiều hơn. Từ kem dưỡng da, rửa mặt đến chống nắng. Từ xà bông gội, xà bông tắm, dầu xả cho đến kem dưỡng tóc, gel tóc và thuốc nhuộm. Từ các loại nước hoa cho từng bộ phận, từng mùa; cho đến các loại sơn móng tay, móng chân.
Từ xăm lông mày, đeo mi giả cho đến xăm môi và xăm đủ thứ khắp cơ thể. Từ nâng mũi, xẻ cằm, may miệng, mở mắt đến độn mông, độn ngực, hút mỡ bụng, mỡ đùi. Cả vùng nhạy cảm xác định giới tính cũng không ngừng được làm đẹp và tân trang. Nói chung, con người, dùng hóa chất bảo quản nhiều nhất; đặc biệt là phụ nữ và những ai thích làm đẹp. Chưa kể các loại hương xịt phòng và các loại bột giặt, kem xả quần áo.
Ấy vậy mà phụ nữ lại là những người ỏng ẽo chê bai thực phẩm hay rau củ có hóa chất. Hình như ai càng dùng hóa chất nhiều cho mình thì càng sợ các đồ vật khác có hóa chất. Như kiểu sợ đụng hàng, mất giá. Mấy chàng đực rựa ít dùng hóa chất thì bị chê là hôi, là quê mùa. Kể cũng lạ. Hàng tự nhiên thì mê, còn người tự nhiên thì chê. Đàn ông thì ngược lại. Ông nào cũng khoái người có chất bảo quản vì thơm tho, hấp dẫn, xinh đẹp. Tối nào các ông cũng ôm ấp cưng chiều hàng của mình, Nhiều ông còn thường xuyên mơ tưởng hàng không phải của mình.
Vì đàn ông đã quen với người có hóa chất làm đẹp nên gần như chẳng ông nào sợ hàng có hóa chất bảo quản.Thời đại công nghệ 4.0, kiếm đâu ra cô nàng nào không dùng hóa chất làm đẹp. Tìm đâu ra loại thực phẩm nào không dùng hóa chất bảo quản. Trừ khi nằm mơ. Thậm chí mơ cũng không có. Rất nhiều người dị ứng với hàng Trung Quốc vì độc hại. Chắc gì hàng Việt Nam ít độc hại hơn? Chắc gì thực phẩm Việt Nam ít hóa chất bảo quản hơn?
Cũng như cứ chê khách Trung Quốc xấu xí, ồn ào. Đúng là họ ồn ào, xấu xí nhưng khách Việt cũng đâu thua kém, thậm chí tệ hơn. Nhiều nhà hàng buffet, cửa hiệu ở nước ngoài cảnh báo bằng tiếng Việt thói lấy thức ăn thừa mứa và trộm cắp. Tôi chưa thấy bảng cảnh báo tương tự bằng chữ Trung Quốc.
Bạn tôi cực ghét Trung Quốc, đúng hơn là nhà nước Trung Quốc. Hắn làm du lịch nên khách nào cũng khoái. Khách nào mang tiền đến cho hắn là hắn thích. Khách nào tào lao xí bụp là hắn đuổi cổ. Hắn bảo: “So với nhiều khách Việt, khách Trung Quốc còn lịch sự chán. Lại chi tiêu nhiều hơn, toàn ngoại tệ. Mắc mớ gì tẩy chay những người mang tiền đến cho mình một cách đàng hoàng”.
Hắn không thích Trung Quốc nhưng toàn mua hàng Trung Quốc. Từ đồ chơi, vật dụng, trái cây cho đến xì dầu. Hắn bảo người Trung Quốc xài được thì mình xài được. Quan trọng là hàng Trung Quốc rẻ và tốt hơn. Theo hắn, ở xứ này làm gì có vật dụng và thực phẩm sạch đúng nghĩa. Tôi bảo hắn: “Người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam. Dùng hàng nội là yêu nước”.
Hắn trợn mắt: “Tao chả yêu nước kiểu đó. Hàng Việt cũng đầy hàng dỏm, giá lại đắt và xấu hơn thì yêu thế nào được. Con gái cũng khối đứa bỏ cha mẹ, quê hương lấy chồng ngoại, chê hàng nội. Nhà nghèo thì “vượt biên hợp pháp” bằng xuất khẩu lao động. Con nhà giàu, con lãnh đạo thì “vượt biên hợp pháp” bằng du học, định cư. Sao không ở nhà mà yêu nước?”.
Hai đứa cãi nhau, quên cả mua đồ. Lần đầu tiên đi chợ về tay không.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng