Hạnh phúc từ bữa ăn
Tháng 5-2021, South China Morning Post (SCMP) chia sẻ câu chuyện của doanh nhân người Tây Ban Nha Oskar Valles. Người đàn ông 48 tuổi này sống tại Hong Kong 10 năm và luôn cho rằng mình sống hòa bình với thói quen ăn uống, cho đến khi dự một hội thảo về ăn uống chánh niệm.
Valles thường có các bữa ăn vội vàng để mau chóng chuyển sang việc tiếp theo. Đôi khi ông ăn lúc căng thẳng, hoặc ăn vì đã đến giờ chứ không đói. Rời hội thảo, Valles hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc “ăn có chủ đích trong sự lưu tâm” và kết nối tốt hơn với thực phẩm.
“Tôi tập thở đơn giản trước bữa ăn, nhai thức ăn lâu trước khi nuốt, tập trung vào các đặc tính chữa bệnh và nuôi dưỡng của thức ăn. Tôi chọn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn, như rau và ngũ cốc nấu chín thay vì đồ chế biến sẵn từ siêu thị” - Valles nói.
Ăn trong chánh niệm khiến anh học được cách trân trọng món ăn, thưởng thức hương vị, kết cấu và hương thơm của món ăn, cảm thấy hạnh phúc hơn với mỗi bữa ăn.
Ăn uống chánh niệm càng quan trọng hơn khi hầu hết mọi người đang quay cuồng trong cuộc sống bận rộn. Những cuộc gọi, thiết bị điện tử, tivi, những nỗi lo lắng, kế hoạch..., tất cả khiến chúng ta không thể thưởng thức bữa ăn một cách trọn vẹn, khó khăn để an trú trong hiện tại, tỉnh thức khi ăn - biết rõ mình đang ăn gì, ăn như thế nào.
Tiến sĩ Lilian Cheung - chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan School of Public Health - định nghĩa “chánh niệm là sự tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, bình tĩnh nhìn nhận, chấp nhận cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác của cơ thể”.
Cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh, Lilian viết cuốn Savor: Mindful Eating, Mindful Life (Thưởng thức: Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức) xuất bản năm 2010.
Quyển sách nêu ra bảy cách thực hành ăn chánh niệm, gồm: tôn trọng thức ăn, vận dụng mọi giác quan khi ăn, ăn lượng vừa phải, nhấm nháp từng miếng nhỏ và nhai kỹ, ăn chậm để tránh ăn quá nhiều, không bỏ bữa, áp dụng chế độ ăn uống dựa trên thực vật - vì sức khỏe của chúng ta và hành tinh.
“Khái niệm ăn trong chánh niệm vượt ra ngoài phạm vi cá nhân, bao gồm việc những gì bạn ăn ảnh hưởng đến thế giới như thế nào. Chúng ta ăn vì sức khỏe toàn diện” - TS Lilian nói. Đó là khái niệm thúc đẩy sự ra đời của dự thảo về chế độ ăn uống tại Hoa Kỳ năm 2015, lần đầu tiên cân nhắc đến tính bền vững của cây lương thực cũng như lợi ích sức khỏe của thực phẩm.
Chánh niệm lần đầu được nhắc đến trong nghiên cứu của tiến sĩ người Mỹ Jon Kabat-Zinn. Ông là một trong những người đầu tiên nghiên cứu các tương tác giữa thân và tâm trong y học theo các nguyên tắc chánh niệm truyền thống của Phật giáo.
Ông đã phát triển chương trình điều trị chứng đau mãn tính và các bệnh liên quan đến căng thẳng, được gọi là “Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm” (MBSR), vào cuối những năm 1970. Giữa những năm 1990, tiến sĩ Jean Kristeller, giáo sư tâm lý học tại ĐH bang Indiana, bắt đầu khám phá việc áp dụng thực hành chánh niệm vào ăn uống, từ đó hình thành khái niệm “ăn uống chánh niệm”.
Nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nhấn mạnh chánh niệm có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe. Thực hành chánh niệm có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát căng thẳng, giảm lo lắng và trầm cảm, tăng khả năng thư giãn, đồng thời nâng cao lòng tự trọng và sự nhiệt tình đối với cuộc sống.
Theo tiến sĩ Acacia Parks - nhà tâm lý học, giám đốc khoa học tại Happify Health, nên dành 1-2 phút mỗi ngày để tập trung vào những gì bạn đang làm, đặc biệt là hoạt động bạn thường làm mà không cần suy nghĩ.
“Khi ngồi trước một bữa ăn, hãy mang tất cả giác quan lên bàn ăn và tập trung vào cảm giác về thức ăn trong miệng hoặc mùi vị. Những người luyện tập phương pháp này trong vòng 30 ngày cảm thấy hạnh phúc hơn” - cô nói.
Trong cuốn Savor Every Bite: Mindful Ways to Eat, Love Your Body, and Live with Joy (Thưởng thức từng miếng cắn: Những cách chánh niệm để ăn, yêu cơ thể và sống hạnh phúc) xuất bản tháng 5-2021, tác giả - tiến sĩ Lynn Rossy, nhà tâm lý học sức khỏe, nhấn mạnh:
“Khi bạn học cách trân quý những khoảnh khắc mà mình có với thức ăn và cơ thể, toàn bộ cuộc sống của bạn tự nhiên sẽ tràn ngập vẻ đẹp của chánh niệm và tình yêu. Câu trả lời đang chờ đợi bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là chậm lại để lắng nghe”.
Chánh niệm trong mùa dịch
Trở thành người ăn uống chánh niệm có thể là thách thức đối với một số người. Vị chuyên gia khuyên để luyện thành thói quen, người thực hành có thể chọn cách ăn chậm rãi hơn, chăm chú hơn, không xem tivi hoặc sử dụng điện thoại trong một bữa ăn mỗi ngày, sau đó tăng dần.
Ngày càng có nhiều tổ chức được lập để lan tỏa thực hành ăn uống chánh niệm. Hai năm qua, Tổ chức Mindful Movement đã tổ chức các hội thảo về chủ đề này. Dịch COVID-19 không làm giảm đi nhu cầu được tìm hiểu về ăn uống chánh niệm.
Mỗi hội thảo kéo dài 75 phút, hướng dẫn về lòng biết ơn và thiền tử tế, cung cấp các bài tập ăn uống chánh niệm, sau đó dành thời gian im lặng để người tham gia thưởng thức bữa ăn của mình.
“Nhiều người tham gia nói rằng chú tâm trong bữa ăn giúp họ cảm nhận hương vị, mùi thơm và kết cấu của món ăn tốt hơn. Nhưng một số người cảm thấy đây là trải nghiệm khó khăn, bởi họ không quen ăn một mình trong im lặng.
Họ cảm thấy bị kích động, khó ngồi yên hoặc liên tục nhìn đồng hồ vì mất kiên nhẫn. Dù vậy, cuối hội thảo, họ nói trải nghiệm nhìn chung giúp họ tự ý thức và hiểu bản thân nhiều hơn” - Delia Leung, đồng sáng lập Mindful Movement, nói.
Khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, chánh niệm nói chung và ăn uống chánh niệm nói riêng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là khả năng làm giảm căng thẳng và trầm cảm.
Một nghiên cứu thực hiện trên các nữ y tá tại Hàn Quốc, đăng trên tạp chí Perspective in Psychiatric Care năm 2020, kết luận: các phương pháp can thiệp mang lại sự chánh niệm được đánh giá đặc biệt quan trọng cho các nhân viên y tế, giúp giảm bớt căng thẳng đến từ khối lượng công việc nặng nề và liên tục của họ.
Theo Hiệp hội Chuyên gia dinh dưỡng Vương quốc Anh (BDA), đại dịch COVID-19 và những đợt giãn cách xã hội gây ra những thay đổi to lớn cách mọi người mua sắm, ăn uống, nấu nướng và suy nghĩ về thực phẩm.
Một số người áp dụng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn, trong khi những người khác rơi vào tình trạng nghiện ăn uống do sự cám dỗ và buồn chán khi ở nhà.
Với sự thay đổi đa dạng trong thái độ và hành vi liên quan đến thực phẩm, các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia y tế nhận định ăn uống chánh niệm là cách tiếp cận hiệu quả để đương đầu với ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo BDA, số lượt tải xuống các ứng dụng chánh niệm như Headspace và Calm đã tăng gấp 5 lần trong tháng đầu tiên khi đại dịch bùng phát. Ở Đức, ăn uống chánh niệm nằm trong các hướng dẫn chế độ ăn uống của quốc gia.■
79% người tiêu dùng muốn ăn uống chánh niệm Whole Foods Market, Inc. - công ty con của Amazon.com, đồng thời là chuỗi siêu thị đa quốc gia tại Mỹ - đã công bố kế hoạch hợp tác với nền tảng thiền định Headspace để giới thiệu các công cụ và chương trình giúp người dùng tỉnh thức hơn khi mua sắm, nấu ăn và ăn uống. Nhà bán lẻ này trích dẫn kết quả khảo sát của Công ty phân tích và nghiên cứu thị trường The Harris Poll cho thấy 79% người tiêu dùng muốn học cách ăn uống chánh niệm. |
“Việc mất các giác quan khiến ta trở nên bối rối. Việc nhai chậm và trải nghiệm các kết cấu khác nhau của thức ăn có thể giúp bạn tìm lại niềm vui khi ăn một lần nữa. Vị giác và khứu giác của tôi may mắn trở lại trong khoảng thời gian hai tuần. Trước đó, tôi được ăn một món cơm đơn giản. Tanya Vasunia (nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu tại Mumbai, Ấn Độ, người mắc COVID-19 và mất cả khứu giác lẫn vị giác, chia sẻ) |