Chúng ta thường từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi mặc kệ cuộc đời họ với số tiền đó, miễn mình cảm thấy thoải mái. Đó là sự ích kỷ. Làm từ thiện là cả một quá trình thể hiện sự cứu rỗi, không phải chỉ đơn giản là hành vi đem tiền đi cho…
Không ít trường hợp không may mắn, thật sự khó khăn đã nhận được hỗ trợ đúng lúc, giúp cải thiện chất lượng sống. Nhiều lớp học, nhà tình thương được dựng lên. Nhiều trẻ em được trả lại nụ cười và người bệnh giữ lại được mạng sống… Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, làm từ thiện không dễ, thậm chí nếu làm không đúng cách còn có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn.
Nạn nhân bị bạo hành thành kẻ trộm
Vụ án vợ chồng Giang - Thơm hành hạ Hào Anh khép lại vào cuối năm 2010, mỗi bị cáo nhận 23 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác.
Thoát khỏi cảnh bạo hành và được các nhà hảo tâm ủng hộ 800 triệu đồng ở tuổi 14, Hào Anh sau khi được nhận đủ tiền ở độ tuổi 18, đã mua đất, cất nhà. Tiền còn lại, cậu mua nhiều xe máy, hàng loạt điện thoại đắt tiền, tiêu xài hoang phí vào các cuộc chơi thâu đêm.
Sau khi tiêu hết sạch tiền từ các nhà từ thiện, Hào Anh bị bắt vì cạy cửa nhà dân trộm máy tính.
Dẫu biết rằng, từ thiện là hoạt động thể hiện tính nhân văn, nhân đạo giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa của người Việt nên không nhất thiết cần phải có quy định nào ràng buộc. Thế nhưng, nếu cứ từ thiện theo kiểu phong trào, mù quáng thì người nghèo, người tốt trong những câu chuyện cổ tích mà bạn vẫn được nghe xưa kia sẽ trở thành người người xấu. Vì nhiều tiền rồi thì không cần phải làm việc để có tiền và kết quả là "nhàn cư vi bất thiện"
Những suy nghĩ ẩn giấu đằng sau hoạt động từ thiện
Để hiểu rõ hơn về hoạt động từ thiện chúng ta phải trở về với lý thuyết kinh điển của Marcel Mauss (nhà triết học, nhân học nổi tiếng của Pháp) được đề cập trong cuốn sách "Luận về biếu tặng" (tựa gốc Essai sur le don).
Ảnh Marcel Mauss trên Wikipedia.
Mauss cho rằng từ thiện là một hoạt động biếu tặng có từ thuở bình minh của loài người. Nó thể hiện văn hoá và dân tộc chí. Và có vẻ như xã hội càng lạc hậu thì người ta càng coi trọng bố thí. Ông coi từ thiện là một diễn biến tâm lý phức tạp, nó dù ở hình thức nào đều không vô tư như người ta cố thể hiện, mà "về lý thuyết là tự nguyện, nhưng thực ra là bị bắt buộc phải làm và phải đáp tặng". Người giàu có phải bố thí, người nghèo khó phải đáp tặng trở lại. Và nếu, trái lại, người nghèo không có cái để đáp trả thì bố thí sẽ trở thành một hình thức nô dịch.
Điều này lý giải, cách tốt nhất để sai khiến kẻ khác là sỉ nhục họ bằng các bữa ăn miễn phí mà chủ nhân của chúng không đòi hỏi hay chấp nhận sự đáp trả từ phía người nhận.
Mauss vì thế đoạn tuyệt với từ thiện. Ông cho rằng chính cái cơ chế ban tặng – hồi đáp sẽ đưa xã hội đến chỗ bất ổn. Ở Bali, Indonesia, làn sóng khách du lịch tới thăm các trại trẻ mồ côi cho tiền hay nhận con nuôi khiến nhiều phụ huynh đẩy con mình vào trại, biến gia đình lành lặn thành gia đình què quặt.
Kẻ giàu có sẽ trở thành chủ nô ở hình thức này hay hình thức khác, nhưng người nghèo chỉ có một hình thức đó là đi đến chỗ bần cùng khi họ, nếu không muốn điều sỉ nhục, buộc phải hồi đáp trở lại. Ấy thế, người lại coi cơ chế bố thí – hồi đáp này là sự chứng minh cho mối thâm tình dù ai trong thâm tâm cũng mệt mỏi vì nó.
Nhưng nếu, bi kịch hơn, người nghèo không còn cảm thấy ngượng ngùng khi nhận bố thí nữa, thì một số người có thể sẽ chẳng động chân, động tay gì nữa mà chỉ chực chờ bố thí (tức không thèm lao động – hình thức hồi đáp tối thiểu theo Mauss).
Người ta sẽ nhớ mãi câu chuyện về em Hào Anh kể trên, nhận tiền từ thiện rồi tiêu xài hoang phí, hắt hủi bố mẹ, hết tiền thì ăn cắp. Hay là câu chuyện về anh Tuấn sống cùng hai con gái trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7 – TP. Hồ Chí Minh), tiêu hết số tiền từ thiện thì lại trở về sống cảnh bần hàn hòng cầu mong lòng thương xót. Còn nhiều lắm những câu chuyện như thế cho thấy nếu từ thiện không đúng cách không những không giúp được người nghèo, còn đẩy họ tới việc lười biếng chỉ biết trông chờ lòng thương hại của người khác; xấu hơn là ăn cắp, cướp giật để có tiền xài.
Từ thiện thế nào cho hợp lý?
Sự hào phóng, theo Mauss, dù ở văn minh nào cũng cần được khuyến khích nhưng nó chỉ thực sự hữu ích khi được thực hiện trong cơ chế "vô danh", tức không phải hình thức cá nhân tới cá nhân. Và để thực hiện, ông gợi ý tới các hình thức bảo hiểm lao động, các chương trình phúc lợi xã hội, dạy nghề…
Hoạt động từ thiện không chỉ đơn giản là rút tiền ra khỏi ví để cho người khác.
Ông bà ta đã dạy: "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", đi cửa trước, ra cửa sau rồi tan biến hết. Tiếc rằng, chúng ta vì sự hào nhoáng của hai chữ "từ thiện" mà bỏ qua. Chúng ta từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi mặc kệ cuộc đời họ với số tiền đó, miễn mình cảm thấy thoải mái là được. Đó là sự ích kỷ. Làm từ thiện là cả một quá trình thể hiện sự cứu rỗi, không phải chỉ đơn giản là hành vi đem tiền đi cho.
Trong một xã hội hiện đại với tương quan phức tạp, trách nhiệm của công dân có ý thức không chỉ là lá lành đùm lá rách mà cần phải cố gắng hiểu những tương quan đó, tự hỏi mình về trách nhiệm cá nhân cũng như đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay đổi những nguyên nhân của vấn đề hoặc chí ít không làm vấn đề trầm trọng hơn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị