Tuy nhiên, những bộ phim hài Tết hay những bộ phim được chiếu trên YouTube thì lại không được kiểm duyệt một chút nào, nhiều người dù chưa đến tuổi xem những cảnh bạo lực hở hang nhưng vẫn có cơ hội để tiếp cận những bộ phim như vậy.
Có một thực tế không thể phủ nhận là thời gian gần đây, các đạo diễn những bộ phim này đã quá lợi dụng những cảnh khoe da thịt, hở hang để thu hút người xem. Thậm chí quảng bá bằng những hình ảnh những cô hotgirl hớ hênh có vòng 1 lộ liễu, luôn luôn thích khoe mà kỹ thuật đóng phim thì hầu như không có.
Gần đây nhất là những bộ phim nhận được vô số gạch đá từ dư luận vì lợi dụng quá nhiều cảnh hở hang, lời thoại thì dung tục, có nhiều cảnh sex để câu view như "Làng ế vợ 2", "Tỷ phú đè đại gia", "Bản nhiều vợ"... Đặc biệt, "Bản nhiều vợ" là bộ phim hài Tết xoay quanh câu chuyện về Bản Tình - một bản người sống trong rừng, tách biệt thế giới hiện đại. Người dân nơi đây bị miêu tả với hình ảnh sinh hoạt dị biệt, ăn cóc nhái và nhiều món bốc mùi. Ngoài ra, đàn ông ở bản có người lấy nhiều vợ cùng lúc, lại có người mắc bệnh yếu sinh lý.
Những diễn viên trong phim ăn mặc hở hang, phản cảm
Vừa mới lên sóng nhưng "Bản nhiều vợ" đã nhận vô số "gạch đá" vì có nhiều cảnh hở hang, lời thoại dung tục. dùng sex để câu view. Đặc biệt cảnh quay Ma Sình có những hành động sàm sỡ, ôm hôn 1 trong 4 cô gái trẻ đẹp cũng khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.
Lời thoại của 2 diễn viên trong cảnh quay này cũng chứa đựng những từ ngữ dung tục: "Muốn chuyện gì em cũng chiều à? Muốn ngủ với nhau có được không?", "Có phải người Kinh hay ăn kẹo cao su để tránh thai không? - Không, đấy là bao cao su"....
Rất nhiều khán giả sau khi xem xong bộ phim đã để lại bình luận phản ứng gay gắt trước việc đạo diễn cố tình khai thác những cảnh quay dung tục, nhạy cảm. Thực tế là vì lợi dụng kẽ hở đó mà phần lớn các phim hài tết theo phong cách hiện đại ngày nay đều chứa đựng các mô-tuýp như đại gia hám gái, thanh niên chạy theo “của lạ”, gái xinh ăn mặc “thiếu vải”… Thậm chí, hài Tết còn mạnh bạo tới mức đưa cả cảnh hãm hiếp vào phim như cảnh của Quang “tèo" với Phí Huyền Trang trong “Tỷ phú đè đại gia” gây náo loạn thời gian qua.
Những cảnh máu me bạo lực cũng được sử dụng triệt để trong phim
Ngoài ra, trong các phim “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ”… năm nào cũng tuyển các hotgirl tham gia phim nhằm khai thác triệt để vẻ sexy hình thể nhằm câu khách. Các cảnh này thường được xây dựng khiên cưỡng, thừa thãi, không cần thiết đối với kịch bản. Trả lời về những cảnh phim mà mình làm đạo diễn, nghệ sĩ Bình Trọng cho biết các cảnh quay hở da thịt chỉ thoáng qua một chút, không có gì quá phản cảm.
Còn với đạo diễn Dương Ngọc Bảo - đạo diễn một loạt phim như "Tỷ phú đè đại gia", "Bản nhiều vợ" cho hay, những phim anh làm đạo diễn chỉ là những tác phẩm hài để giải trí, không có gì "đao to búa lớn". Bộ phim cũng không hở hang gì cả cũng không nói đến một địa điểm riêng tư cụ thể nào cả. Đó chỉ là một bộ phim hài tưởng tượng để giải trí, chứ không phải để "dạy học".
"Những nhân vật nữ của tôi chỉ mặc bikini tắm suối, chẳng có gì hở hang cả. Đó cũng tương tự việc nhiều hoa hậu mặc bikini phát sóng trên truyền hình", nam đạo diễn trần tình khi phim bị nhận xét dung tục. "Không có nghệ sĩ thành danh nào lại đi diễn một bộ phim có những cảnh như vậy. Tôi nghĩ, điều này chỉ là khán giả tự nghĩ ra. Ví dụ phân cảnh anh Chiến Thắng bế vợ lên giường là một cảnh hết sức bình thường. Tôi không buồn mà còn thấy vui vì càng nhiều người đánh giá thì bộ phim ngày càng được chú ý", nam đạo diễn cho biết.
Liên hệ với Hiệp Gà - người cũng có một vai chính trong phim hài "Bản nhiều vợ", anh cho hay việc khán giả nhận xét bộ phim ra sao là ý kiến chủ quan của mỗi người. Anh cũng không quan tâm lắm lời nhận xét của mọi người vì khán giả có quyền phản hồi tốt hay xấu là việc của họ.
Những cảnh mát mẻ trong phim hài Tết được khai thác tối đa
"Tôi chỉ thấy mình là diễn viên, mình làm tốt vai trò của mình là được. Hơn nữa, không phải bộ phim nào làm ra cũng được mọi người ủng hộ. Tôi nhận lời tham gia đóng phim vì tôi là diễn viên nên tôi đi đóng phim lấy tiền, đơn giản vậy thôi", Hiệp Gà bày tỏ.
Về phần mình, nghệ sĩ hài Quang Tèo - một gương mặt xuất hiện rất thường xuyên trong những bộ phim hài Tết từng không ít lần chia sẻ về vấn đề này. Anh cho biết đôi khi nhận vai diễn vì không muốn từ chối chỗ anh em bạn bè quen biết, chứ không phải vì tiền. "Những bộ phim phản ánh đời sống xã hội, muốn một bộ phim có tính giáo dục phải có những nhân vật như vậy để khán giả thấy mà thay đổi", nam nghệ sĩ khẳng định. Nam diễn viên hài này cho biết ai chỉ trích chắc chưa xem phim kỹ, những cảnh phim không hề gượng ép hay phản cảm. Ê-kíp làm phim cũng tính toán kỹ để đảm bảo cho diễn viên được tự nhiên nhất, tránh trường hợp “nhạy cảm”.
Thậm chí, Quang Tèo còn so sánh dàn diễn viên với cuộc thi hoa hậu: “Trong các cuộc thi sắc đẹp, các cô gái chỉ mặc nội y đi lại trên sân khấu trước hàng ngàn khán giả, phô bầy thân thể… mà có ai nói gì đâu. Trong khi đó, phim của chúng tôi chỉ có một chút cảnh gợi cảm để mô tả nhân vật hoặc tình huống thì khán giả chê lại chê ngược chê xuôi. Phải chăng như thế là mình quá khắt khe với nghệ thuật?”
Tuy các nghệ sĩ và đạo diễn đã lên tiếng về những cảnh quay phản cảm hoặc quá nhiều cảnh hở hang trong phim của mình, nhiều khán giả vẫn cảm bày tỏ sự thất vọng khi hài Tết ngày càng kém chất lượng và không mang lại giá trị nghệ thuật cũng như giải trí mong muốn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hàng loạt phim hài Tết đã lợi dụng cảnh khoe da thịt để câu khách, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết, nhiều năm nay Cục không quản lý lĩnh vực cấp phép băng đĩa lĩnh vực âm nhạc - phim ảnh mà giao cho Sở Văn hóa - Thể thao / Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, quy trình cấp phép đối với một sản phẩm văn hóa không phân biệt là âm nhạc hay phim ảnh đều thông qua một hội đồng thẩm định gồm 5 người.
Theo đó, các đơn vị nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa theo thủ tục hành chính kèm theo đĩa gốc. Sau khi nhận hồ sơ, hội đồng kiểm duyệt sẽ xem xét nội dung để cấp phép. Những gì trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm hoặc nhạy cảm chính trị sẽ bị đề nghị cắt bỏ. Ông Nguyễn Văn Trực cũng nhấn mạnh, nhiều năm nay, theo Nghị định mới, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã bỏ “thao tác” dán tem cho sản phẩm văn hóa mà đơn vị sản xuất sẽ tự thực hiện thao tác đó. Riêng về những sản phẩm hài Tết hoặc âm nhạc phát hành trên mạng thì không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao mà thuộc thẩm quyền của lĩnh vực truyền thông - an ninh mạng.
Trước ý kiến trái chiều của khán giả, NSND Trần Nhượng thừa nhận gần đây phim hài Tết xuất hiện quá tràn lan, bị đánh giá là hài nhảm nhiều. Tuy nhiên, là người nghệ sĩ, ông chỉ nhận lời đóng nếu vai diễn phù hợp và không quá phản cảm. Nghệ sĩ Trần Nhượng cho hay, chính khán giả sẽ là người đào thải những bộ phim hài nhảm. Từ đó, nhà sản xuất sẽ phải làm ra những bộ phim chất lượng hơn.
Dạ Thảo