Cách đây một vài tháng, "Mạng thông tin kinh tế" của CCTV Finance, Trung Quốc đã đưa ra một con số: Hiện tại, có hơn 200 triệu người độc thân, họ sống, ăn uống và đi du lịch một mình. Số lượng người độc thân ngày càng tăng.
Không cần sự đồng hành của bạn đời và gia đình, những người độc thân sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc để cho bản thân tận hưởng.
Tất nhiên, tự tại và tự do chỉ là một khía cạnh của cuộc sống độc thân.
Cùng lên hot search (tìm kiếm hot) với tìm kiếm " Hơn 200 triệu người độc thân" còn có một câu hỏi khác: Tôi hỏi mẹ "Con không kết hôn có được không?"
Mẹ nói: "Bên ngoài đốt pháo rộn ràng, hàng xóm láng giềng cơm thơm nức mũi, gia đình vợ chồng con cái nắm tay nhau dạo phố, trông thấy cảnh tượng đó mà con có thể kìm lòng không khóc thì được thôi".
Có tự do sẽ có cô đơn, có ấm áp sẽ có ràng buộc. Độc thân hay kết hôn đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó.
Sợ là bạn muốn một tình yêu ngọt ngào và một mái ấm gia đình, nhưng lại không thể mở rộng vòng tròn xã hội của mình, không thể gặp tình yêu và trở thành "người độc thân thụ động".
Có một bài hát mang tên "Nỗi sợ xã hội nơi công sở" do Wang Mian sáng tác đã nói lên được tiếng lòng của không biết bao người trẻ Trung Quốc.
Lời bài hát nói về cảnh các đồng nghiệp không muốn giao lưu và cố gắng hết sức để tránh gặp mặt nhau:
"Vừa bước vào thang máy, cầm ngay lên điện thoại di động không có tín hiệu, giả vờ như không nhìn thấy đồng nghiệp đi cùng thang máy;
Đi cùng chuyến tàu điện ngầm với đồng nghiệp, nói dối rằng bạn đã đến ga, xuống tàu sớm, rồi đợi chuyến tàu tiếp theo;
Nghe thấy đồng nghiệp gọi điện thoại trong nhà vệ sinh, ở trong đó cho đến khi bên kia kết thúc cuộc gọi rồi mới bước ra..."
Một lượng lớn những bình luận khi nghe xong bài hát đều là: cảm giác như đang nói về chính mình vậy!
"Chứng sợ xã hội" không còn là một từ mới, và nhiều người bị cảm giác sợ hãi này chi phối sâu sắc.
Vừa lập group chat, người đầu tiên mở lời nhất định không phải là tôi;
Trong một môi trường xa lạ, cảm thấy không thoải mái và không thể thư giãn;
Không dám nói lên ý kiến trong giao tiếp, vì sợ bị phản bác, chế giễu;
Hoạt động tập thể nếu không thể không đi, không thể từ chối được, vậy thì tốt nhất là cứ làm "người tàng hình" …
Một cư dân mạng chia sẻ về câu chuyện của mình rằng mình đã 30 tuổi, nhưng vẫn không biết cách kết bạn. Tính cách hướng nội, không giỏi ăn nói, luôn có một cảm giác xa lạ không thể phá vỡ với mọi người.
Tại nơi làm việc, không biết nên kết bạn với ai, tự ăn trưa và tự tan làm. Trong các cuộc họp của bộ phận, các bữa tiệc tối, cũng không biết nên ngồi cùng hay thảo luận cái gì với ai.
Tâm lý nặng nề, tâm trạng chán nản, làm việc không có động lực, thay đổi mấy công ty rồi vẫn thế, cảm thấy cuộc sống ngày càng tẻ nhạt.
Bản chất của con người là mong muốn được yêu thích, được công nhận và được chăm sóc.
Vì vậy mà những người thiếu thốn về mặt xã giao khó có được sự thoải mái trong thế giới tinh thần của mình, theo thời gian, sự phát triển tâm lý và nhân cách của họ sẽ bị ảnh hưởng. Dần dần bị gạt sang một bên lề của cuộc sống, dần dần bị xã hội đào thải…
Giao tiếp với mọi người là một khả năng xã hội không thể thiếu, và nỗi sợ hãi xã hội của người lớn thường xuất phát từ việc thiếu giao tiếp xã hội từ thời thơ ấu.
Thế hệ thanh niên Trung Quốc đã phải trải qua hàng loạt những thay đổi trong đời sống xã hội như đô thị hóa.
Xiang Biao, giáo sư nhân chủng học xã hội tại Đại học Oxford, từng chỉ ra một hiện tượng: sự biến mất của "gần gũi".
Trước đây, mọi người sống trong một ngôi làng, một khu nhà máy và khu tập thể nhân viên, vì vậy rất dễ dàng để xây dựng một mối quan hệ yêu thương "gần gũi".
Tuy nhiên, với sự phát triển và tiện lợi của Internet ngày nay, nhu cầu "gần gũi" của con người ngày càng ít đi, sự giao tiếp giữa bạn bè và hàng xóm hầu như không còn, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng xa lạ, sự tin tưởng lại càng khan hiếm.
Giáo sư Xiang Biao nói rằng khi họ còn trẻ, trong thư viện, quán cà phê và thậm chí trên xe buýt, nếu họ gặp người khác giới, họ có thể làm quen và giao tiếp thoải mái, trong khi giới trẻ ngày nay thì lại yêu đương thông qua mai mối, giới thiệu, hay các ứng dụng hẹn hò.
"Chúng ta dường như đã đánh mất sự tự tin, không còn cảm thấy rằng chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau."
Trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc "Reply 1988", năm hộ gia đình bình thường đã đưa mọi người trở lại mối quan hệ "gần gũi".
Mở đầu tập một, các em nhỏ trong ngõ tụ tập xem phim và ăn vặt, đến giờ ăn tối thì các mẹ chuẩn bị bữa ăn và để lại phần ăn để đem sang chia sẻ cho hàng xóm.
Trẻ con đi khắp ngõ ngách để "giao" đồ ăn, mỗi gia đình không chỉ có thêm một món trên bàn ăn mà còn truyền đạt tình cảm gần gũi của các gia đình với nhau.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thích chia sẻ, thích giao lưu và rất dễ tìm được những người bạn hợp mình.
Một nhà tâm lý học trẻ em đã từng nói: "Cách để dự đoán khả năng sinh tồn khi trưởng thành của một đứa trẻ không dựa trên kết quả học tập hiện tại của chúng, hay liệu chúng có ngoan hay không, có thể tuân thủ kỷ luật lớp học hay không, mà chỉ là xem liệu đứa trẻ có thể hòa đồng với những đứa trẻ khác hay không."
"Hòa đồng" không phải là bề ngoài có thể hòa hợp với ai, mà là khả năng xây dựng mối quan hệ và giải quyết vấn đề.
Trong các bình luận về chủ đề nuôi dạy con cái, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì không thể xử lý các vấn đề giao tiếp của con mình:
Con thích giành đồ chơi của người khác và không muốn chia sẻ chúng, tôi nên làm sao?
Bản thân tôi không phải người nói nhiều, con gái đang học mẫu giáo cũng có cảm giác không chơi được với các bạn, luôn tự chơi một mình, sợ rằng con sau này sẽ bị các bạn tránh xa.
Con phàn nàn rằng không ai ở nhà trẻ muốn chơi với nó, làm thế nào tôi có thể giúp con?
Chúng ta thường nói rằng một người dù có thành tích tốt đến đâu, nhưng nếu thiếu khả năng giao tiếp, họ vẫn rất khó để lập thân.
"Năng lực xã hội" là gì?
Myrna B. Shure, nhà tâm lý học phát triển trẻ em và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Alani, Hoa Kỳ, tin rằng năng lực xã hội là khả năng giải quyết xung đột và hòa hợp với người khác.
Trong cuốn sách "Raising a Thinking Preteen" của mình, Tiến sĩ Shure đã đề xuất "Phương pháp ICPS", tức là "Phương pháp tôi có thể giải quyết vấn đề", bao gồm các kỹ năng giải quyết xung đột và hòa hợp với người khác.
"Tôi có thể giải quyết vấn đề" là để trẻ suy nghĩ độc lập thông qua đối thoại, trò chơi, hoạt động và các hình thức khác, đồng thời tìm ra giải pháp cho vấn đề dựa trên sự hiểu biết và cảm nhận của chính mình.
Nó bao gồm 4 bước:
Vấn đề là gì? Học cách tìm ra cốt lõi của vấn đề và biết được nguyên nhân của vấn đề.
Cảm thấy thế nào? Hãy rõ ràng về cảm xúc của bản thân và học cách nhận thức và phân biệt cảm xúc của người kia.
Làm thế nào? Hướng dẫn con trẻ nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, sắp xếp quá trình phát triển của vấn đề cùng nhau và đề xuất phương án kết thúc.
Xem xét các hậu quả. Xem xét hậu quả của hành động và quyết định những gì nên làm và không nên làm.
Quá trình này không chỉ hữu ích cho trẻ em mà còn hướng dẫn người lớn giải quyết vấn đề.
Nó cho chúng ta biết cách suy nghĩ về những việc phải làm khi gặp phải các vấn đề giữa các cá nhân, cách đánh giá một ý tưởng có tốt hay không, và cách phân biệt cảm xúc của bản thân và của người khác.
Tác giả Shure đưa ra quan điểm: "Những người có thể suy nghĩ theo cách "giải quyết vấn đề" dễ thành công hơn và có thể thích ứng với xã hội tốt hơn những người không thể suy nghĩ theo cách này."
Cuộc sống hiện đại khiến người trẻ nhiều sự lựa chọn hơn, có thể làm việc một mình ở thành phố lớn, cũng có thể ổn định cuộc sống ở những nơi nhỏ hơn, có thể chọn sống độc thân hoặc lập gia đình, sinh con.
Bất kể chọn lối sống nào, năng lực xã hội, khả năng giao tiếp đều có thể mang lại cho chúng ta khả năng giải quyết vấn đề và khả năng hòa đồng với những người khác, từ đó có thể sống cuộc sống thoải mái, ít chịu áp lực tâm lý hơn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị