Vụ tai nạn tàu Titanic không chỉ là tai nạn hàng hải đi vào lịch sử mà bộ phim cùng tên được chuyển thể từ nó đã trở thành kinh điển trong giới điện ảnh. Thảm họa kinh hoàng này đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn người, với kết quả chỉ có khoảng 700 người sống sót trong số hơn 2.200 hành khách, thủy thủ đoàn.
Bộ phim điện ảnh Titanic năm 1997 của đạo diễn James Cameron đến nay vẫn còn là tượng đài của nền điện ảnh. Câu chuyện tình bi thương của Jack và Rose tất nhiên là do hư cấu, thế nhưng bạn có biết rất nhiều nhân vật phụ trong phim là người có thật ngoài đời? Hãy xem các hình ảnh sau để biết đội ngũ casting của phim đã tài tình đến thế nào!
Margaret Brown, người phụ nữ giàu có tốt bụng đã cho Jack mượn bộ đồ của con trai mình để đi ăn tối với giới quý tộc, là một hành khách thực sự trên tàu Titanic. Trong đời thật, bà Margaret đã giúp hành khách khác lên thuyền cứu sinh và từ chối tự mình xuống thuyền. Sau đó, bà thậm chí còn tranh cãi với chỉ huy của chiếc thuyền để yêu cầu thuyền quay trở lại vị trí của xác tàu nhằm cố gắng cứu nhiều người sống sót hơn nữa.
Khi những người sống sót được cứu bởi thuyền cứu hộ Carpathia, Margaret là người đã lập danh sách những người sống sót và tìm kiếm thức ăn, chăn đắp ủ ấm cho mọi người. Về sau, bà còn tổ chức một hội nghị để quyên góp quỹ và giúp đỡ tâm lý cho những người sống sót từ tàu Titanic. Nhờ những đóng góp cao cả đó, Margaret Brown đã được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và được truyền thông đặt tên là "Molly Brown không thể chìm".
Tàu Titanic nằm dưới sự chỉ huy của Edward Smith, khi ấy 62 tuổi. Ông là một người lớn lên trong một gia đình bình thường và bỏ học năm 12 tuổi để bắt đầu phục vụ trong Hải quân Hoàng gia. Smith lúc bấy giờ là thuyền trưởng giàu kinh nghiệm nhất của công ty White Star Line với 40 năm kinh nghiệm. Chuyến du hành trên con tàu Titanic vốn sẽ là chuyến làm việc cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu, nhưng định mệnh đã thật trớ trêu.
Có nhiều ý kiến tranh cãi về những phút cuối đời của vị thuyền trưởng. Tuy nhiên, một số nhân chứng kể lại rằng ông đã chết như một vị anh hùng.
Joseph Bruce Ismay là chủ tịch, người đứng đầu của White Star Line - công ty chủ thầu của con tàu Titanic. Bấy giờ, để đánh bại các đối thủ, ông đã đóng một con tàu khổng lồ nhất, xa hoa nhất, hoành tráng nhất. Nhưng cũng chính bởi sự sang trọng tốn kém ấy, để giảm thiểu chi phí sản xuất, Ismay đã yêu cầu giảm số lượng tàu cứu hộ từ 48 xuống còn 16.
Ismay đã may mắn sống sót sau khi tàu đắm. Nhưng khi trở lại đất liền, Chủ tịch Ismay phải chịu làn sóng khủng khiếp của dư luận. Truyền thông chỉ trích ông thậm tệ vì lên thuyền cứu hộ khi nhiều phụ nữ và trẻ em vẫn ở trên tàu. Các cuộc điều tra chính thức sau đó đã chứng minh Chủ tịch White Star Line thậm chí đã dũng cảm cứu giúp nhiều hành khách và ông chỉ ngồi vào chỗ trống trên chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng, ông vẫn phải sống phần đời còn lại dưới cái danh hiệu "kẻ hèn nhát".
Thomas Andrews chính là người chế tạo con tàu Titanic và ông đã đi chuyến du hành đầu tiên để xem nó hoạt động như thế nào. Sau vụ va chạm, Andrews là một trong số ít người đầu tiên biết rằng con tàu chắc chắn sẽ chìm.
Kỹ sư đã cố gắng thuyết phục hành khách xuống xuồng cứu sinh, lục soát khắp các phòng bắt mọi người mặc áo phao và ra boong tàu. Và sau đó, Andrews đã không sống sót. Người ta nhìn thấy ông lần cuối một thời gian ngắn trước khi con tàu chìm. Andrews lúc đó đang ném những chiếc ghế từ trên boong xuống nước với hy vọng mỏng manh rằng mọi người có thể sử dụng chúng như những chiếc bè cứu sinh.
William Murdoch đã có 16 năm kinh nghiệm trong các chuyến đi trên biển và ông là trợ lý đầu tiên của thuyền trưởng tàu Titanic. Ông là nhân viên làm nhiệm vụ quan sát biển vào ngày xảy ra vụ tai nạn, nhưng tảng băng trôi được phát hiện quá muộn. Chỉ mất 37 giây, vụ tai nạn đã xảy ra.
Hình ảnh nhân vật tiêu cực, gây tranh cãi được xây dựng trong phim của Cameron đã khiến thân nhân của Murdoch tức giận. Những người sáng tạo bộ phim đã phải về quê ông, xin lỗi các người thân, đồng thời quyên góp tiền cho quỹ từ thiện mang tên ông để tạ lỗi.
Frederick Fleet là đồng nghiệp cùng trực với William Murdoch. Ông là người đầu tiên phát hiện ra tảng băng trôi. Số phận của Fleet may mắn hơn vì ông đã thoát chết. Khi được cơ quan chức năng thẩm vấn, Fleet cho biết họ không có ống nhòm để quan sát biển trong đêm. Nếu có ống nhòm, có thể các nhân viên đã phát hiện ra tảng băng sớm hơn.
Dẫu vậy, các chuyên gia phân tích cho biết ngay cả khi có ống nhòm, họ cũng khó có thể nhìn thấy được tảng băng trôi "Thần chết" và mọi chuyện vẫn sẽ chẳng có gì thay đổi.
Charles Lightoller là trợ lý thứ hai cho thuyền trưởng trên tàu Titanic. Khi tàu bắt đầu chìm, thuyền viên này đã nhảy khỏi tàu. Ông leo lên thuyền cứu hộ cùng với 29 người đàn ông khác. Lightoller đã dạy họ cách giữ thăng bằng cho con thuyền, giúp thuyền không bị chìm.
Lightoller là chỉ huy của tất cả những người sống sót và sau thảm kịch, ông đã trở thành cố vấn, đưa ra rất nhiều khuyến nghị, lời khuyên cho các công ty đóng tàu để đảm bảo tính an toàn.
Archibald Gracie IV là một nhà văn, nhà sử học nghiệp dư và là hành khách hạng nhất trên tàu Titanic. Khi vụ va chạm xảy ra, ông đã giúp Charles Lightoller đưa phụ nữ và trẻ em xuống xuồng cứu sinh. Sau khi con tàu chìm, ông đã tự cứu chính mình bằng cách trèo lên trên một chiếc thuyền bị lật. Sau khi trở về New York, Gracie bắt đầu viết một cuốn sách về trải nghiệm của mình trên con tàu Titanic. Cuốn sách này sau đó đã trở thành nguồn thông tin quý giá cho các nhà sử học và nghiên cứu.
Gracie đã bị ám ảnh về vụ đắm tàu Titanic đến nỗi những lời cuối cùng trong mê sảng của ông là: "Chúng ta phải đưa họ vào thuyền. Chúng ta phải đưa tất cả mọi người lên thuyền".
Vào ngày xảy ra thảm kịch, Jack Phillips, nhân viên phụ trách điện tín của tàu đã nhận được rất nhiều điện tín của hành khách vì chiếc đài hôm trước bị hỏng. Phillips mệt mỏi đến nỗi anh đã không đưa ra lời cảnh báo nào cho thuyền trưởng về những tảng băng trôi từ những con tàu khác. Phillips thậm chí còn không nghe toàn bộ thông báo có thể giúp tránh va chạm vì nó không được đánh dấu là "quan trọng".
Khi va chạm xảy ra, thuyền trưởng ra lệnh cho tất cả các nhân viên gửi tín hiệu SOS. Jack Phillips đã không dừng chương trình radio mình nghe cho đến khi căn phòng đầy nước và đài không hoạt động nữa. Phillips đã không sống sót sau thảm kịch. Harold Bride, người làm việc chung với Phillips cho biết đã vô cùng kinh ngạc vì đồng nghiệp bình tĩnh làm việc cho đến tận giây phút cuối cùng.
Cảnh phim quay lại một cặp vợ chồng già đang ôm nhau trong dù chỉ lướt qua trong phim nhưng đã khiến hàng triệu khán giả thổn thức. Họ được xây dựng dựa trên hành khách của Titanic thật là bà Ida và ông Isidor Straus.
Khi thảm kịch xảy đến, nhân viên của tàu Titanic đã bảo cặp vợ chồng cùng xuống xuồng cứu sinh. Nhưng ông Isidor đã từ chối vì muốn cùng những người đàn ông khác ở lại cứu trợ mọi người. Bà Ida không muốn để chồng ở lại một mình. Bà nói: "Chúng tôi đã sống cùng nhau bao nhiêu năm. Anh đi đâu thì em đi đó". Đôi vợ chồng già được nhìn thấy lần cuối cùng đứng tay trong tay trên boong.
Trong phim Titanic có cảnh mặc cho mọi người hoảng sợ trên con tàu đang chìm, dàn nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc khiến mọi người xúc động. Ngoài đời thật, điều kỳ lạ này cũng đã xảy ra.
Wallace Hartley là nhạc trưởng dàn nhạc trên tàu và sau vụ va chạm với tảng băng trôi, Hartley và các nhạc công khác muốn giữ bình tĩnh cho hành khách nên vẫn chơi nhạc. Nhiều nhân chứng khẳng định dàn nhạc vẫn tiếp tục chơi cho đến khi con tàu chìm. Không ai trong số các nhạc công sống sót. Thi thể của Hartley được tìm thấy với cây đàn violin vẫn cầm trên tay. Trên mặt sau chiếc đàn gỗ có một dòng chữ ghi "Dành tặng Wallace nhân dịp chúng ta đính hôn, từ Maria".
Bright Side