Có lẽ bạn sẽ nghĩ, làm sao những người thân yêu nhất của mình lại có thể làm điều tổn hại đến mình? Điều này nghe thật khó tin. Nhưng đây hoàn toàn là câu chuyện có thật về cuộc đời của diễn viên Jennette McCurdy - một trong những sao nhí nổi tiếng của đài Nickelodeon.
Bề ngoài, cô là một hình mẫu lý tưởng cho các sao nhí thành công khi sở hữu những vai diễn ăn khách, được hàng triệu người biết đến và có cuộc sống xa hoa đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, bên dưới “tảng băng trôi” ấy là hàng chục năm bị kìm kẹp, sống dưới sự thao túng của một người mẹ ái kỷ.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, McCurdy đã phải chịu sự kiểm soát đến điên rồ của mẹ mình. Một mặt, bà luôn lấy lý do muốn tốt cho con, “muốn mang đến cho con cuộc sống mẹ chưa từng có”. Nhưng mặt khác, bà lại tìm mọi cách thao túng con gái phải nghe theo ý nghĩ của mình, từ việc ăn gì, mặc gì, cho đến các mối quan hệ xã hội, thậm chí là áp đặt McCurdy phải tham gia vào con đường diễn xuất dù cô không muốn và cũng không chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những áp lực từ công việc này.
Sự thao túng của người mẹ ái kỷ Debra đã để lại những bóng đen trong cuộc đời của McCurdy, dẫn đến những hệ lụy tâm lý nghiêm trọng sau này: từ việc mắc chứng cuồng ăn, sau là ăn-nôn, cho đến việc nghiện rượu, sống thờ ơ, lãnh cảm, sợ hãi, phụ thuộc và gần như luôn ở trong tình trạng đau đớn về mặt tinh thần…
Cả khi bà Debra qua đời, những ảnh hưởng từ mối quan hệ thao túng vẫn tác động nặng nề đến cuộc sống của McCurdy. Phải mất một thời gian dài sau khi bước vào quá trình trị liệu tâm lý, McCurdy mới chấp nhận sự thật rằng bấy lâu nay mình đã bị mẹ thao túng, lạm dụng và ngược đãi. Để thoát "gông kìm" này, cô phải học cách đối diện và phá vỡ những trói buộc tâm lý mà mẹ cô đã cài cắm vào tâm trí mình từ thuở ấu thơ, đồng thời nhờ sự hỗ trợ từ các liệu pháp khoa học, cũng như sự nâng đỡ tinh thần từ những người thân thiết.
Có thể nói, đây là một hành trình gian nan và khó khăn. Thậm chí, McCurdy đã nhiều lần bỏ cuộc vì sợ hãi và đau đớn. Nhưng niềm tin về việc làm đủ đời mình và không còn bị thao túng bởi chứng rối loạn ăn uống hay bất kỳ ai đã giúp McCurdy kiên trì vượt qua quá trình trị liệu. Trong cuốn hồi ký “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa”, McCurdy chia sẻ:
“Về mặt nào đó, quá trình hồi phục cũng khó khăn như những năm tháng ăn-nôn và nghiện rượu, nhưng khó theo một cách khác. Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với các vấn đề của mình thay vì chôn vùi chúng bằng những hành vi rối loạn ăn uống và chất gây nghiện. Tôi phải xử lý không chỉ nỗi đau về cái chết của mẹ tôi mà còn cả nỗi đau về thời thơ ấu, thời niên thiếu và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành – khi tôi cảm thấy tôi chưa bao giờ được sống cho chính mình. Hồi phục là chuyện rất khó khăn, nhưng đó là loại khó khăn khiến tôi thấy tự hào."
Những chia sẻ của McCurdy trong hồi ký "Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa" không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về những mối quan hệ thao túng được bọc lót dưới lớp vỏ yêu thương mà còn giúp cho những ai đang ở trong mối quan hệ thao túng có thể tìm thấy sự đồng cảm, từ đó can đảm đứng dậy đấu tranh giành lại quyền làm chủ cuộc đời mình.